Nhà thơ Quang Huy: Người giỏi…chống chế

Thứ Ba, 31/03/2009, 09:30
Trong cuộc sống, không ai có thể tự hào là mình không từng có lúc... lỡ lời. Người giỏi là ngay sau đó phải tìm được cách "cải chính" khéo léo để mối quan hệ giữa họ với người đối thoại không bị sứt mẻ. Và về điểm này, tôi thực tình thán phục nhà thơ Quang Huy khi chứng kiến (hoặc nghe kể lại) việc ông "gỡ rối" một cách khá tài tình những chuyện "sảy miệng" nói trên.

Ngày Quang Huy còn giữ cương vị Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin thì ở nhà xuất bản nọ xảy vụ việc liên quan đến chuyện duyệt bài khiến ông Giám đốc nhà xuất bản suýt bị đưa ra kỷ luật. Biết chuyện, nhà thơ Quang Huy cho họp cơ quan và "thuyết trình":

- Tại sao một người có tiếng là cẩn thận, chặt chẽ trong khâu xuất bản (ý chỉ ông giám đốc nọ) lại để "lọt lưới" quyển sách như vậy? Là vì, khi lúc nào anh cũng nắm chặt tay khư khư thế này, thì mãi rồi cũng phải mỏi. Và mỏi đến độ buông tay lúc nào chẳng biết. Ấy chính là lúc "rơi" ra quyển sách có "vấn đề" ấy.

 Anh em trong cơ quan nghe vậy khoái quá, phá lên cười. Nhưng câu chuyện cũng vì thế mà lập tức đến tai ông Giám đốc nhà xuất bản nọ, vốn là đồng sự với Quang Huy. Ông ta bèn gọi điện đến Quang Huy, tỏ ý trách tại sao ông lại đưa chuyện ấy ra cơ quan để…giễu.

Quang Huy vội đáp:

- Tôi đưa chuyện ấy ra cơ quan để nhắc nhở cho anh em thấy rằng: Đấy, nhà xuất bản lớn và có ông giám đốc cẩn thận, chặt chẽ như thế, mà còn để xảy sai sót vậy, huống hồ như nhà xuất bản của ta, nếu cứ làm ăn luộm thuộm, không nghiêm túc nâng cao cảnh giác, thì rồi không biết còn sai sót đến đâu.

Một lần khác, vẫn tại phòng làm việc của mình, Giám đốc Quang Huy tiếp một vị cộng tác viên là nhà thơ ở tỉnh xa về. Ông vừa đon đả pha nước mời khách vừa cho biết mình "mới đọc được chùm thơ của bạn".

Vị khách ngạc nhiên: "Chắc anh nhầm thế nào chứ?". "Thì báo chẳng in (đến đây Quang Huy nói tên vị khách, song rủi thay, trong ba chữ mà ông nhắc, chỉ ...hai chữ là đúng tên ông nọ) rành rành còn gì?". Vị khách vừa buồn, vừa tẽn tò: "Tôi ký bút danh là...cơ mà".

Quang Huy thoáng chút...ngượng ngùng, nhưng rồi ông cười xòa, nói lớn, vẻ rất sảng khoái: "Ừ, có thế chứ. Thảo nào mình đọc mà cứ lấy làm lạ: Quái, ông bạn mình vốn dĩ thơ hay chứ có đâu... viết dở thế được. Quả nhiên là không phải thật".

Quang Huy có sách xuất bản từ những năm chống Mỹ, nhưng trong trò chuyện với các cây bút trẻ, ông luôn có những ý nghĩ "đồng hành". Không biết có phải vì thế mà có lần, một cây bút tỏ ra sa đà vào việc chê bôi thơ những năm chiến tranh trước đây là loại thơ ngòn ngọt, chung quy là đèm đẹp một cách...giả tạo.

Thoạt đầu Quang Huy cũng đưa đẩy một đôi câu, nhưng khi thấy người đối thoại chuyển từ một vài trường hợp cụ thể ra thành bỉ bai mạt sát cả một thế hệ thì ông cảm thấy rất không ổn. Dù gì ông cũng thuộc lứa nhà thơ này, những người bị công kích kia là các bạn hữu của ông.

Nhưng "há miệng mắc quai", biết "gỡ" thế nào đây. Thoáng một giây, Quang Huy vờ gật gù tán đồng rồi bất ngờ đưa ra một... phán quyết: "Thơ ngọt còn hơn thơ... nhạt". Anh bạn trẻ kia nghe vậy thì chưng hửng, không dám tiếp tục mạch đề tài đó nữa...

Một lần, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin cho phát hành một tập thơ tuyển, trong đó có một bài thơ tứ tuyệt của cụ Khương Hữu Dụng. Không may, bài thơ này bị in sai một chữ (Mà thấy trong mình nỗi bão giông đã bị in thành Mà thấy trong mình nổi bão giông, chữ nỗi in sai thành chữ nổi). Cụ Dụng rất bực.

Gặp Quang Huy trên đường, cụ trách, thì Quang Huy buột miệng nói: "Bác nên thông cảm cho anh em. Cháu thấy "nỗi" hay "nổi" thì cũng... một chín một mười. Không hề hấn gì". Cụ Dụng nghe vậy càng giận. Cụ giữ xe Quang Huy lại, nói một thôi một hồi, cốt để phân tích cho Quang Huy thấy chữ "nỗi" khác và hay hơn chữ "nổi" như thế nào.

Cứ đà ấy thì không biết đến bao giờ mới... thoát được. Quang Huy bèn nghĩ ra một kế. Ông giả bộ cuống cuồng: "Cháu xin lỗi bác. Đúng là chữ nổi đã hay rồi, nhưng chữ nỗi còn hay hơn nữa. Giờ thì bác để cháu về nhắc bảo anh em ngay, kẻo không kịp chữa, chữ nỗi in ra thành chữ nổi thì... chết cháu". Thế là cụ Dụng vui vẻ ngay.

Thời kỳ Quang Huy công tác ở Hội Văn nghệ Nghệ An, anh em cũng lưu truyền câu chuyện vui sau đây: Cùng một cơ quan với ông có ông T., là người vừa viết văn, vừa viết kịch. Ông này tính tình keo kiệt.

Một hôm Quang Huy "sáng tác" ra câu chuyện về ông T.để kể vui với anh em. Đại thể là ông T sau chuyến đi thực tế về, có nói với ông: "Tôi đi thực tế được người ta biếu chai nước mắm. Ông đi mua thịt lợn về luộc, ta chấm nước mắm cùng ăn, ngon lắm!". Có người kể chuyện này cho ông T. nghe.

Ông T. liền sửng cồ với Quang Huy, thì Quang Huy cười bảo: "Anh em người ta nhầm thế nào. Chứ tôi chỉ nói tôi gạ ông, có nói ông gạ tôi đâu. Tôi bảo tôi mua thịt lợn về để chấm với nước mắm của ông, nhưng ông không chịu". Ông T. nghe vậy liền đấu dịu.

Lại một lần, Quang Huy cùng một số nhà thơ từ Hà Nội về dự sinh hoạt với Hội Văn nghệ Hà Bắc (cũ). Tối ấy, đoàn được mời đi xem vở "Ỷ Lan nhiếp chính" do Đoàn của Tổng cục Hậu cần diễn. Do hội trường quá ồn ào nên mọi người không sao nghe được lời thoại của các nhân vật trong vở diễn.

Anh em tính kế ra về, song ngặt một nỗi, bảo vệ kiên quyết không mở cửa, sợ những người dân ở ngoài tràn vào. Thoạt đầu, Quang Huy lấy lý do là khâu tổ chức kém, lộn xộn, làm anh em bảo vệ càng bực.

Trong khi  các nhà thơ lúng túng không biết cách nào để thuyết phục được họ thì Quang Huy nhanh trí nói: "Khổ quá. Chúng tôi tưởng đoàn chèo Hà Bắc diễn thì mới háo hức đi xem, đến đây mới biết là đoàn Tổng cục Hậu cần diễn. Đoàn Hậu cần thì bằng thế nào được đoàn Hà Bắc!".

Mấy anh bảo vệ nghe nói thế thấy hởi lòng hởi dạ, bèn khẽ hé cửa cho các nhà thơ lần lượt... rút ra

Tường Duy
.
.