Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hai thú đam mê ngoài thế giới văn chương
Đắm mình trong làng văn làng báo, nhiều lúc thi sĩ Nguyễn Quang Thiều cảm thấy mệt mỏi muốn "trốn" khỏi thế giới mê hoặc và phức tạp này. Lang thang làng quê cuối tuần và thả hồn trong hội họa là hai thú đam mê giúp thi sĩ gốc làng Chùa giải tỏa căng thẳng, đặng tiếp thêm sinh lực để ứng phó với hàng khối công việc luôn "đầu bù tóc rối"...
Yêu đến say mê ngôi làng, khu vườn tuổi thơ!
Một chiều nửa cuối tháng 10/2013, tôi gặp thi sĩ Nguyễn Quang Thiều ở Hà Nội khi ông cùng thi sĩ Trần Hùng của Cao Bằng mới trở về từ Liên hoan Thơ quốc tế tại Cộng hòa Sakha nằm ở vùng Siberia thuộc Liên bang Nga. Nguyễn Quang Thiều kể say sưa về xứ sở kim cương Sakha, về tình yêu thi ca của người dân nơi đây, về những đêm lạnh buốt giá luôn luôn âm dưới hàng chục độ. Ông cũng tự hào về viên kim cương quý giá mà ban tổ chức đã tặng cho mỗi thành viên dự liên hoan thơ. Sau khi bay qua hàng ngàn cây số, thơ đã "hóa"… kim cương!
Nguyễn Quang Thiều có một sức làm việc đáng nể trong làng văn. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, hàng ngày ông phải giải quyết rất nhiều công việc, liên tục đi nước ngoài, vậy mà thơ văn vẫn xuất hiện đều đặn, đó là chưa kể tuần nào cũng có vài bài báo ông viết đăng tải dưới nhiều bút danh khác nhau.
Đối với Nguyễn Quang Thiều, dường như thời gian 24 giờ mỗi ngày không đủ cho lịch làm việc: "Quả thực tôi đã sống như một dòng nước chảy xiết chưa một phút chậm lại. Tôi cứ nghĩ có lẽ kiếp trước mình lười nhác quá, rong chơi nhiều quá… cho nên kiếp này phải trả nợ. Đã nhiều lần tôi muốn dừng lại cường độ làm việc như thế nhưng tôi không thể nào làm được" - ông tâm sự.
May mắn, Nguyễn Quang Thiều có ngôi làng Chùa "chôn nhau cắt rốn" chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 cây số, như một cứu cánh cho những căng thẳng mưu sinh. Rời quê hương lên làm việc ở trung tâm Thủ đô đã hơn 30 năm, nhưng cuối tuần nào Nguyễn Quang Thiều cũng trở về ngôi làng của mình, trước đây đi xe máy, còn bây giờ ông tự lái ôtô để được lang thang đầu làng cuối ngõ, thăm đình chùa, câu cá trên sông Đáy, chăm sóc cây cối, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh và khơi dậy cảm hứng sáng tạo.
"Cậu bé làng Chùa" - Tranh: Nguyễn Quang Thiều. |
Về làng, về với ngôi nhà ấu thơ mỗi cuối tuần đã trở thành một thói quen, một thú đam mê của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều. Đặc biệt khi đêm xuống, ông một mình ngồi nhâm nhi cà phê cùng trăng sao, lắng nghe mọi âm thanh bí ẩn của khu vườn ông bà, cha mẹ để lại. Đó cũng là lúc lòng thi sĩ ngập tràn những ký ức, sự kiện và suy tưởng về giá trị sống. Ông còn luôn khám phá trong ngôi nhà xưa cũ của mình nhiều điều mới mẻ thú vị: "Sau khi cha mẹ tôi mất, tôi về quê và nhiều lúc thức suốt đêm trong ngôi nhà này. Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm. Tôi không rõ những hình ảnh kia và giọng nói kia sẽ tồn tại đến khi nào và có hình ảnh nào, âm thanh nào khác có thể chen vào không".
Ai cũng có tình yêu quê hương, nhưng yêu đến say mê ngôi làng của mình như thi sĩ Nguyễn Quang Thiều thì thật hiếm. Cũng vì tình yêu ấy mà ông đã sáng lập lễ hội và cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" nổi tiếng của làng Chùa. Cứ hai năm một lần, vào Rằm Nguyên tiêu, bạn thơ từ khắp cả nước rủ nhau về làng Chùa để nhận giải, đọc thơ, nghe thơ giữa ruộng đồng sông nước.
Tinh thần tự do tuyệt đối trong hội hoạ & giấc mơ "Đêm làng Chùa"
Trở về làng Chùa còn là dịp Nguyễn Quang Thiều được đắm chìm trong thế giới mỹ thuật, một thú đam mê khác luôn quyến rũ ông. Yêu hội họa từ nhỏ nhưng đến năm 2004, khi đã 47 tuổi, ông mới bắt đầu vẽ tranh. Lúc ấy, một người bạn họa sĩ sửa nhà đã gửi nhờ nhà ông một ít toan và màu. Tình cờ bữa nọ ông bước đến trước toan, bóp thử một chút màu lên đó và thấy màu sắc cuốn hút mình lạ lùng. Từ đó ông bắt đầu lao vào vẽ, như một thú vui và cũng là cách khám phá thêm khả năng sáng tạo chính mình.
"Nhà sư" - Tranh: Nguyễn Quang Thiều. |
Tháng 7/2005, sau 7 tháng kể từ ngày cầm cọ, Nguyễn Quang Thiều đã tham gia triển lãm có tên "Nhà văn vẽ". Trước đó, các nhà văn Hoàng Minh Tường, Trần Nhương, Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn lên kế hoạch tổ chức triển lãm tranh chung, nhưng họ không thích con số 4, nên tìm một nhà văn vẽ tranh nữa để thành 5 người. Nhà văn Hoàng Minh Tường phát hiện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang vẽ và tìm mọi cách thuyết phục ông tham gia triển lãm.
Nguyễn Quang Thiều thổ lộ: "Với tôi, hội họa và thi ca có một điểm giống nhau, đó là trí tưởng tượng và tính phi logic. Đến bây giờ, tôi không thể tưởng tượng nổi một kẻ không học vẽ ngày nào lại triển lãm tranh sau 7 tháng cầm bút vẽ. Lạ lùng hơn là tôi đã bán hết số tranh triển lãm, trừ 2 bức để tặng 2 người bạn. Giá bức cao nhất của tôi lúc đó bán được hơn 2.000 đôla Mỹ. Tôi mang số tiền đó về xây cho bố mẹ tôi một cái bếp và lát lại cái ngõ ngôi nhà ở làng Chùa".
Không chỉ mang lại niềm vui tinh thần mà thú đam mê hội họa còn mang lại giá trị vật chất cho thi sĩ Nguyễn Quang Thiều. Chỉ trong vòng 5 năm đầu tiên ông đã vẽ khoảng 100 bức tranh lớn nhỏ. Có nhiều lúc ông cáo ốm và xin nghỉ việc để ở nhà vẽ. Nhiều ngày ông vẽ cho tới sáng. Ông cũng vứt đi một nửa số quần áo của mình vì dính màu. Thi sĩ nói rằng: "Tôi thường vẽ dựa trên tinh thần một bài thơ nào đó của mình. Vừa vẽ, vừa đọc khẽ bài thơ và tự do trong tư tưởng và những ám ảnh của mình. Hội họa mang lại cho tôi tinh thần tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Tôi toàn quyền vẽ những gì tôi thích, dùng bất cứ màu gì tôi muốn và công bố những tác phẩm không cần xin giấy phép".
Ngoài vẽ tranh, Nguyễn Quang Thiều cũng rất mê điêu khắc và đã làm một số tượng. Dù mơ ước sẽ tạc một loạt chân dung nhà thơ bạn bè, nhưng như lời ông nói, công việc này chỉ có thể thực hiện khi… nghỉ hưu, trở về ở hẳn làng Chùa tuổi thơ. Vì yêu say đắm ngôi làng đời mình, nên thi sĩ Nguyễn Quang Thiều còn ấp ủ một ý tưởng thi vị và độc đáo.
Ông thổ lộ: "Nhiều năm nay, tôi nung nấu tổ chức một "Đêm làng Chùa". Đó không phải là một đêm thơ nhưng thơ là lý do chính. Đêm đó, khi bóng tối buông xuống thì một thế giới của những vẻ đẹp và lòng nhân ái tràn ngập mọi ngôi nhà, mọi lối ngõ… của làng Chùa hiện ra. Rồi sáng hôm sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất. Nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của thiên đường là có thật. Con người phải được nhìn thấy thiên đường một lần trong chính cuộc sống thế gian của mình cho dù chỉ là trong khoảnh khắc. Để những người nông dân tin rằng: Cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu"