Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: Gập ghềnh câu hát lý ngựa ô

Thứ Năm, 20/08/2009, 17:00
"Lý ngựa ô ở hai vùng đất" là thi phẩm thường hay được nhắc tới của Phạm Ngọc Cảnh. Bài thơ cũng là cơ duyên gắn bó ông với người phụ nữ có cái tên đẹp: Giáng Hương. Trong một lần đến nói chuyện tại lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh tại Trường Viết văn Nguyễn Du, cô gái xứ Thanh ấy đã mê bài thơ và mê thầy Phạm Ngọc Cảnh như... điếu đổ!

Tôi vẫn nhớ lần gần đây nhất được gặp nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Đó là ngày người vợ cả của ông - một diễn viên múa - ra đi sau 17 năm phải nằm bất động vì tai biến mạch máu não. Trong nỗi đau của một người chồng đã ở tuổi thất thập, Phạm Ngọc Cảnh vẫn cứng vững để lo hậu sự vợ một cách êm thấm.

Bẵng đi vài năm không gặp ông, tôi gọi điện liên lạc với ông thì biết tin: Sau khi bản thân cũng bị tai biến khá nặng, ông đã về sống ở Thanh Hóa cùng người vợ mới - một người học trò mê thơ và nguyện gắn bó cả quãng đời còn lại để chăm sóc người mà mình thầm yêu trộm nhớ trong suốt cả thời tuổi trẻ.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh. Khi toàn quốc kháng chiến, ông rời gia đình tình nguyện đứng trong hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc rồi tham gia vào Đội Tuyên truyền văn nghệ của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh và liên tục khoác áo lính cho đến lúc nghỉ hưu.

Trước khi được biết đến với tư cách một nhà thơ, Phạm Ngọc Cảnh là văn công Đoàn Văn công Quân khu Trị - Thiên trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Nhớ về những ngày tháng làm văn công, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tâm sự rằng ông vẫn còn lưu giữ những ký ức hồi ông đóng vai Trung úy Phương trong vở kịch "Nổi gió" của tác giả Đào Hồng Cẩm. Có những đêm, trong ánh đèn sân khấu, ông như được sống một cuộc đời khác, khóc cười cùng nhân vật, hào sảng cùng nhân vật. Trung úy Phương là một nhân vật đặc biệt, người diễn phải sống nhiều tâm trạng, nhiều diễn biến tâm lý vì anh là người bên kia giới tuyến. Phạm Ngọc Cảnh vào vai đạt đến nỗi, thời ấy, có nhiều người gặp ông ngoài đời vẫn gọi ông là "Trung úy Phương".

Có một kỷ niệm "để đời" với vở kịch "Nổi gió" mà thỉnh thoảng nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vẫn kể lại cho bạn bè: Hồi đó, tự hào về con trai nên cụ thân sinh của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã treo một tấm hình "Trung úy Phương" ngay trong gian nhà lớn. Vốn là một gia đình cách mạng có tiếng trong vùng nên khi bộ đội về địa phương hoạt động, một số người đã được giới thiệu đến ở tại gia đình cụ. Sắp xếp chỗ ăn ở đàng hoàng cho anh em thì cụ được tin anh em đã chuyển sang ở nhà khác. Hỏi ra mới biết, vì nhìn thấy tấm ảnh của "Trung úy Phương" treo trong nhà nên họ đã nghĩ lầm ra là gia đình cụ có người làm cho địch ở bên kia giới tuyến.

Với Phạm Ngọc Cảnh, diễn viên kịch là một nghề cao quý. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, ông vẫn muốn có một tiếng nói riêng của mình. Một thứ tiếng nói có thể đối thoại trực tiếp với một người, với mọi người mà không cần hai cánh màn khép mở, không cần cái khung kịch bản văn học, không cần đạo diễn, không đợi lên đèn. Tiếng nói đó là thơ và những bài thơ đầu tiên của Phạm Ngọc Cảnh ra đời khi ông đã là một diễn viên thực thụ. Phạm Ngọc Cảnh đã đi tìm nguồn thi ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc bởi cái phông kịch bản có sẵn hay những cảm xúc đã định hình, mặc dù hồi đó, Phạm Ngọc Cảnh ý thức được rằng, để có những trang thơ ở lại với cuộc đời thì tác giả của nó ắt phải nếm trải không ít nhọc nhằn.

Khi tập thơ đầu tiên "Gió vào trận bão" (1967) ra mắt, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh nghĩ rằng, theo đuổi thi ca có nghĩa là một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Sau tập "Đêm Quảng Trị" (1971), ông đã rời hẳn ánh đèn sân khấu từ chiến trường miền Nam về làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và toàn tâm toàn ý cho sáng tác.

Ông tâm sự: "Nếu tôi đi đến cùng với sân khấu, chắc bây giờ bét nhất cũng đã có cái chức nghệ sĩ ưu tú rồi. Nhưng khi tôi buộc phải vứt bỏ hòn son, hòn phấn để theo thơ thì có nghĩa là thơ ca đã mê hoặc tôi. Lúc vui sướng tôi tìm đến thơ và lúc đau khổ tôi cũng tìm đến thơ".

Bài thơ "Lý ngựa ô ở hai vùng đất" đã ra đời trong một mạch văn hào sảng khí thế của người lính trận. Bài thơ cũng đã gieo vào lòng những độc giả cùng thế hệ ông niềm vui và niềm tin chiến thắng: "Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu/ Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi/ Đường đánh giặc chảy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu/... Suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện/ Suốt miền Trung núi choài ra biển/ Nên gập gềnh câu lý ngựa ô qua/ Anh đa tình nên cứ muốn lần theo/ Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm/ Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm/ Vạch lá rừng nhìn xuống quê em/... Hay vì làng anh ở ven sông/ Những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng/ Đã hát quen lý ngựa ô rồi/ Khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng/ Móng gõ mặt thời gian gõ trống/ Khen câu miền Nam như giục như mời/ Ngựa tung bờm bay qua biển lúa/ Ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa/ Tiếng hí chào xa khơi/... Em muốn về hội Gióng với anh không/ Để anh khoe với họ hàng câu lý ấy/ Em muốn làm dâu thì em ở lại/ Lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi/ Đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc/ Cũng sắp về chia vui".

Về xuất xứ  của bài thơ này, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh kể: "23h đêm hôm ấy, rời sàn diễn xong, tôi vừa gội đầu vừa nghe thời sự qua chiếc đài O-ri-ông-tông. Có tin trong chiến xuất Plâyme xuất hiện Sư đoàn 325C của Mỹ. Chỉ nghe tới vậy, tôi bỏ dở việc tắm táp, viết luôn bài "Sư đoàn" trong mạch xúc động.

"Lý ngựa ô ở hai vùng đất" là thi phẩm thường hay được nhắc tới của Phạm Ngọc Cảnh. Bài thơ cũng là cơ duyên gắn bó ông với người phụ nữ có cái tên đẹp: Giáng Hương. Trong một lần đến nói chuyện tại lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh tại Trường Viết văn Nguyễn Du, cô gái xứ Thanh ấy đã mê bài thơ và mê thầy Phạm Ngọc Cảnh như... điếu đổ! Mối tình âm thầm ấy đã kéo dài 20 năm, chị một mình lẻ bóng ở vậy chờ đợi nhà thơ của "Lý ngựa ô" để có một ngày sum họp hôm nay.

Giờ đây, sau hai lần bị tai biến mạch máu não, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đi lại rất chậm. Ông nói không mạch lạc như xưa, tư duy của ông sắp xếp khá lộn xộn những ngăn cũ ngăn mới. Có những chuyện ông nghĩ mãi không ra, nhưng có những chuyện buồn ông cũng chẳng thèm nhớ đến nữa. Tuy vậy, có một niềm say mê ông vẫn không từ bỏ, đó là xem những trận bóng đá.

Bà Giáng Hương nhớ lại rằng, có hôm, bà đang nấu cơm dưới bếp, thấy ông kêu một tiếng rất to, tưởng ông bị làm sao, bà vội vàng chạy đến thì thấy nhà thơ đang chăm chú dõi theo trái bóng và đang thất vọng vì đội Việt Nam vừa hụt một quả vào lưới đội bạn. Đôi khi ông ngơ ngác như một đứa trẻ, lúc lại khó tính đúng như... tuổi già. Đôi lúc ông chịu khó rèn luyện nhưng lắm lúc ông cũng buông xuôi, như mặc kệ... số phận. Những lúc ấy, Giáng Hương là người đau khổ nhất. Nhiều hôm bà vừa khóc vừa thầm nghĩ: chờ đợi người thơ, những tưởng sẽ được sống lãng mạn vui vẻ để bù đắp lại suốt quãng thời gian chờ đợi ấy, nào ngờ, tai nạn ập đến liên miên, làm cho niềm vui vợ chồng không trọn vẹn.

Vẫn bà Hương cho biết, nhiều hôm nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tỉnh dậy từ lúc 3h sáng. Ông dậy mò mẫm đánh răng rửa mặt, tập vài động tác thể dục, đi lại, xong rồi ông kéo ghế ra cửa ngồi chờ trời sáng. Hỏi ông nghĩ gì ông cũng không nói, dường như tâm tư của ông rối bời. Đôi lúc bà thức cùng ông, chờ trời hửng đưa ông đi dạo trên đường cái quan để chứng kiến cuộc sống hối hả của con người và thiên nhiên.

Trước khi đi làm, bà thường để giấy bút và những cuốn thơ như "Thơ văn thế kỷ 21", "Thơ lục bát Việt Nam"... và dặn ông, nếu có cảm hứng thì ngồi chép bài nào ông thích để rèn cho tay không cứng. Buổi trưa về, bà kiểm tra "thành tích" của ông thì thấy ông chép hai bài "Cô Tấm trong nhà" và "Con rể làng bưởi". Đây là hai bài thơ ông viết tặng người vợ quá cố của mình, diễn viên múa Vũ Thị Tị.

Mặc dù đã thuộc nằm lòng hai bài thơ này, nhưng đọc lại những nét chữ không mấy tròn trịa của người đàn ông tài hoa một thuở khi ông nhớ lại người vợ yêu thương đã đi xa, bà Giáng Hương ứa nước mắt. Vừa thương chồng, vừa thương tình cảnh của chồng, vừa trách ông trời sao nỡ gieo nên nỗi bất hạnh vào những năm tháng cuối đời của người thơ ấy...

Giờ đây, khi sức khỏe đã ổn định hơn, vào những buổi chiều cuối tuần, bà dắt ông ra xe bus, đến bãi biển Sầm Sơn để ông được thả sức ngắm biển trời, đón những hơi muối mặn phả vào không khí trong lành sau một tuần giam chân ở nhà. Những lúc như thế, bà thấy nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vui lắm, ông như được trang trải tấm lòng vào đất trời bao la. Đôi lúc bà thấy mắt ông ngấn nước, như thể có một điều gì đó trong ký ức đã trở về lay động tâm hồn vốn nhạy cảm của một nhà thơ tài hoa...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.