Nhà thơ Thạch Quỳ: Chỉ "gàn" với những gì không thực chất

Thứ Hai, 03/03/2014, 08:00
Lần đầu tôi gặp nhà thơ Thạch Qùy là lúc Thạch Quỳ đang ở trong khu nhà chung cư vẹo vọ do CHDC Đức xây cho thành phố "địa chỉ đỏ" của Việt Nam sau chiến tranh chống Mỹ. Bấy giờ, cả Đặng Văn Ký và Thạch Quỳ là những người "anh dũng" đi đầu, từ bỏ nhà tranh tre, giấy dầu, tiến thẳng lên nhà cao tầng, ở Vinh. Không còn nhớ năm bao nhiêu nữa, nhưng lâu lắm rồi. Bấy giờ, tôi chưa là nhà văn, nhà veo gì, chỉ nghe tiếng các lão thì tìm chơi, vậy thôi!

Thạch Quỳ người gầy, mặt hốc hác, tóc xù rối, trông cũ kĩ như vừa mới được "moi" ra từ một xó xỉnh hoặc một trại cải tạo nào đó. Vòng hai của lão ước chừng chỉ bốn mươi, năm mươi cen-ti-mét là cùng. Bấy giờ lão đau dạ dày. Nghệ An hồi xưa gọi những người đau dạ dày là đau bụng tật. Gặp nhau trong quán nước chè chén của chị Nhã vợ lão, lão chắt trong cái hũ rượu ngâm đã cạn tận đáy, được 3 ly. Tôi, Đặng Văn Ký và lão mỗi người một ly. Thấy thích lão ngay, thích cái bỗ bã, cái nông quê ở lão. Trông lão toát ra vẻ tự tại, an nhiên. Không vồn vã mà vẫn thân tình.

Thạch Quỳ là giáo viên toán cấp ba Thanh Chương. Cũng giống Đặng Văn Ký, hai ông đồ đang "sướng như vua" trong cái "cõi" làm thầy giáo cấp ba ở cái xứ sở chuộng chữ nhất nước, thì bỗng, các lão bị bỏ bùa, bỏ ngải theo đòi cái nghiệp văn chương đỏng đảnh và vô tăm tích này.

Thạch Quỳ nổi tiếng từ bài thơ "Với con". Bài thơ này  được đăng trên báo Văn nghệ năm 1980, trên trang dành cho thiếu nhi. Bài thơ đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng cũng để lại cho lão nhiều phiền toái, thậm chí hồi đó người ta còn nghi ngờ thái độ chính trị của lão. Nghe nói, tình hình căng tới mức, nhà thơ Xuân Diệu phải thay mặt Hội Nhà văn vào Nghệ An giải thích. Bài thơ có những câu như sau:

Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
Vì thế những lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con

……

Thơ Thạch Quỳ hay. Hay ở chất thơ chắt lọc từ một vùng văn hóa trầm tích trong dân ca xứ Nghệ. Hay ở cái chất thông minh sắc sảo của ông thầy dạy toán cấp ba. Hay ở chất thấm đẫm sự xót xa, đắng đót của đời sống xứ sở gió Lào. Hay ở sự dịu ngọt mát lành của nguồn nước sông Lam chảy giữa quanh co đồng bãi, giữa những đồi núi lô nhô như bát úp. Nó vừa có cái chát chúa, đắng đót của kiếp người; vừa có cái mộng mơ lãng mạn của quê hương xứ sở… Thạch Quỳ nằm trong tốp-ten thơ, cùng với những Anh Ngọc, Vương Trọng, Võ Văn Trực… lừng danh xứ Nghệ một thời.

Lại nhớ có lần về Vinh, đang ở chơi nhà văn Chính Tâm thì Nguyễn Long đến. Nguyễn Long là kiến trúc sư, nhưng ham thích văn chương. Trong câu chuyện có nhắc đến Thạch Quỳ. Nguyễn Long rủ: "Anh có đến thăm anh Thạch Quỳ tôi đưa đi!". Vậy là đi.

Bấy giờ, Thạch Quỳ đã có nhà bốn tầng ở đường Phong Đình Cảng. Nghe nói do con trai đi xuất khẩu lao động bên Đức mang tiền về xây cho. Nguyễn Long bảo: "Lúc nào nhìn lên lầu bốn thấy đèn đang sáng là lão đang ở nhà. Nhưng như thế là lão đang cúng ở trên đó". Rồi Nguyễn Long kể: "Thạch Quỳ bây giờ làm nghề thầy cúng và xem bói. Khách của lão đông lắm! Có cả khách Thanh Hóa vào, khách Hà Tĩnh ra. Đến nhà, cứ đứng dưới đường nhìn lên, thấy đèn trên lầu tư đang sáng là lão đang cúng". Quả đúng như vậy!

Tôi và Nguyễn Long vào nhà thì gặp lão. Vẫn xuề xòa, đơn giản như xưa, lão rót nước mời khách, hỏi thăm về công việc về sáng tác. Lão có đọc một vài bài của tôi in rải rác trên báo. Và khen. Khen ít thôi, nhưng có khen. Rồi đột nhiên lão hỏi về bệnh tật. Lão biết tôi bị rối loạn tiền đình. Tôi kể khổ về bệnh tật với lão. Lão bảo: "Lên lầu anh cúng cho. Cúng xong anh bốc cho mấy vị thuốc nam. Em về uống là sẽ khỏi. Anh chắc trăm phần trăm là anh sẽ chữa khỏi bệnh tiền đình cho em!".

Dạo đó, tôi đang khốn khổ vì bị chóng mặt liên tục. Thuốc uống hàng tạ không khỏi. Thế rồi gặp Thạch Quỳ. Lão khấn vái Đức Thánh Trần. Tôi đứng bên cạnh, nghe rõ lời lão, đại để: "À hèm! Kính lạy Đức Thánh… con là Vương Đình Huấn (Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn - LHM) ngụ tại… xin thỉnh cầu: Con có thằng em tên là Lê Huy Mậu, quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện em đang làm cán bộ Tuyên giáo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có căn bệnh… Lạy Đức Thánh phù hộ độ trì cho em nó khỏi bệnh… À hèm!".

 Lão bảo tôi lạy Đức Thánh, xong lại sang chỗ thờ gia tiên lạy gia tiên, xong xuống nhà uống nước, xong lão kê cho cái toa gồm ba vị thuốc nam. Một vị là meo (mộc nhĩ) cây duối, một vị là rễ cây cỏ xước, vị thứ ba quên mất. Tôi điện nhờ thằng cháu ở quê tìm meo cây duối. Thằng cháu đốn cả cây duối to, tưới nước mãi mới thu được một nắm meo, phơi khô gửi vào cho cậu. Tôi đã uống thuốc chữa tiền đình của Thạch Quỳ. Và cũng chỉ duy nhất có một lần đó thôi!

Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu sáng tác. Năm đó, tôi ốm quặt quẹo. Chóng mặt. Đau đầu. Ớn lạnh. Ói mửa. Hốt hoảng. Stress cấp... Nể Nguyễn Trọng Tạo, tôi vẫn theo lão đi uống rượu. Nhưng ngồi xem các lão uống còn không nổi nữa là uống. Một hôm Nguyễn Trọng Tạo tới nhà chơi. Thấy tôi có cái gốc cây khô để trước cửa, lão bảo, vất ngay cái cây này đi. Để cây khô trước nhà ốm là phải. Tôi lại cũng nghe theo. Hôm sau, tôi gọi người đến cho ngay gốc cây về trồng phong lan. Nó hí hửng chở đi ngay. Thế rồi, không hiểu sao, bệnh tiền đình của tôi cũng đỡ dần, rồi khỏi hẳn. Có lẽ nào mình hết tiền đình lại là nhờ thuốc thần, thuốc thánh! Có lẽ nào chữa bệnh cho mình lại chính là hai nhà thơ, chứ không phải bác sĩ nào? Chuyện như đùa vậy mà lại thật. Thế mới lạ!

Tôi đọc thơ Thạch Quỳ không nhiều. Ngoài những bài thơ của Thạch Quỳ in rải rác trên các báo tình cờ đọc được, có duy nhất một tập thơ được lão tặng. Đó là tập "Cuối cùng cũng chỉ một mình em". Tập thơ mỏng dính. Nó đã ít về số bài, ít về số câu ở mỗi bài, lại ít cả về số chữ trong mỗi câu. Thơ Thạch Quỳ cô lọc đến tận con chữ. Anh cố gắng tối giản chữ trong mỗi câu thơ, tối giản câu trong mỗi bài thơ. Đọc thơ Thạch Quỳ thấy rõ anh đã "lao động" thơ đến xơ xác cả đời!

Anh Võ Văn Trực, một người anh, người bạn rất thân thiết của Thạch Quỳ, trong bài viết của mình trên báo Công an nhân dân đã gọi Thạch Quỳ là Ông đồ gàn xứ Nghệ. Theo nghĩa đen thì Thạch Quỳ đúng thế. Ông đồ - Thạch Quỳ là Ông đồ; xứ Nghệ thì Thạch Quỳ không chạy đi đâu được; Còn gàn thì… người Nghệ, trí thức Nghệ, kẻ sĩ Nghệ thảy đều gàn. Gàn theo nghĩa là ít hòa đồng, là ngang, là bướng, là lập dị trong mắt đám đông. Thạch Quỳ gàn, theo anh Trực là thích cà pháo mắm tôm, cả khi được người đẹp mời cơm cũng khoai luộc, cà pháo, và mắm. Thạch Quỳ gàn nhưng không phá ngang. Lão chỉ gàn khi gặp những gì không thực chất, những gì hình thức, giả dối mà thôi!

Tôi đã có dịp về thăm nhà thờ họ Vương ở Trung Sơn của lão. Tính ra, họ Vương lưu lạc vào sinh cơ lập nghiệp ở Đô Lương khoảng 11 đời, tính đến thế hệ Vương Đình Huấn - Thạch Quỳ. Trung Sơn là vùng đất khá trù phú. Cánh đồng lúa nước trải trước làng như tấm thảm xanh, chưa tới mức mênh mông nhưng cũng có thể gọi là thẳng cánh cò bay. Phía sau làng là con đường quốc lộ 15. Bên kia đường 15 là cánh bãi, phù sa sông Lam mang đến cho người dân nơi đây những rau trái bốn mùa lắm thức, lắm món thật dồi dào,  phong phú.

Bác Vương Đình Trâm, anh ruột nhà thơ Vương Trọng đưa tôi đi thăm hết 11 ngôi nhà thờ họ, từ nhà thờ tổ họ Vương tới nhà thờ các chi, các nhánh trong cây gia hệ họ Vương của bác. Họ Vương, cùng họ Nguyễn Cảnh ở đất Đô Lương là những dòng họ lớn có nhiều khoa bảng đỗ đạt. Họ Vương có nhiều nhà thơ như Vương Trọng, Thạch Quỳ, Vương Cường, Vương Duyệt, Vương Đình Trâm… vv… Bác Trâm tặng tôi tuyển tập thơ họ Vương dày cả ngàn trang. Thơ của một dòng họ, mới chỉ hơn mười đời trở lại đây đã dày dặn thế, chất lượng thế. Không biết ở Nghệ An còn có dòng họ nào được như thế nữa không?

Thạch Quỳ và Vương Trọng là vai chú, vai cháu với nhau nhưng cũng sàn sàn tuổi nhau. Vương Trọng học Tổng hợp Toán, còn Thạch Quỳ học Sư phạm Toán. Có nhiều cái cùng nhưng hai nhà thơ họ Vương này khác nhau xa lắm. Thạch Quỳ cá tính, gai góc còn Vương Trọng thì nho nhã, chuẩn mực. Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ, cũng hai nhà thơ đồng hương mình thân, sơ như nhau, vậy mà khi vẽ chân dung Thạch Quỳ, mình có tứ trong đầu ngay, còn Vương Trọng thì chịu, thì khó quá! Hóa ra, nhà thơ càng lộ diện phần ngoài thơ bao nhiêu thì càng dễ vẽ chân dung về họ bấy nhiêu!

Về Nghệ An, rủ Thạch Quỳ ra một cái quán cóc làm vài chai Halida. Trông Thạch Quỳ chẳng khác gì những hạt bụi giữa đám bụi người đông đảo. Nhưng đánh hai chữ Thạch Quỳ vào Google thì có hàng vạn thông tin về lão.

Lần gặp Thạch Quỳ gần đây nhất, tôi rước lão đi uống bia, lão bảo: "Anh đang bỏ dần: bỏ thuốc lá, bỏ rượu và đang trên đường tiến tới bỏ bia".

10/2/2014

Lê Huy Mậu
.
.