Nhà văn Bảo Ninh: Người ngơ ngác giữa những buồn vui

Thứ Hai, 29/08/2016, 08:11
Có một buổi chiều muộn cuối Thu, mưa sầm sập, cơ quan về hết, tôi đang ngồi trong căn phòng ẩm ướt của dãy nhà cấp bốn dưới dàn nho xác xơ cùng bao nhiêu ý nghĩ ẩm ướt và cũng xác xơ ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, chợt thấy bóng một người lúp xúp chạy từ ngoài cổng vào, tay cắp ô, vai đeo một cái túi gì dài dài...


Tưởng ông bạn rượu nào, hóa ra Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Hồi đó ông mới độ ngoài 50, bọn tôi vẫn gọi "anh" xưng "em" như ngày nào trong Trường Viết văn Nguyễn Du mà ông làm "trưởng lão". Ông lập cập vô phòng, người ướt sũng. Tôi gỡ túi thể thao dài và lủng củng các thứ gì của ông ra, thấy có cả áo mưa, bèn trêu ông:

- Khiếp! "cụ" đi chơi ten - nít ngang bằng với ngài Xuân Tóc Đỏ? Áo mưa thì cất trong túi, ô cắp nách giữa lúc mưa to thế này, ngoài "cụ" ra, có ai chơi ngông hơn thế?

- Mình đem đến cho cậu một cái truyện mới của một người viết mới toanh. Truyện hay hơn tất cả các cái cậu có trên bàn vì nó lạ lắm. Lạ và hay.

Biết tính thầy nên tôi không vội  "lạ" và "hay" ngay, mà ra thềm gọi với lên phòng Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường) vừa lên đèn, cũng là tay ở độc thân, tính gầy cuộc nhậu:

- Xuống làm li, có "cụ" Hiến đến chơi!

Khắc Trường lệnh khệnh xuống, tóc tai phờ phạc, vẻ như người vừa ăn no. Hồi này y đang viết dài.

Nhà văn Bảo Ninh.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến lấy trong túi thể thao ra một bọc ni lông, bày lên bàn nước. Tưởng "cụ" mua đồ mồi về nhậu, hóa ra lại là một tập bản thảo. "Cụ" trịnh trọng chỉ vào tập bản thảo, nói lại câu "lạ" và "hay" rồi cầm lên đưa cho tôi:

- Các cậu đọc ngay nhé. Đó là truyện ngắn hay và lạ của cậu này, cũng là lính Tây Nguyên như các cậu, nhưng viết lạ lắm.

Rồi "cụ" chua thêm:

- Cậu này là con ông bạn thân của tôi. Nhưng tôi không nhờ các cậu gì mà là đem lại cho các cậu đọc để biết một cái mới. Rất mới và lạ.

Tôi lấy chai rượu từ gầm bàn ra rót tràn ba li, trong đầu thì tràn ý nghĩ khôi hài:

- Kính "cụ" - Tôi nói - Rượu Sán Lùng thằng bạn em mới tập uống gửi từ Lào Cai về, ngon và lạ lắm.

Ông thầy vốn có nhiều nét ngây ngô với đời sống của tôi say sưa kể về câu chuyện lạ, về cách kể chuyện lạ, về lối viết mới, và về mĩ cảm mới, về tài năng mới và về thế hệ chống Mỹ mới… Đó là truyện ngắn của Bảo Ninh.

Nhớ lại ngày đầu quen Bảo Ninh sau khi đọc cái truyện ngắn "lạ lùng" có tên cũng lạ lùng "Trại bẩy chú lùn" ấy, tôi khá hồ hởi cùng Trưởng Ban văn xuôi Nguyễn Khắc Trường. Chúng tôi đề nghị in ngay số tháng ấy. Cái duyên "cùng chiến trường" nó quện lấy nhau bằng không biết bao nhiêu cuộc nâng lên đặt xuống, chén thù chén tạc. Chén chú chén anh. Chén địa phương chén chủ lực. Chén tao chén mày. Chén quá khứ chén tương lai. Chén Tây Nguyên chén Trường Sơn. Chén nhà quê chén thành thị. Chén đời, chén đạo. Chén lung tung, bát nháo…

Cho đến một hôm, tôi có "chú em" là nhà  báo Đoàn Minh Phụng từ Gia Lai ra học Hà Nội. Phụng rủ ông anh là tôi đi nhậu. Hai anh em cứ "hồi ký" và uống.  Uống và "hồi kí". Bảo Ninh ngồi im, ậm à, ậm ừ, rót tì tì, uống tì tì nhưng vẻ mặt thờ ơ, miệng lẩm bẩm, chả ra hưởng ứng, cũng chả ra không. Cho đến cái đoạn Phụng kể khi tôi bị thương, chú Quảng y tá huyện đội cắt bộ quần áo của tôi kết đẫm máu, ném ra cái vũng dưới vòi nước, tính ngâm cho bở để sáng ra giặt, nào ngờ toán đi công tác về khuya, qua đó thi nhau vục mặt uống nước, sáng hôm sau khi phát hiện ra máu thì tất cả thi nhau móc họng ói mửa…

 Bảo Ninh cầm li rượu cụng với tôi và Phụng, nói vẻ kẻ cả:

- Bọn lính địa phương các ông cũng có lắm chuyện nhỉ.

Phụng được đà kể thêm những đêm vô ấp gây cơ sở, những ngày hạ cây đốt rẫy với đồng bào Bah Nar, những chuyến đi đồng bằng cõng muối cõng gạo… Bảo Ninh ngồi "một đống" nghe chẳng ra nghe, nói lẩm bẩm một mình như thằng tâm thần. Vậy mà cuối cuộc khi tôi đòi về, hắn bảo tôi, hôm rồi tôi về Đăk Tô thấy lão gác nghĩa trang nom giống ông như đúc. Vớ vẩn!

- Sao lại vớ vẩn? - Tôi hỏi.

- À ông vớ vẩn!

- Nhất trí! Tôi nói và chuyển sang đề tài khác.

Bảo Ninh vốn là con của một nhà trí thức lớn, được chăm chút trong việc học hành rất chu đáo. Lớn lên gặp buổi chiến tranh, như hầu hết thanh niên trí thức thời ấy. Và ông đăng lính, vào chiến đấu trong chiến trường B3 (Tây Nguyên) trong một đơn vị chủ lực.

Sau chiến tranh, ông tiếp tục theo học đại học và sau đó về công tác tại một viện khoa học. Bản chất người lính và những gì đã trải qua trong cuộc chiến, nhất là những kỷ niệm với bạn bè, đồng đội đã thôi thúc ông cầm bút viết văn. Những truyện ngắn đầu tiên của ông đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội do Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đem tới đưa tận tay các biên tập viên là một lời chào hồn nhiên, lịch lãm với giới sáng tác văn học.

Và sau đó, ông tiếp tục bước vào Trường Viết văn Nguyễn Du một cách khiêm tốn. Đọc những truyện ngắn đầu tiên của ông, người ta nhận ngay ra, đây là một người lính có tâm hồn khá lãng mạn và phóng túng. Một người lính từng trải dễ xúc động bởi những gợi cảm ngẫu hứng do tác động mạnh của đời sống thời chiến khốc liệt. Chính vì thế, cũng ngay từ  những truyện ngắn đầu tay này, tự nó đã tạo được cho ông một cái giọng khá riêng có chiều hướng thiên về hồi ức, không câu nệ đề tài, nhưng trong sáng và chân thực.

Sự xuất hiện của ông không đột ngột, ồn ào, không khiến người ta phải sững sờ chú ý. Chỉ đến khi cuốn tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành và được giải thưởng do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng, thì ông được coi là một hiện tượng văn học với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Cũng từ đó, ông luôn ngồi giữa" khen, chê, kể cả tâng bốc lẫn mạt sát, đúng và sai và cả dè bỉu nói xấu không đúng về mình.

"Nỗi buồn chiến tranh" quả là cuốn tiểu thuyết có nhiều điều đáng bàn. Cái đáng bàn nhất là vì đó là cuốn sách thực sự gây được nhiều cảm xúc đối với người đọc. Một cuốn sách có sức lôi cuốn cả người khen lẫn người chê, mà tác giả của nó chỉ có thể là người "ngơ ngác" nhất trước những cảm xúc không ngờ mà nó đã tạo ra.

Bảo Ninh vốn là người không có khiếu giao tiếp, ít có khả năng thể hiện cảm xúc của mình trước đám đông, nhưng bản tính ông là người rất mẫn cảm. Chính sự mẫn cảm ấy đã mách bảo ông nhận thức được mình trong quá trình sống và nhất là trong quá trình sáng tạo. Con đường dẫn ông tới tài năng nghệ thuật là con đường được soi sáng bằng thứ ánh sáng bột phát của sự mẫn cảm. Nó được phát ra từ tiềm thức, từ một bệ phóng được xây nền bằng thứ vật liệu đặc biệt, vật liệu của văn hóa truyền thống của gia đình ông, mà trực tiếp là người cha khả kính - Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ. Nó chỉ được phát sáng khi ông co vào cõi sâu kín tột cùng của cái "tôi" thuần tuý.

Ông không có thói quen cưỡng lại nó và thậm chí ông còn khoái cảm khi tiếp nhận nó. Chính vì thế, bản năng nghệ thuật trong ông được kích động và cái "tôi" của ông tự nó được siêu thoát. Và thế là ông thành kẻ lữ hành cô độc. Ông đã toan dừng lại, nhưng không dừng lại được.

Những truyện ngắn "Thời tiết của ký ức", "Khắc dấu mạn thuyền", "Vô cùng xưa cũ"… và các tản văn của ông điềm tĩnh và lấp lánh lên sau "Nỗi buồn chiến tranh" nhắc ta có một Bảo Ninh đang tiếp tục vận hành bộ máy tri thức và những ký ức đầy ắp những gian lao của đời người. Ông quá biết, nếu ông dừng lại thì ông sẽ không bao giờ có thứ ánh sáng đã được thắp lên kia.

Và giờ đây, thời gian đã cho phép chúng ta không còn nôn nóng khen chê nữa. Với tôi, tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh là một kiệt tác của văn học Việt Nam đương đại. Nó không đại diện cho ai, cho trường phái nào. Nó cũng không phải chịu trách nhiệm gánh vác các vai trò to tát mà người ta cài đặt. Nó là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc và giản dị, gần gũi với người lính thời đánh Mỹ chúng tôi. Không màu mè hoa hòe hoa sói. Cũng không cố gắng lên giọng nêu gương. Nó bình thường như Bảo Ninh vậy.

Trung Trung Đỉnh
.
.