Nhà thơ trào phúng cự phách Tú Mỡ: Người không thích… đùa?

Thứ Ba, 02/01/2007, 15:30
Tú Mỡ là người rất tôn trọng lời hứa, và thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm với cuộc đời. Có thể nói ông là người không thích... đùa cũng được, nhưng chỉ là không thích đùa với những gì mà ông cho là không nên đùa.

Những tưởng tác giả của các vần thơ trào lộng sâu cay nhằm vào những người, những việc đáng phê phán của xã hội thực dân phong kiến, gây nên những tiếng cười sảng khoái nơi bạn đọc ấy hẳn ở ngoài đời phải là người cực kỳ... hóm hỉnh.

Vậy mà, theo hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp thì hóa ra ông lại là người có lối sống rất mực thước, ít nói, ít cười. Thậm chí, theo cách nhìn nhận của nhà văn Tô Hoài thì "ở lâu với Tú Mỡ, thấy anh cứ vừa ngơ ngác vừa thâm thúy và không biết đùa".

Nhà văn Ngô Văn Phú cũng kể lại cảm giác lần đầu được diện kiến bác Tú: "Tôi đọc "Dòng nước ngược", từ lâu vẫn cứ tưởng bác Tú phải có hình thù khác người lắm. Chẳng hạn, hóm hỉnh, nghịch ngợm, hay chọc ghẹo v.v… nhưng bác Tú thật hiền". Vậy sự thật thế nào?

Nói cho "công bằng" thì không phải ở ngoài đời, nhà thơ trào phúng cự phách Tú Mỡ là người "không biết đùa". Ông chỉ "không thích… đùa" với những điều mà ông cho là hệ trọng. Và nói chung, ông thường chỉ giới hạn sự "ưa vui nhộn, thích châm chích" của mình trên trang giấy, còn thì ở ngoài đời, ông giữ nguyên nếp sống quy củ, chừng mực của một người nguyên là công chức Sở Tài chính (thời thuộc Pháp).

Nhà thơ Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Sở dĩ ông chọn cho mình cái bút danh nghe có vẻ "sung mãn" nói trên (mặc dù xét về vóc dáng, ông gầy nhẳng như que, chỉ thấy xương, không thấy… mỡ - như ông tự nhận xét), là vì ông rất ngưỡng mộ cụ Tú Xương, ước mong kế tục sự nghiệp thơ trào phúng của cụ.

Ấy thế nhưng, khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã nhất quyết chọn cho mình một bút danh khác. Đó là: Bút Chiến Đấu. Ông giải thích: "Vì thấy công cuộc kháng chiến là công cuộc nghiêm chỉnh, mình dùng bút danh để đánh địch cũng là việc làm nghiêm chỉnh, cho nên tôi không muốn dùng bút danh cũ là Tú Mỡ". Không chỉ có thế, hai chữ Tú Mỡ lúc này ông còn nghe gần với "đú mỡ”, có vẻ không được… nghiêm túc.

Thực tế cho thấy, bạn đọc cũng như các nhà quản lý văn nghệ của chế độ mới, không ai có định kiến gì với cái tên Tú Mỡ từ lâu đã trở thành một "thương hiệu" được biết đến rộng rãi, cũng như không ai nghe Tú Mỡ ra thành "đú mỡ" cả. Đấy cũng là lý do để sau này, nhà thơ cự phách của chúng ta đã lại quay về với cái bút danh quen thuộc nói trên.

Năm 1949, nhà thơ Tú Mỡ bị quân Pháp "quơ" được trong một trận càn ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) khi ông đang đi theo đội chèo Quyết Thắng của Ty Thông tin Bắc Giang. Địch đưa ông về giam ở bốt Phù Lưu (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh).

Tại đây, qua câu chuyện với những người tù, ông biết được một số bản thảo thơ "Nụ cười kháng chiến" của ông vốn dĩ để trong chiếc cặp da và lọt vào tay địch, may nhờ sự làm ăn "tắc trách" của chúng, nên đã được… ném vào lửa, chứ không "nếu nó điều tra, so tự dạng, biết mình là Bút Chiến Đấu thì nguy to".

Trước đó ông cũng đã khai với địch ông là "công chức đi tìm vợ con tản cư trên Thái Nguyên". Vì Tú Mỡ có vốn "tiếng Tây" nên ông được chúng giữ lại làm thông ngôn. Khi tên quan ba xếp bốt Phù Lưu chết trận, Tú Mỡ đã đứng ra làm một bài... văn tế bằng tiếng Pháp. Qua đó, ông đã kiếm được sự "tin cẩn" của tên quan Pháp đến thay. Hắn đã thả cho ông "đi Thái Nguyên tìm vợ con". Nhờ vậy, Tú Mỡ mới có cơ trở về với kháng chiến.

Câu chuyện này do Tú Mỡ thật thà kể ra, và vì thế mà ông bị anh em kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Có người mến ông, muốn ông rút lại, coi đây là chuyện… đùa (vì ông không nói thì ai biết chuyện này), song Tú Mỡ vẫn trước sau giữ quan điểm của mình. Ông tâm sự với Tô Hoài: "Có được xổ lồng thì Tú Mỡ mới về được với các cậu chứ".

Những năm cuối đời, Tú Mỡ ít làm thơ. Một bận, có phóng viên trẻ của tòa soạn nọ đến đặt bài ông. Anh chàng này có lẽ vốn liếng văn học chưa nhiều nên đã đặt ra mấy yêu cầu "trái khoáy" với nhà thơ: "Thưa bác, tòa soạn đặt bác viết một bài thơ để đăng vào số báo đặc biệt. Thơ thể trữ tình, nội dung khỏe khoắn, hùng ca".

Nghe vậy, Tú Mỡ ngỡ ngàng suýt rơi kính. Ông tròn mắt nhìn anh chàng phóng viên. Nhưng rồi, với bản tính ôn hòa, ông không có phản ứng gì trước yêu cầu này. Thậm chí, còn hứa ngày nộp bài. Và quả nhiên, sau đó ít ngày, tòa báo đã nhận được từ ông một bài thơ... trữ tình, chất lượng cũng "bình bình" vì một điều dễ hiểu: Thơ trữ tình không phải là sở trường của Tú Mỡ.

Thế mới thấy, Tú Mỡ là người rất tôn trọng lời hứa, và thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm với cuộc đời. Có thể nói ông là người không thích... đùa cũng được, nhưng chỉ là không thích đùa với những gì mà ông cho là không nên đùa

.
.