Nhà thơ Ngô Văn Phú: Tôi tin vào duyên phận

Thứ Ba, 14/10/2008, 08:30
...Vẫn căn nhà ấy, vẫn cánh cửa ấy, mỗi lần tôi đặt chân đến nhà ông, tôi luôn bị cái cảm giác cô đơn xâm chiếm, hiu quạnh và lặng lẽ, như chính tính cách của nhà thơ Ngô Văn Phú.

Tôi đến thăm nhà ông vào một buổi chiều giữa thu. Căn nhà có ánh sáng trời hắt vào từ cửa sổ bên cạnh bàn làm việc bề bộn sách vở và bản thảo. Mọi thứ trong căn nhà vẫn như bốn năm trước đây tôi đã đến, khi ông đang tham gia giảng dạy cho học sinh Trường Viết văn Nguyễn Du bộ môn lý thuyết và thực hành biên tập văn học (hồi đó tôi là lớp phó phụ trách học tập và mang bài đến nộp cho thầy).

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy như ông, trời còn cho một sức khỏe đã là tốt. Ông hơn người ở chỗ, năng lực viết hình như vẫn chưa bao giờ vơi cạn. Chồng bản thảo trước mặt vẫn ngày một đầy lên, từng nét bút vẫn mềm mại trau chuốt, sách tham khảo cũ mới lẫn lộn cứ ngồn ngộn trước mặt, chỗ đánh dấu đỏ, chỗ gấp mép những điều quan trọng chi chít trên mặt bàn. Dường như, thời gian của ông bây giờ là vô tận, nhưng ông lại luôn cảm thấy thiếu. Một ngày của ông trôi qua rất nhanh bởi vì ông vẫn đắm chìm vào những trang giấy, những nhân vật lịch sử và nhiều khi ông quên luôn cả những bữa cơm trưa của chính mình.

Người có hơn 220 đầu sách

Tôi vẫn nhớ như in bài thơ "Mây và bông" của Ngô Văn Phú: Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng.

Có một thời tôi cứ nghĩ đó là bài ca dao. Cho đến khi tôi biết ông, thì cũng biết rằng nhà thơ Ngô Văn Phú đã có tới 25 tập thơ với nhiều giải thưởng lớn nhỏ, chưa kể thơ Đường dịch thuật, tuyển chọn của ông cũng đã có tới ngót vài chục cuốn. Có lẽ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho, được học chữ Nho từ bé với thầy đồ làng nên cái cốt cách nho nhã thấm đẫm vào con người ông, trong lời thơ nhẹ nhàng, mềm mại cả khi vui lẫn khi buồn. Chính vì thế, nếu kể đến những nhà thơ viết thành công về đề tài nông thôn, không thể không kể đến Ngô Văn Phú.

Có lần tôi hỏi ông: Viết truyện lịch sử khó nhất ở điểm nào? Ông cho rằng cái khó là việc tìm tài liệu, bởi không phải một nhân vật nào cũng có thông tin đầy đủ, sau đó là cách thể hiện trong tác phẩm, có hư cấu nhưng phải khéo léo, bởi người đọc tinh lắm, viết không cẩn thận sẽ bị đánh giá "huyên thuyên". Ông cũng tâm huyết một điều, ông viết hơn 150 truyện ngắn lịch sử và nhiều tiểu thuyết về những nhân vật mình yêu thích, họ nổi tiếng và tiêu biểu của từng thời, về nhân cách, về học vấn, về sự xả thân vì dân vì nước là để cho đời sau hiểu thêm về họ. Lịch sử thì cứ viết đi viết lại nhưng mỗi thời phải viết lại theo nhãn quan của thời mình, ông nghĩ đó là một việc làm bổ ích. Và thực tế, đối với ông thì làm thơ hay viết truyện đều phải biết nhập hồn vào thể loại mà mình đã lựa chọn.

Cả cuộc đời theo văn nghiệp, có hàng chục giải thưởng lớn nhỏ và làm đến chức giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhưng Ngô Văn Phú có lẽ được ví như một bác ong thợ cần mẫn, chăm chỉ xây đắp cho cái tổ của mình với hơn 220 đầu sách đủ các thể loại văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu. Nhưng, với ông, ông vẫn chỉ thừa nhận hai mảng đề tài lớn mà ông theo đuổi "là người viết truyện lịch sử và là nhà thơ của nông thôn".

Chuyện tình buồn

Dường như mỗi nhà thơ đều có những bài thơ tình mang một bóng dáng thương yêu của trái tim. Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng có một người để nhớ, để yêu, để làm nên chuyện tình lãng mạn của mình, để mỗi lúc gần thì vui, lúc vắng xa thì nhớ. Câu chuyện tình yêu ấy đã khiến cho tâm hồn của người thi sỹ vốn lặng lẽ đã dậy sóng, cho dù đã mấy chục năm qua nhưng nó đã trở thành vết sẹo ký ức. Bây giờ thì người đàn bà của ông cũng đã yên phận ở một chốn xa, chỉ có ông một mình ở lại khắc khoải với những kỷ niệm chẳng bao giờ nguôi quên. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau mà không đến được với nhau, bởi vì cả hai người đều có những ràng buộc riêng, những lý do riêng, người đi, để lại một khoảng trống vô bờ trong tâm hồn người thi sĩ.

Tôi hiểu vì sao hình dáng người đàn bà có mái tóc dài tha thướt, đôi mắt sáng long lanh, với giọng nói quyến rũ cứ trở đi trở lại trong thơ ông như một nỗi ám ảnh không dứt. Và nỗi đau chia xa dường như cũng thường trực, để giờ đây, ở cái tuổi "xưa nay hiếm" trái tim ông vẫn ngân lên những nhịp đập bất ổn mỗi khi nhớ về người tình trong mộng, và xót xa khi mất đi một nửa trái tim mình "Yêu đến đỗi. Lòng cũng buồn đến đỗi/ Nói hoài rồi, cần lắm, phút lặng im/ Hơi thở nhẹ lẫn mùi hoa bối rối/ Dáng em đi, tóc xõa, phủ vai mềm/ Phố u tối. Tình yêu không lối thoát/ Lòng chơi vơi theo chiếc lá thu buông/ Đêm Hà Nội. Hai người. Hai cái bóng/ Nhạc tắt rồi, giai điệu vẫn còn vương…"

Tôi hỏi: "Nếu được quay ngược lại thời gian, ông có muốn dành lại những gì thuộc về mình?". Nhà thơ cười, một nụ cười buồn: "Tôi nghĩ, nếu duyên phận đã định đoạt rồi thì không thể nào tránh khỏi sự mất mát".

Trong nhà Ngô Văn Phú gần như chỉ toàn là sách, sách chiếm đầy không gian sống của ông. Sách đầy các ngăn tủ to nhỏ, trên kệ, trên gác xép, trên bàn làm việc, đầu giường ngủ, cả dưới gầm giường, trong chạn bếp... Gia tài cả đời ông chắt góp là những cuốn sách quý mà ông nâng niu, gìn giữ như những đứa con tinh thần không thể thiếu của cuộc đời mình. Sách là thứ có thể giúp ông nguôi quên nỗi lòng phiền muộn và làm đầy vốn kiến thức chẳng bao giờ đủ của loài người. Nhưng tôi biết, bên cạnh những cuốn sách đó, có một thứ ông giấu kín cho riêng mình, một thú chơi tao nhã, nhưng cũng là một kỷ niệm của chính tình yêu đẹp trong đời: Một cây hoa quỳnh. Cây hoa quỳnh đang xum xuê những nụ hoa chúm chím và chắc tuần trăng sau sẽ nở.

Ông kể, năm nay là một năm đặc biệt đối với ông, vì cây quỳnh trổ hoa tới 4 lần. Cũng bõ công ông đạp xe ra tận sông Hồng lấy đất về trồng rồi ngày ngày chăm chút, tỉa tót, bón xới. Người ta thường trồng cây quỳnh với cây giao để gắn với sự tích một đôi tiên yêu nhau trên thượng giới, nhưng phép trời thì không cho yêu nhau nên họ trốn xuống trần gian. Ngọc Hoàng sai người đi tìm và bắt được họ. Để trừng phạt, Ngọc Hoàng bắt họ biến thành 2 loại cây. Cô tiên nữ tên Quỳnh nên cây đó đặt tên là cây Quỳnh. Còn anh chàng tiên kia tên Giao. Người trần gian thấy thương cho tình yêu của họ nên khi trồng cây quỳnh thường đặt cạnh cây giao với ý nghĩa, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chia cắt được họ. Nếu trồng cây quỳnh mà không có cây cành giao thì coi như... thiếu! Trong chậu hoa quỳnh của nhà thơ Ngô Văn Phú cũng không có giao, nó khiến tôi liên tưởng đến sự lẻ bóng ngày ngày của ông trong ngôi nhà, những lúc trăng lên độc ẩm ngắm hoa quỳnh nở, rồi nhìn hoa quỳnh tàn, và lại đợi chờ đến mùa trăng tiếp với ngổn ngang bao nỗi về sự nở tàn, có rồi không của kiếp người.

Lui cui bếp lửa

Tôi đang nghĩ rằng, nếu được chọn một trong những cái bếp… nhiều cổ vật, tôi sẽ bầu chọn cho cái bếp của nhà thơ Ngô Văn Phú. Những chiếc nồi, bát đĩa, thìa, đũa… của ông tôi đồ rằng phải nhiều hơn tuổi của tôi. Nhưng tôi cũng hiếm khi thấy một nhà thơ sống "độc thân" lại có một cái bếp… ra bếp như thế. Chiếc nồi nhôm nhỏ dùng để nấu cơm gạo tám vẫn còn nóng hổi từ ban trưa, một nồi tép kho gừng cháy cạnh dậy lên mùi đồng quê thơm thảo, một đĩa đậu phụ mơ chần nóng, một bình lạc rang muối để nhâm nhi với cút rượu làng Vân… Tất cả đã gắn với gần cả cuộc đời ông ở chốn Hà thành, trên tầng năm của khu tập thể Giảng Võ.

Căn phòng ở khu tập thể gần đường cái, mà chỉ bước ra khỏi cửa nhà ông, là tôi đã có thể nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới của xe cộ và dòng người tấp nập trên đường Kim Mã lao đi, những chiếc xe lấp lánh với đủ các mốt thời trang tân thời trên phố, dưới hàng cây tưởng như dài bất tận. Nhà thơ Ngô Văn Phú tâm sự rằng: Ông rất thích tự đi chợ và nấu cho mình những món ăn "hương đồng gió nội" hợp với tuổi già, hợp với khẩu vị. Những lúc nấu nướng là những lúc tâm hồn ông thư thái nhất, ông như quên hết mọi ưu phiền, lo lắng, những nghĩ suy về những tác phẩm chưa hoàn thành cũng như những nỗi ưu tư về cuộc đời, nhân thế.

Tôi thì cứ mong manh nghĩ rằng, những bữa cơm thơm dẻo ấy, vẫn thiếu một thứ gì đó mà có lẽ số phận đã lấy mất của ông, cho dù xung quanh ông là tranh ảnh, là chân dung của người thương ông tự ký họa cho riêng mình, là vô vàn những bản thảo đang dang dở và những nhân vật lịch sử như đang làm bạn cùng ông.

Rồi ông cắt đứt mạch suy nghĩ của tôi bằng giọng nói nhẹ nhàng: "Mình phải đi đổi bình ga cho chiếc bếp ga du lịch để nấu cơm tối, kẻo người ta đóng cửa về mất". Tôi thấy mình có lỗi, bảo ông không phải dắt xe đạp ra nữa, để tôi chở ông đi bằng xe máy cho nhanh, nhưng ông từ chối. Tôi bước chậm xuống cầu thang ra về và không thể dừng nghĩ tới dáng ông trên chiếc xe đạp cà tàng đầu đội chiếc mũ lưỡi trai cũ và những cái bình hết ga treo ở ghi đông xe xủng xoẻng. Cả những bông quỳnh đang nụ tốt tươi ở ban công nhà ông cứ ám ảnh tôi mãi suốt dọc đường lẫn trong dòng người tan tầm đông nghịt

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.