Nhà văn Khổng Minh Dụ và những ám ảnh kiếp nhân sinh

Thứ Hai, 21/04/2014, 08:00
Thiếu tướng - nhà văn Khổng Minh Dụ tâm sự: Cái khổ của người cầm bút là thế, có những nỗi đau vò xé suốt cuộc đời. Dường như viết ra dù chỉ là một phần nhỏ bé. Song, đó là sự giải tỏa bớt nỗi day dứt cho mình và cũng là trả một phần nghìn "món nợ" với đời. Món nợ mà tạo hóa đã cho vay...

Nhập ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1961, đến tháng 12 năm 1975 thì ông chuyển ngành sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Thiếu tướng - nhà văn Khổng Minh Dụ từng đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục An ninh Văn hóa - Tư tưởng. Ông sáng tác văn học từ năm 1968. Năm 1972 ông đã đoạt giải thưởng về truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng (VNQGP) miền Nam. Ngoài sáng tác văn xuôi ông còn sáng tác thơ. Thơ ông nặng về suy tưởng và những trăn trở về kiếp nhân sinh. Tính đến nay, ông đã cho xuất bản hơn mười tập sách và hai cuốn mới nhất là: "Những người ở ngôi nhà mật", dày gần 300 trang in và cuốn "Nỗi niềm ai tỏ", dày gần 150 trang in.

Ông tâm sự: "Cái khổ của người cầm bút là thế, có những nỗi đau vò xé suốt cuộc đời. Dường như viết ra dù chỉ là một phần nhỏ bé. Song, đó là sự giải tỏa bớt nỗi day dứt cho mình và cũng là trả một phần nghìn "món nợ" với đời. Món nợ mà tạo hóa đã cho vay. Đừng nghĩ rằng cái mà người đời vẫn bảo: Năng khiếu bẩm sinh, trời phú... là tự dưng mà có. Văn nhân ơi! Thi sĩ ơi! Quý vị là "con nợ" của sự nghiệp văn chương mà cả cuộc đời không trả hết". Chắc có nhiều người nghĩ những ngày này ông đã sống trong không khí của "ngôi nhà mật", điều đó đúng nhưng có lẽ là chưa đủ, vì hôm nay phóng viên VNCA được ngồi với ông và ông lại tâm sự về tác phẩm đầu tay của mình.

- Thưa nhà văn Khổng Minh Dụ, chiến tranh giặc giã ông đi qua nhiều chiến trường nên chắc không còn giữ được bản thảo của truyện ngắn đầu tay?

+ Tôi mê văn chương từ khi bước chân vào đời lính (1961). Năm 1965 đi chiến trường "B". Hiện thực cuộc sống ở chiến trường đã thôi thúc tôi cầm bút. Nhưng phải đến năm 1968 mới tập tọe gọi là viết văn, viết báo. Tác phẩm đầu tay là một truyện ngắn tôi viết tại căn cứ của cụm Tình báo chiến lược B48 ở Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương, truyện nói về chiến công của Cu Tèo, một em nhỏ mới hơn 10 tuổi, vì lòng căm thù giặc Mỹ đã mưu trí, dũng cảm giết tên lính Mỹ, lấy súng về tặng du kích địa phương. Những trang viết thời đó trở thành kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của tôi.

- Ông có thể kể qua về truyện ngắn đó?

+ Truyện ngắn đầu tay đó có tên là "Cu Tèo và cái dàn thun", tôi ký bút danh là Thái Dương (tên do Cục Tình báo Quân đội đặt cho để sử dụng trong căn cứ giải phóng). Xin được tóm tắt truyện như sau: Cu Tèo là cháu gọi anh Hai Hùng - lúc đó công tác ở Huyện đội Bến Cát - là chú. Cha và anh của Tèo bị bom Mỹ giết hại, mối thù ấy đã thôi thúc Tèo tìm cách trả thù. Tèo mê dàn thun (súng cao su), bạn bè trong ấp xếp nó vào loại thiện xạ dàn thun. Chiếc dàn thun trở thành "bảo bối" để Tèo làm quen với lính Mỹ gác ở Sở Cao su nhằm mục đích ăn cắp lựu đạn và khi có cơ hội thì cướp súng đem về tặng các chú du kích đánh giặc. Tèo thường thơ thẩn ra chơi và bắn chim ở đầu Sở Cao su. Chiều ấy Tèo đang mỏi mắt kiếm tìm thì có hai con chim bù chao rượt nhau kêu inh ỏi rồi đậu ngay trên cành cao su nơi người lính Mỹ đứng gác. Tèo trổ tài giương dàn thun, tức thì một con bù chao rơi xuống. Người lính Mỹ thấy thế bỗng reo lên: "Gút...ve ri gút... bi sa... bi sa". Rồi anh ta chạy lại ôm chầm lấy cu Tèo. Bất giác anh ta tháo chiếc đồng hồ đeo tay đưa cho Tèo và chỉ vào chiếc dàn thun tỏ ý muốn đổi. Tèo khẽ lắc đầu: "No...no".

Gương mặt người lính Mỹ buồn, thất vọng. Để an ủi anh ta, Tèo lấy một viên sỏi kẹp vào đế da của chiếc dàn thun, đưa cho người lính Mỹ hướng dẫn cách thao tác rồi chỉ tay về phía mấy con sáo đang đậu xa xa. Người lính Mỹ tựa cây súng vào gốc cao su, ôm chầm lấy cu Tèo: "Thank you...bisa...", rồi cầm dàn thun chạy lại phía mấy con sáo để thực hành yếu lĩnh. Thời cơ đã đến, Tèo chộp lấy cây súng, lẳng lặng đi về phía bìa rừng. Khi người lính Mỹ trở lại, thấy Tèo đã vác súng đi rất xa, anh ta hốt hoảng la lên: "Ê...ê...bisa....bisa...". Người lính Mỹ vừa gọi vừa đuổi theo Tèo, tới gần bìa rừng, Tèo quay lại, giương súng, bóp cò...

Bìa cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng in truyện ngắn đầu tay của nhà văn Khổng Minh Dụ.

- Ông có còn nhớ "điểm nút" để ông viết truyện ngắn đầu tay. Ông đã đưa được khoảng bao nhiêu phần trăm hiện thực cuộc sống vào trong tác phẩm đầu tay của mình?

+ Dân tộc ta có câu "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Khí phách của dân tộc đâu phải chỉ có đàn bà mới tham gia đánh giặc, mà cả trẻ nhỏ cũng mang trong mình khí phách đó, không những đánh mà còn khôn ngoan, mưu trí trong cách đánh. "Điểm nút" gây cảm xúc để tôi viết truyện ngắn này là vậy. Chuyện dân ta đánh giặc muôn hình, muôn vẻ, cứ viết "thật như đếm" đã thành truyện, chẳng cần hư cấu bao nhiêu.

- Ông biết truyện ngắn của mình được in trong hoàn cảnh nào? Ông còn nhớ là cảm xúc của mình lúc đó thế nào, nhất là khi cầm tờ báo biếu và những đồng nhuận bút đầu tiên ở chiến trường, ông tiêu những đồng tiền đó thế nào? Sau hai năm cầm bút thì ông đoạt giải thưởng của một tạp chí văn chương của lực lượng vũ trang, truyện ngắn đó so với truyện ngắn đầu tay có gì giống và khác và tiền giải thưởng khi ấy có lớn không?

+ Truyện ngắn trên tôi "liều" gửi về Tạp chí VNQGP trong bối cảnh hết sức tình cờ. Cuối năm 1969, cụm tình báo H67 của chúng tôi có lệnh chuyển căn cứ bám trụ tại Mật khu Bời Lời, thuộc Trảng Bàng, Tây Ninh về chiến trường sông nước Bến Tre để đánh lạc hướng theo dõi của địch. Thời đó phải đi vòng qua biên giới Campuchia rồi băng qua Đồng Tháp Mười, vượt sông Cửu Long để về Bến Tre. Tới biên giới, chúng tôi dừng chân ở đó mấy ngày chờ chuyến giao liên về Đồng Tháp, may mắn gặp đoàn cán bộ tuyên huấn của "R" đi thực tế vùng biên, trong đó có nhà thơ Thanh Giang. Tôi liền gửi anh bản thảo truyện ngắn trên.

Về chiến trường Bến Tre, công việc cuốn hút, tôi chẳng nghĩ đến số phận cái truyện ngắn gửi đi. Mãi tới cuối năm 1971 gặp đoàn cán bộ từ "R" về, anh em cho biết đã được đọc truyện ngắn "Cu Tèo..." của Thái Dương in trên VNQGP số tháng 5/1971. Dẫu chưa biết hình hài cuốn tạp chí ra sao nhưng lòng tôi cứ rộn lên vui mừng khôn xiết, làm anh em trong đơn vị cũng vui lây. Tôi sử dụng cả tháng tiền phụ cấp tiêu vặt là 60 đồng tiền Sài Gòn lúc đó để mua bánh kẹo chiêu đãi anh em trong đơn vị. Cái danh hiệu "Nhà văn" anh em đã "ban" cho tôi từ hôm ấy.

Sự hứng khởi thôi thúc, đêm hôm đó, dưới hầm làm việc tôi đã lôi bản phác thảo truyện ngắn viết từ đầu năm 1970 trong một chuyến đi về xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Nhờ chuyến đi ấy tôi mới có điều kiện tiếp xúc bà con cô bác ở đây. Người có ấn tượng sâu sắc với tôi là một phụ nữ là con thứ 5 trong gia đình (biệt danh Năm "ngọng" vì chị phát âm nhiều từ không bình thường). Không ngờ người đàn bà bình dị ấy lại là Bí thư chi bộ và đã từng nhiều lần cầm đầu "Đội quân tóc dài" đi đấu tranh chính trị chống bắt lính... bị địch bắt, ép phải đưa về căn cứ bí mật của chi bộ. Chị đã lừa chúng, đưa vào bãi mìn của du kích. Tôi đặt tên truyện ngắn trên là "Vùng tử địa".

Cuối năm đó có đoàn công tác từ Bến Tre về chiến khu, tôi nhờ anh em chuyển tới Tạp chí VNQGP, cứ ghi như vậy vì không biết địa chỉ rõ ràng nên cũng không hy vọng là truyện đến tay ban biên tập Tạp chí. Cuối năm 1972 đoàn J2 bổ sung cho đơn vị tôi thêm mấy cán bộ, trong cái mừng vui của đơn vị, tôi được cộng thêm niềm vui - đó là gói quà tặng thưởng tác phẩm đoạt giải Ba của VNQGP cho truyện ngắn "Vùng tử địa". Tôi vội mở gói quà ra và mừng vui khôn xiết khi thấy có 2 cuốn tạp chí in truyện ngắn của mình (in năm 1971 - 1972) kèm theo giải thưởng là cặp đèn pin Trung Quốc, cặp bút Kim Tinh và mấy chiếc khăn mặt. Đó là "nhuận bút" đầu tiên trong cuộc đời cầm bút của tôi.

Hai truyện ngắn trên với hai nhân vật chính khác nhau ở giới tính, vùng miền, tuổi tác nhưng giống nhau ở lòng căm thù giặc, ở lòng yêu nước, bất chấp hiểm nguy vì sự nghiệp giải phóng quê hương.

- Những tác phẩm sau này có còn bóng dáng của tác phẩm đầu tay không thưa ông? 

+ Sau sự kiện ấy, ngòi bút của tôi tự tin hơn. Tôi đã viết hàng chục bài bút ký, truyện ngắn và cả thơ gửi đăng ở báo, tạp chí địa phương...Sau nay tôi tập hợp lại in thành cuốn sách: "Miền quê yêu dấu". Cuốn sách viết riêng về Bến Tre - miền quê văn học của tôi. Năm 2012, tỉnh Bến Tre đã trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu cho cuốn sách đó. Nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn học của tôi sau này đều phảng phất bóng dáng hai nhân vật chính trong hai truyện ngắn đầu tay. Có thể nói Cu Tèo và Năm "ngọng" cứ ám ảnh và trở thành chỗ dựa tinh thần để tôi vượt qua bao nỗi thăng trầm trong cuộc sống.

- Phải chăng ông là người sáng tác nên tổ chức chọn ông sang làm ở cơ quan An ninh - Văn hóa tư tưởng? Là nhà văn thì có lợi thế gì trong công việc so với đồng nghiệp không phải là nhà văn thưa ông?

+ Kết thúc chiến tranh, tôi khoác chiếc ba lô "Con Cóc" còn vương bụi chiến trường chuyển ngành từ Cục II Quân đội sang Cục bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa  - Tư tưởng (A25) thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và được giao nhiệm vụ phải thường xuyên tiếp xúc với trí thức, văn nghệ sĩ. Hơn ba mươi năm công tác trên lĩnh vực này, tôi nghiệm ra rằng mình có nhiều may mắn, lợi thế trong công tác nghiệp vụ An ninh, đặc biệt là An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng.

- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này

Nguyễn Thế Hùng
.
.