Nhà thơ Hải Bằng: Nhẹ nhàng trút bỏ hư danh

Thứ Tư, 01/10/2008, 14:15
Tôi quen biết nhà thơ Hải Bằng (1930-1998) vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, lúc tôi bước đầu nhập vào làng văn nghệ Quảng Bình sau khi có một vài bài thơ được in trên sách, báo, tạp chí của tỉnh nhà.

Hồi này sơ tán, thành phố Đồng Hới bị hủy diệt hoàn toàn, các cơ quan của tỉnh đều lên đóng "đại bản doanh" ở Cộn, Trạng thuộc vùng núi đồi trung du cách Đồng Hới từ 10 đến 15km. Cộn,Trạng lúc đó còn hẻo lánh lắm, ba năm sau ngày máy bay Mỹ ngưng ném bom miền Bắc mà vùng đồi này vẫn lưa thưa một vài nhà dân.

Cơ quan Hội Văn nghệ Quảng Bình đóng ở thôn Phú Vinh, kéo theo là nhà cán bộ của Hội, của Ty Văn hóa. Báo Quảng Bình cũng ở luôn cùng. Đây là nơi tụ tập văn nhân tài tử của tỉnh Quảng Bình. Họ thường vượt bom đạn đến tao ngộ. Nhà anh Hải Bằng ở sau nhà anh Trần Nhật Thu, cán bộ biên tập của Hội Văn nghệ Quảng Bình lúc bấy giờ.

Căn nhà cấp bốn xập xệ của anh Thu rất đông khách. Anh Hải Bằng hay tới chơi cùng anh em ở các miền tụ về. Đó là một người mảnh mai nho nhã, da ngăm ngăm, khuôn mặt gọn, cân đối, vầng trán cao. Anh Hải Bằng nói chuyện hóm hỉnh có duyên, đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho mọi người. Cái này là sở trường của anh nhưng cũng là cái sở đoản hại anh khi anh châm chọc người nào đó có máu mặt…

Lần đầu gặp nhà thơ Hải Bằng, tôi không thể nào mường tượng được anh là dòng dõi con vua, cháu chúa. Trông anh chẳng khác gì một nông phu có tạng gầy gầy như nhiều người ở làng tôi. Thế mà Hải Bằng sinh ra và lớn lên trong cấm cung Đại Nội, kinh thành Huế. Anh thuộc trực hệ Minh Mạng, họ Nguyễn, tộc Vĩnh, danh là Tôn, thường gọi là Vĩnh Tôn. Trong bài thơ truyền đời mà Minh Mạng viết lại cho con cháu mình thì trực hệ của Vĩnh Tôn đứng ở câu thơ thứ nhất, vị trí thứ năm (tôi có thể nhớ không chính xác một vài chữ câu sau):

Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh.
Kế, Quốc, Định, Long, Tường,
Hiền, Năng, Kham, Thế, Thuật,
Kiến, Tạ, ức, Gia, Xương!

Vĩnh Tôn - Hải Bằng sinh năm 1930, anh em cùng nhánh, cùng chi với Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại). Bố từng làm đến tổng đốc. Năm 1945, khi Bảo Đại giao ấn kiếm cho chính quyền Cách mạng, Hải Bằng cùng một số anh chị em đang tuổi thiếu niên theo tiếng gọi Tổ quốc hăng hái lên đường nhập ngũ. Hải Bằng từ giã lầu son, gác tía vào Vệ quốc đoàn tham gia nhiều chiến dịch đánh trả quân thù.

Sau nhiều mùa chinh chiến, đơn vị của Hải Bằng lên đóng quân ở chiến khu Dương Hòa - Ba Lòng thuộc vùng Cùa - Cam Lộ ngày nay. Thời ấy bộ đội ta gian khổ lắm. Áo quần không đủ trang bị. Thiếu giày dép, có chiến sĩ phải đi chân đất. Đói cơm nhạt mắm là chuyện bình thường. Rồi sốt rét rừng, rồi bệnh tật. Bao nhiêu người không chịu nổi gian khổ phải qui thuận (về với địch).

Theo lời kể lại của nhạc sĩ Mặc Hy - lúc này đang là quân Vệ quốc đoàn phục vụ ở đội tuyên truyền văn nghệ cùng đóng ở chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng rằng: "Buổi đó máy bay của Bảo Đại bay ngang dọc chiến khu kêu gọi mọi người qui thuận. Bọn địch gọi đích danh tên Vĩnh Tôn mau mau trở về với vương triều. Kêu gọi mãi không thấy Vĩnh Tôn ra hàng, chúng hăm dọa sẽ đốt phá hết nhà cửa và hãm hại người thân ở Huế. Mặc, Hải Bằng vẫn cùng bộ đội chịu đựng gian khổ và tiếp tục tham gia các chiến dịch chống càn mà bọn giặc đánh lên chiến khu và sáng tác thơ ca, hò vè phục vụ Cách mạng".

Lúc này, Hải Bằng đã có bài thơ nổi tiếng "Gửi người nữ chiến binh". Bài thơ được các cấp lãnh đạo và nhân dân vùng chiến khu truyền tụng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Bằng sống bằng nghề câu mực. Rồi anh được vào làm việc nhà nước, lương không nhiều nhưng cũng không đến nỗi đói. Rồi anh lập gia đình, vợ anh là chị Chiến, từng là nữ sinh có tiếng của trường cấp 3 thị xã Đồng Hới, một người rất yêu văn chương và hiểu anh. Sau này, khi thống nhất đất nước, ba tỉnh Quảng Bình, QuảngTrị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, Hải Bằng sung sướng đưa thê nhi về "vinh qui, bái tổ".

Vào thập kỷ tám mươi, gia đình Hải Bằng lặp lại cảnh gieo neo. Tính Hải Bằng khẳng khái nên không màng tới chỗ gia tộc. Lắm anh em con cháu ở lại trong Nam giàu có thật sự nhưng anh không thèm xin một xu, anh đi xin bạn bè, đồng nghiệp.

Tôi nhớ là vào khoảng năm 1981 lúc tôi  được chuyển vào công tác tại báo Dân (báo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên) được một năm; một lần tôi theo anh lên tận trên làng Kim Long, nơi có nhà bác sĩ Khôi, Trưởng phòng Tổ chức bệnh viện Trung ương Huế. Nói chuyện tào lao một lúc, khi chia tay, bác sĩ Khôi đưa một bọc gói trong vuông vải cho Hải Bằng cầm về. Hồi ấy chưa có tục "phong bì" như bây giờ. Chưa biết cái gì ở trong nhưng Hải Bằng mừng lắm. Tôi hỏi nhỏ:

- Bác sĩ Khôi cho gì mà anh mừng thế?

Hải Bằng nheo mắt cười:

- Chẳng có chi mô, mấy cái áo, quần cũ. Nhưng đối với tau thì quí như vàng. Con tau rách như tổ đỉa, mi thấy đó. Còn tau và mụ Chiến phải mặc đổi nhau!

Rồi anh lại ghé sát người tôi nói nhỏ: "Nhưng quan trọng nhất là làm quen được bác sĩ tổ chức để sau này có đau ốm mình vào bệnh viện cũng dễ".

Lúc ấy tôi thầm cười nhưng không biết rằng anh Hải Bằng đã bị bệnh ung thư. Ra gần đến cầu Bạch Hổ chuẩn bị chia tay thì anh Hải Bằng dừng lại lấy một cái áo cũ của ông Khôi cho, bảo tôi:

- Mi lấy một cái mà dùng!

Tôi gạt ngay:

- Anh con đông, em chỉ có thằng nhóc mới hai, ba tuổi đã thiếu áo quần đâu. Đem về cho chúng nó mặc.

Hải Bằng im lặng, cảm động và tôi cũng thật cảm kích tấm lòng chia ngọt sẻ bùi của anh.

Nghe tin Hải Bằng gặp khó khăn, anh em họ tộc của Hải Bằng rất đau lòng. Vĩnh Hiền - anh ruột của Hải Bằng đang ở Sài Gòn bảo Hải Bằng đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống để tiện bề giúp đỡ và khi nào đi Mỹ thì cùng đi luôn một thể. Anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên thời ấy cũng đói dài như Hải Bằng, có người còn đứt bữa nữa. Mọi người đành phải chia buồn khi Hải Bằng vào Sài Gòn nhưng cũng mừng cho anh vượt qua cơn bĩ cực.

Vài tháng sau, tôi đã thấy Hải Bằng đem gia quyến trở lại Huế. Tôi đùa anh:

- Không phải qua Mỹ rồi à!

- Qua con khỉ - Hải Bằng cười mỉa mai - Bọn mi tưởng có tiền là dụ "mệ" đi được sao! Anh em ruột mà có tiền hơn mình, họ vẫn khinh mình.

Sau đó anh mới kể chuyện anh và Vĩnh Hiền cãi nhau to. Con cái Vĩnh Hiền dè bỉu Hải Bằng. Vĩnh Hiền chê anh: "Chú hèn kém làm mất uy danh gia tộc!".

Hải Bằng chỉ vào mặt Vĩnh Hiền:

- Ông theo Mỹ ngụy, ông có tên tuổi chi mô. Tui là nhà thơ Hải Bằng tức là Vĩnh Tôn - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - Giải thưởng thơ báo Văn nghệ.

Vĩnh Hiền khinh khỉnh:

- Đem mấy thứ ấy nấu cháo cho con mi ăn!

Hải Bằng đau xót tận tim, lắc đầu nói với tôi:

-Tau ẻ vào cái giàu sang của bọn chúng!

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, một người trói gà không nổi như Hải Bằng mà gia đình gồm bảy miệng ăn, tồn tại qua hai cuộc kháng chiến thì thật là "thánh thần". Người chèo chống đưa gia đình anh cập bến an toàn không ai khác là chị Chiến - vợ anh - người mê thơ anh thuở nọ. Chị bỏ văn chương, tảo tần nuôi chồng, nuôi con, một gương sáng gia đình. Hai vợ chồng tuy khổ hạnh thế nhưng cũng để lại một vài giai thoại văn chương.

Chị Chiến là người am hiểu thơ phú, có khả năng thẩm thơ, nhưng chị không khen thơ chồng trước mặt. Bao giờ chị cũng chê thơ Hải Bằng. Việc đó làm Hải Bằng rất cú. Lần nào Hải Bằng xuất bản miệng cho vợ nghe cũng đều bị chị Chiến dè bỉu!

Hồi ở Huế, tôi hay sang nhà anh ở đường Nguyễn Chí Diểu, khu tập thể Phát hành sách Bình Trị Thiên chơi. Một lần tôi chưa kịp bước vào nhà, anh đã cười rung cả tóc:

- Mi ơi! Tau vừa lừa mụ Chiến một mẻ hay lắm!

- Lừa gì vậy, lại "nhằm thẳng quân thù mà bắn" sao? - Chị Chiến có lần giận anh Hải Bằng đã ném dưa, cà vào người anh, vừa ném, vừa hô: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Khi gặp anh Hải Bằng mọi người hay giễu anh câu này.

- Lần đầu tiên mụ Chiến khen thơ tau hay! - Anh Hải Bằng sung sướng nói.

- Chuyện ra sao?- Tôi tiếp.

Hải Bằng kể: "Hôm qua tau vừa mần xong bài thơ, tau bảo: Mẹ Chiến, có thơ eng Quán (Phùng Quán) gửi vào đây nè. Tui đọc cho nghe hí!".

Mụ bảo: "Đọc đi".

Tau đọc xong mụ khen lấy khen để:

- Thơ như rứa mới là thơ, thơ của anh chỉ nước mắm chắm dùi cui!

Tau cười ngặt ngẽo:

- Thơ của miềng chớ của eng Quán mô!

Mụ Chiến bỏ việc bước lại chỉ vào mặt tau:

- Thơ anh, rứa thì không hay!

Hải Bằng viết khá nhiều thơ, trên 15 tập thơ đã được xuất bản. Ngoài ra anh còn là họa sĩ tạo hình, làm rễ cây. Thơ anh có những bài khắc sâu vào tâm khảm người đọc:

Nếu em hỏi vì sao anh yêu biển.
Anh trả lời: Nơi ấy mặt trời lên!     

Nếu mẹ hỏi vì sao con yêu biển.
Con trả lời: Nơi mẹ sinh con!           

Nếu biển hỏi vì sao tôi yêu biển.
Tôi xin đưa tặng biển những con thuyền!

Anh em trong họ tộc của Hải Bằng cho rằng: Hải Bằng đi theo Cách mạng được ít, mất nhiều. Thật ra, Hải Bằng được rất lớn mà có núi vàng cũng không mua nổi: Anh là nhà thơ được nhân dân ghi nhớ. Qua thơ, anh đã thể hiện được tấm lòng trung trinh của mình với đất nước!

Đỗ Hoàng
.
.