Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn học Á - Phi sẽ được biết đến nhiều hơn
Hội nghị Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á Phi sẽ được tổ chức tại Hạ Long từ ngày 25 tới 29 tháng này. Các nhà văn đại diện cho các nước Á - Phi sẽ bàn thảo nhiều nội dung liên quan, bắt đầu cho một hành trình mới nhiều hứa hẹn của Hội Nhà văn Á - Phi kể từ khi tái thành lập vào cuối năm ngoái. Trước hội nghị, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi đã dành cho VNCA một cuộc phỏng vấn.
- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, có phải vì những xung đột căng thẳng tại Cairo (Ai Cập) những ngày vừa qua mà Hội nghị ban lãnh đạo các nhà văn Á - Phi bị hoãn lại so với dự kiến là cuối tháng 6?
+ Đúng vậy, Hội nghị dự định sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30/6, nhưng do tình hình chính trị tại Cairô phức tạp, Ban tổ chức đành phải dời thời gian đến cuối tháng này, vì các sân bay ở Cairô đều đóng cửa. Nhà văn các nước Á - Phi đến Việt Nam lại chủ yếu đi qua sân bay Cairô. Những ngày qua, tại Ai Cập, bạo lực leo thang, Tổng thư ký Hội Nhà văn Ai Cập đã gửi cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc một bức thư đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp vào tình hình căng thẳng tại nước này.
Nói về Hội nghị Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á - Phi lần này, thành phần sẽ bao gồm 5 nhà lãnh đạo do Đại hội bầu vào cuối năm ngoái, và 9 thành viên đại diện cho 9 nước thành viên trong tổ chức. Mỗi nước sẽ phụ trách một vấn đề của Hội, như Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban truyền thông, Ủy ban tài chính... Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị này, cùng với lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi.
- Với tư cách là Phó Tổng thư ký thứ nhất của Hội Nhà văn Á - Phi, ông có thể cho biết, những nội dung nào sẽ được bàn thảo trong Hội nghị lần này ở Việt Nam?
+ Ngày 25/8 này, các nhà văn sẽ đến Hạ Long, một kỳ quan thế giới mà họ rất ngưỡng mộ. Ngày 26 bắt đầu hội nghị, với hội thảo bàn tròn "Vai trò của nhà văn Á - Phi trong thời đại toàn cầu hóa". Vấn đề đặt ra tại hội thảo, sẽ là nhà văn trong khối Á - Phi cần làm gì để giữ gìn bản sắc dân tộc mình trong thời kỳ mà biên giới các nước gần như bị xóa nhòa bởi thông tin, công nghệ, thời kỳ mà giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ đến mức chúng ta tưởng như không còn gì riêng biệt cho một quốc gia nào. Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Á - Phi sẽ chủ trì hội thảo này.
Sau hội thảo, sẽ là một lễ ký kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Á -Phi về vấn đề giới thiệu văn hóa, văn học và hợp tác dịch thuật giữa hai bên, đề xuất Hội Nhà văn các nước thành viên trong khối tham gia tích cực vào các hội thảo văn học, các liên hoan thơ quốc tế. Nhưng vấn đề quan trọng nhất tại hội nghị lần này là hiện thực hóa việc tái xuất bản Tạp chí Hoa Sen, đã được nêu ra trong đại hội tái thành lập cuối năm ngoái. Đồng thời với đó là việc thành lập Giải thưởng Hội Nhà văn Á - Phi để trao cho các tác phẩm văn học xuất sắc nhất (3 năm một lần). Việc đặt tên cho giải thưởng sẽ được quyết định trong hội nghị lần này. Chúng tôi muốn một tên gọi giải thưởng sẽ có ý nghĩa bao trùm lên những giá trị cốt lõi nhất mà nền văn học Á - Phi hiện đại đang hướng tới. Ngoài ra, Hội nghị còn bàn thảo nhiều nội dung, như phát triển mối quan hệ hợp tác, giao lưu, dịch thuật giữa các nền văn học khác nhau, việc tìm kiếm khả năng tài chính cho các hoạt động của Hội. Sáng ngày 29 tháng 8, sau khi Hội nghị kết thúc, Hội Nhà văn Á - Phi sẽ tổ chức họp báo thông báo về các vấn đề của Hội nghị lần này.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á - Phi tại Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi (Cairo, Ai Cập tháng 12/2012). |
- Về vấn đề tái xuất bản tạp chí Hoa Sen, Hội Nhà văn Á Phi sẽ xuất bản định kỳ như thế nào, và bằng bao nhiêu thứ tiếng, thưa ông?
+ Chúng tôi dự định Tạp chí Hoa Sen sẽ được xuất bản 6 tháng một kỳ. Kiểu như một tổng tập giới thiệu tác phẩm mới của các nhà văn trong khối. Và sẽ bằng ba thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Ảrập, tiếng Pháp. Như vậy, Hội đồng dịch thuật sẽ phải làm việc vất vả để chuyển ngữ tạp chí ra 3 thứ tiếng. Tuy nhiên, để phục vụ được tốt nhất cho việc tiếp cận các tác phẩm văn học Á - Phi tại các nước thành viên, Hội Nhà văn Á - Phi kêu gọi và khuyến khích Hội Nhà văn mỗi nước có kế hoạch chuyển ngữ tạp chí Hoa Sen sang tiếng mẹ đẻ của mình. Như vậy, các nhà văn trong từng quốc gia, và bạn đọc yêu văn chương có thể đọc trọn vẹn, thường xuyên các tác phẩm văn học Á - Phi.
- Hội Nhà văn Việt Nam đã có dự định dịch thuật, giới thiệu tạp chí Hoa Sen đến với các nhà văn và độc giả trong nước như thế nào?
+ Tất cả các tác phẩm của nhà văn Á - Phi sẽ được dịch và giới thiệu trên hệ thống báo chí, xuất bản, trang web của Hội Nhà văn Việt Nam, như báo Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, website của Hội, tạp chí Văn học nước ngoài...
- Việc dịch thuật các tác phẩm văn học Á - Phi sang tiếng Việt, với khối lượng tác phẩm không phải là nhỏ, chúng ta sẽ phải làm theo phương thức nào, xã hội hóa chăng, thưa ông?
+ Tôi nghĩ việc này không nên xã hội hóa. Vì xã hội hóa thì có thể rất dễ, nhưng hiệu quả của nó không đồng đều, và nó cho thấy công tác dịch thuật, giới thiệu tác phẩm văn học của ta không có ý đồ chiến lược. Vấn đề này rất cần sự tài trợ, ủng hộ của Nhà nước. Hội Nhà văn sẽ có báo cáo về vấn đề này. Theo tôi, Hội đồng Dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam đảm nhiệm công việc này là tốt nhất.
- Có một vấn đề tôi tò mò muốn hỏi ông, Hội Nhà văn Á - Phi sẽ hoạt động dựa trên những nguồn kinh phí nào?
+ Nói chung, Hội Nhà văn Á - Phi còn tương đối nghèo. Năm ngoái, tại đại hội tái thành lập, Ban lãnh đạo Hội đã đề ra nghị quyết mỗi nước thành viên sẽ đóng góp 2.000 USD mỗi năm cho hoạt động của Hội. Số tiền này không lớn. Cho nên, để đến với Hội nghị ban lãnh đạo lần này tại Việt Nam, nhà văn các nước thành viên phải tự túc vé máy bay (do Hội Nhà văn của các nước tài trợ). Rất may là hội nghị đầu tiên tại Việt Nam, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã nhiệt tình tham gia và giúp đỡ khâu tổ chức. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước, ở Hà Nội và đặc biệt là ở Quảng Ninh, đã giúp đỡ tài trợ từ phòng ở đến phương tiện di chuyển, ăn uống, du lịch, vì tình yêu với văn học, văn hóa, chứ không vì mục đích nào khác.
- Hội nghị này, theo ông, sẽ có tác động như thế nào đến đời sống văn học trong nước?
+ Tôi nghĩ là nó sẽ có một tác động không nhỏ với người viết văn và độc giả văn chương trong nước. Nó cho thấy một điều rằng, các nhà văn có thể lúc nào đó bị bỏ quên trong đời sống thị trường ồn ào, sôi động, nhưng văn học vẫn còn nguyên vị trí quan trọng của nó, với việc hàn gắn tổn thương và kết nối tình người, ngay cả ở những nước "đậm đặc" về tôn giáo, như các nước theo đạo Hồi. Ở một nghĩa nào đó, văn học cũng giống như một tôn giáo, an ủi đời sống tinh thần của con người.
Riêng với các nhà văn và độc giả Việt Nam, việc dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học của nhà văn Á-Phi sẽ giúp cho họ có một cái nhìn rộng mở, khái quát về nền văn học một khu vực. Đây cũng là cơ hội để các nhà văn trong nước hiểu sâu hơn về các nền văn hóa Á-Phi. Việc giới thiệu các tác phẩm của nhà văn trong nước trên tạp chí Hoa Sen bằng tiếng Anh cho chúng ta một cơ hội được thế giới biết đến mình nhiều hơn, mà không chỉ là bạn đọc các nước Á-Phi.
- Văn học các nước Á-Phi trong nhiều năm qua đã không được thế giới biết đến nhiều, và hệ thống. Vậy, bằng các hoạt động tích cực như ông vừa nói, Hội Nhà văn Á - Phi mong muốn sẽ mang đến cho thế giới hình ảnh nền văn học của châu lục này như thế nào?
+ Hội Nhà văn Á - Phi muốn trực tiếp giới thiệu với thế giới nền văn học của một châu lục lớn với sự đa dạng về văn hóa. Đây sẽ là một tổ chức văn học bình đẳng với tất cả các tổ chức văn học khác trên thế giới, như Liên đoàn các nhà thơ Châu Âu, Khối liên hiệp các nhà văn viết tiếng Pháp, Khối Liên hiệp các nhà văn Tiểu vương quốc Ảrập, Khối Liên hiệp các nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha...Trong rất nhiều hoạt động của Hội, tôi rất muốn sẽ hiện thực hóa được một hoạt động mà tôi đã đề xuất ngay tại đại hội tái thành lập, là sẽ tổ chức Hội nghị nhà văn trẻ Á - Phi 3 năm một lần. Đây là cơ hội cho những người trẻ tuổi cầm bút trong khu vực gặp gỡ, giao lưu cùng nhau. Mỗi cuộc gặp sẽ chọn một thông điệp khác nhau về hòa bình, môi trường, sự vô cảm của con người, hay bất cứ vấn đề gì mà con người đang phải đương đầu. Các nhà văn trẻ phải quan tâm trước tiên đến các vấn đề lớn trong khu vực của mình, trong đời sống văn hóa dân tộc mình. Ngoài ra tôi cũng mong muốn rằng, giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Á - Phi sẽ trở thành một giải thưởng văn học lớn, có uy tín trên thế giới. Những tác giả được giải thưởng này sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn, và là cầu nối để họ có thể đạt được các giải thưởng văn học quan trọng khác....
- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều