Nhà thơ Hoàng Cát: Thanh thản sống và viết

Thứ Ba, 21/05/2013, 08:00
Hoàng Cát luôn thanh thản trước mọi việc lớn nhỏ xảy đến bởi lẽ, không phải ai cũng có một cuộc sống đáng tự hào như anh, sau khi đã làm đầy đủ nghĩa vụ với đất nước, trách nhiệm cùng gia đình, vợ con rồi các cháu trọn vẹn, được nhiều bạn bè gần gũi, yêu thương...

Nghe tin Hoàng Cát mới từ bệnh viện về nhà sau đợt truyền hóa chất lần thứ năm, tôi vội đến thăm. Lúc tôi lên phòng, anh đang thiêm thiếp. Dễ nhận thấy một khác biệt, là trên đầu nhà thơ xứ Nghệ này vốn bồng bềnh tóc bạc như mây trắng nay thì đã không còn. Nhẵn thín như đầu một nhà sư. Râu, lông mày, lông mi... cũng không còn một sợi. Hậu quả thường gặp của người mắc ung thư sau nhiều đợt truyền hóa chất. Nghe Tâm, vợ Cát lúc mở cửa cho tôi ở dưới nhà nói là "Anh Cát em hôm nay có vẻ mệt mỏi hơn mọi hôm" làm tôi hơi lo. Nhưng khi tôi lên phòng thì vừa thấy bạn, Hoàng Cát đã nhỏm người ngồi ngay dậy khiến tôi ngăn không kịp.

Quen nhau lâu tôi rõ tính bạn. Mỗi khi ra đường hay có khách đến bao giờ anh cũng phải rất chỉn chu, đàng hoàng. Và còn phải đẹp nữa. Nhiều khi làm dáng còn xịt thêm một chút nước hoa.

Tuy có gầy đi nhiều, nước da không còn đỏ đắn như cũ, lại đang cơn sốt cao nhưng giọng Cát vẫn oang oang, như cố chứng tỏ mình vẫn là người khỏe mạnh, bình thường. Cát không nói nhiều về bệnh tật mặc dù có lần anh từng nói, theo kinh nghiệm từ các bác sĩ thì người nhiễm ung thư thường sau lần truyền hóa chất lần năm hoặc cùng lắm lần thứ tám thì bệnh tình ra sao sẽ có thể biết. Tức là anh rất ý thức về căn bệnh hiểm mà mình đang mắc phải. Chưa vào chuyện anh đã lôi ra một sấp báo trên đầu giường, khoe: "Năm nay mình có tới năm, sáu bài thơ Tết cơ đấy. Hơn cả những Tết trước, rồi mới đây các báo như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân, và cả ở Huế nữa đăng liên tục cho mình". Tôi mở đọc. Đây hoàn toàn là những bài thơ anh viết khi lâm bệnh trọng, lại phần lớn ngay trong bệnh viện mà mỗi khi viết xong bài nào, thường anh vẫn sao gửi cho tôi. Trên đầu những bài viết anh đều có đề tặng những bạn văn, bạn thơ như Hà Khánh Linh, Bích Ngân, Khúc Nga… Nội dung bài nào cũng lạc quan, lãng mạn, yêu đời như của một người đang yêu.

Anh bảo tên những người anh đề tặng đó là những "bạn vàng" từ khá lâu rồi và trong những ngày này, biết anh đang bệnh, mọi người thường luôn có thư, điện thăm hỏi, động viên anh. Khi trong Bệnh viện Bạch Mai, dù bác sĩ cấm Cát thức đêm nhưng một bệnh nhân nằm ngay giường bên cạnh nói với tôi là: "Đêm nào cũng thấy bác ấy hì hụi viết gì đó rất nhiều". Cát tâm sự: "Nếu không làm thơ được nữa thì có nghĩa anh không tồn tại". Hàng chục bài thơ mới được Hoàng Cát sáng tác ngay trên giường bệnh.

Gần đây thấy anh hay nói đến triết học. Anh mua nhiều sách và dành không ít thời gian để nghiền ngẫm. Anh nói, đi sâu vào triết học vỡ ra nhiều điều lắm. Nếu còn trẻ, hoặc nếu có kiếp sau thì anh sẽ không làm thơ mà đi vào nghiên cứu triết học.

Người lạ gặp, hẳn không ai nghĩ anh là bệnh nhân ung thư. Anh cười nói rổn rảng. Phòng anh luôn có hoa tươi. Biết anh thích hoa nên bạn bè đến chơi thường không quên mang tặng anh thêm món quà ấy. Nhận những bó hoa từ bạn, khuôn mặt anh như bừng sáng, rạng rỡ hẳn lên.

Tôi nhớ, cách đây hơn mười năm, trong một bài thơ in trên Báo Văn Nghệ, Hoàng Cát viết: "Sáu mươi hơn, sáu mươi kém cả rồi/ Mũi đã ngửi thấy mùi bùn đất/ Không sợ nữa. Ngọt êm như mật!/ Thì hãy hết lòng mà thương lấy nhau/ Biết buồn vui, đau khổ trước cuộc đời…".

Nhà thơ Hoàng Cát (trái) và tác giả bài viết.

Hoàng Cát đã nhiều lần chết hụt. Rùng rợn nhất là lần anh vào Sài Gòn cách nay cũng chừng non chục năm, rồi cùng Trần Hoài Dương, hai người hai xe máy rủ nhau phóng hàng trăm cây số xuống Tiền Giang thăm bạn bè. Đến Gò Công, Cát băng băng phóng lên trước. Anh quyết vượt chiếc xe tải lù lù đi như bò chắn đường. Vừa lúc anh rú ga lách lên thì bỗng đâu một chiếc ôtô khách ngược chiều lao tới. Trần Hoài Dương đi phía sau chỉ kịp thét gọi. Nhưng không kịp. Cát cố lao xe sang vệ đường tránh nhưng gặp ngay ổ gà. Tuy không bị xe đâm nhưng cả người và xe máy của Cát bị hất tung lên cao mấy mét rồi đổ đánh rầm một tiếng. Mọi người hốt hoảng lao tới. Cát mặt mày máu me, bất tỉnh. Ai cũng nghĩ Cát khó có thể sống nổi. Vậy mà chỉ hơn tháng sau Cát qua khỏi, dấu vết còn lại là mấy vết xước nơi mặt. May hôm ấy Trần Hoài Dương nhanh trí kịp gửi một nhà cạnh đường hai xe máy rồi bắt ngay xe ôtô đưa Cát về kịp Bệnh viện Sài Gòn. Tưởng sau tai nạn khủng khiếp đó, Hoàng Cát đã biết sợ, nhưng "chứng nào tật ấy". Ở Hà Nội, một lần sau khi đi nhậu say sưa cùng cánh bạn văn, tàn cuộc Cát dắt xe ra về. Mọi người khuyên nằm nghỉ nhưng Cát chủ quan, khăng khăng nói không sao. Qua hết chân cầu vượt trên đường Giải Phóng gần nhà thì anh không chủ động được tay lái, lăn ra giữa đường bất tỉnh. May mà đang buổi trưa, vắng xe qua lại và cũng may là có một bác lái taxi tốt bụng đi ngang đã chở ngay Cát vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.

 

Đã thôi đâu, anh còn thêm vài lần phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì những cơn đột quị do nhồi máu cơ tim, mười phần đã tưởng chết chín. Nhưng rồi Cát lại rời bệnh viện, phơi phới như không hề có sự gì xảy ra.

Hoàng Cát luôn thanh thản trước mọi việc lớn nhỏ xảy đến bởi lẽ, không phải ai cũng có một cuộc sống đáng tự hào như anh, sau khi đã làm đầy đủ nghĩa vụ với đất nước, trách nhiệm cùng gia đình, vợ con rồi các cháu trọn vẹn, được nhiều bạn bè gần gũi, yêu thương. Anh vào chiến trường trực tiếp tham gia chiến đấu từ năm 1965. Những năm ở vùng giáp ranh Trị Thiên vô cùng ác liệt, anh không chỉ đổ mồ hôi, sức lực mà còn vĩnh viễn để lại một bên chân của mình nơi chiến trường. Nhân nói về chiếc chân bị cưa cụt của anh, tôi chợt nhớ một bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu viết tặng Cát khi Cát rời Hà Nội vào Nam tham gia chiến đấu. Sau này đọc thấy kì lạ, như thể ở nhà thơ lớn kia có sự "tiên tri":

Em hỡi đường kia vướng những gì
Mà anh nghe nặng bước em đi
Em ơi anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu về.

Bài thơ có tên "Em đi" được nhà thơ Xuân Diệu ghi rõ: Viết lúc 23h30 đêm 11/7/1965, trước ngày Cát đi bộ đội vào chiến trường. Tác giả còn ghi thêm  "Tặng em Hoàng Cát thân yêu của anh".

Hoàng Cát có một gia đình tuyệt vời, một người vợ hiền, đẹp người, đẹp nết đã đồng cam cộng khổ, chia sẻ cùng anh những năm tháng cùng cực, khốn khó nhất, cùng gồng gánh, lo toan bươn chải bên anh để mưu sinh từng ngày, nhẫn chịu trước những bất thường mà đôi khi vẫn chợt đến trong anh và lo cho cô con gái duy nhất nên người. Sau này cô chính là niềm tự hào, là chỗ dựa duy nhất của vợ chồng anh, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hoàng Cát không chỉ có người vợ, người con tuyệt vời mà còn tốt ở cung bạn bè. Họ không chỉ luôn có mặt cùng anh, chia sẻ mọi buồn vui, thậm chí có người bỏ việc hàng ngày trời ra ngồi bên anh để trò chuyện lúc anh ngồi bán chè chén mưu sinh qua ngày mà còn tìm mọi cách giúp đỡ để anh có thêm thu nhập bằng ngọn bút. Ngược lại, Hoàng Cát cũng là một con người hết sức nghĩa tình, nhường nhịn, yêu thương bạn. Tôi còn nhớ ngày Trần Hoài Dương đột ngột qua đời ngày mùng 6 tháng 5 năm 2011, khi ấy trong những người làm văn chương cả nước thì anh là người biết tin đầu tiên. Ngay sau đó, tiếng  anh nức nở trong máy điện thoại gọi tới khắp bạn bè để thông báo. Ngày lễ tang Dương quá cận kề nên anh không vào Sài Gòn kịp, nhưng đến 49 ngày bạn, anh được vợ chồng cô con gái hiểu tình cảm, nguyện vọng của bố, đã dành dụm đưa tiền để bố vào thắp hương cho bạn. Biết tôi cũng thân thiết với Dương nên anh chủ động rủ cùng vào. Anh bảo: "Yên tâm đi, chi tiêu tằn tiện một chút là đủ thôi mà". Đáng ra số tiền cô con gái dành cho, thì một mình anh, anh có thể có một chuyến đi thật thoải mái nhưng vì thêm tôi nên phải san sẻ chịu đựng vất vả. Thay vì đi về máy bay nhanh chóng, giờ thì tàu hỏa ghế ngồi mấy chục tiếng đồng hồ. Có thể ngủ khách sạn những đêm ở Sài Gòn nhưng nay là nhà nghỉ bình dân. Anh vẫn rất vui vẻ. Tôi nhớ hôm trên tàu từ Hà Nội vào, mới đi thì thú vị, chuyện trò nhưng đến đêm thì hai thằng không còn ngồi được nữa. Cao tuổi cả rồi nên phải tìm cách duỗi lưng. Tôi đang loay hoay tìm cách thì Cát đã nhanh nhẹn mượn nhà tàu một manh chiếu nhỏ trải ngay xuống sàn rồi chủ động lăn ra nằm mà nhường tôi ngủ trên ghế. Biết tôi áy náy, anh bảo: "Đừng ngại, mình chỉ có một chân nên chiếm diện tích ít hơn". Nhìn anh co quắp dưới gầm bàn gầm ghế tàu hỏa ngủ một cách hồn nhiên, tôi không kìm được nước mắt.

Hoàng Cát nghèo, ai mà không biết. Hai vợ chồng già, vỏn vẹn tháng tháng chỉ có vài trăm ngàn đồng tiền nhà nước trợ cấp mất sức. Thi thoảng thêm ít tiền nhuận bút từ một vài bài thơ đăng báo, vậy nhưng anh rất rộng tính. Đối với bạn bè còn khó khăn hơn, anh giúp đỡ không chút toan tính hơn thiệt. Tôi được trực tiếp chứng kiến một việc nhỏ: Lần con gái anh đi nước ngoài về mua cho bố hai chiếc áo rét. Một người bạn nghèo đến thấy, có vẻ thích nhưng chỉ ướm ướm. Hoàng Cát biết ý nói vợ gói chiếc áo, lúc tiễn bạn về đưa tặng bạn. Để bạn khỏi áy náy, anh nói: "Mình có những hai chiếc, không mặc hết, bạn cứ lấy dùng giúp mình".

Hoàng Cát có bài thơ lấy tiêu đề là "Thanh thản", sau in thành tập anh cũng lấy tên ấy làm tựa sách: "Đời choa nhiều buồn, nhưng choa nỏ hại chi/ Mười hai tuổi choa đã cầm cầy cuốc/ Mười lăm tuổi choa chổng mông đi mót/ Mười tám tuổi choa hoàn toàn tự lập/ Gặp buổi chiến tranh - choa ra giữa chiến trường/ Choa chỉ hay buồn. Và choa chỉ hay thương/ Còn mọi thứ choa coi thường hết thẩy/ Trời có bao nhiêu sao - choa bấy nhiêu đau khổ /Nhưng tận đáy lòng choa bình thản như không…".

Không chỉ là những dòng thơ, đấy chính là cuộc đời anh, là tính cách anh, con người anh

Huy Thắng
.
.