Nhà văn Bùi Bình Thi: Ồn ào và lặng lẽ

Thứ Sáu, 11/03/2011, 08:31
Bộc trực, thẳng thắn, không uốn éo cầu kỳ câu chữ... là phong cách không hề trộn lẫn của văn phong và con người Bùi Bình Thi. To cao, vạm vỡ, luôn cạo trọc đầu, để râu... là những nét diện mạo ấn tượng mà bất cứ ai gặp ông cũng nhớ.

Bùi Bình Thi là một trong những nhà văn có nhiều đầu sách dày dặn, bút lực của ông dồi dào khi viết tiểu thuyết lịch sử, ký sự chiến tranh... Một số đầu sách của ông đã để lại những dư âm trong lòng độc giả, góp một tiếng nói không nhỏ nhận diện một thế hệ nhà văn đi qua chiến tranh. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết "Xiêng Khoảng mù sương" của ông vừa đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2006-2010).

Nhà văn Bùi Bình Thi sinh ra trong một gia đình giáo dân theo đạo Tin lành. Cha ông là một Mục sư tại một xã hẻo lánh ở vùng Sơn Tây. Khi toàn quốc kháng chiến, cha ông tham gia kháng chiến như những công dân yêu nước khác. Mẹ ông, ông và các em ông ở lại vùng tản cư vừa đi học vừa phát nương trồng lúa để sinh sống. Hòa bình lập lại, cả nhà ông trở lại quê nhà cấy hái trồng tỉa trên một mảnh ruộng "toen hoẻn rặt những mả là mả" - chữ của Bùi Bình Thi. Ông biết nghề nông từ đó và làm việc như một người nông dân thực thụ trên cánh đồng quê hương. Chính bởi vậy, sau này, khi viết về nông thôn, nhà văn Bùi Bình Thi có những trang văn chân thực và cuốn hút lòng người. Đó là những trang văn ông viết như để tìm lại tuổi thơ mình một thời gian khó.

Nhà văn Bùi Bình Thi kể rằng, những năm ấy, ngoài giờ học, kiếm sống ra, ông có được đồng nào là để dành mua sách. Ông hay đọc sách về ban đêm mặc dù sáng ra phải đi làm sớm. Nhiều khi ông thức thâu đêm để đọc vì tìm được cuốn sách hay. Ông cho rằng, văn học dẫu có nói bất cứ điều gì về con người và mối quan hệ giữa con người với con người cũng chẳng mấy quan trọng. Chỉ có tình yêu thương là cái đáng nói nhất và nói mãi cũng chẳng bao giờ đủ. Nếu văn học làm cho con người thêm vui, thêm ham sống, và làm cho mỗi người trong một ngày nhìn thấy được cái đẹp, cái thiện... thì nó hoàn toàn đã đúng với cuộc đời ông. Những trang văn kim cổ với tinh thần ấy đã khơi dậy, thúc giục bản năng văn chương của cậu bé Bùi Bình Thi trong suốt cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành.

Truyện ngắn đầu tiên trong đời cầm bút viết văn của Bùi Bình Thi là câu chuyện về một con bò. Truyện được in ngay khi ông đem gửi NXB Kim Đồng (năm 1961). Khi ông cầm cuốn sách về khoe, mẹ ông sung sướng bảo: "Con bò con vẫn chăn giờ nó được vào sách rồi đấy à?". Câu chuyện có thật về một chú bò như một người bạn tuổi thơ của ông đã đi vào trang văn một cách tự nhiên và ông cũng chẳng bao giờ nghĩ, từ câu chuyện ấy, sau này duyên nợ văn chương đã đến với mình. Cũng từ đó, niềm khao khát trở thành người cầm bút viết văn đã là mục đích tối thượng mà Bùi Bình Thi theo đuổi.

Có được chặng đường văn như ngày hôm nay, nhà văn Bùi Bình Thi tâm sự rằng, ông phải cảm ơn những ngày tháng làm biên tập viên Tạp chí Tác phẩm mới và Báo Văn nghệ, cũng như làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tác phẩm Văn học (nay đổi là Tạp chí Nhà văn). Đó là chặng đường mà ông được đọc, được học nhiều nhất từ các nhà văn lớn của Hội Nhà văn. Ông có lẽ cũng là người duy nhất trụ vững và làm việc với 4 "đời" Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới là các cụ Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Kể lại những câu chuyện thời ấy, ông trầm ngâm: "Mỗi một người cho tôi một kinh nghiệm quý giá. Nhà văn Tô Hoài là người đọc nhiều và đọc bất cứ thứ gì lọt vào tay. Điều đặc biệt là nhà văn Tô Hoài chẳng bao giờ cáu kỉnh với ai, dù thỉnh thoảng ông hơi khe khắt nhưng rất dễ chịu. Điều gì ông cũng coi như chuyện… bình thường xảy ra trong cuộc sống. Có lần, viết xong một truyện ngắn mới, tôi nhờ ông đọc và thẩm định. Ông đọc ngay tại chỗ, rất nhanh, xong ông bảo: "Cái này cậu viết có… 3 chữ mới!", rồi ông chỉ cho tôi những chữ nào, vì sao mới, tôi nghe mà "choáng" luôn vì tài thẩm văn của ông! Còn với nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi nhớ nhất là những buổi chiều tan sở, tôi thường chở ông trên cái xe Suzuki cũ của mình, mà chúng tôi hay gọi là cái "bình bịch" để đi dạo phố Hà Nội. Ông tâm sự nhiều chuyện và tôi nhận thấy rất rõ sự tinh tế trong cách Nguyễn Đình Thi cảm nhận về cuộc đời, về thiên nhiên. Và đó chính là cái lẽ lớn đã ngấm vào những trang văn xuôi của tôi sau này. Riêng nhà thơ Xuân Diệu thì có một cách duyệt bài rất lạ. Có nhiều hôm, đọc duyệt nhiều bài vở mệt quá, ông gọi tôi đến, nằm trên ghế và bảo: "Em đọc cho ta nghe". Tôi đọc một lát sau thấy ông nhắm mắt và có tiếng ngáy nhỏ. Tôi dừng lại vì nghĩ ông ngủ. Ông thấy tôi dừng thì nhắc nhở: "Ầy, em đọc đi chứ!". Tôi đọc tiếp, ông vẫn nhắm mắt và ngáy, đến một câu tôi đọc sai chính tả chữ "S" thành "X", ông nhắc ngay là tôi đọc sai chính tả. Đọc xong, bài nào thấy được là ông nhổm dậy ký ngay để duyệt in.

Trong bốn vị Tổng biên tập thì tôi sợ nhất nhà thơ Chế Lan Viên vì ông rất nghiêm. Cách làm báo của ông cũng là điều đáng học hỏi: Đằng sau mỗi tờ lịch xé đi, ông thường tận dụng để ghi chép một điều gì đó. Có thể đó là tên các nhà văn, những người được mời đặt bài cho tạp chí. Tôi là người được giao nhiệm vụ đưa tờ lịch có lời mời viết bài ấy cho các tác giả. Khi có bài thì tôi lại đến tận nhà họ mang về đưa cho nhà thơ Chế Lan Viên. Thường thì chẳng ai từ chối lời mời của ông cả. Ông thực sự là người có uy tín trong văn đàn".

Những năm sau này, nhà văn Bùi Bình Thi chuyển về làm việc tại Ban Sáng tác - Hội Nhà văn Việt Nam. Đây cũng là thời gian ông viết được nhiều nhất. Đặc biệt, tập truyện "Kiếp người" (gồm năm truyện vừa) đã  nhận được nhiều phản hồi tốt từ độc giả và bạn bè văn chương. Nhà văn Mai Quốc Liên từng viết về truyện vừa "Tiền của ông" như sau: "Bùi Bình Thi là cái típ người của phố xá, của thành thị Hà Nội, anh phải quan sát, sống và nghĩ ngợi nhiều lắm mới có thể dựng một câu chuyện như thế. Tuy rằng nó bình đạm nhưng trong cái cốt lõi của nó, nó có nhiều ý nghĩa, nhiều sức gợi tỏa. Và tự đáy sâu của truyện, người ta thấy hiện lên cuộc sống không rạng rỡ, không hùng tráng nhưng mà thấm đẫm tính nhân văn. Bùi Bình Thi đã làm được việc đó một cách thật nghệ sĩ nhưng không ồn ào: anh đã tới cái tuổi mà kinh nghiệm sống đủ lắng để có thể viết một cách giản dị, chân thực mà vẫn hấp dẫn".

Gần đây, nhà văn Bùi Bình Thi cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết tình yêu dày gần 400 trang. Ông cho rằng, sáng tạo là công việc của mỗi nhà văn và cho dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng ông muốn khẳng định, viết về tình yêu hiện đại không chỉ là "chiếu" dành các nhà văn trẻ. Cuốn tiểu thuyết là những khoảnh khắc tình yêu đã có, đã đến trong đời ông. Trong đó, có dư âm của chuyện tình yêu với người vợ của mình, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, người đã lặng lẽ phía sau dành trọn tình yêu thương để chăm nom, lo toan cho gia đình để ông đi thực tế và sáng tác.

Nhà văn Bùi Bình Thi kể: "Tôi lấy được bà nhà tôi cũng là từ duyên nợ văn chương. Hôm ấy tôi cùng nhà văn Đỗ Chu đang đi xe đạp chở nhau trên vỉa hè phố Đường Thành thì Đỗ Chu nhìn thấy cô bạn là người quen đang đi bộ bèn dừng xe lại nói chuyện. Những ngày sau đó, tôi rất ấn tượng vì cô ấy có một mái tóc dài, da trắng, nói năng thùy mị kiểu con gái Hà Nội xưa. Lúc chào nhau ra về thì Đỗ Chu bảo: "Hay, mày lấy con bé này đi!". Trong bụng tôi cũng ưng rồi. Tối hôm ấy, tôi rủ Đỗ Chu đến nhà cô ấy ở Hàng Đào chơi. Hồi đó, cô ấy ở cùng mẹ và người anh trai đã lập gia đình, đang có con nhỏ. Tôi ngồi nhìn cô ấy chăm cháu và trong lòng chỉ có một mong muốn duy nhất là cô ấy sẽ sai mình đi lấy hộ… cái tã cho em bé! Đến chơi lần thứ ba thì cuối cùng cô ấy cũng nhờ tôi đi lấy tã cho em bé thật. Tôi vui quá, chạy ra dây phơi lấy luôn cái tã còn… ẩm mang vào! Một tuần sau thì tôi bảo: "Mỹ ơi, thôi mình lấy nhau đi!". Cô ấy chỉ cười mà không trả lời. Ba ngày sau, cô ấy bảo: "Em đã hiểu gì về anh đâu mà lấy!". Tôi bảo: "Tớ cũng đơn giản, dễ hiểu thôi mà!". Vậy là một tháng sau chúng tôi cưới nhau và năm sau thì có Bùi Thạc Chuyên, mấy năm sau nữa thì có thêm một cô con gái".

Có lẽ, trong số những nhà văn cùng thời, nhà văn Bùi Bình Thi là một trong những người may mắn có cuộc sống gia đình, con cái khá bình ổn, để chuyên tâm cho sáng tác. Ông là người nóng tính và khi có chuyện bất bình thì thường ông không kìm chế được sự nóng giận của mình, vì thế, nhiều người ngại va chạm với ông. Tuy nhiên, có hiểu ông thì mới biết rằng, ông là một nhà văn có tâm và luôn miệt mài bên trang sách.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét: "Mỗi lần gặp nhau trên sóng điện (điện thoại) là Bùi Bình Thi lại nói về cuốn sách anh đang theo đuổi. Nói một cách thật say mê. Cái say mê bất tử của một kẻ nhập đồng, nhập cuộc, dấn thân, chỉ một lòng một dạ triệt để dâng hiến cho văn chương. Cái mê say bất chấp của một viên đạn đã ra khỏi nòng, chỉ một đường bay thẳng!"

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.