Nhà thơ Tế Hanh: Thích làm thơ khi đi dạo
"Hoa niên" là tập thơ đầu tay của ông gồm 40 bài. Trong đó có 29 bài hoàn toàn viết trên đường đi và chỉ viết trong một kỳ nghỉ hè. Nguyên do là thế này:
Năm 1939, Tế Hanh học Trường Quốc học Huế, thân với một nữ sinh Trường Đồng Khánh. Trước khi nghỉ hè, Tế Hanh đi lang thang vào một ngõ hẻm cố đô, bất chợt gặp cô bạn nữ sinh. Trong tình cảm ngượng nghịu, cô bạn hỏi: "Hè này anh làm gì?". Tế Hanh trả lời: "Hè này tôi sẽ làm một tập thơ". Với cảm xúc bâng khuâng ban đầu, quả thật mùa hè năm ấy, Tế Hanh say mê làm thơ. Đi chơi với bạn dọc bờ bể hoặc leo núi hoặc bơi thuyền trên sông, ông mê mải làm thơ. Viết xong bài này lại viết tiếp bài khác. Có dạo, mỗi ngày viết một bài.
Sau kỳ nghỉ hè, Tế Hanh gom được 29 bài, dùng sợi len xanh đóng thành tập, háo hức trở lại trường. Công việc đầu tiên là ông tìm cô nữ sinh Trường Đồng Khánh để khoe tập thơ. Tập thơ đặt tên là "Nghẹn ngào" được giải thưởng của Tự lực Văn đoàn. Năm 1945, thêm 11 bài, đặt tên là "Hoa niên" - tập thơ đầu tay của ông mới được xuất bản.
Khi đã trở thành nhà thơ được đông đảo bạn đọc yêu mến, ông vẫn giữ thói quen làm thơ trong lúc đi dạo.
Hồi đầu kế hoạch năm năm lần thứ nhất, các nhà văn nhà thơ hăm hở đi về cơ sở sản xuất. Tế Hanh thường đi về nông trường. Được hòa mình vào không khí lao động của công nhân, cộng với thói quen của nhà thơ, ông ít khi ngồi trong nhà khách, mà mải mê đi dạo khắp nông trường. Vào nông trường cà phê Đông Hiếu, Tây Hiếu (Nghệ An), đêm trăng đi dạo một mình, chợt nảy ra câu thơ hay: Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn cũng không ra ngoài. Từ câu thơ ấy mới nảy ra tứ thơ và hình thành nên bài thơ "Nông trường cà phê"...
Lên nông trường Mộc Châu, ông háo hức đi xem các đồi chè và đàn bò gặm cỏ. Ông cho biết, bốn câu thơ cuối cùng của bài thơ "Mùa thu ở nông trường" viết trong lúc ông đang ngồi gỡ cỏ may bám đầy hai ống quần:
Tôi đi để mặc cỏ may
Hai bên bờ biếc ghim đầy quần tôi
Dừng chân dưới một quả đồi
Gỡ từng sợi cỏ, tôi ngồi nhìn thu.
Ở Hà Nội, ông toàn đi bộ. Nhà ông ở gần hồ Thiền Quang: Nhà tôi cạnh hồ, cửa sổ trông sang. Ông thường đi dạo quanh hồ. Nhiều lần tôi đến nhà ông chơi, ông không ở nhà, cứ ra bờ hồ là gặp ông đang một mình tản bộ.
Đối với ông, bờ hồ Thiền Quang là "cái bàn viết thân yêu" đã từng gợi cảm hứng thơ: Đây là một phần thân yêu thủ đô Hà Nội. Ông đi nhiều đến nỗi đếm được hai trăm thước bề dài, một trăm thước bề ngang. Ông làm bài thơ "Hồ Thiền Quang" và đề "gửi Nguyễn Bao", vì nhà Nguyễn Bao ở gần đó, hai người thường gặp nhau lúc đi dạo.
Tôi đi quanh hồ bằng nghìn cây số
Bước tôi đi đo thử bước thời gian
Trong đời tôi những vui buồn sướng khổ
Hồ biết không, hỡi hồ Thiền Quang?
Bước tôi đi như nhịp những bài thơ
Thơ tình yêu, thơ về con, thơ ngợi ca, thơ chiến đấu.
Ông thuộc cảnh vật quanh hồ đến nỗi nhớ được vị trí của cây phượng vĩ nở hoa báo hiệu hè về, cây si buông chùm rễ trắng giữa mùa mưa, cây bằng lăng tím ngát hoa soi bóng nước... Ở góc này mấy bà bán đồng nát và giấy loại thường ngồi, ở góc kia bác xích lô gác xe lên gốc cây ngủ ngon lành...
Thiên nhiên yên tĩnh và kỳ thú là môi trường lý tưởng cho ông tản bộ và ngẫm nghĩ. Khi nảy ra một ý thơ hoặc một câu thơ, ông dừng lại ghi nguệch ngoạc vào tờ giấy để sẵn trong túi. Có những bài thơ được hoàn chỉnh trong đầu ông ngay trong khi đang thong thả bước...
Bài "Hà Nội vắng em" là một trong những bài thơ hay viết về Hà Nội, cũng được sáng tác bên bờ hồ Thiền Quang. Trong khi đi dạo, thỉnh thoảng thấy một cặp tình nhân ngồi tình tự dưới gốc cây... rồi cũng tại gốc cây ấy, có hôm vắng cặp tình nhân như vắng cái hồn của cây... Nhà thơ nhẩn nha bước và lời thơ cứ nhẩn nha kéo ra như từng sợi tơ vàng óng...
Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây
Câu thơ bộc lộ mặt mạnh của bút pháp Tế Hanh. Chàng trai ấy cứ loay hoay ở gốc cây đến nỗi bao nhiêu người qua đường phải chú ý đến các động tác "dở hơi" của anh ta... Tới gốc cây phượng kia thì một ý thơ lóe sáng và được chuốt ra thành lời:
Anh theo các phố đó đây
Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em
Vắng đầy cả em là một ý thơ độc đáo. Tôi đã có dịp trao đổi với anh về câu thơ này:
Năm 1967, anh viết bài thơ "Hà Nội và hai ta", trong đó có câu: Em ra đi đem Hà Nội đi theo/Anh ở lại thấy em khắp cùng Hà Nội. Mãi đến năm 1983, tức là 16 năm sau, anh viết bài "Hà Nội vắng em", có phải anh liên tưởng đến câu thơ Em ra đi mang Hà Nội... và sửa thành câu lục bát Anh theo các phố... Anh cười: "Không... Trực nhớ được, chứ mình không nhớ. Mình có cái dở là hay quên thơ mình. Hôm đó đi dạo bên hồ Thiền Quang, mình lẩm nhẩm bài thơ lục bát. Có lẽ do gieo vần lục bát mà nảy ra câu thơ này một cách bất ngờ...".
Quách Tạo, em ruột nhà thơ Quách Tấn, thuở nhỏ chơi thân và cùng đá bóng với Tế Hanh. Năm 1985, Tế Hanh 64 tuổi, Quách Tạo đã 74 tuổi. Bất chợt đến chơi, thấy Quách Tạo đang đánh cờ một mình.
Với một tâm hồn nhạy cảm, Tế Hanh không thể không liên tưởng: Người bạn già đang ngồi đánh cờ một mình này, thuở nhỏ là bạn đá bóng với mình. Tế Hanh ra về, dạo quanh hồ Thiền Quang, suy nghĩ lan man về tuổi già, về thời gian, về bạn bè, về nhân tình thế thái. Tứ thơ hình thành trong đầu, và sau một thời gian đi dạo, bài thơ đã được hoàn chỉnh:
Nhớ bạn ngày xuân tìm đến bạn
Về hưu nhà chật cảm thêm tình,
Ngày xưa đá bóng hăm hai đứa
Cờ tướng nay anh đánh một mình...
Hồn thơ đang lai láng, chợt gặp một người bạn. Bạn mời hút thuốc lá. Rồi vội chia tay. Tế Hanh vô ý đút điếu thuốc đang cháy vào túi làm cháy cả túi... Tế Hanh thường đãng trí như vậy. Chị Yến, vợ nhà thơ, cũng cho biết: Có lần Tế Hanh đi nước ngoài, cất điếu thuốc đang cháy dở vào túi áo veston, cháy thủng cả túi áo...
Về sự đãng trí của Tế Hanh, tôi nhớ mãi một lần đến chơi nhà anh. Anh pha trà. Cách pha cũng thật là độc đáo. Anh dốc chè cũ trong ấm ra, không xóc nước sôi, anh cho chè mới vào. Rồi rót ra hai chén. Vừa uống trà vừa đọc thơ. Anh cầm nhầm uống chén nước của tôi.
Xuân Diệu thì ngược lại. Trước lúc pha trà, anh tráng nước sôi cả ấm, chén và đĩa. Năm phút sau anh mới rót đều ra hai chén. Chả thế mà có lần anh Xuân Diệu nói với tôi: "Anh Tế Hanh làm thơ không sâu vì anh ấy không biết pha trà!”.
Lại một lần khác, anh Tế Hanh in xong tuyển tập, vào Tòa soạn báo Văn nghệ rủ tôi ra uống rượu thuốc ở quán rượu thuốc phố Nguyễn Du (đối diện với báo Tổ quốc). Chị chủ quán rót hai chén. Tôi uống hết rồi mà chén của anh chỉ vơi một chút (Có lẽ anh không có cái khoái cảm nhấp rượu, mà chỉ mượn cớ ngồi cho vui). Một lát sau, anh cầm chén của tôi uống - chén không còn chút rượu nào, sao anh vẫn bình thản như vừa nhấp rượu...