Nhà thơ Thanh Thảo: tất bật cùng Euro 2008

Thứ Hai, 07/07/2008, 11:00
Nhà thơ Thanh Thảo hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Anh sinh năm 1946 ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, Thanh Thảo đã nhận được nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, trong đó có giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1979), giải thưởng Nhà nước (đợt 1, 2001). Trong số các nhà thơ, có lẽ Thanh Thảo là người viết báo nhiều nhất.

Anh viết đủ các thể loại, từ "Chào buổi sáng", "Lăng kính cuối tuần" đến thể thao. Những ngày này, anh đang thức cùng Euro 2008 để rồi "cày" cật lực trên những trang viết.

-Thưa nhà thơ Thanh Thảo, xin anh cho biết đôi chút kỷ niệm về bài báo đầu tiên anh viết về bóng đá?

+ Vào mùa World Cup 1994, nhà báo Chánh Trinh - cây bút thể thao nổi tiếng - lúc bấy giờ đang làm cho tờ Lao Động, có ra tờ Tin nhanh World Cup. Anh Chánh Trinh trước đó có lẽ đọc được vài bài thơ tôi viết về bóng đá nên nghĩ tôi có thể viết được bình luận bóng đá hay sao ấy, nên gọi điện rủ tôi viết bình luận World Cup. Tôi nhận lời, không phải vì đã biết viết bình luận bóng đá thế nào, mà đơn giản tôi nghĩ mình cứ viết theo xúc cảm, như… làm thơ vậy, chắc là được.

Tôi đã viết những bài bình luận bóng đá đầu tiên như những… bài thơ văn xuôi. Kiểu này thì tôi quen. Hóa ra, độc giả lại… thích, thế có… sướng tôi không? Và, thừa thắng xông lên, tôi cứ mỗi ngày một bài, cho tới hết World Cup. Tổng kết, thấy nhuận bút ông Chánh Trinh trả cũng khá, thế là tôi thành nhà bình luận bóng đá luôn! Tôi nhớ, hình như một trong những bài báo bóng đá đầu tiên của tôi là bài  "Ba đoản khúc Argentina"- nghe giống đầu đề một bài thơ chứ ạ? Đúng, đó là một bài thơ văn xuôi, tôi tiếc bây giờ không còn lưu được bản thảo, nếu tìm được, tôi sẽ đưa nó vào một… tập thơ của tôi.

- Nhiều người vẫn thuộc một bài thơ về bóng đá của anh: "Ởã tuổi 32, Platini lặng lẽ giã từ/ Trên sân Wembley anh chói lên lần cuối/ Tôi có thể đá thêm một vài mùa bóng nữa/ Nhưng để làm gì? ...

+ Tôi kính trọng những người biết dừng đúng lúc. Không phải ai cũng làm được như thế để nhường sân chơi cho người khác tài năng hơn. Platini làm được nên tôi đã viết bài "Một người dừng đúng lúc": "Cầu trường rung lên cuồng nhiệt nghẹn ngào/ Nuối tiếc chào một - người - dừng - đúng - lúc/ Chợt hiểu: biết ra đi là nghệ thuật.../ Tự trọng là kính trọng tương lai/ Và để tương lai kính trọng mình"...

- Làm thơ và viết báo, nhất là viết về môn thể thao vua - bóng đá -  có gì khác nhau?

+ Tôi đã nói cái giống nhau, đó là xúc cảm, là đam mê, là… thơ. Đúng thế, bình luận bóng đá cũng như viết một bài thơ, đừng quên cái gốc chính là… ngôn ngữ. Và văn hóa. Và đời sống. Và nghệ thuật trong sự tương đồng và khác biệt. Bóng đá là một nghệ thuật tổng hợp. Thơ là một nghệ thuật của ngôn ngữ nhưng cũng mang tính tổng hợp cao. Cái khác, bóng đá là… bóng đá, còn thơ là… thơ. Chúng có nhiều nét tương đồng, nhưng lại hoàn toàn khác biệt. Chúng đều mê hoặc người sáng tạo, mê hoặc công chúng, nhưng mức độ lại rất khác nhau. Bóng đá là một nghệ thuật cộng đồng có tính phổ biến cực rộng, còn thơ thì không thể… thi đua với bóng đá về công chúng, nhưng ở những nét vi diệu nhất, bí ẩn nhất thì hai nghệ thuật này có nhiều điểm chung.

- Để viết một bài báo về bóng đá anh phải chuẩn bị những gì?

+ Thì tôi cũng chuẩn bị như nhiều nhà bình luận bóng đá khác chuẩn bị: tư liệu, những chi tiết, tên cầu thủ, lịch sử đội bóng, những thành tích của đội bóng và của cá nhân cầu thủ… Có điều, khác với nhiều nhà bình luận bóng đá chuyên nghiệp khác, tôi chuẩn bị khâu tài liệu hơi… a-ma-tơ.

Cái tôi quan tâm hơn là những ấn tượng mà tôi có được khi xem cầu thủ hay đội bóng ấy trình diễn, là những điều mà cầu thủ ấy hay đội bóng ấy sống trong tôi, họ như đã trở thành chữ nghĩa của tôi, hòa cùng xúc cảm của tôi, ngẫm ngợi của tôi. Tóm lại, họ đã là "chất liệu" cho thơ của tôi. Tôi viết một bài bình luận bóng đá cũng giống như viết một bài thơ. Và đó là thế mạnh của tôi, so với nhiều nhà bình luận khác. Có làm thơ, mà làm thơ hay, thì vẫn có hơn chứ ạ!

- Nghe nói Thanh Thảo có tài xem bóng đá bằng... tai. Anh có thể bật mí "ngón nghề" này được không?

+ Cũng là chuyện bất đắc dĩ và trong những trường hợp "bất khả kháng". Như cách đây nửa tháng, tôi phải viết một bài về bóng đá nữ Việt Nam cho một tờ báo lớn, trong khi trận đấu quan trọng nhất của bóng đá nữ Việt Nam, gặp Thái Lan lại không được VTV truyền hình trực tiếp. Tôi cũng không hiểu vì sao. Vì trước đó, chính VTV đã cam kết sẽ truyền trực tiếp những trận nữ Việt Nam thi đấu trên kênh VTV2. Tôi đành nhờ thằng con tôi ở TP. Hồ Chí Minh xem… hộ, và tường thuật tóm tắt cho tôi.

Do đã khá rành Đội tuyển nữ VN, nên từ những "tường thuật ngắn gọn" ấy, tôi vẫn viết được bài bình luận không đến nỗi tồi về bóng đá nữ Việt Nam. Trong quá khứ, cũng đã vài ba lần tôi phải viết bình luận bằng… tai thế này, cũng hay ra phết. Và quan trọng hơn, chẳng ai nhận ra, chẳng ai lấy làm điều. Dù biết như thế là kiểu làm báo không đúng với quy định của nghề nghiệp, nhưng… kẹt quá, đành vậy!

- Dân cá độ nói họ hay "bắt ngược" với những dự đoán của anh. Và thường họ trúng. Anh nghĩ thế nào về chuyện này?

+ Thực ra, khâu dự đoán kết quả là khâu… phụ nhất trong bài bình luận (trước trận đấu) của tôi. Những người thích các bài bình luận của tôi, là họ thích cách viết, không phải thích độ chính xác của các dự đoán. Bản thân tôi cũng chỉ dự đoán cho…vui, vì tôi biết, điều khiến bóng đá có sức mê hoặc lớn nhất chính là nó không thể dự đoán được, không nói trước được các cầu thủ sẽ chơi thế nào, đội bóng sẽ chơi ra sao?

Và kết quả cuối cùng chính là điều… tù mù nhất. Như ai ngờ, đội Hà Lan của Van Basten lại đè bẹp đội vô địch thế giới Italia của Donadoni tới 3 bàn không gỡ, trong một trận đấu mà Hà Lan chơi như lên đồng ngay ở bảng "tử thần". Áp lực khủng khiếp như thế, mà "cơn lốc màu da cam" lại chơi bốc đến như thế thì làm sao mà dự đoán đây?

- Nhuận bút trả cho các bài viết về bóng đá của anh có cao không? Chắc không "hẻo" như nhuận bút thơ?

- Cũng tùy từng báo thôi anh! Có báo mình viết xong cả mùa Euro hay World Cup, tới lúc họ trả nhuận bút thì đành… cười méo cả miệng. "Thông cảm anh ơi, báo em còn khó lắm!". Thì còn biết làm gì hơn là thông cảm, sau cú "cười lỏng bắt tay nhạt" như thế? Dĩ nhiên, nhuận bút báo phải hơn nhuận bút thơ, chứ nếu không, tôi viết báo làm gì? Nói thật nhé, chỉ có làm thơ là… sướng nhất. Và cái sướng ấy còn lâng lâng lâu lắm, nếu mình viết được những bài thơ ưng ý. Còn báo thì… đúng là cũng sướng nếu viết được bài báo hay, nhưng cái sướng ấy cùng lắm chỉ trong khoảng nửa ngày. Báo là "nhật trình" mà!

- Nếu làm báo "ngon" hơn làm thơ, anh có bỏ thơ để chuyên tâm làm báo?

+ Không bao giờ! Nhưng tôi không muốn chuyên tâm hẳn cái nào, và không bỏ cái nào, trừ khi họ không cho tôi viết báo nữa, không in những bài báo của tôi nữa. Còn thơ, thì tôi đâu cần in, nên chả lo chuyện công bố!

- Biết anh đang bận túi bụi với Euro 2008. Anh đang viết cho những báo nào? Cảm xúc của anh khi trái bóng vừa lăn?

+ Hiện tại, mỗi ngày trung bình tôi viết 3 bài cho 3 tờ báo, trong đó có báo chuyên thể thao, có báo chỉ có trang thể thao, kể cả vài tờ báo điện tử nữa thì con số có tăng hơn một chút. Khi trái bóng vừa lăn, cảm xúc của tôi cũng giống như mọi người mê bóng đá thôi. Chỉ có cái khác một tí: tôi phải nghĩ ngay sau đó mình sẽ viết bài gì? Và viết ngay hay đợi sáng hôm sau?

- Theo anh, các nhà làm bóng đá và cổ động viên Việt Nam có thể học được những gì từ Euro lần này?

+ Có khối điều các nhà làm bóng đá Việt Nam có thể học được, vấn đề là họ có muốn học không mà thôi. Còn với các cổ động viên Việt Nam, thì cái có thể học chính là… văn hóa bóng đá. Xem bóng đá cũng cần có văn hóa như xem các nghệ thuật khác thôi.

- Anh dự đoán đội nào vô địch Euro 2008?

+ Có thể là Đức, Hà Lan hay Bồ Đào Nha. Đơn giản vì 3 đội này đã khởi đầu rất ấn tượng. Còn đội nào thực sự sẽ vô địch thì… tôi không biết.

- Xin cảm ơn và chúc anh một mùa EURO vừa vui vừa có… thu nhập!
Lương Lê Giang
.
.