Nhà thơ Hoàng Việt Hằng: Giời cho thế nào tôi nhận thế ấy

Thứ Ba, 21/12/2010, 09:46
Chị đứng đợi tôi với mái tóc bạc khá nổi bật, mái tóc mà vì nó, không biết bao lần chị được bọn trẻ con gọi bằng "cụ" rất cung kính. Dáng cao to, nụ cười răng khểnh điểm nét hồn nhiên xem ra rất mâu thuẫn với màu tóc của chị. Sau bao nhiêu thăng trầm sóng gió của đời người, thật may, chị vẫn giữ được nụ cười trong trẻo ấy. Và cái cách chị trò chuyện khiến tôi hiểu rằng chị đã an nhiên với thời cuộc, yên ổn với những gì số phận trao cho mình...

Chị, người đàn bà biết "khâu những lặng im" để cất giữ như một thứ men rượu đời sống và chỉ để nó tỏa hương lên những trang viết của mình. Những trang viết làm ta rưng rưng nước mắt...

Chị Hoàng Việt Hằng có một đôi vai rộng. Mỗi khi chị đi may áo, người thợ may thường lấy làm ngạc nhiên vì đôi vai 44 cm của chị. Đôi vai ấy có thể mặc áo dài không chuẩn lắm, nhưng là đôi vai mà chị đã gánh vác nhiều nhiệm vụ hệ trọng trên đời. Là đôi vai đã từng quần quật bốc vải ở chợ Bắc Qua những năm nghèo khó, cơ cực để lấy tiền nuôi con, nuôi chồng. Là đôi vai đã giúp chị vững vàng đến bệnh viện một mình "vượt cạn". Một mình xây nhà. Một mình đi sau xe tang mẹ. Cũng chính là trên đôi vai rộng ấy, chị đã cõng chồng, nhà văn Triệu Bôn nghiêng ngả khắp các bệnh viện trong ròng rã 10 năm ông đau ốm. Đôi vai đã thức khuya dậy sớm, lam lũ với đủ mọi bận bịu của một người đàn bà lo làm tròn bổn phận, thiên chức trong nhà và lăn lộn ngoài xã hội để kiếm tiền. Mà kiếm tiền bằng nghề chữ nghĩa thì cơ cực nhất trong mọi thứ nghề.

Chị Hằng kể, hồi còn sống, có lần nhà văn Triệu Bôn, chồng chị bảo: "Em cõng anh nhiều quá rồi, thôi để anh cõng trả nợ em một lần". Rồi ông ghé vai cõng vợ. Cõng xong một vòng, nhà văn ngồi thở hắt ra. Ông thừa nhận, cõng trên vai một người, dẫu là người mình yêu quý,  dù chỉ chốc lát cũng chẳngã dễ dàng gì. Đừng nói cõng nhau dài hơi trên đời 

Là người cầm bút sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng chị Hoàng Việt Hằng thường viết về những phận người bé nhỏ, thua thiệt nhiều lẽ ở đời. Tôi đọc thơ chị đã nhiều, đã day dứt cùng chị hình ảnh những người đàn bà bán rau, những phụ nữ nghèo "rắc ngô và rắc lúa" trên núi cao, một chị Thứ nông dân nào đó ở đồng bằng Bắc Bộ mà chỉ cần nhà thơ không ngủ ở khách sạn 5 sao một đêm là đã có thể đỡ cho chị một năm không phải ra làm đồng… Chị Hoàng Việt Hằng lúc nào cũng cúi xuống những số phận có phần lấm lem như vậy, dường như hơi "âm lịch" so với cuộc sống đang rầm rập hào nhoáng ngoài kia. Chị rất thích những chuyến đi xa, với chiếc túi trên đôi vai vững chãi, cây bút và trái tim nồng ấm trong ngực, để được chia sẻ, được đến gần những con người thiếu may mắn. Với chị, họ chính là tri âm, là người vực chị dậy sau những đau buồn, an ủi chị và trở thành lý do để chị tiếp tục cuộc sống.

Trong cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt, với tựa "Một bàn tay thì đầy", chị cũng chỉ viết về những con người bé nhỏ ấy. Ba năm trời cho một cuốn sách mỏng, bạc tóc vì những đêm thức trắng, viết đi viết lại nhiều lần, cuốn sách mang dáng dấp tự truyện về chính cuộc đời mình của Hoàng Việt Hằng đã nhận được tình cảm đặc biệt của độc giả. Chị nói: "Những người nghèo khổ, thiệt thòi, từng phải chịu mất mát sẽ nghiêng về tôi". Nhân vật Xinh trong "Một bàn tay thì đầy" đã vượt qua biết bao thử thách trong hành trình đi tìm tình yêu và số phận của chính mình.

Nhẫn nại, hy sinh, luôn nhận về mình mọi thua thiệt, lúc nào cũng cố gắng làm tròn đầy mọi hao khuyết, nhưng rồi cuộc sống vẫn không cho Xinh bình yên. Bình yên chỉ thực sự đến khi Xinh nhận ra rằng, làm người đàn bà nhiều khi phải học cách dựa vào chính mình, làm chủ đời mình, như một cái cây đứng giữa trời mà reo… Dựa vào chính mình, cái ý nghĩ ấy ít nhiều mệt mỏi, ít nhiều "cực chẳng đã", nhưng biết làm sao, khi người đàn bà đã trót cầm bút, chấp nhận những đọa đày chữ nghĩa. Nhất là khi người đàn bà ấy lại chấp nhận gắn bó số phận mình với một người chồng, một người lính, một nhà văn đang phải chịu không chỉ đọa đày chữ nghĩa mà còn là biết bao chằng bíu cuộc đời riêng... Trong sự gắn bó định mệnh ấy, người đàn bà yêu chồng biết làm gì hơn ngoài sự im lặng. Hãy nhìn sự im lặng chất chứa thân phận trong thơ Hoàng Việt Hằng: "Em khâu tóc trắng thay lời/  Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau/ Con chồng, vợ cũ đồng sâu/ Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng".

Khi cuốn tiểu thuyết "Một bàn tay thì đầy" của Hoàng Việt Hằng ra mắt độc giả, ngoài sự chia sẻ của nhiều bạn đọc mà phần đông là những phụ nữ đứng tuổi từng đi qua chặng đường dài những năm bao cấp, tem phiếu khốn khó, cũng có người trách chị, sao lại đặt chính cuộc đời riêng của mình lên trang viết như vậy. Viết về đời riêng, cho chân thực, cho sòng phẳng với chính mình đúng là không dễ. Chị nói: "Khi chồng tôi còn sống, những lúc say rượu anh thường bảo tôi, giá như em đừng thật như vậy thì em không khổ, và anh cũng không làm em đau đớn. Nhưng tôi nghĩ, dưới ánh sáng mặt trời, mọi sự cần minh bạch và ta nên minh bạch. Có nhiều người thích tô son, trát phấn, đắp điếm cho đời sống của mình, còn tôi thì không. Giời cho thế nào thì tôi nhận thế đấy, tôi không chối bỏ điều gì".

Không chối bỏ điều gì, cho dù đó là ngọt ngào hay cay đắng, sung sướng hay khổ đau, bất hạnh, đó là một thái độ sống mà phải trải qua rất nhiều chặng gian nan của cuộc đời, Hoàng Việt Hằng mới chiêm nghiệm thấy. Cô Xinh, nhân vật chính trong tiểu thuyết "Một bàn tay thì đầy" ít nhiều là bóng dáng của Hoàng Việt Hằng. Cuộc đời Xinh đã trôi đi như sự sắp đặt của số phận. Có lúc cô quẫy đạp để thoát ra, lại có lúc buông xuôi, để đoạn kết cuộc đời giúp bạn đọc hiểu rằng con người ta khó mà vượt qua số phận. Mỗi chúng ta phải tự chèo chống con thuyền đời vui buồn giông bão ấy, cho dù thuận buồm hay sóng lật. Và chính chúng ta phải bơi sải vào bờ.

Những ngày khó khăn nhất trong ký ức của Hoàng Việt Hằng là khi chồng chị đau ốm. Chị lầm lũi kiếm tiền thuốc thang cho chồng. Những hóa đơn chất chồng thúc chị phải không ngừng viết. Viết cả khi mình buồn, mình đau, không được phép nghỉ ngơi, buông bút hay đầu hàng. Và không được phép chán nản khi có một đồng nghiệp xấu bụng với mình, tìm cách chèn ép mình. Viết như một phương cách duy nhất để tiếp tục cuộc sống. Những bài báo lấy đi của chị nhiều sức lực và trả về cho chị những đồng nhuận bút còm để trang trải một đời sống nhiều gánh nặng cơm áo không biết trông cậy vào đâu. Tóc chị bạc dần đi vì những trang viết, những lo toan. Và chị biết ơn vì trong những giờ phút khốn cùng ấy vẫn luôn có những người bạn tốt lặng lẽ ở bên mình.

"Có lúc đang hoang mang vì không biết làm thế nào lo tiền thuốc cho chồng, tôi ra mở hòm thư thì thấy một bọc tiền nhỏ. "Truy tìm" mãi cuối cùng tôi biết đó là của một người bạn nhà văn. Đời tôi, cứ khi nào chạm mặt vào tường thì có lối rẽ. Tôi mắc nợ những người bạn tốt như vậy, những người bạn mà khi lao động trên cánh đồng chữ, họ để dành cho mình một nhát cuốc để mình gieo hạt chứ không giành hết về họ".

Mắc nợ sự tử tế, mắc nợ người lính đã mua thức ăn cho mình khi đang đói lả trong bệnh viện sinh con một mình, chị Hoàng Việt Hằng còn mắc nợ cả những gương mặt người vất vả chị gặp trong những chuyến đi. "Tôi đã nhiều lần tìm đến cái chết để được giải thoát, nhưng rồi chính những con người nghèo khổ tôi gặp đã kéo tôi trở lại cuộc sống. Tôi đi miền núi, chứng kiến những gia đình không có nổi 20.000 đồng, có nhà chỉ còn 3 bắp ngô, họ sẵn sàng lấy xuống để nấu cho tôi ăn và tôi nghĩ mình phải sống để viết về họ. Mình sẽ là người đồng hành với họ".

Một nhà văn, sau khi đọc tiểu thuyết "Một bàn tay thì đầy" của Hoàng Việt Hằng nhận xét rằng, lâu lắm chúng ta mới có một cuốn tiểu thuyết viết về những người nghèo khổ tâm trạng an nhiên và thẳng thắn như vậy. Ngòi bút Hoàng Việt Hằng đã vinh danh những con người nhỏ bé trong xã hội. Trong câu chuyện, Hoàng Việt Hằng kể với độc giả, không có một nhân vật nào sung sướng hay hạnh phúc tròn vẹn. Mỗi người là một số phận không giống nhau, nhưng giống nhau ở một điểm, họ đều là những người tử tế. Tôi nghĩ, nếu con người ta sống được với nhau như thế trong đời thì thế giới không còn cái ác. Nói về hai chữ tử tế, Hoàng Việt Hằng có một niềm tin rằng, chính là sự tử tế đã giúp chị vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Chúng ta không "ăn gian" ở đời được bất cứ điều gì. Chỉ có sự tử tế là có thể mang con người đến gần với nhau mà thôi.

Không chiến thắng được định mệnh nghiệt ngã để giữ người chồng yêu dấu bên mình, giờ đây Hoàng Việt Hằng dành tâm sức để nuôi con và viết. Những chuyến đi đơn độc, nhọc nhằn nhưng lại cho chị niềm vui, niềm hứng khởi. Không điện thoại di động, với chiếc xe máy cà tàng, chị cần mẫn với công việc, như người nông dân chăm chỉ trên cánh đồng và gieo xuống đó những hạt mầm xanh. Đó chính là tấm lòng độ lượng với nhân gian, và nhân gian đã độ lượng với cuộc đời chị. Thật không phải như câu thơ cổ, “gió lạnh dồn hết về một người”… 

Bình Nguyên Trang
.
.