Nhà văn Đoàn Lê: Ẩn mình dưới trang văn

Thứ Hai, 02/01/2012, 08:00

Thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) một chiều nắng trong vắt. Tôi tìm tới nhà văn Đoàn Lê khi hay tin chị vừa bình phục sau trận ốm khá nặng. Ngôi nhà của chị cách đường phố ồn ào xe chạy chừng dăm chục bước chân nhưng Đoàn Lê quen gọi là "xóm Núi" vẫn như hồi tôi đến lần đầu cách đây mấy năm: tĩnh lặng với bóng cây phủ rợp, chiếc bể cá lặng lẽ ở góc sân... Trên tường phòng khách, những bức tranh của Đoàn Lê treo kín...

Nhưng câu chuyện chiều nay với nữ văn sĩ, chúng tôi không nói về căn bệnh của tuổi 68, mà chỉ trò chuyện về văn chương, đặc biệt là cuốn sách "Đoàn Lê - tác phẩm chọn lọc" dày 428 trang vừa phát hành, gồm những truyện ngắn mà Đoàn Lê tâm đắc nhất.

- Thưa nhà văn Đoàn Lê, bà viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim. Ngoài ra, bà còn làm nhiều công việc khác: diễn viên, đạo diễn, họa sĩ… Năm 2011 sắp kết thúc, nhìn lại chuỗi hoạt động đó, bà thấy mình thành công nhất khi viết ở thể loại nào?

+ Vì tôi "ngó ngoáy" lắm công việc như bạn đã biết, nên cứ khi nào tiện và hào hứng với việc gì thì làm việc đó. Còn thành công hay không, lại tùy vào nhận xét của dư luận khán giả, độc giả. Với người viết, "con" nào mình chả yêu, chả thiên vị. Nhưng nhìn lại quả thực tôi thấy mình thoải mái hơn cả khi viết truyện ngắn. Nó vừa đủ độ thời gian mình dành cho nó, không kéo dài quá.

- Đọc các tập truyện của bà, tôi có cảm nhận này: Đoàn Lê viết truyện cứ như không. Đề tài gì bà cũng có thể viết, lại viết nhanh. Thậm chí, bạn bè văn chương vẫn bảo bây giờ có thể ra đề tài bất kỳ, Đoàn Lê có thể hoàn thành truyện ngắn đăng báo ngon ơ? Dường như bà viết truyện ngắn khá dễ dàng?

+ Và cũng có thể tắc tị lắm chứ (cười). Các bạn tôi yêu quý nói thế thôi. Có câu chữ nào không phải vắt óc ra đâu? Với người cầm bút, cái đầu dành chỗ cho những ý tưởng mới quan trọng. Đối với tôi, việc chuẩn bị viết một truyện ngắn thì gần như câu chuyện đã được sắp xếp đầy đủ trong óc mình, thậm chí thấy nó như hình ảnh một phim ngắn đã xem, đôi khi cả đến nhân vật cũng rõ nét. Sau đó chữ nghĩa tự nhiên chảy ra. Những chi tiết bất ngờ nảy sinh trong khi viết chỉ bổ sung cho da thịt câu chuyện thêm phần duyên dáng.

- Vậy bà quan niệm thế nào về truyện ngắn?

+ Truyện ngắn theo tôi trước nhất là một câu chuyện không có nhiều tuyến, nhiều nhân vật đan xen. Bạn cứ hình dung bạn phải kể câu chuyện cho một người bạn đang sốt ruột, chỉ dành cho bạn rất ít thời gian, chỉ đủ nghe bạn tâm sự về một sự cố, một diễn biến cảm xúc... Tôi rất tâm đắc với những truyện ngắn có ý tưởng sâu sắc, đặc biệt cái kết bất ngờ, ấn tượng.

Bìa cuốn sách "Đoàn Lê - Tác phẩm chọn lọc".

- Đọc những truyện ngắn gần đây của bà, như "Chờ nhật thực", "Chờ nguyệt thực", "Sex", "Quai xăm", "Làm đẹp", "Gối mộng",… ít người nghĩ tác giả của nó đã lên chức… cụ, đã sắp vào tuổi 70. Vì sao bà giữ được sự trẻ trung, cập nhật như thế trong khi nhiều đồng nghiệp cùng lứa với bà khá khó khăn để có một giọng điệu phù hợp, chinh phục những độc giả văn chương bây giờ?

+ Nếu được vậy thì cũng may mắn nhờ giời đấy. Nhưng tôi có nguyên tắc sống không xa rời giới trẻ, không xa rời thực tế đời sống, cố nắm bắt nhịp thở lẫn ngôn từ chung quanh mình. Thực ra nó chính là nguồn vui lẫn cảm hứng sống của mình vậy. Rồi từ góc nhìn của mình nhận ra những nghịch lý, những bi hài muôn đời của con người, rồi cố dùng những giọng hài hước nếu có thể để kể lại thôi. Hài hước là thứ sirô giúp người ta dễ uống thuốc đắng.

- Bà còn nhớ truyện ngắn đầu tay của mình không?

+ Nhớ chứ. Loạt truyện ngắn đầu tiên tôi đăng trên báo Đại đoàn kết từ năm tôi mười chín tuổi (1963) như: "Trương Viên", "Đôi mắt hoa nhài", "Cây xoan non". Nay tôi đã thất lạc những bản thảo truyện ngắn đó rồi. Thật tiếc. Hai truyện đầu viết về những mối tình bị chia cắt do chiến tranh gây nên. Truyện "Cây xoan non" viết về tình yêu gắn bó của các em thiếu nhi đối với những anh Bộ đội Cụ Hồ, đăng Báo Văn nghệ. 

- Trong số các nhà văn, bà thích nhất lối viết truyện ngắn của ai?

+ Tôi thích nhà văn bậc thầy Nam Cao. Ông thật thâm thúy dí dỏm, tinh tế, đầy tính nhân văn. Ngày nay Nam Cao được giới phê bình văn học nghiên cứu và đánh giá khá đầy đủ, như chúng ta đã biết. Phẩm chất văn chương của ông luôn khiến tôi ngưỡng mộ. Ông không giả dối chút nào với mình và với người đọc. Tôi cũng cố gắng như vậy.

- "Đoàn Lê - Tác phẩm chọn lọc" có phải là một cuộc tổng kết những sáng tác mà bà tâm đắc nhất ở mảng truyện ngắn?

+ Vâng, tạm thời tổng kết đến giai đoạn viết hiện thời. Nó là những sáng tác được chọn lọc khá kỹ. Tuy chỉ 428 trang in nhưng là những trang in đầy tâm huyết của tôi trong nhiều năm qua.

- Đích thân bà tuyển chọn 23 truyện ngắn trong tập sách này?

+ Tôi có tham gia gợi ý vào khâu tuyển chọn cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và biên tập viên Hoa Phượng ở NXB Phụ nữ. Chúng tôi đã làm việc rất ăn ý với nhau.

- Có nhiều truyện ngắn trong tập bà đề tặng những người thân trong gia đình, như tặng con trai, tặng anh tôi… Bạn văn cũng không khó để nhận ra nhiều chuyện đời của tác giả trong cuốn sách. Có thể xem cuốn sách này như một cuốn tự truyện được tác giả khéo léo gắn với các "mác" truyện ngắn không, thưa nhà văn Đoàn Lê?

+ Đọc tác phẩm nhận ra được tác giả là chuyện dễ hiểu. Nhưng đôi khi người ta còn hiểu lầm mình nữa (cười). Đa phần những câu chuyện tôi viết đều từ gan ruột của mình giãi bày trên trang giấy. Ẩn trong mỗi câu chuyện có phần sống tôi từng trải nghiệm. Và tôi đều thích thú khi được đi ẩn như thế. Ví dụ bạn thấy tôi hay viết về tình yêu, hãy tin rằng người tôi yêu luôn nhận ra mình có mặt trong đó, dù tôi đề tặng hay không. Nhưng trong tập cũng có nhiều truyện hư cấu nữa chứ…

- Vậy bà có chút e ngại nào không khi kể những chuyện ấy ra?

+ Tại sao lại e ngại khi kể? Tôi có làm điều gì suồng sã đâu? Nếu e ngại tôi đã không viết. Những chuyện khác nếu tôi viết ra thì hẳn có lý do tôi định giãi bày với độc giả điều gì đó.

- Xóm Chùa đã đi vào một chuỗi những truyện ngắn của bà như "Trinh tiết xóm Chùa", "Xóm Chùa thời ung thư", "Giường đôi xóm Chùa"…. Cái xóm Chùa ấy là một địa danh có thật?Bà có thể lý giải vì sao nó ám ảnh bà nhiều như thế, hơn hẳn các vùng đất khác?

+ Xóm Chùa là một địa danh tôi đặt cho nơi tôi từng sống, từng quen biết - đó là làng Lủ (Kim Giang, Hà Nội). Những nhân vật Sĩ Thái Sư, Lão kép cải lương, bà Chiu, bà Thim... thậm chí đến con chó Mốc, tất cả lúc nào cũng như vẫn sống quanh tôi, quay cuồng trong cuộc mưu sinh. Nhưng xóm Chùa chỉ là hình ảnh đất nước thu nhỏ lại. Xã hội với những xóm Chùa, xóm Núi trong truyện ngắn của tôi, nơi đang thay đổi từng ngày từng giờ, nhuốm đủ nỗi vui buồn thấm thía. Truyện gần đây nhất của tôi là truyện ngắn "Kiệm cười" (in Báo Người Đại biểu nhân dân) cũng viết về xóm Chùa, còn truyện "Gối mộng" (in báo Văn nghệ Công an) viết về xóm Núi đều đăng trong tháng 11-2011.

- Trong lời đầu sách, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có kể chuyện rằng, có những lúc bà đã bi quan tâm sự với bạn văn rằng: "Tôi không thể cho bệnh đi trước tôi đâu. Tôi sẽ đi trước nó. Người ta thiếu gì cách chết. Ra biển, tan vào sóng xanh chẳng hạn". Bà có thể nói rõ hơn về sự bi quan ấy? Và tới giờ, chắc những "chấn thương" đó không còn nữa?

+ Vâng, một thời kỳ, căn bệnh tiểu đường tôi mắc phải khá rắc rối. Tôi không nghĩ có thể vượt qua. Tôi không muốn để mình tới mức tàn phế. Một hôm nào đấy tôi sẽ ra biển "đi vào lòng đại dương" chẳng hạn. Bây giờ, sau một thời kỳ điều trị, những chấn thương tâm lý đã qua đi và tôi với bệnh hiện chung sống hòa bình được rồi. May mắn nhất là tôi vẫn đủ sức làm mọi việc mình yêu thích.

- Năm 2011 này bà vừa khỏi bệnh đã lao ngay vào chỉnh sửa kịch bản và làm phim. Với bà, điện ảnh đứng ở vị trí thứ mấy trong con người của Đoàn Lê?

+ Tôi mất cả một đời với Điện ảnh (42 năm công tác Điện ảnh). Nhưng đó là Nghề. Nghiệp thì chưa phải. Tuy vậy nghề với cái "nghiệp" trong con người hoạt động của tôi nó không tách nhau, nó hỗ trợ tương quan với nhau và cũng chả chịu phân ngôi thứ đâu (cười).

- Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)
.
.