Nhà thơ Phạm Thiên Thu: Ru con hồn sử nước mình

Thứ Ba, 13/11/2012, 08:00

GS - TS Trần Văn Khê kể rằng, ông đã đi từ thú vị, ngạc nhiên tới đồng điệu, cảm phục khi lật đến trang cuối cùng cuốn sách về hát ru của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Cầm cuốn sách trên tay, thỉnh thoảng Giáo sư lại khe khẽ cất lên lời hát ru à ơi..., ầu ơ... để nghe hồn mình lắng sâu cùng câu hát. Những câu thơ mang âm hưởng ca dao, nhiều đoạn "phiêu" về cõi tâm linh khiến bất cứ ai đọc cũng muốn bật lên tiếng hát...

1. Quán cà phê Hoa Vàng. Đường Hồng Lĩnh vắng, xa cái ồn ào vốn dĩ của Sài thành. Bên góc quán quen, ly cà phê tí tách từng giọt, một lão thi sĩ nhắm mắt gật gù theo câu thơ, tiếng hát ngân nga của bạn bè. Vẫn là "Ngày xưa Hoàng Thị", "Đưa em tìm động hoa vàng", "Đoạn trường vô thanh", "Độc huyền"… Nghe tôi nhắc cuốn "Hát ru Việt sử thi", bạn bè vội vã lay nhà thơ Phạm Thiên Thư dậy "hỏi cho ra nhẽ". Ông choàng mở mắt, lắc đầu cười hiền khô, chắc phải tái bản vì sách mới ra hồi quý 3 nhưng đã hết nhẵn. Từ dạo gặp gỡ với Giáo sư Trần Văn Khê giữa tháng 10, ông vui lắm. "Hát ru Việt sử thi" đang được nghệ sĩ văn hóa dân gian Phương Lan thu đĩa để dạy hát ru cho các bà mẹ; Hội quán các bà mẹ Tp HCM chọn lọc để đưa vào sách thai giáo. Đồng thời cuốn sách sẽ đưa vào giảng dạy cho học sinh trong nay mai.

"Hát ru Việt sử thi" được ông thai nghén từ đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX và hoàn thành trong vòng 10 năm trời. Thời gian viết chỉ mất 2 năm nhưng quá trình khảo cứu, bổ sung để hoàn thiện cuốn sách đã ngốn mất của ông 8 năm. Điều đó cho thấy tác giả "Hát ru Việt sử thi" đã thận trọng, chắt lọc đến từng con chữ để có được một cuốn sách về đề tài lịch sử và văn hóa Việt, thể hiện bằng thơ lục bát, mang âm hưởng hát ru. Ngoài tham khảo ý kiến của các nhà sử học, các chuyên gia văn hóa, ông còn dựa vào cuốn "Việt Nam sử lược" và nhiều sử liệu khác. Cuốn sách hoàn thành nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng sau đó phải bổ sung, sửa chữa thêm và đến năm nay mới chính thức ra mắt bạn đọc.

"Hát ru Việt sử thi" gồm 3.277 câu lục bát, chia thành 44 phần, trải dài từ thời mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân khai thiên lập địa đến chiến thắng Đống Đa năm 1789 của vị vua áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ông bảo chỉ viết đến mốc son này. "Hát ru Việt sử thi" là trăn trở của một con người thuộc thế hệ hôm nay trước nhân tình thế thái, trước thời cuộc đổi xoay của đất nước: "Gian thần bởi Trương Phúc Loan/ Định Vương chết - lại tiếp phần Đàng Trong/ Quân Trịnh chiếm hết Phú Xuân/ Trấn quân Thuận Hóa dân phần chết khô…". Các sự kiện, nhân vật lịch sử đều được nhà thơ Phạm Thiên Thư chú giải cẩn thận. Ngoài những bài về lịch sử, "Hát ru Việt sử thi" là bản tình ca sáng ngời đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước, thấm đẫm tinh hoa văn hóa Việt theo cách cắt nghĩa rất riêng của Phạm Thiên Thư - một thi sĩ, tu sĩ Phật pháp. Mỗi bài được chia ra làm khoảng 10 - 20 câu lục bát, gồm: Hát ru siêu thức, Ru con sáng tạo, Hát ru vô thường, Hát ru anh hùng, Hát ru đồng bào… mang âm hưởng ca dao: "À ơi! Cháu ngủ cho thâm/ Có nghe tiếng lá rụng thầm bên hiên/ À ơi! Cháu mộng cho hiền/ Ngoại đi ra suối quảy viền trăng non/ Về cho cái ngủ thêm tròn/ Vườn xanh là trái - đỉnh non là trầm/ Viền trăng vàng một chữ tâm/ Chữ trôi theo nước - chữ xâm nền trời…" (Hát ru chữ Tâm).

Nhà thơ Phạm Thiên Thư và cuốn sách "Hát ru Việt sử thi".

Trong mỗi bài hát ru, những tâm tình, ước vọng bao đời đã được ông nhắn nhủ đến các bé thơ: "À ơi! Một dải giang sơn/ Hôm nay ta có phải ơn bao người/ Đất không tính giá vàng mười/ Tính bằng những lớp máu tươi anh hùng/ Vì riêng mà cũng vì chung/ Cháu ơi! Sáng chữ hiếu trung ngàn đời…" (Hát ru giang sơn).

"Cuốn sách là chính sử, nhưng không phải chính sử khô khan mà được thi hóa bằng thể lục bát với những phép ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, liên tưởng… rất nhuần nhuyễn, thú vị, bảng lảng màu sắc Phật giáo. Đó không chỉ là những bài hát ru về các triều vua, sự tích mà còn dạy cho trẻ biết những bài học căn bản của văn hóa phong tục dân tộc như "Hát ru châm ngôn xanh: học ăn, học nói, học gói, học mở" hay "Vừa ăn, vừa nói, vừa gói, đem về". Cách truyền tải của nhà thơ Phạm Thiên Thư rất duyên dáng và mềm mại, dễ đi vào lòng người" -  Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê nhận xét.

Đến bây giờ, khi tóc đã bạc, da đã mồi, ngôn ngữ đứt đoạn vì cơn tai biến năm nào, nói phải có người diễn giải, nhưng nhà thơ Phạm Thiên Thư vẫn không quên giai điệu ngọt ngào của mẹ. Lời ru bên tấm võng kẽo kẹt trưa hè giữa vùng quê Bắc Ninh yên ả, hiền hòa như dòng sữa ngọt lành rót vào tiềm thức, nuôi lớn tâm hồn ông. Mỗi lần nghe bạn bè hát ông muốn hát theo, nhưng ú ớ mãi chẳng thành câu. Lời ru chỉ còn đọng lại trong tâm thức. "Tôi thấy bây giờ người ta ít hát ru, bọn trẻ chỉ toàn nghe tân nhạc. Ngày ngày xem báo, bật tivi, lại thấy bọn trẻ bây giờ phạm tội nhiều quá. Trong khi đó, thầy cô giáo vẫn than vãn về chuyện học làm người và nhất là chuyện học sử của tụi trẻ. Mùa thi năm nào cũng là câu chuyện hàng loạt bài thi môn sử bị điểm 0. Lịch sử và hát ru đều là cội nguồn, hồn cốt dân tộc. Một dân tộc, một con người sẽ sống sao nếu không còn cội nguồn, hồn cốt? Ngẫm mà buồn lòng". Hai mảnh hồn dân tộc đã ít nhiều phôi pha, nhạt nhòa trong tiếng nhạc xập xình, trò chơi game máu lửa của bọn trẻ. Sử học và đạo làm người như giáo lý khô khan khiến chúng chán ngán, quay lưng.

Bằng tất cả nỗi niềm đau đáu vì thế hệ trẻ, câu hát ru năm nào đã khơi gợi mạch nguồn sáng tạo, thôi thúc Phạm Thiên Thư gieo ý thơ. Và thế là ông viết, như một món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ mai sau.

2. Trong lời mở đầu, nhà thơ Phạm Thiên Thư kiến giải: "Việt sử thi là sự sống con người - Đời này, đời nọ - qua siêu thức hát ru - từ tình cảm dân tộc, gia đình - bà mẹ, chị em, con cháu… Ôm chiếc võng đay, bé sắp ngủ - thức vượt siêu thức…".

Nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, GS - TS Trần Văn Khê cho biết, hát ru rất tốt trong quá trình thai giáo. Nhạc cổ điển phương Tây tuy nhẹ nhàng, êm đềm nhưng trẻ em Việt Nam nghe chỉ ngấm giai điệu còn phần lời không thể hiểu. Đối với hát ru dân tộc, nghe mẹ hát lúc đầu bé không hiểu lời nhưng cảm nhận được tình mẫu tử qua giọng hát của mẹ. Sau này lớn hơn bé sẽ bắt đầu tập ê a, nhanh tập nói và thông minh, biết yêu thương mọi người. Ngược lại, trẻ nghe nhạc tiết tấu mạnh, thường có xu hướng bị kích động gây ảnh hưởng xấu cho quá trình phát triển nhân cách, trí tuệ.

Cũng theo GS - TS Trần Văn Khê, ở Pháp đã nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc thai giáo như: Chantal Verdìere lập Trường College Psychophonie (Cao đẳng Tâm lý âm thanh), bà Marie Anne Sevin lập Association pour le chant prénatal (Hội học và phổ biến tiếng hát cho thai nhi). Họ phải mất hàng chục năm nghiên cứu mới cho ra những bài thai giáo gồm tiết tấu 4 âm êm ái. Việc nghiên cứu, sáng tác các bài hát ru ở các nước phương Tây đã thực hiện từ lâu nhưng ở nước ta thì ngay cả khi cha ông đã có sẵn những câu hát ru theo thể lục bát, câu lục thêm từ "à ơi" hoặc "ầu ơ" là thành hệ 4 âm, hát theo quãng 4, quãng 5 rất quý giá, nhưng ngày nay chúng ta đang lãng quên chứ chưa nói đến việc sáng tác bài mới.

"Hát ru Việt sử thi" của nhà thơ Phạm Thiên Thư là một ấn phẩm độc đáo dành cho các bà mẹ của cả ba miền. Lời ru không chỉ buộc chặt tình cảm của mẹ con, bà cháu, tình yêu quê hương mà còn là trường nhạc đầu tiên trang bị cho bé vốn liếng về thi ca, lịch sử và âm nhạc dân tộc. Nam nữ thanh niên nông thôn ngày xưa không được học hành nhiều nhưng gặp nhau trên ruộng đồng, họ ứng đối, hát giao duyên rất nhuần nhuyễn. Ấy chính là nhờ vốn hát ru được nuôi dưỡng từ tấm bé. Qua những bài hát ru mượt mà, Phạm Thiên Thư đã khiến sử liệu khô khan trở nên sinh động lạ thường. Lời ru như dải lụa trải dài óng ánh theo hành trình sử Việt ngàn năm, đưa chim Hồng, chim Lạc về bên vành nôi con trẻ qua điệu "à ơi" của bà, của mẹ. Từ những câu hát ấy, bé lớn lên, mang theo hành trang cội nguồn, thi ca và cốt cách làm người bước vào đời.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Sử học, chuyên gia văn hóa Nguyễn Nhã, "Hát ru Việt sử thi" là cách dạy lịch sử rất hay, dạy sử bằng thơ! Rất nhẹ nhàng, dễ thuộc. Do đó cuốn sách không chỉ bổ ích với những bé thơ nằm nôi mà còn bổ ích cho các em học sinh và người lớn, khơi dậy tình yêu sử Việt. Tiến sĩ Nguyễn Nhã bày tỏ: "Tôi mong muốn các trường học, các nhà nghiên cứu lịch sử, âm nhạc, các bậc phụ huynh nên kết hợp cùng nhau để mở hội thảo bàn về giá trị cuốn sách. Từ đó có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tế. Tôi tin cuốn sách sẽ phát huy những gì thuộc về truyền thống dân tộc và khiến thế hệ trẻ sẽ yêu sử hơn"

Uyển Phan
.
.