Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Được nhiều "lộc" từ bạn bè và quê hương
Nguyễn Trọng Tạo từng được mệnh danh là "nhà thơ lãng du" với bản tính thích xê dịch, nhưng dù ở đâu, dù là đối với thơ ca, âm nhạc hay hội họa thì Nguyễn Trọng Tạo vẫn luôn thể hiện nỗi hoài niệm đầy trắc ẩn của mình về một miền quê đã ăn sâu trong tâm trí, về những mối tình đã trở thành quá khứ và cả thoáng lo toan trước cuộc đời nhiều biến thiên của tuổi ngoại lục tuần... Nhân dịp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ra mắt tuyển tập "Nguyễn Trọng Tạo thơ và trường ca" (dày gần 600 trang) chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
- Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trung tuần tháng 11 vừa rồi, anh đã ra mắt tuyển tập thơ mới nhất tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Với mỗi nhà thơ, khi ra tuyển tập thường đồng nghĩa với việc họ đã kết thúc một chặng hành trình nào đó trong quãng đời sáng tác của mình. Bản thân anh thì sao, tập sách dày dặn này có ý nghĩa như thế nào đối với chặng đường sáng tác của anh?
+ Tôi đã in 14 tập thơ và trường ca, nhưng số lượng không nhiều, chỉ khoảng 2.000 cuốn/đầu sách, trừ cuốn "Trường ca Đồng Lộc" (Con đường của những vì sao) in lần thứ nhất (năm 1980) có số lượng rất lớn là 10.100 cuốn và 2 lần tái bản vào năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc. Do số lượng ít nên nhiều người yêu thơ không mua được sách, đặc biệt là bạn đọc phía Nam. Gần đây, một số người làm luận văn về thơ tôi cũng rất khó khăn để được tiếp cận đầy đủ với các tác phẩm in sách của tôi, vì vậy tôi có ý định tập hợp lại để in thành một tập dày dặn, tiện lợi cho người đọc. Đang loay hoay chuẩn bị "nguồn vốn" thì được NXB Hội Nhà văn đưa vào kế hoạch "Sách Nhà nước đặt hàng", nhưng sách chỉ giới hạn 500 trang và số lượng chỉ 500 cuốn để Nhà nước cấp cho các thư viện. Muốn thêm trang, thêm sách thì tác giả phải trả tiền để in. Tôi nghĩ, đây là một cơ hội tốt cho mình, có còn hơn không, nên đã rút từ gần 1.000 trang xuống 556 trang và bỏ ra 30 triệu đồng để in thêm 500 cuốn cho thị trường sách.
- Bỏ ra số tiền lớn như vậy, anh có hy vọng sẽ "thu hồi vốn" được không?
+ Việc thu hồi vốn với tôi chắc không khó. Ngay trong ngày ra mắt sách tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã bán được trên 100 cuốn, huyện Diễn Châu (Nghệ An) mua 50 cuốn. Có một Mạnh Thường Quân từ thành phố Hồ Chí Minh mua 10 cuốn ủng hộ 30 triệu đồng. Một bạn đọc từ Ba Lan đã mua 1 cuốn 10 triệu đồng. Đó không chỉ là chuyện "mua thơ" mà còn là lòng yêu mến, chia sẻ của bạn đọc với nhà thơ.
- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được cho là người có công phát hiện, dìu dắt nhiều nhà thơ đến với thơ ca. Vậy với anh thì sao? Ai là người đã có công phát hiện, dìu dắt anh trên con đường thơ ca để có một Nguyễn Trọng Tạo của ngày hôm nay?
+ Tôi làm bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, một bài thơ lục bát sau khi đọc cuốn sách của Trần Thanh Mại viết về thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bài thơ này ảnh hưởng thơ Hàn Mặc Tử. Bố tôi là người đầu tiên đọc nó và bảo: "Con làm thơ được đấy, nhưng làm thơ thì khổ lắm". Nhưng rồi mấy năm sau, tôi lại làm thơ và gửi lên tỉnh cho nhà thơ Trần Hữu Thung mấy bài. Nhà thơ Trần Hữu Thung và nhà thơ Quang Huy thấy được, đưa vào một cuộc thi và trao giải thưởng cho tôi. Khi vào bộ đội, tôi lại gửi thơ về tỉnh, anh Thung và anh Huy đưa in luôn vào "Tuyển tập thơ Nghệ An". Từ đó, tôi có mối quan hệ rất thân thiết với cả hai bậc đàn anh này. Nói về những người nâng đỡ và dìu dắt tôi trên con đường thơ thuở ban đầu thì nhiều. Ngoài anh Thung và anh Huy còn có các anh Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Vũ Cao… Anh Vũ Cao khi làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã gửi cho tôi một lá thư dài đến 4 trang giấy pơluya, khuyến khích tôi làm thơ. Anh Xuân Diệu đưa thơ tôi in vào Tạp chí Tác phẩm mới và Báo Văn nghệ. Anh Chế Lan Viên viết thư nhận xét những bài thơ tôi gửi anh khi tôi mới vào bộ đội, và sau này viết mấy lời ủng hộ bản thảo "Trường ca Đồng Lộc" cho nhà xuất bản in…
- Mặc dù sáng tác đã lâu, song đến nay, Nguyễn Trọng Tạo vẫn được xem là một nhà thơ giữ được phong độ. Anh có thể "bật mí" cho độc giả đôi chút về vấn đề này?
+ Tôi nghĩ, ngoài nỗ lực của riêng mình, một trong những điều quan trọng là có nhiều người bạn văn chương để được sống trong không khí văn chương và nuôi cảm hứng cho tâm hồn mình. Bạn văn chương của tôi thì nhiều, nhưng ở Hà Nội từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tôi chơi thân với nhà thơ Nguyễn Hoa và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Thân đến nỗi bạn bè gọi bộ ba chúng tôi là "tam giác thơ". Ba người ba cá tính rất khác nhau. Nguyễn Hoa trầm tĩnh, Nguyễn Thụy Kha mạnh mẽ, và tôi thì tưng tửng. Khác nhau đến nỗi nhiều người ngạc nhiên đặt ra câu hỏi: "Sao lại chơi được với nhau đến mấy chục năm như vậy?". Theo tôi là bởi chúng tôi có một điểm chung là phục nhau. Chơi với nhau mà không phục nhau một điểm gì đó thì khó mà lâu bền được. Chúng tôi thường thẩm định thơ cho nhau, thường đàm đạo văn chương, gia đình và thời cuộc. Nhiều lúc sửa thơ cho nhau mà không sợ phật ý. Cũng là bởi thấu hiểu cá tính sáng tạo của nhau. Ở miền Trung, tôi thân với Thanh Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh và nhà thơ trẻ Văn Cầm Hải. Hồi tôi ở Huế, dường như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau đàm đạo bên chén rượu. Vợ chồng Thanh Thảo từ Quảng Ngãi ra Huế thường ở nhà tôi vì có một bể cá trê phi và một cây khế chua đầy quả. Ngày nào tôi cũng câu cá và hái khế, còn Thanh Thảo thì giành phần kho cá, vì anh rất sành món cá kho…
- Có thời thấy anh còn khá thân thiết với nhạc sĩ Văn Cao?
+ Có hai nhà thơ lớn coi tôi như thằng em và luôn chiều tôi, đó là Văn Cao và Hoàng Cầm. Văn Cao có lần để dành cho tôi một chai rượu Tây hảo hạng, nhưng khi tôi đến thì chai rượu đã bị anh con trai "dùng" mất, phải mở một chai hạng thường khiến ông rất buồn. Hồi tôi ở Huế, ông gửi vào tặng tôi tập thơ "Lá" vừa mới in với dòng chữ ghi ở đầu sách: "Tạo ơi, đi đâu mà đi lâu thế?". Còn Hoàng Cầm thì từng gửi gắm tôi 53 băng ghi âm tự sự đời ông, sau lại phải bán cho Trung tâm Văn hóa Phương Nam để lấy tiền chữa bệnh. Nói chung, mối quan hệ thân gần của tôi với các nhà thơ thì nhiều, không thể nào kể hết…
- Cho đến nay, anh đã có tới hàng vạn câu thơ và trên 20 đầu sách các loại. Anh cũng là người "soi" văn của bạn bè rất kỹ. Vậy, nếu tự đánh giá về thơ của mình, anh thích chặng nào nhất và cụ thể hơn, tập thơ nào nhất?
+ Mấy chục năm trước tôi có câu thơ tự trào "Bạn gặp trăm nơi còn mấy đứa/ Thơ làm vạn chữ nhớ dăm câu". Muốn trào lộng mà lại hóa ra buồn. Cười ra nước mắt là thế. Người ta thường nói "văn mình vợ người", nhưng tôi là người có viết phê bình nên cũng thường tỉnh táo soi thơ của chính mình. Nhìn lại một chặng dài hơn 40 năm làm thơ, tôi cũng ngạc nhiên, sao mình viết thơ được nhiều thế. Thơ và cả trường ca nữa. Thơ yêu nước, thơ thân phận và thơ tình. Điều quan trọng là ý chí cách tân trong sáng tạo thơ, cách tân về nội dung, cách tân về hình thức. Ra khỏi chiến tranh tôi ý thức mạnh về ngôn ngữ trữ tình hiện đại và nhanh chóng bứt thoát khỏi lối thơ kể lể trước đó và chủ trương "thơ đời thường", khởi đầu là bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" gây "sốt" một thời. Đến cuối những năm 80, tôi xác định được tính nhòe mờ của ngôn ngữ thơ kết hợp với nhạc điệu để tạo sự đa nghĩa và cảm giác cho thơ, và cho ra đời tập "Đồng dao cho người lớn" nhằm trình thị một thi pháp thơ mới. Có thể nói, 10 năm ở Huế đã ném vào thơ tôi nhiều khói sương ảo diệu. Tập thơ quan trọng này đã làm cho diện mạo tác giả trong làng thơ trở nên rõ nét hơn. Đó cũng là cái mốc để tôi tiếp tục cuộc hành trình với những tập thơ sau đó như "Nương thân", "Thế giới không còn trăng"…
- Sinh ra ở xứ Nghệ, trưởng thành trên đất Thủ đô hoa lệ nhưng cuộc đời anh lại gắn bó nhiều với cố đô Huế. Với anh, đâu là mảnh đất đã hun đúc nên hồn thơ Nguyễn Trọng Tạo?
+ Tôi nghĩ đó là quê nhà. Quê nhà vất vả và lam lũ nhưng cũng đầy thơ mộng đã nuôi cho cậu bé nhà quê khát vọng đi ra cùng thế giới. Nếu mất đi khát vọng tuổi thơ ấy thì tôi cũng chẳng có thơ như đã có. Đó là nguyên cớ cho tôi viết được bài thơ "Cỏ may trên sân thượng". Tôi sinh ra từ nông thôn và xê dịch qua nhiều nơi, cuối cùng sống trong một căn hộ tầng 6 ngôi nhà tập thể cũ kỹ giữa lòng Hà Nội. Trên sân thượng ngôi nhà, cỏ dại mọc nhiều vì có đất vương vãi. Một buổi sáng tôi lên sân thượng hít thở khí trời, khi về lại căn phòng thì thấy ống quần găm đầy cỏ may. Đó là một điều kỳ diệu làm tôi ngỡ ngàng, tưởng như làng quê vẫn theo mình về chốn thị thành. Và tứ thơ "Cỏ may trên sân thượng" xuất hiện trong đầu tôi, rồi hiện nhanh ra những câu thơ: "Cỏ may khâu áo làng quê/ Cớ chi gió thổi bay về trời cao/ Ta lên sân thượng, chạm vào/ Cỏ may! Ta cúi xuống chào cỏ may!...".
- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo!