Nhà thơ Dương Thuấn: Nhà văn phải trở thành sứ giả văn hoá của dân tộc mình

Thứ Ba, 10/08/2010, 10:58
Tại sao độc giả người dân tộc thiểu số rất ít  được thưởng thức tác phẩm văn học bằng tiếng mẹ đẻ của mình? Đó là điều mà tôi luôn luôn trăn trở! Hiện tại tôi đang in 3 tập thơ với hàng trăm bài thơ sáng tác bằng tiếng Tày, tôi cũng mong các tác giả dân tộc thiểu số khác cũng sẽ làm như vậy. Phải sáng tác bằng tiếng dân tộc của mình thì độc giả dân tộc mới có cơ hội được thưởng thức văn học bằng tiếng mình.

Là nhà thơ người Tày, sinh ra và lớn lên ở Bắc Kạn, Dương Thuấn luôn đau đáu về quê hương. Anh mong sao mỗi nhà văn người dân tộc thiểu số hãy là một sứ giả của nền văn hóa dân tộc mình. Và mong ước cháy bỏng hơn nữa là một ngày nào đó, bà con các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước ta được thưởng thức tác phẩm văn học bằng chính thứ tiếng của dân tộc mình. Trò chuyện với anh trong cương vị Phó ban Văn học dân tộc và miền núi (Hội Nhà văn Việt Nam), chúng tôi hiểu thêm về một mảng màu quan trọng không thể tách rời trong bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam.

- Thưa nhà thơ Dương Thuấn, anh đánh giá thế nào về vai trò của các nhà văn dân tộc thiểu số đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình?

+ Một dân tộc có nền văn hóa phát triển thì phải có những đại diện văn hóa. Chính những đại diện văn hóa đó đã làm nên diện mạo lịch sử văn hóa các dân tộc. Họ có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phát triển các giá trị của dân tộc. Tôi còn nhớ câu nói của nhà thơ Tagor của Ấn Độ, đại ý là mỗi nhà văn khi đến với thế giới phải mang theo bản sắc của dân tộc mình, góp phần làm cho văn hóa nhân loại phong phú hơn. Những tác giả dân tộc thiểu số được dư luận chú ý trong những năm gần đây là những tác giả biết khai thác nguồn mạch văn hóa dân tộc mình.

- Nhìn vào đời sống văn học, ta có thể thấy đội ngũ những người viết văn dân tộc thiểu số vẫn chưa tương xứng với nền văn hóa phong phú đa dạng của 54 dân tộc anh em trên khắp dải đất Việt Nam ta. Theo anh, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

+  Đúng là đội ngũ nhà văn các dân tộc thiểu số hiện nay còn rất khiêm tốn. Một số dân tộc chưa có nhà văn của dân tộc mình. Nguyên nhân thì có thể do một số dân tộc chưa có chữ viết, cũng chưa có văn học thành văn, chưa có độc giả... Nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là do trình độ phát triển thấp kém, lạc hậu, kinh tế còn nghèo nàn. Một dân tộc phải có chữ viết, có đời sống tương đối ổn định thì mới có thể có văn học. Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay cũng chưa có kế hoạch để đào tạo đội ngũ nhà văn trẻ dân tộc thiểu số. Các nhà văn dân tộc thiểu số hiện chỉ tập trung vào một số dân tộc, nhiều nhất là dân tộc Tày chiếm gần một phần ba.

- Phần lớn những người viết văn dân tộc thiểu số, khi đã thành danh thì trở về sống ở đô thị, không còn gắn bó với mảnh đất mình sinh ra nữa. Từ câu chuyện của chính mình, anh có thể cho biết, để tiếp tục viết hay về vùng đất quê hương mình, nhà văn cần phải có những "cuộc trở về" như thế nào?

+ Một số nhà văn thành danh hoặc có chức tước rồi thì về Hà Nội để sống ở nơi đô thị phồn hoa. Còn tôi về Hà Nội là để học Trường Viết văn Nguyễn Du, học để làm nhà văn và tôi đã thành công. Tôi sống ở Hà Nội đã hơn hai mươi năm. Chính văn hóa của Hà Nội và văn hóa thế giới đã nhập vào tôi, khiến tôi phải đi tìm những gì là bản sắc nhất của dân tộc mình. Tôi có một vùng quê rất đẹp và nên thơ, nơi tôi  sinh ra và lớn lên, là hồ Ba Bể. Ở đó còn có dãy núi Phja Bjoóc (tiếng Tày là Núi Hoa) có hoa nở và ong bay kéo mật bốn mùa.

Tuy ở Hà Nội nhưng tôi thường xuyên về quê, năm ít cũng vài lần, có năm không biết bao nhiêu lần. Tôi thích thú mỗi khi về lại được nhìn thấy ngôi nhà sàn ngày nhỏ của mình giữa không gian bao la của núi non trùng điệp. Chưa bao giờ tôi thấy mình bị xa cách với những sinh hoạt văn hóa của cái bản Hon yêu dấu và của người Tày quê tôi. Ở bản có đám cưới, lễ đầy tháng, lễ mừng nhà mới, hội hè... thì mọi người đều gọi điện thoại mời tôi về. Hoặc nếu bản có người bị ốm nặng hoặc có ai mất, họ cũng đều báo cho tôi biết. Vì vậy những sáng tác của tôi luôn gắn với cái bản nhỏ của mình và luôn gắn với đời sống hàng ngày của dân tộc.

- Một cách thẳng thắn, anh nhận định hạn chế lớn nhất của các nhà văn dân tộc thiểu số hiện nay là gì?

+ Nhược điểm lớn nhất của văn học dân tộc thiểu số hiện nay là còn ít tác phẩm có tầm tư tưởng lớn và giá trị nghệ thuật cao. Tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc còn ít hơn nữa. Đa số đều viết na ná như nhau, sơ lược, đơn giản; cũng viết về núi non, nhà sàn, tung còn, phi ngựa... nhưng không phải dân tộc. Tác phẩm hay phải là tác phẩm đào sâu đến tận cùng chính mình và tận cùng dân tộc mình. Một số tác giả đã bị Kinh hóa trong ngôn ngữ và trong cả tư duy, nên tác phẩm  thiếu bản sắc, chẳng đem lại điều gì cho cả người Kinh và người dân tộc mình. Hạn chế nữa là các tác giả ít sáng tác bằng tiếng dân tộc, người viết chưa thực sự am hiểu và tinh thông về nghề...

Theo tôi, muốn trở thành nhà văn thì phải sáng tạo không ngừng. Nhà văn phải đồng thời là nhà văn hóa, tác phẩm sáng tác ra phải nói lên tâm tư, ước nguyện của cả dân tộc. Có như thế anh mới là người đại diện, là sứ giả văn hóa của dân tộc mình.

- Trong quá khứ, chúng ta có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi là người dân tộc thiểu số. Tác phẩm của họ có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ những người viết văn trẻ dân tộc thiểu số hôm nay, anh cảm thấy họ có thể tiếp nối truyền thống ấy một cách tự tin hay không?

+ Chắc chắn bạn đọc cả nước hôm nay cũng đã thấy rõ rằng sáng tác của các nhà văn trẻ dân tộc thiểu số không giống như thế hệ trước. Họ đem đến sức sống cho văn học truyền thống và văn học hôm nay sự tươi mới, trẻ trung. Họ hoàn toàn tự tin vào thế hệ của mình. Trong tương lai họ sẽ có những tác phẩm xứng đáng hơn. 

- Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mọi khoảng cách về địa lý cũng như được xóa nhòa đi. Trong xu hướng ấy, theo anh, các tác giả trẻ dân tộc thiểu số cần phải chuẩn bị cho mình những hành trang gì để có thể sẵn sàng hòa nhập với thế giới mà vẫn có thể viết hay về dân tộc mình?

+ Internet đã làm thay đổi thế giới. Vùng dân tộc thiểu số không nằm ngoài sự thay đổi đó. Các nhà văn trẻ dân tộc thiểu số phải không ngừng tự nâng cao trình độ khoa học công nghệ thông tin. Nhưng quan trọng hơn là ngoài biết tiếng dân tộc của mình và tiếng Kinh thì còn phải biết thêm ngoại ngữ nữa. Phải như vậy mới có thể nhanh chóng đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc trong nước và thế giới. Cả thế giới rộng lớn bao la nhờ có Internet mà nó đã trở nên nhỏ bé giống như một cái bản nhỏ. Muốn để khi bước vào cái bản đó mà vẫn khẳng định được mình thì phải biết phát huy những giá trị đặc sắc nhất của văn hóa dân tộc. Bởi vì khi vào cái "bản toàn cầu" sẽ thấy ở đó muôn vàn vẻ đẹp của nhiều dân tộc khác. Ở đó bản lĩnh văn hóa và bản lĩnh của nhà văn sẽ được khẳng định.

- Trên thực tế các nhà văn dân tộc thiểu số chủ yếu sáng tác bằng tiếng Kinh, và độc giả người dân tộc thiểu số ít có cơ hội được tiếp cận tác phẩm văn học viết về dân tộc mình bằng tiếng mẹ đẻ...

+ Tại sao độc giả người dân tộc thiểu số rất ít  được thưởng thức tác phẩm văn học bằng tiếng mẹ đẻ của mình? Đó là điều mà tôi luôn luôn trăn trở! Hiện tại tôi đang in 3 tập thơ với hàng trăm bài thơ sáng tác bằng tiếng Tày, tôi cũng mong các tác giả dân tộc thiểu số khác cũng sẽ làm như vậy. Phải sáng tác bằng tiếng dân tộc của mình thì độc giả dân tộc mới có cơ hội được thưởng thức văn học bằng tiếng mình.

- Theo anh, với vai trò hoạt động của mình, Hội Nhà văn đã thực sự quan tâm đến văn học dân tộc thiểu số hay chưa?

+ Nhiều năm tôi tham gia Hội đồng Văn học dân tộc, Ban Văn học dân tộc... Tôi thấy văn học dân tộc thiểu số khi được quan tâm thì sẽ phát triển cả về đội ngũ tác giả và tác phẩm. Nhưng Ban Văn học dân tộc chỉ dừng ở việc đọc xét giải thưởng hàng năm và xét giới thiệu kết nạp hội viên. Nếu có kinh phí được Hội đầu tư thì chắc chắn văn học dân tộc thiểu số sẽ có thêm điều kiện để phát triển. Tôi cho rằng, tới đây Hội Nhà văn cần có chính sách và chiến lược cụ thể về xây dựng nền văn học đa sắc tộc của cả nước, trong đó có văn học dân tộc thiểu số.

- Xin cảm ơn nhà thơ Dương Thuấn

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.