Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Lửa đèn còn mãi

Thứ Ba, 14/12/2010, 11:44

Tôi được gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật lần đầu tại trụ sở Hội Nhà văn vào mùa thu năm 1998 - khi đang chuẩn bị tư liệu viết luận văn Thạc sĩ "Hình tượng người lính trong thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước"...

Là thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn - Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi luôn tự hào thế hệ đi trước với  những cây bút có tên tuổi đã làm nên bề dày truyền thống cho Khoa và với những đóng góp không nhỏ cho nền văn học nước nhà. Đó là các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Vũ Đình Văn, Bùi Công Minh, các nhà văn: Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vỹ... Với nhà thơ Phạm Tiến Duật, chúng tôi trân trọng bởi tài năng văn chương, nhiệt huyết tuổi trẻ, khát vọng, nghị lực cống hiến… của anh.

Biết tôi đam mê nghiên cứu thơ kháng chiến chống Mỹ, anh vui mừng, khuyến khích: "Anh không đồng ý với cách nhìn cực đoan, một chiều, cách đánh giá tùy tiện rằng nền thơ chống Mỹ ít chất thơ, ít rung động nội cảm, thiếu độ tinh tế, chỉ tập trung tuyên truyền, hô hào, cổ vũ, hoặc là khúc gãy làm gián đoạn tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc… như một vài ý kiến ai đó đã nêu. Ở bất kỳ giai đoạn nào, văn học cũng mang trong nó giá trị lịch sử... Em hãy đọc thơ chống Mỹ, sẽ phát hiện thấy con người cá nhân chỉ có chỗ đứng trong tập thể. Này nhé, những chiến tích vĩ đại, sự hy sinh vì đất nước của chị Trần Thị Lý được nhìn trong hình ảnh tiêu biểu của "Người con gái Việt Nam". Anh chiến sĩ giải phóng quân hy sinh tạc vào thế kỷ thành "Dáng đứng Việt Nam". Nhà thơ nhìn Tổ quốc không phải bằng con mắt cá nhân, mà bằng con mắt của lịch sử, của dân tộc, của thời đại, của Bạch Đằng, Đống Đa, của "điểm giao thoa" thời gian "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận". Em sẽ phải xử lý nhiều mối quan hệ không đơn giản, như: vừa phải bao quát được khối lượng lớn tài liệu, cả sáng tác và nghiên cứu, lại phải tìm cách hệ thống hóa, rút ra những nét cơ bản về diện mạo và đặc điểm của nền thơ; vừa phải nhập vào không khí lịch sử và đời sống văn hóa tinh thần của thời đại kháng chiến chống Mỹ để cảm và hiểu được nền thơ của thời đại ấy, đồng thời phải có cái nhìn từ hôm nay để đánh giá một cách khách quan thơ chống Mỹ, để thấy diện mạo riêng, độc đáo, là sự tiếp nối trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại do thơ chống Mỹ đóng góp. Em chọn đề tài không mấy "thời thượng", cũng không nhiều lắm người quan tâm là một sự dũng cảm…". Tôi đã được anh động viên như thế.

Lục tìm mãi, anh mới có vài cuốn sách cho tôi mượn, nhưng cũng chỉ là sách anh được bạn bè tặng, trong đó có thơ anh. Anh chưa có tuyển tập thơ. Như đọc được  thắc mắc của tôi, anh hồn nhiên nói: "Không xa nữa đâu, anh sẽ có tuyển tập thơ của mình". Anh đưa tôi cuốn "Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975" của nhà thơ Vũ Duy Thông do chính tác giả tặng: "Em tham khảo cuốn này đi. Công trình của anh Thông - người cùng cơ quan em đó".

Rồi qua sự giới thiệu của anh, tôi được gặp một số nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã có nhiều đóng góp cho nền thơ kháng chiến chống Mỹ. Đó là các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Trần Ninh Hồ, Trần Đăng Khoa… nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình… Các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã cung cấp thêm cho tôi nguồn tư liệu, cách nhìn nhận đánh giá nền văn học cách mạng. Bữa cơm anh mời cùng nhà thơ Trần Ninh Hồ ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam bổ trợ cho tôi rất nhiều kiến thức…

Anh say sưa nói về thơ chống Mỹ, về một thời trận mạc như vừa mới hôm qua bao người lính "cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn". Mạch cảm xúc tràn trào đến nỗi tôi không dám làm dứt dòng chảy ấy để chen thêm câu hỏi. Mỗi khi nghe đổ chuông điện thoại di động bằng bản nhạc "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, anh rất vui và lại hứng khởi nói về thơ chống Mỹ được phổ nhạc. Anh nói: "Thơ chống Mỹ tài tình lắm. Những ca khúc đi cùng năm tháng, có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc nước nhà lại được gợi ý từ chính thơ chống Mỹ. Em thấy không, này nhé: "Ngọn đèn đứng gác" (thơ Chính Hữu, nhạc Hoàng Hiệp), "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam" (thơ Hoàng Trung Thông, nhạc Chu Minh), "Cùng anh tiến quân trên đường dài" (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), "Lá đỏ" (thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc Hoàng Hiệp), "Hạt gạo làng ta" (thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Trần Viết Bính)...

Vui thì vui vậy, nhưng không ít lần tôi thấy anh phàn nàn về ca sĩ hát bài "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây". Anh nói, một số ca sĩ mới chú ý hát cho đúng giai điệu, ca từ, mà  chưa cảm nhận được sự tinh tế, cái hồn bài thơ, đã thế lại đặt sai ca từ "Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ". Anh có viết "xua tan" bao giờ đâu. Đã " xua tan" thì có vẻ cơ học quá, còn gì để mà nhớ nữa. Chữ "xua đi" mới thể hiện đến chiều sâu khôn cùng nỗi nhớ triền miên, khó dứt. Hơn ai hết, người lính ở chiến trường mới cảm nhận đầy đủ và thấm thía nỗi nhớ da diết ấy. Anh đã góp ý nhiều lần, có ca sĩ đã sửa, còn những bài đã ghi vào băng đĩa rồi, nên chịu vậy thôi. Có lần anh bất chợt hỏi tôi: "Em vốn là giáo viên dạy văn, lại yêu thích thơ kháng chiến chống Mỹ, đọc bài thơ "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của anh, em thấy chi tiết nào thể hiện sự khắc nghiệt của chiến trường". Tôi chưa kịp trả lời, anh đã cho ngay đáp án:

"Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi em có hái măng không

Em có hiểu câu thơ ấy không? Nếu không có những năm tháng lăn lộn với rừng Trường Sơn, chắc tài thánh anh cũng không viết được như thế. Cũng thật khó để hiểu ý nghĩa của nó, nếu không có thực tiễn Trường Sơn". 

Là nhà thơ nổi tiếng, lại là người hoạt khẩu, Phạm Tiến Duật thường được mời nói chuyện. Có lần tôi và một người bạn cùng Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm theo anh để nghe anh nói chuyện ở một trường Trung học phổ thông. Học sinh nghe chăm chú đến nỗi anh cũng không có thời gian nghỉ uống nước. Một MC - giáo viên dạy văn của trường tán dương những lời "có cánh", nhưng nói sai, nhầm lẫn kiến thức cơ bản, chưa kể lại hùng hồn đánh giá  sai thơ kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó, tôi thấy anh lặng đi, nét mặt buồn rầu đến lạ. Khi về, anh bức xúc, phàn nàn: "Anh rất quan tâm đến văn học nhà trường, song nhiều lúc anh thực sự choáng khi một số giáo viên dạy văn trung học ít biết thơ cũng như sự đóng góp của thơ chống Mỹ. Họ chỉ loanh quanh với số bài ít ỏi có trong sách giáo khoa. Buồn cười nhất có người tưởng Thanh Thảo,  Thúy Toàn là nhà thơ nữ... Nếu dạy văn chỉ đóng khung những tác phẩm văn học có trong chương trình, mà không chịu tìm tòi, mở rộng kiến thức thì rất thiệt thòi cho học sinh…".

Có lần tôi mạnh dạn hỏi anh về bài thơ "Vòng trắng" viết vào tháng 1/1974, đăng trên Tạp chí Thanh niên. Anh cự lại ngay: "Anh không viết bài thơ nào là "Vòng trắng" cả. Tên bài thơ là "Viết về số không". "Viết về số không" nhớ không? "Vòng trắng" là do bạn đọc tự đặt thành quen, rồi cứ gọi như thế…".

Sau khi Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi ra đời, tôi trở thành một thành viên của "ngôi nhà tri ân", khi ấy anh Phạm Tiến Duật đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Quỹ. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau, anh vẫn quan tâm đến đề tài tôi nghiên cứu. Như sốt ruột thay, nhiều lần anh giục giã: "Tăng tốc lên để bảo vệ luận án thơ chống Mỹ chứ. Anh không đủ kiên nhẫn để chờ thành quả của em đâu. Nói đùa thôi khi nào bảo vệ nhớ mời các nhà thơ chống Mỹ nhé". 

Tôi đã hoàn thành luận án và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Ngữ văn về "Thơ kháng chiến chống Mỹ" nhờ có nguồn tư liệu sinh động, ngồn ngộn chất liệu đời sống, lấm lem bụi đất chiến trường do anh và những nhà thơ đã tắm mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cung cấp.

Rất tiếc lời hứa mời anh dự lễ bảo vệ Luận án thơ chống Mỹ tại trường Đại học Sư phạm - nơi cách đó mấy chục năm, anh đã học tập và xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ, đã không thực hiện được. Nhà thơ đã không thể đến để chung vui với công trình mà anh đã dày công giúp tôi hướng nghiên cứu. Trong buổi lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước, tôi đã chọn bài "Nhớ" và "Tiểu đội xe không kính" để minh chứng cho câu hỏi của các thành viên Hội đồng.

Khi làm cuốn chuyên luận "Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", gia đình cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cung cấp cho tôi nguồn từ tư liệu quý, đó là bút tích của anh từ những bài văn được điểm cao khi anh đang học Trường Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) đến những bài thơ với nét chữ đẹp, cứng cỏi, nhưng cũng rất bay bổng của một thi sĩ tài hoa. Chị Vân, vợ anh đưa tôi xem cả tập bút tích của anh chữ đã ố vàng và sẵn sàng cho tôi mượn. Chị bảo đã đưa cho cháu anh Duật ken những bút tích của anh để lưu giữ trong máy vi tính, và theo lời chị, cháu Giang đã gửi cho tôi một số bút tích của anh đã được ken bằng file ảnh. Tôi đã có một nguồn tư liệu sống động cho những cuốn sách của mình về thơ kháng chiến chống Mỹ.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật không chờ được tới kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trái tim một nhà thơ chống Mỹ đã ngừng đập, nhưng vẫn lấp lánh "lửa đèn","Mang lửa từ nghìn năm về trước…Vùi trong tro trong trấu nhà ta" như những câu thơ anh từng viết... 

Lê Thị Bích Hồng
.
.