Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh: Khi một nhà có ba tiến sĩ
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh sắp cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới: "Gửi sông La". Đây là tập thơ thứ tư của chị. Gia tài thơ ca của chị không dày dặn lắm, mỏng là khác, nhưng chị Minh Khanh có câu thơ rất nổi tiếng viết từ năm 18 tuổi, khi chị đi dự Trại Sáng tác văn học dành cho những người viết trẻ ở Thái Hà ấp (năm 1959) do nhà văn Nguyễn Đình Thi phụ trách. Đó là những câu thơ phổ biến một thời, rồi một thời bị lãng quên, một thời bạn đọc lại nhớ ra: "Tôi không buồn những buổi chiều / Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai".
Chị Hoàng Thị Minh Khanh từng làm ở Báo Phụ nữ Việt Nam, sau đó chị có một bước rẽ: Đi học ngành vi trùng học và về làm ở Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho đến khi nghỉ hưu.
Cuộc sống những năm tháng ấy với vô vàn khó khăn, chị Minh Khanh chăm nuôi hai con trai khi chồng - GS.TS Hoàng Tuấn còn đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ ở bên Đức.
Một mình chị lại chèo chống nuôi con, và sau này, hai người con trai của anh chị đều trở thành hai vị Tiến sĩ khoa học: Anh Hoàng Nam Nhật giảng dạy môn Vật lý ở Trường Đại học quốc gia Hà Nội; anh Hoàng Thanh Tuyền hiện là Trưởng khoa của Bệnh viện 19 - 8.
Lại nhớ một lần đi du lịch ở Trung Quốc, ngồi cùng một chuyến xe trên đường cao tốc với chị, tôi đã hỏi:
- Được sống với ba vị tiến sĩ khoa học trong cùng một ngôi nhà có khó lắm không?
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh cười hiền khô:
- Thực ra vừa khó lại vừa không khó, em ạ. Công việc của mình là sáng đi chợ và tìm hiểu các món mà chồng con thích ăn sau những ngày rất căng ở bệnh viện. Anh Tuấn và hai con chị thích canh cá nấu chua, canh dưa nấu chua. Nếu bữa ăn trên bàn hết sạch các món ngon là vui. Hôm nào họ ăn kém là chị rất buồn và lo lắng. Sau đó thì anh Tuấn nghiên cứu văn hóa Phương Đông, dù đêm khuya cũng chớ có hỏi. Con trai nghiên cứu cũng không hỏi, vì không gian tĩnh cho các nhà nghiên cứu khoa học là cực kỳ cần thiết.
Chị cảm phục sức lao động bền bỉ, dẻo dai của chồng - tác giả của những tập tiểu thuyết dày dặn. Đề tài anh Hoàng Tuấn viết thường nghiêng về mảng y học mà anh am hiểu sâu. Anh viết về số phận của con người đối mặt với ngọn đèn phòng mổ - đèn phòng mổ vốn không hắt bóng. Anh viết về đề tài nông thôn mà anh thân thuộc, các tiểu thuyết như: "Nông thôn là của chúng ta", "Miền giông bão", "Đoạn kết một chuyện tình", "Nỗi cô đơn còn lại". Bước dài rộng hơn, anh Hoàng Tuấn còn làm thơ. Đến nay anh đã cho xuất bản 2 tập: "Sợi tóc" và "Cát bụi". Ngoài ra là mảng sách nghiên cứu về văn hóa Phương Đông, về phong thủy học. Ban đêm viết sách, ban ngày anh khám bệnh cho người nghèo ở phòng mạch. Khi còn đương nhiệm Giám đốc Bệnh viện 19-8, bác sĩ Hoàng Tuấn đã trực tiếp chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân. Điều trị cho nhiều người, sau nhiều năm bác sĩ Tuấn cũng quên tên họ, nhưng bệnh nhân đã không quên ơn anh.
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh cùng chồng - TS Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8 ( Bộ Công an). |
Một thời, ngôi nhà nhỏ của anh còn là địa chỉ để anh thăm khám chữa bệnh cho các văn nghệ sĩ. Ngoài những cái tên nổi tiếng trên văn đàn như Khương Hữu Dụng, Trinh Đường, Ngân Giang, Triệu Bôn, anh còn thăm khám và cứu giúp sức khỏe biết bao người. Khi tôi nhắc lại chuyện này, anh Tuấn lắc đầu nói không nhớ. Không nhớ hay anh không muốn kể? Anh từng dặn vợ: "Giúp người không được kể". Vì theo anh việc của bác sĩ là để cứu giúp bệnh nhân vượt qua bạo bệnh. Không có gì đáng nói, và không có gì đáng kể ra. Anh Hoàng Tuấn là người không bao giờ nói đến việc bác sĩ cứu sống một con người nhưng bệnh nhân khi khỏi bệnh thì chưa bao giờ quên ơn anh. Họ luôn nhắc tên anh với sự trìu mến.
Anh Hoàng Tuấn đã quen với nhịp sống lặng lẽ. Ngày ngày, anh vẫn khám bệnh cứu giúp người nghèo. Gặp ai cơ hàn thì kê đơn nhắc nhẹ vợ cho thuốc không lấy tiền. Cứ thế, gần 20 năm sau khi nghỉ hưu, Tiến sĩ khoa học Hoàng Tuấn vẫn khám bệnh và nghiên cứu khoa học không một ngày ngơi nghỉ.
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh là người vợ tận tụy, luôn ở bên chồng, lấy việc nhân nghĩa ở đời, lấy việc "Vì tôi đã sống cho đời/ Hơn là đã sống cho tôi rất nhiều" như câu thơ chị đã viết thuở còn trẻ.
Chị kể: Mấy năm trước chị từng bị xe máy tông phải, đến độ giập xương sườn. Con trai chị - anh Hoàng Nam Nhật - phải nhiều đêm thức trắng bế ẵm mẹ. Rồi mỗi ngày cậu con trai thứ - bác sĩ Hoàng Thanh Tuyền ở bệnh viện về là nhào vào phòng ôm lấy mẹ, có lúc còn cù nách mẹ để mẹ cười vui. Thì ra, dẫu có là tiến sĩ, bác sĩ gì thì chúng vẫn là con trai bé bỏng của chị mà thôi. Còn anh Tuấn thì ngày nào cũng xem mạch, theo dõi nhịp tim cho chị.
Nếu không có những ngày tháng gặp tai nạn ấy, chị Minh Khanh đã không thể thấu hiểu hết tình yêu sâu nặng của chồng con, của ba vị tiến sĩ trong nhà dành cho riêng mình.
Trong bài thơ "Em đã có anh", chị đã thể hiện rõ trái tim chị thuộc về anh từ trong sâu thẳm: "Từ lâu em đã có anh/ Như là kho báu để dành trong tim…". Và chốt lại: "Những khi tối lửa tắt đèn/ Dẫu sôi lại nguội bình yên lại về".
Thơ Hoàng Thị Minh Khanh có nhạc điệu ngân rung, đã lặng lẽ bồi đắp cho tổ ấm của ba nhà khoa học. Và chị đã luôn luôn chấp nhận đứng khuất sau cánh gà sân khấu, lặng lẽ ngắm nhìn chồng con tỏa sáng và thành đạt trong khoa học.
Tôi nghĩ hành trình nuôi dạy con của bất kỳ một người mẹ nào cũng vậy, đó là một "công trình khoa học". Vì dạy con nhân cách làm người là một công trình không thể cho điểm như trên giảng đường đại học. Và chị Hoàng Thị Minh Khanh đã hoàn thành công trình khoa học ấy rất xuất sắc trên đôi vai nhỏ bé của mình. Dạy con, nuôi con nên người. Chị đi chợ, nấu ăn, sắp xếp lại sách vở cho chồng, bốc thuốc theo đơn thuốc do anh Tuấn ghi ra hằng ngày, hằng giờ. Cứ thế chị lặng lẽ cống hiến nhiều việc nghĩa cho đời, chẳng cần ai hay, ai tỏ. Một người nông dân có con gái được GS.TS Hoàng Tuấn chữa cho khỏi bệnh, kể: "Năm ấy, nhà cháu ở ven sông Đáy mất trắng vụ lúa vì mưa lớn quá. Con gái lớn ốm đau nặng, may quá, cháu nhờ phúc của ông bà cho thuốc, con cháu sau đó đã khỏe. Cháu ra cảm ơn ông bà chỉ có mấy trái cam vườn thơm thảo thôi ạ". Một bệnh nhân khác cũng cho biết: "Chồng cháu là nông dân thôi ạ. Đận khám đó, không có ông Tuấn cháu chẩn đoán cho, thì nhà cháu không có tiền để chụp cắt lớp đâu ạ. Nhà cháu còn mấy vụ khoai sau vẫn chưa kéo cày trả nợ xong, vậy lấy tiền đâu mà vòng vo trong bệnh viện. May có ông Tuấn chỉ cho nhà cháu con đường đi chữa bệnh ngắn nhất, giúp nhà cháu phát hiện bệnh sớm mà đi qua cơn bĩ cực. Gia đình cháu biết ơn ông bà lắm ạ".
Lại nhớ một bài thơ Hoàng Thị Minh Khanh viết tặng chồng: "Bàn tay anh vẫn chữa bệnh cho người/ Vẫn hàn gắn những vết thương không nói".
Thơ chị động chạm đến nỗi đau cũng dịu dàng, không gay cấn, không to tiếng như sợ nỗi đau kêu to, ai đó giật mình. Trong bài "Vết xe bò", chị viết: "Chẳng có ai cấm được lá vàng ngưng/ Ngày tận số không trở về trái đất/ Vết xe bò vẫn in hằn trên cát…".
Đọc thơ Hoàng Thị Minh Khanh, ta thấy mình như đi chậm lại để thưởng thức những câu thơ dịu dàng, mong manh của một tâm hồn đầy trắc ẩn. Chị đã lựa chọn cho mình một con đường, sẵn lòng làm tường rào để che chắn giông bão cho con. Chị đứng phía sau những công trình nghiên cứu khoa học, những tác phẩm văn học, sách nghiên cứu về văn hóa Phương Đông của anh Hoàng Tuấn mỗi ngày một chất cao lên bên giá sách. Chị Hoàng Thị Minh Khanh vẫn tự nhận mình chỉ ở gần chân đèn thôi, khi nhìn thấy ngọn đèn của chồng con luôn sáng tỏ bên bàn làm việc với sách và sách là chị thấy bình yên rồi. Chị dịu dàng cười hiền, như dấu ấn của thơ chị viết.
Dịu dàng trong cuộc sống và dịu dàng trong thi ca