Nhà thơ Lò Ngân Sủn: Trăm sự nhờ... vợ

Thứ Sáu, 14/11/2008, 09:30
Lò Ngân Sủn là cái tên không thể thiếu khi người ta điểm tên các nhà thơ người dân tộc thiểu số vốn đã khá ít ỏi. Hơn chục năm từ khi chuyển từ Lào Cai về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, rồi làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà thơ Lò Ngân Sủn vẫn hồn nhiên như một ông nhà thơ quê kiểng tốt bụng đi lạc giữa phố phường nhộn nhịp.

Từ sau cơn tai biến mạch  máu não hồi cuối năm 2003, ngoài di chứng khó phát âm là di chứng bàn chân phải không nhấc lên được nữa, bàn tay phải không cầm bút được nữa, nhà thơ Lò Ngân Sủn như thực sự lạc giữa chốn thị thành.

Có địa chỉ trong tay, với sự hướng dẫn ân cần của vợ nhà thơ, nhưng tôi không sao tìm ra nhà bác Lò Ngân Sủn ở đâu. Đành gọi điện để bà Sủn ra đón. Đón tôi nơi đầu ngõ là một người phụ nữ thực mộc mạc mà phúc hậu, nước da trắng trẻo nhưng vẫn giữ giọng nói là lạ của người vùng cao. Bà có cái tên cũng thực... dân tộc: Lù Thị Bức.

Bà cùng là người Dáy với ông - tộc người chiếm đa số ở vùng cao Bát Xát (Lào Cai), vốn là một nữ y tá về hưu theo chồng con về Thủ đô sinh sống. Cũng thật may mắn cho nhà thơ Lò Ngân Sủn là vợ ông cũng có chút hiểu biết về y khoa, biết cách chăm sóc người bệnh, nếu không chắc hẳn bệnh tình của ông sẽ mỗi ngày mỗi nặng chứ không thể ngồi dậy, nói được đôi câu tuy còn khó khăn hoặc có thể nhúc nhắc tấm thân nhờ đôi nạng như bây giờ.

Trong căn phòng 13m2 ấy, đồ đặc rất đơn sơ, cho biết chủ nhân của chúng có đời sống khá đạm bạc. Chiếc giường nhỏ để đệm quanh năm dùng làm nơi nằm ngủ, đọc sách báo và mọi sinh hoạt cho nhà thơ từ sau cơn bạo bệnh. Có ai ngờ, nhà thơ từng viết những vần thơ hào hoa mà chân thật rằng: "Nếu anh lấy được em/ Đường chưa có anh mở/ Cầu chưa có anh bắc/ Đi đâu anh đón đợi/ Đi không được anh dắt/ Ăn không được anh bón..." giờ đây trăm sự đều phải nhờ cả vào đôi bàn tay người vợ hiền: vợ nâng nằm, nâng dậy, vợ bón cơm, bón thuốc, vợ thay áo quần, tắm táp, vợ cõng ra xe taxi mỗi khi phải đến bệnh viện mà không có con cái ở nhà...

Có lẽ giờ đây, những vần thơ cần được "sửa lại" thành "Đi không được em dắt/ Ăn không được em bón" thì hoàn toàn đúng với gia cảnh nhà thơ Lò Ngân Sủn bây giờ. Nhưng thực bất ngờ, Lò Ngân Sủn vẫn cười vang hào sảng, thật hiền, thật hồn nhiên. Hồn nhiên như thơ ông. Hồn nhiên như cây cỏ đã đi vào thơ ông mà ông từng nói "Thơ ca dân tộc là một thứ thơ ca có pha lẫn chất thực vật". Và có lẽ nhờ cái sự hồn nhiên ấy mà ông luôn trẻ hơn cái tuổi sinh năm Ất Dậu (1945) của mình.

Cuộc trò chuyện của tôi với "khổ chủ" được thực hiện chủ yếu nhờ vào "tài phiên dịch" của bà Lù Thị Bức, nhưng cũng có những đoạn chính bà cũng không "dịch" được. Bà cho biết: "Từ ngày bị bệnh, đôi khi đang nói tiếng Kinh ông ấy lại chuyển qua nói tiếng Dáy nên không ai biết ông ấy nói gì. Cả bốn đứa con tôi không có đứa nào biết tiếng Dáy nữa, nên đi đâu tôi cũng lo ông ấy nói gì không ai hiểu mà chiều ý ông ấy".

Tôi vờ hỏi để kiểm tra trí nhớ của nhà thơ: "Ai phổ nhạc bài thơ "Chiều biên giới" của ông thế?", thì lập tức nhận được câu trả lời chính xác là: "Nhạc sĩ Trần Chung". Cũng trong cuộc nói chuyện, ông nhiều lần nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật như thể nhà thơ của Trường Sơn này vẫn còn sống khỏe mạnh, khiến vợ ông phải nhắc rằng: "Anh Duật mất rồi, lại quên à?".

Cũng từ ngày bị bệnh đến nay, cả hai vợ chồng nhà thơ chẳng đi đến đâu. Con đường mà họ đi là từ nhà tới Bệnh viện Việt - Xô, đến cơ sở châm cứu của bác sĩ Nguyễn Tài Thu, đến một thầy châm cứu người Tàu ở Bắc Ninh... mà thôi. Đã 5 năm trời quanh quẩn bên người chồng đau yếu, bà Bức luôn tận tụy hết lòng, không một lời phàn nàn, kêu ca. Đã có lúc bà gầy sọp đi còn hơn 40 kg. Thời gian gần đây bệnh tình của nhà thơ có vơi bớt, bà mới phần nào lấy lại sức khỏe và tinh thần.

Bà kể bằng giọng hết sức thật thà: "Hồi lấy nhau ông ấy mới là thầy giáo dạy cấp I chứ chưa... làm thơ đâu. Tôi thì vì hoàn cảnh gia đình đông em nên học hết lớp ba, là phải nghỉ ở nhà đi nương. Đến khi lấy nhau ông ấy mới động viên tôi đi học tiếp, rồi vào học trường Trung cấp Y của tỉnh. Vừa học, vừa sinh con, ông ấy thì đi dạy học ở xa nên vất vả lắm. Tôi cứ đẻ con, nuôi con một mình.

Thời gian 13 năm ông ấy dạy học ở Yên Bái là khổ nhất. Tôi thường phải vào rừng lấy củi, lấy nứa bán để có tiền đong gạo nuôi con. Lần tôi đẻ cháu thứ 3, cả lớp góp tiền lại mới mua được có 4 quả trứng để bồi dưỡng. Sau này, khi ông ấy được chuyển về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thì có nói với vợ là: "Về đây sẽ có thời gian và điều kiện hơn để chăm sóc vợ con". Nhưng thực tình cũng chẳng có gì đâu. Nhiều lần tôi ra thị xã thăm vẫn phải đong gạo và mua thuốc lào cho đấy!".

Bà Lù Thị Bức là hiện thân của một người vợ hiền hậu, tảo tần và còn nguyên nét chất phác của một người miền núi. Nhiều năm liền ngoài làm việc nhà nước, bà còn nấu rượu, nuôi lợn, đi cất hàng từ Phú Thọ về bán lấy tiền nuôi con ăn học. Mọi việc trong gia đình đều do một tay bà săn sóc bởi bà biết rằng "lấy chồng nhà thơ thì chỉ có mỗi món "đặc sản" là được nghe đọc thơ thôi". Và bởi ông là nhà thơ, nên bạn bè, khách khứa rất đông. Ngay cả những năm khó khăn, bạn bè chồng đến nhà, muốn uống nước là có nước, muốn cơm rượu (tuy đạm bạc) là có cơm rượu, bất kể sớm khuya.

Năm 1995, nhà thơ Lò Ngân Sủn chuyển về công tác ở Hội Nhà văn, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa V. Mất khoảng 5 năm, ông và vợ ở nhờ căn phòng trên gác 4 của trụ sở Hội ở 19 Nguyễn Đình Chiểu. Ở đó, bạn bè rất đông và vui. Có nhiều cuộc rượu bàn chuyện văn, chuyện đời đến khuya và nhiều người ngủ lại đó luôn.

Sau này, nhà thơ được Hội Nhà văn hỗ trợ 30 triệu để mua căn nhà ông bà đang ở lúc đó trị giá 20 cây vàng. Vì là nhà của một người bạn nên "chịu" lại phần lớn số tiền, sau đó trả dần. Hiện nay, căn nhà ông bà đang ở nằm trong diện giải tỏa để mở một đại lộ từ Cầu Giấy ra Kim Liên.

Bà Lù Thị Bức ngậm ngùi: "Nhà này không có sổ đỏ, chắc được đền bù cũng không được bao nhiêu. Nếu không có nhà tái định cư hoặc không đủ tiền mua nhà mới, có thể chúng tôi lại về Lào Cai. Trên ấy vẫn còn nhà, rộng lắm!". Ở Hà Nội, nhưng lòng nhà thơ người Bát Xát vẫn luôn nhớ quê hương nơi biên giới. Và cũng như lời nhà thơ tâm sự thì: "Ở đây đông người, nhưng không có bạn. Ở Lào Cai nhiều bạn lắm!".

Không còn sáng tác được nữa, nhưng nhà thơ Lò Ngân Sủn ngày nào cũng đọc sách báo. Ông đọc rất to, có khi cả quán cơm bụi ngoài đầu ngõ cũng nghe thấy. Đọc là cách ông luyện tập cơ miệng, hàm hằng ngày nhưng cũng là ông để lưu với cuộc đời, bởi giờ đây bạn bè cũng ngày một thưa vắng.

Ông tổ trưởng tổ dân phố nơi Lò Ngân Sủn cư trú trêu rằng, ông Sủn ngày nào cũng "tụng kinh gõ mõ", nhưng đôi khi người ta còn nghe thấy cả những tiếng la hét. Đó là khi ông muốn phát âm mà không được, muốn diễn đạt một điều gì đó mà không được hoặc là muốn tự mình làm việc gì đó mà không được... nên ông cáu gắt với chính mình, tự la hét chính mình. Ấy thế nhưng ai cũng biết là ông rất hiền, nên rất thương quý.

Không cầm bút được bằng tay phải nữa, ông chuyển sang tập viết bằng tay trái và đã thành công, tuy vẫn còn chậm và nét chữ còn nhiều run rẩy. Theo bà Bức thì: "Được như thế này cũng là phúc đức lắm rồi. Trước đây còn tưởng là ông ấy "câm" luôn, không nói được nữa ấy chứ!".

Tôi hỏi bà Lù Thị Bức rằng điều mong ước lớn nhất của bà bây giờ là gì, bà không ngần ngại trả lời ngay: "Tôi chỉ có điều ước là ông nhà tôi khỏi bệnh. Nếu chữa được bệnh thì dù có phải bán căn nhà đang ở, bán cả căn nhà ở Lào Cai lấy tiền chữa bệnh cho ông tôi cũng bán hết. Nhưng bác sĩ điều trị trước đây nói rằng, ông ấy bị chảy máu não nhiều quá nên di chứng này gần như không có khả năng chữa khỏi. Có lần, tôi nghe nói có bệnh viện bên Trung Quốc chữa khỏi được di chứng này nên gia đình đã tìm hiểu rất kỹ. Nhưng sau thấy quá ít hy vọng nên lại thôi, để ông ấy ở nhà uống thuốc Bắc và ngày ngày tập trị liệu".

Tôi xin phép chụp ảnh nhà thơ Lò Ngân Sủn. Vợ ông lại lập cập chạy lên gác lấy cho ông chiếc sơmi mới tinh còn nguyên nếp gấp. Bà mặc vào cho ông bằng bàn tay nhẹ nhàng và ánh mắt âu yếm, trìu mến. Tôi vội chộp lấy những khoảnh khắc đầy xúc động ấy mà trong lòng cũng rưng rưng.

Khi tôi chào ra về, nhà thơ Lò Ngân Sủn mời tôi ở lại ăn cơm với gia đình nhưng tôi cáo lỗi vì bận con nhỏ. Họ giải thích rằng, đó là thói quen của gia đình từ xưa, mỗi khi có khách đều mời ở lại dùng cơm, dù trong nhà chẳng có thức gì đặc biệt đãi khách ngoài tấm lòng. Thói quen ấy cũng không hề thay đổi, ngay cả khi họ đã lạc về chốn thị thành, ngay cả khi ốm đau, bệnh tật đeo đẳng và mối lo cơm áo gạo tiền đang ngày một đè nặng lên đôi vai đã gánh quá nhiều khó nhọc của bà Lù Thị Bức - người vợ thảo hiền của nhà thơ Lò Ngân Sủn

Việt Hà
.
.