Nhà văn Hương Keenleyside: Tự hào văn hoá Việt

Thứ Hai, 18/01/2010, 16:00
Hương Keenleyside là nhà văn Việt kiều hiện sống và viết ở London (Anh). Các tác phẩm của chị được độc giả trong và ngoài nước chú ý có thể kể đến như "Cầu vồng ở Iraq", "Điệp viên 002", "Bà trùm thế giới ngầm". Để chào mừng. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chị đang gấp rút hoàn thành bộ sách kể chuyện các danh nhân lịch sử dành cho thiếu nhi.

Về nước tham dự đại hội Việt kiều toàn thế giới vừa qua, chị có nhiều trăn trở về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt cho thế hệ người Việt trẻ sống ở hải ngoại. Cùng với đó là tâm sự của chị về công việc sáng tác văn học ở nước ngoài...

-Chào chị Hương Keenleyside, con số thống kê gần đây nhất cho biết hiện nay có tới hơn 3 triệu bà con Việt kiều sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Với một con số không nhỏ người Việt ở nước ngoài như vậy thì vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong các cộng đồng người Việt sẽ là một thách thức lớn. Riêng với cộng đồng người Việt ở Anh, trong vai trò thành viên Ban Chấp hành Hội Việt kiều, chị có thể nói gì về các hoạt động mà Hội đã làm để góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ?

+ Để trả lời câu hỏi này, tôi bắt đầu bằng việc nói về các con tôi. Ở Anh, tôi làm chủ một nhà hàng ăn uống. Cháu lớn sinh ra ở Việt Nam và nói tiếng Việt thì ngày nào cũng dậy sớm giúp mẹ dọn dẹp cửa hàng, biết mời mẹ trước khi ăn cơm, ăn xong đứng dậy xin phép; mẹ đi đâu về muộn biết nấu cơm, lau nhà. Còn cháu thứ hai sinh ra ở Anh, lớn lên bằng tiếng Anh thì không như vậy. Tôi vào phòng cháu mà không gõ cửa, cháu nói ngay là mẹ chưa xin phép. Cháu cũng ít khi giúp mẹ làm việc nhà.

So sánh hai đứa con lớn lên trong hai nền văn hóa khác nhau, tôi thấy một sự khác biệt rõ ràng. Tôi là một người Việt Nam và tôi rất muốn duy trì văn hóa Việt trong gia đình của mình. Trong văn hóa người Việt, trẻ con biết đỡ đần cha mẹ là một nét rất hay. Nói rộng ra các lĩnh vực văn hóa khác cũng vậy. Chúng ta có thể khẳng định rằng, cho dù sinh ra ở không gian văn hóa nào thì các trẻ em Việt kiều đều có bố hoặc mẹ là người "mắt đen, tóc đen". Và cội nguồn các em chính là dân tộc Việt.

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, các bạn trẻ lớn lên rất dễ quên nguồn gốc, rất dễ đánh mất bản sắc văn hóa của mình nếu không có sự quan tâm giáo dục của các thế hệ đi trước. Là một nhà văn nên tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa cho các thế hệ trẻ Việt kiều, mà cái gốc của văn hóa là tiếng Việt. Người Trung Quốc ở nước ngoài bây giờ đã là thế hệ thứ 15 rồi nhưng phần lớn họ vẫn nói tiếng Trung, còn người Việt mình mới thế hệ thứ 3 nhưng đã đối diện với nguy cơ ngày càng có ít người sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ. Nhận thấy nguy cơ đó, Hội người Việt ở Anh chúng tôi thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em, động viên các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện hướng về quê hương như quyên góp tiền ủng hộ đồng bào nghèo, đồng bào gặp thiên tai, bão lụt... Mỗi khi có các đoàn nghệ thuật từ trong nước sang phục vụ, bà con Việt kiều đều cố gắng đưa con em tới xem để các em có những kiến thức cụ thể về văn hóa Việt, từ đó nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc cho các em.

Tuy nhiên, phải nói thật rằng, việc giữ gìn và phát huy văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt nói chung còn cần rất nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, và phải có chiến lược cụ thể...

- Việc giữ gìn và phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại những năm qua, theo như quan sát của chị, có điều gì bất cập?

+ Thông tin trong nước là một món ăn hàng ngày đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chúng ta có kênh truyền hình dành riêng cho người Việt xa xứ, và rất nhiều tờ báo mạng để bà con có thể truy cập thường xuyên. Nhưng tôi thấy rằng tin tức về mảng đời sống xã hội và mảng văn hóa chưa cân bằng. Nếu chúng ta đưa quá nhiều thông tin đời sống mà quên đi văn hóa thì bà con ở nước ngoài sẽ có cái nhìn thiên lệch. Họ thấy trong nước có nhiều tiêu cực, nhiều tội phạm, nhiều cái sai của quan chức...mà không thấy hết những khởi sắc, những thành công, đặc biệt là những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình.

Tôi cho rằng trong những năm qua, chúng ta không đầu tư vào việc đưa sách văn học ra nước ngoài là một thiếu sót. Trong khi chúng ta đổ công sức vào dịch sách văn học Trung Quốc, văn học Nhật và chúng tràn lan trên hiệu sách, lấn lướt cả các tác giả trong nước, thì ở nước ngoài, ngay cả bà con Việt kiều cũng ít có cơ hội được đọc các tác phẩm văn học Việt Nam. Với các cháu thiếu nhi, thì sách văn học bằng tiếng Việt dành cho chúng càng hiếm hoi... Tại Đại hội Việt kiều toàn thế giới vừa qua, trong tham luận của mình, tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này và nêu ra một vài phương án.

- Những phương án cụ thể đó là gì, thưa chị?

+ Theo tôi, các đơn vị làm sách trong nước, ngoài việc cung cấp các sản phẩm sách cho độc giả trong nước, cần liên kết với các Hội Việt kiều yêu nước để gửi sách ra nước ngoài, tạo điều kiện để bà con Việt kiều có cơ hội được thưởng thức các tác phẩm trong nước. Nên đặc biệt chú ý đến mảng sách cho thiếu nhi. Các loại hình nghệ thuật như ca nhạc, sân khấu cũng cần được in thu băng đĩa phát hành ở các cộng đồng người Việt nhiều hơn. Các hoạt động văn hóa trong nước phải được cập nhật trên báo chí, đặc biệt là cần có nhiều hơn nữa các ấn phẩm dành cho người Việt ở nước ngoài. Việc này một vài cá nhân không thể làm được, mà phải có sự trợ giúp của các cơ quan nhà nước, các cơ quan văn hóa, để 5 -10 năm nữa chúng ta sẽ có một thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài hiểu biết sâu sắc về văn hóa nước mình và làm được nhiều việc hữu ích hơn cho đất nước...

- Phải chăng vì những đau đáu ấy mà chị đang gấp rút hoàn thành công trình mới, một bộ sách về các danh nhân lịch sử Việt Nam cho trẻ em?

+ Có lần về nước, ngồi uống cà phê vỉa hè trên phố Nguyễn Du, tôi hỏi mấy cháu học sinh đi học về rằng, các cháu có biết Trần Khát Chân là ai, Trần Nhật Duật là ai không, các cháu đều lắc đầu không biết. Từ đó tôi mới nảy ra ý định sẽ viết về những danh nhân lịch sử gắn với các tên phố phường ở Hà Nội. Công trình này có thể hiểu là của cá nhân tôi, một người viết văn ở xa Tổ quốc hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng mục đích chủ yếu của tôi là để con cháu mình trong và ngoài nước có thể có những cuốn sách nhỏ gọn nhưng đầy đủ và dễ hiểu kể về cuộc đời của các danh nhân đất Việt, từ đó thêm hiểu về lịch sử dân tộc và yêu mến truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc mình. Tôi đã phải đọc rất nhiều tư liệu lịch sử, rồi bằng ngòi bút của mình diễn đạt lại câu chuyện sao cho phù hợp với sự tiếp nhận của trẻ em. Tôi tin rằng với những cuốn sách như vậy, các em sẽ không ngại học lịch sử nữa.

- Các nhà văn ở trong nước thường không mấy người sống được bằng nghề. Còn chị thì sao?

+ Trung bình mỗi năm tôi viết 2 cuốn sách, ngoài ra còn tham gia viết báo nữa. Ở Anh, làm một nhà văn chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể sống bằng nghề. Nếu sách anh bán chạy thì thậm chí là anh rất sung túc. Bà con Việt kiều đọc sách biết đến tôi và họ rất yêu quý tôi. Những độc giả mua sách của tôi nếu muốn tác giả ký tặng thì họ thường trả tiền gấp đôi gấp ba. Ở Anh, để được nhà văn ký tặng vào sách, bạn đọc mua sách phải trả thêm 20 bảng. Người Việt mình gặp nhà văn hay hỏi xin sách, xin chữ ký, còn ở Anh, người ta yêu quý sách của nhà văn thì họ luôn bỏ tiền mua, như một cách tôn trọng nhà văn vậy. Tôi làm chủ nhà hàng cũng có cái tiện lợi, là khách hàng đến ăn uống xong họ thường mua sách của tôi. Bán được nhiều sách tôi cũng thấy vui và ham viết. Một điều nữa là bạn đọc ở Anh rất thú vị. Họ đọc sách chỗ nào không hiểu họ thường gọi điện thẳng cho tôi để góp ý, chia sẻ. Thậm chí có người mắng tôi vì một lỗi chính tả tôi viết sai. Tất cả những quan tâm ấy khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc

- Nhìn lại buổi đầu cầm bút, ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với chị?

+ Nhà thơ Bằng Việt là một người anh, một người thầy của tôi. Ông chứng kiến những ngày đầu tiên tôi tập tọng cầm bút. Mặc dù rất khuyến khích tôi đến với văn chương, nhưng khi tôi đã viết được hai cuốn sách rồi và ngỏ ý muốn làm đơn xin vào Hội Nhà văn Hà Nội, Bằng Việt đã mắng: "Hai cuốn sách của cô viết lủng củng, sai cả lỗi chính tả, cô chưa thể vào Hội được. Viết tiếp đi". Một người khác là nhà thơ Hồng Thanh Quang. Khi ra sách, tôi có gặp anh và có ham hố muốn nhờ anh viết bài, liền bị "quật" lại một câu rất sắc: "Cô hồ đồ quá, sách của cô tôi chưa đọc, làm sao viết được. Cô cứ cặm cụi viết đi. Mỗi cuốn sách có số phận riêng của nó, không phải lăng xê". Thế là tôi lại ngồi vào bàn, gạt hết mọi ham muốn ngoài câu chữ. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy chính là sự phê bình thẳng thắn của các đàn anh đi trước đã giúp tôi trưởng thành.

- Xin cảm ơn nhà văn Hương Keenleyside

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.