Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tôi may mắn tìm được đề tài đúng sở trường

Thứ Hai, 24/08/2009, 14:45
Năm 1999, cuốn tiểu thuyết "Một thế giới không có đàn bà" ra đời đã lập tức đưa Bùi Anh Tấn trở thành cái tên "hot" trên văn đàn. Từ đó đến nay, anh đã xuất bản hơn 15 cuốn sách, gồm 10  tiểu thuyết và 5 tập truyện ngắn, sách tư liệu. Trong mười năm qua, sách của Bùi Anh Tấn luôn ở trong danh sách bán chạy. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Bùi Anh Tấn.

-Tiểu thuyết "Một thế giới không có đàn bà"- cuốn sách đầu tay của anh, tại thời điểm ra đời là một thành công đáng nể đối với một người cầm bút: Sách đã bán được hàng vạn bản và đoạt liền hai giải thưởng: Giải A Cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 1999-2001; giải A Văn học 10 năm 1995-2005 của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam. Thưa anh, đến nay đọc lại, anh có bằng lòng với tác phẩm này không?

+ Bằng lòng, dĩ nhiên là vậy bởi nhờ có cuốn tiểu thuyết này mà mọi người biết đến tên tôi. Tuy nhiên nay đọc lại, quả là cũng có những đoạn những câu thấy cần chỉnh sửa hoặc có những vấn đề cần viết thêm…

Cũng dễ lý giải thôi, khi tiểu thuyết ra đời, thông tin tư liệu về thế giới thứ ba rất hiếm đâu có nhiều như bây giờ. Tôi đã cố viết bằng tất cả khả năng lẫn sự hiểu biết của mình, may thay thành công. Mỗi khi đọc một tiểu thuyết (đã in) của mình tôi đều nuối tiếc, giá như được chỉnh sửa lại, hay biết mấy. Tôi nghĩ nhiều nhà văn khác cũng vậy thôi.

- Sau "Một thế giới không có đàn bà", anh đã xuất bản nhiều tác phẩm về chủ đề giới: "Les- vòng tay không đàn ông", "Phương pháp của A.C. Kinsey", "Bướm đêm", "Cô đơn"... Anh viết nhiều về đề tài này đến nỗi được mệnh danh là "Nhà văn của giới đồng tính". Anh cũng là một "chuyên gia" được mời nói chuyện ở các câu lạc bộ, đảm nhận chuyên mục của một số tờ báo… Lý do nào khiến anh chọn đề tài giới? Những vui - buồn trong cuộc sống của anh khi làm một nhà văn của giới đồng tính?

+ Đúng là gần một nửa những gì tôi viết là về đồng tính hoặc có liên quan đến đồng tính. Đến giờ tôi cũng chẳng biết điều gì "xúi dại" tôi nữa. Thói quen chăng hay là một cái gì đó "ẩn sâu"(như nhiều người tò mò?). Thôi cứ coi như là cơ duyên của người cầm bút may mắn tìm được đề tài đúng sở trường của mình.

Sau đó tôi được sự "tín nhiệm" của bạn đọc đồng tính và bỗng nhiên trở thành "cố vấn" cho họ (trong một số trường hợp). Vui, rất vui vì được chia sẻ nhiều điều với bạn đọc của mình và giúp họ trong khả năng có thể. Buồn, cũng có, đôi lúc là bị bạn đọc "hiểu lầm" thiện chí của mình,  dẫn đến những phản ứng rất "thô", rất phiền muộn.

Tiếp đến nữa là khi đi sâu vào những cảnh đời của bạn đọc đồng tính, chỉ là nước mắt và sự bế tắc không lối thoát. Nhiều lúc tôi rất thương và muốn giúp mà chẳng biết bằng cách nào giúp cho bạn đọc của mình bây giờ, thôi thì bằng ngòi bút vậy. Có lẽ vì vậy mà tôi viết nhiều về đồng tính chăng?

- Nhưng thật ra anh viết nhiều đề tài: Lịch sử, như "Nguyễn Trãi", "Kế hoach hậu chiến 72", "Cảnh sát đặc biệt"; tôn giáo như "Không và sắc".  Và một cuốn sách đang in về Trần Nhân Tông. Thực sự, đề tài nào là đặc biệt hấp dẫn đối với anh?

+ Người ta hay nói đến sở trường lẫn sở đoản khi viết. Mỗi nhà văn có một "khung" đề tài nhất định. Với tôi, dù có thành công nhất định khi viết về đồng tính, nhưng tôi không định "đóng khung" mình trong phạm vi đề tài này. Đối với tôi, không có sự nặng - nhẹ, cao - thấp, hơn thua trong đề tài khi viết, nhưng có một thực tế thế này, viết về tôn giáo và lịch sử là những đề tài cực khó, đòi hỏi ở người viết trước hết là tình yêu mãnh liệt với đề tài ấy.

Bìa tập sách “Một thế giới không có đàn bà” trong một lần tái bản.

Ví dụ: Với lịch sử luôn là những sự thật phải tôn trọng mà trước đó người viết phải mày mò hàng ngàn trang tư liệu khác nhau từ chính thống cho đến không chính thống, để khi viết, dù chỉ là để phục vụ cho một vài chi tiết nhỏ. Chưa kể, về cả lịch sử lẫn tôn giáo, viết cực khó, nhưng bán cũng…cực khó, đấy là nỗi buồn của người cầm bút

-  Anh đang in cùng lúc 2 cuốn tiểu thuyết: "Bước chân hoàn vũ" và "Đàm đạo về Điều Ngự Giác hoàng". Anh có thể cho biết sơ qua về 2 tác phẩm này?

+ Từ lâu tôi ước mơ sẽ viết về ba nhân vật: Đó là Nguyễn Trãi (tôi đã viết trong "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo"), nay là "Đàm đạo về Điều Ngự Giác hoàng" (cuốn sách về Trần Nhân Tông), còn nhân vật thứ ba…tôi chưa tiết lộ được. Thực tế viết về Trần Nhân Tông là khó bởi mấy trăm năm nay, sử sách và các tác phẩm văn học về ông cũng khá nhiều nên buộc tôi phải cân nhắc rất lâu trước khi đặt bút.

Cho nên tôi lựa chọn phương pháp "đàm đạo" giữa ba nhân vật (hai hư cấu và một là tôi) để nói về Trần Nhân Tông. Thông qua cuộc "đàm đạo" này sẽ làm rõ toàn bộ lịch sử nhà Trần trong giai đoạn đầu dựng nước và giữ nước với những nhân vật như: Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông), Lý Chiêu Hoàng, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Tung…May thay, theo lời đánh giá của biên tập viên Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn là đọc ổn, tôi rất mừng. Tiểu thuyết đang in, hy vọng trong tháng 8 này sẽ có sách. --PageBreak--

Còn "Bước chân hoàn vũ" tôi viết từ kịch bản phim. Trước đó tôi có nhận lời mời của Media FPT viết một kịch bản phim truyền hình dài 40 tập có tên là "Bước chân hoàn vũ". Phim đã quay xong, đang làm hậu kỳ. Sau đó vì "tiếc chữ" nên tôi quyết định viết thêm cuốn tiểu thuyết cùng tên.

Đây là một tiểu thuyết có sự "chồng lấn" giữa văn học và kịch bản phim, tức là có những đoạn là kịch bản phim nhưng có những đoạn hoàn toàn là tiểu thuyết. Văn phong ngắn gọn, chú trọng đến lời thoại nhiều hơn. Đặc biệt là trong tiểu thuyết này, tôi lấy nhân vật xấu, ác làm nhân vật trung tâm.

Tôi muốn phân tích, làm rõ cái ác từ đâu đến, tại sao lại nảy sinh cái ác ở một người đàn bà đẹp từng là hoa hậu? Cũng như nói đến sự thoái hóa biến chất của một vài cán bộ có chức quyền và cái giá phải trả…

- Thật ngạc nhiên khi các cuốn sách của anh đề cập tới hầu hết các vấn đề lớn và nóng của đời sống xã hội, từ vấn đề giới đến chiến tranh, tôn giáo, lịch sử. Anh có thấy mình ôm đồm quá không?

+ Bạn bè vẫn "mắng yêu" tôi, viết ít thôi, để người khác viết với. Thú thật cũng chẳng biết thế nào mà nói bây giờ, chỉ nghĩ rằng "trời" còn cho mình viết được thì cố. Luôn luôn có nỗi lo lắng mơ hồ, rồi sẽ có một ngày mình sẽ bất lực trước trang giấy trắng, nên giờ đây tôi hối hả tận dụng từng giây phút để viết, bất kể ngày hay đêm.

- Trong 10 năm viết 15 cuốn sách, chưa nói chuyện thu thập tư liệu, chuẩn bị kiến thức, chỉ ngồi viết không thôi đã… chóng mặt. Trong khi còn việc cơ quan (Bùi Anh Tấn đang phụ trách chi nhánh NXB Công an nhân dân tại TP Hồ Chí Minh). Anh làm việc vào lúc nào và bằng cách nào để có một khối lượng tác phẩm nhiều như thế?

+ Tôi luôn trên tư thế "người lính" xung trận, tức là bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể ngồi vào máy, nhắm mắt trong mấy giây là lập tức viết ào ào ngay. Viết nhiều nên thành thói quen phải lao động chứ không nhất thiết phải chờ...cảm hứng.

Đọc bất kỳ lúc nào, từ mẩu giấy con con cho đến những tin vớ vẩn trên mấy trang báo mạng về đời tư nghệ sĩ. Mỗi khi chuẩn bị viết tác phẩm nào, tôi dồn toàn bộ sức lực và sự chú ý của mình cho tác phẩm đấy, triệt để khai thác các thông tin liên quan đến tác phẩm để bổ túc khi viết.

Bất kỳ lúc nào cũng lãng đãng suy nghĩ về tác phẩm nên…rất hay quên đường về và chả bao giờ nhớ nổi số điện thoại (của chính mình lẫn bạn bè) và rất hay quên khi nói chuyện với "ai đó" qua điện thoại. Sếp của tôi lâu lâu lại "la" tôi vì thấy tôi không tập trung cho công việc. Biết sao bây giờ.

-  Năm nay 43 tuổi vẫn còn độc thân. Anh có dự định lập gia đình không và sự kiện ấy diễn ra vào lúc nào vậy?

+ Tôi đang cố tìm một lý do chính đáng tự thuyết phục mình để không lập gia đình nữa, ví dụ: Thôi, già quá rồi, lấy vợ làm gì nữa. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra lý do chính đáng nên…đành lấy vợ muộn thôi. Còn khi nào, chính tôi cũng chưa biết để trả lời.

Trần Thanh Hà (thực hiện)
.
.