Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Không viết được thì thôi đừng nên ồn ào!

Thứ Năm, 19/07/2007, 16:29

“Tôi cnghĩ đơn giản rằng, công việc của nhà văn là viết, giống như công việc của người nông dân là gieo hạt, gặt hái. Mà khi không viết được thì thôi, chẳng nên ồn ào làm gì”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nói.

Tôi đã nhiều lần nhận được lời từ chối trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Mậu. Ông lúc nào cũng chọn thái độ lặng lẽ để làm việc, ít khi xuất hiện bày tỏ quan điểm về một điều gì đó. Hiền lành, kín đáo và ít bộc lộ, trong mắt tôi, ông có gì đó hơi bí ẩn. Nhưng hôm nay, được ngồi trò chuyện với ông, nghe những tâm tình chia sẻ của ông về đời văn, tôi nhận ra ông là một người rất nồng hậu, ấm áp và ân cần với tuổi trẻ.  Mỗi khi nói quá một chút về vấn đề gì đó, ông thường bảo: “Cái này, nhất định phải cho mình xem lại trước khi in đấy nhé”.

- Thưa ông, có thể nói một cách chính xác rằng, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là một “hiện thực lớn” và hiện thực ấy đã sinh ra nhà thơ quân đội Nguyễn Đức Mậu?

- Tôi đến với thơ từ thuở nhỏ, khi ấy chưa có phong trào làm thơ thiếu nhi, muốn in được thơ trên báo phải viết cho người lớn. Tôi còn nhớ bài thơ đầu tiên của tôi được in có tên gọi rất hùng hồn: “Đế quốc Mỹ hãy coi chừng”. Đó là năm tôi 16 tuổi. Bài thơ này do chính tay nhà thơ Nguyễn Bính biên tập.

Năm 1966 tôi nhập ngũ và chia tay làng quê bằng những câu thơ như “Tháng ba dáng mẹ cùng cây gạo/ Đứng ở đầu làng đưa tiễn tôi/ Lưng còng bên dáng cây cao khỏe/ Tóc bạc bên hoa gạo đỏ trời...”. Rồi sau đó tôi là lính quân tình nguyện sống ở chiến trường Lào nhiều năm. Năm 21 tuổi tôi viết tác phẩm “Nấm mộ và cây trầm”...

- Ông vừa nói về kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Bính, người đã biên tập bài thơ đăng báo đầu tiên của ông. Vậy, Nguyễn Bính, trong ký ức của ông, là người như thế nào?

- Biết tôi yêu thơ và bắt đầu làm thơ, thầy giáo dạy văn Trần Văn Gia đã giới thiệu tôi với ông Nguyễn Bính. Tôi hay qua nhà ông Nguyễn Bính ở gần chợ Rồng (Nam Định) để gửi thơ. Hàng ngày ông Nguyễn Bính tới làm việc cho Ty Văn hóa, làm công nhật, ngày nào lĩnh tiền ngày đó. Ông Nguyễn Bính thường mặc quần đùi trắng, răng hơi xỉn màu thuốc lào, tóc cắt ngắn theo kiểu đầu “bốc”. Ông thường pha trà gói vụn đón tiếp tôi (hồi đó thế là lịch sự lắm rồi). Căn phòng của ông rất hẹp và tường nhà dán nhiều bài thơ tình của ông, như “Lỡ bước sang ngang”, “Cô hái mơ”....

Lúc đó tôi ít tuổi nên nhìn Nguyễn Bính rất “già”. Trong cánh làm thơ trẻ bấy giờ, ông Nguyễn Bính tỏ ra kỳ vọng vào tôi nhất. Ông thường giảng cho tôi về âm điệu, cấu trúc trong một câu thơ Đường luật “Nhị tứ lục phân binh/ Nhất tam ngũ bất luận”. Rồi ông đọc cho tôi nghe một bài thơ nói về tâm trạng loanh quanh, buồn chán của chính ông: “Vừa tính chuyện cơm lo chuyện nước/ Lại buồn khi đậu tiếc khi bay/ Có đâu thơ thẩn hoài như vậy/ Không lẽ loanh quanh suốt tối ngày”.

Nhìn chung sau chặng đường “lăn lóc có dư mười mấy tỉnh”, về quê Nguyễn Bính sống nghèo nàn và thanh bạch. Ông mất ở tuổi 48, trước khi tôi lên đường nhập ngũ mấy ngày...

- Nhiều nhà văn quân đội thời bình, trong đó có ông, dường như chỉ viết bằng chính những hiện thực được hồi tưởng trong quá khứ trận mạc. Trong thơ của ông, người đọc chỉ bắt gặp hai mảng đề tài là chiến tranh và quê hương...

- Điều này là chính xác. Phần lớn tôi vẫn viết bằng những gì mình đã trải qua trong ký ức. Sở dĩ đề tài tôi hay “chạm” tới trong tác phẩm là chiến tranh và quê hương bởi đó là những gì quen thuộc nhất trong ký ức của tôi. Tôi cho rằng với nhà văn, điều quan trọng là viết về những gì quen thuộc nhất với mình.

- Vậy các nhà văn trẻ quân đội, những người không có ký ức về chiến tranh, theo ông, họ sẽ quan tâm đến những vấn đề gì trong tác phẩm của mình?

- Theo tôi nhà văn quân đội thời bình phải mở rộng đề tài để viết.  Nếu họ viết về chiến tranh thì phải vượt thế hệ đi trước, hoặc là phải có cách viết hoàn toàn khác thì mới hấp dẫn độc giả. Cả văn xuôi và thơ đều như vậy. Viết khác đi phải là một trăn trở lớn đối với nhà văn trẻ quân đội. Ký ức chiến tranh của họ không được tạo ra bằng một thực tế bom đạn như thời của chúng tôi nhưng nó có thể tạo ra bằng sức tưởng tượng, sách vở, kiến thức.

Thực tế thì chiến tranh chưa hề kết thúc, nó vẫn hiển hiện trong đời sống Việt Nam, với những mất mát, ám ảnh ở biết bao gia đình, số phận. Nhà văn trẻ quân đội có một lợi thế là họ có một độ lùi thời gian và có thể nhìn ngắm, đánh giá về cuộc chiến tranh theo cách của tuổi trẻ. Thực tế, một vài nhà văn trẻ đã có những thay đổi trong cách viết, cách nhìn. Họ viết khác chúng tôi. Điều này thật cần thiết và thật đáng mừng.

- Nhìn vào đội ngũ những người cầm bút trẻ trong quân đội, ông có cho rằng, họ đã trở thành một lực lượng kế cận xứng đáng những Lê Lựu, Chu Lai, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu...? Ông có điều gì lo lắng về họ không?

- Tôi không có gì lo lắng về họ cả. Mỗi thời đại nhà văn có sứ mệnh, có lớp độc giả của họ. Văn học luôn ẩn chứa những bất ngờ như chính là cuộc sống vậy. Về đội ngũ nhà văn trẻ quân đội hiện nay, tuy chưa đồng đều nhưng đã có những khuôn mặt lấp lánh tài năng và không chỉ “cánh già” chúng tôi mà cả độc giả đều có quyền hy vọng và chờ đợi ở họ những tác phẩm hay. Con đường để một tác phẩm văn học đến với người đọc khó khăn hơn thời của chúng tôi.

Thời chúng tôi, một cuốn sách thường xuất bản tới 25.000 bản nhưng bây giờ con số này chỉ trên dưới 1.000 bản. Phần lớn các nhà thơ thường bỏ tiền túi ra in rồi tìm cách phát hành. Văn học không còn giữ vị trí độc tôn của mình trong cuộc cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, giải trí khác. Các nhà văn trẻ cần có thời gian để khẳng định mình...

- Sự ít “xuất hiện” để trả lời phỏng vấn trên báo chí phải chăng là một tuyên ngôn của chính ông, rằng đã là nhà văn thì phải âm thầm lao động, không ngoa ngôn hay “đánh bóng” mình ở chốn đông người? Ông nghĩ sao về một số nhà văn trẻ hiện nay, họ “tranh thủ” các phương tiện thông tin đại chúng đến mức, độc giả nhớ rất kỹ tên họ nhưng tác phẩm thì chẳng có gì để nhớ?

- Tôi phải nói thế này cho công bằng, rằng không chỉ một vài tác giả trẻ mới tuyên ngôn đâu mà cả một số người thuộc lớp già “hết hơi” vẫn “nhí nhảnh” hơi quá đấy thôi. Tôi cho rằng những anh không viết được mấy, tự huyễn hoặc mình hoặc đang có điều gì “rỗng roãng” trong tâm hồn lại hay “đao to búa lớn”. Khi đã thực sự có một công việc để cứu cánh, người ta không có thì giờ để xuất hiện nơi này nơi kia, nói những điều to tát hay va chạm với ai đó để tạo ra sự chú ý của đám đông. “Tôi không tin lời bốc đồng, tán tụng/ Ở chốn văn chương hay quán rượu ồn ào”.

Hơn mười năm trước, nhà văn Nguyễn Khải nói  một điều khiến tôi nhớ mãi, rằng: “Đối với tuổi trẻ họ coi thất bại là nhẹ nhàng vì họ đủ khả năng, thời gian để làm lại.  Nhưng người già thì khác, người già phải thận trọng vì nếu thất bại họ không còn thời gian để làm lại từ đầu”. Thất bại ở đây không chỉ hiểu là trong công việc, sự nghiệp, mà đôi khi là cả trong ứng xử nữa.

Lời tuyên ngôn của một người viết luôn được so sánh với tác phẩm của chính họ. Một lời tuyên ngôn cao sang đặt bên cạnh một tác phẩm bé bỏng thì sẽ tạo ra sự đối nghịch. Cá nhân tôi không định tạo ra một tuyên ngôn gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, công việc của nhà văn là viết, giống như công việc của người nông dân là gieo hạt, gặt hái. Mà khi không viết được thì thôi, chẳng nên ồn ào làm gì. Tuy nhiên, ở đây cần phải phân biệt khái niệm tuyên ngôn (tức là nói những lời đao to búa lớn) với việc anh có thể tâm tình, san sẻ cùng độc giả về nghề nghiệp, công việc.

- Nhìn lại nền thơ ca chống Mỹ mà ông là một hạt nhân trong đội hình ấy, ông thấy đã công bằng chưa khi không có một nhà thơ nào được trao giải thưởng Hồ Chí Minh?

- Tôi cho rằng thời kỳ chống Mỹ đã tạo ra nhiều gương mặt thơ tài năng như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh... Trong đó có những gương mặt xứng đáng được tôn vinh, ví dụ như Phạm Tiến Duật. Ông là ngọn cờ đầu của thơ ca chống Mỹ. Ông có công đưa một vốn sống bề bộn của chiến tranh vào trong thi ca. Nhắc đến nền thơ chống Mỹ không thể không nhắc tới Phạm Tiến Duật. Những tác giả khác, mỗi người có một giọng điệu riêng, độc đáo.

- Tò mò hỏi ông một chút, hiện ông đang viết gì vậy?

- Tôi đang viết trường ca “Mở bàn tay gặp núi”. Viết nhọc nhằn, có lúc hứng khởi, có lúc chán nản, lo ngại. Đây là một đoạn tôi vừa viết xong, không biết có nên lấy mấy câu sau làm đề tựa: “Năm ngón tay tôi năm ngả đường đi/ Cuộc hành trình dọc miền đất chết/ Kim: khẩu súng cầm tay/ Mộc: nơi tôi mắc võng rừng dày/ Thủy: dòng suối nguồn sông dốc ngược trong cơn khát/ Hỏa: cuộc chiến tranh tôi bị thiêu đồng đội tôi dập tắt/ Thổ: là địa đạo hầm sâu, là núi cao - hài cốt - tượng đài....”.

-Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đức Mậu

Vũ Quỳnh Trang
.
.