Nhà thơ Bế Kiến Quốc: "Những nỗi đau nơi cuối rễ đầu cành"
Tôi đọc thơ trước khi gặp anh. Chùm thơ của Bế Kiến Quốc được giải thưởng Báo Văn nghệ khi anh đang là sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Trong chùm thơ ấy, tôi thích nhất bài "Những dòng sông". Bài thơ nói về những con người Việt Nam anh hùng đều gắn bó với một dòng sông:
Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông
Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông
Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín khúc đầu rồng
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh
Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh
Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông
Bài thơ của Quốc khiến tôi thích vì âm điệu mênh mang, cấu tứ chặt chẽ và cách diễn đạt dung dị. Đến năm 1970 tôi về dạy ở trường cấp ba Quốc Oai, Quốc làm ở Ty Văn hóa Hà Tây. Có những buổi chiều thứ bảy, trên đường đạp xe từ Quốc Oai về Hà Nội, nhìn phía trước thấy một thanh niên mặc áo carô, tóc quăn đạp cái xe Phượng Hoàng, phía sau xe là một… bó rau cải. Quốc vừa làm việc vừa tự lo cơm nước cho mình. Tôi đạp xe dấn lên, hai đứa vừa đi vừa nói chuyện. Năm 1973, tôi đi vào chiến trường miền Nam, Quốc về Báo Văn nghệ. Bẵng đi mười năm, tôi lại gặp vợ chồng Quốc tại nhà Lê Thanh Xuân. Cùng đi với vợ chồng Quốc có Vũ Đình Minh, Võ Văn Trực và Trần Quốc Toàn. Ở Biên Hòa, chúng tôi đưa Quốc đi chơi, thăm một số bạn bè, trong đó có Bích Vân, Giám đốc Đài Phát thanh Đồng Nai, thăm chị Xuân, Trưởng rạp Khánh Hưng cùng làm việc với Quốc ở Ty Văn hóa Hà Tây. Những ngày ở Biên Hòa có một "sự cố". Đỗ Bạch Mai - vợ Quốc có thai mà không biết. Quần áo mặc thường ngày trở nên chật chội. Mai và Quốc sang nhà tôi. Vợ tôi "hỗ trợ" cho một ít quần áo rộng. Lê Thanh Xuân nói đùa:
- Nhà đã có Mai, Cuốc, Xẻng (cháu đầu của vợ chồng Mai - Quốc thường gọi đùa là Xẻng), nay sinh đứa này đặt tên là Leng cho tiện.
Chúng tôi bật cười vì cái "bộ tứ dụng cụ lao động" ấy.
Sau đó Mai và Quốc ra Hà Nội. Năm 1985, tôi ra Hà Nội có đến thăm Quốc ở Báo Văn Nghệ, 17 Trần Quốc Toản. Tôi hỏi phòng ở của Quốc và nhìn thấy Quốc đang nằm ngủ trong một căn phòng chỉ chừng 9 m2. Trông thấy tôi, Mai gọi:
- Anh Quốc ơi, có khách.
Chỗ ở của Quốc - Mai chật chội, không có bàn ghế, tôi đành ngồi vào giường. Quốc nói:
- Mời Tú ngày chủ nhật đến ăn cơm với vợ chồng tôi. Làm món bún chả Hà Nội, có rượu mơ…
Tôi ngạc nhiên vì hôm đó là ngày thứ tư, sao Quốc lại không mời vào chiều thứ tư hay trưa thứ năm. Sau đó tôi mới nghĩ ra: Chỉ có ngày chủ nhật cơ quan nghỉ Quốc mới có điều kiện mời cơm khách. Phòng ở của Quốc như thế làm sao mà mời vào ngày thường được. Nhưng do bận vào Nam, tôi không đến ăn cơm với vợ chồng Quốc, tôi cảm thấy ái ngại cho chỗ ở của họ. Về sau tôi được biết, nhờ nỗ lực lao động, vợ chồng anh đã có nhà mới.
Năm 2002, trường tôi dạy - Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai có mời một đoàn nhà thơ nữ đến giao lưu, trong danh sách có tên Đỗ Bạch Mai. Tôi gọi điện cho Lê Thanh Xuân báo tin vợ Quốc vào. Hôm giao lưu lại không thấy Mai, tôi hỏi thì nghe Đoàn Thị Lam Luyến nói Mai phải bay ra vì Quốc bị ngất xỉu. Bây giờ đọc bài thơ "Nhớ mẹ" của Quốc, tôi đã biết Quốc bị ám ảnh về căn bệnh tim của anh:
Buồn hay vui, con cũng đã quay về
Đi lẫn vào dòng sông người vừa tan tầm máy dệt
Những hạt bông trên áo quần, trên tóc
Ai thì không nhận ra, con thì con nhận ra
…Và căn bệnh đầu tiên mà con biết từ mẹ: bệnh tim
Vì thế, khi thấy con làm thơ mẹ buồn nhưng chẳng nói
Giữa nghề dệt ngôn từ với nghề dệt vải
Mẹ biết, chọn nghề gì con cũng gặp gian nanGiờ thì muộn rồi. Ca sáng vừa tan
Những người thợ ra về - những hạt bông trên áo quần trên tóc
Bốn mươi năm … ngỡ có gì đâu khác?
Chỉ mẹ đã không còn. Và con lại bệnh tim.
Quốc đã không vượt được cái tuổi 53 đầy định mệnh. Anh là một nhà thơ thông minh, nhiều kinh nghiệm, một biên tập viên uy tín của Báo Văn nghệ. Ngoài nghề thơ, anh còn có duyên với văn xuôi. Anh đã từng làm trong Ban sơ khảo Hội đồng văn xuôi, người góp phần không nhỏ trong việc phát hiện ra Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc. Với uy tín và năng lực của mình, anh được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, nhưng chỉ một thời gian ngắn bệnh tật đã bắt anh phải rời khỏi thơ ca và cuộc đời. Thơ ca và cuộc đời là hai niềm yêu thương gắn bó thiết tha nhất của anh. Để có cuộc đời tốt đẹp và có những bài thơ hay thì phải trải qua những nỗi đau, những gian lao nhọc nhằn. Một trong những bài thơ cuối đời của anh mang ý nghĩa triết lý như vậy. Bài thơ sâu sắc, khắc khoải những suy tưởng về cuộc đời, số phận, thơ ca khác hẳn những bài thơ hồn nhiên trong sáng thời sinh viên. Điều đó chứng tỏ anh đang ở độ chín của một tài năng. Bài thơ có đoạn:
Ai đang ngồi hát trước mùa xuân
Cuộc đời như thể tự nhiên xanh
Chỉ có đất yêu cây thì đất biết
Những nỗi đau nơi cuối rễ đầu cành
Vâng, cuộc đời không thể tự nhiên xanh nếu không có "những nỗi đau nơi cuối rễ đầu cành".
Đọc thơ anh nhớ tiếc vô cùng một tài năng văn học có số phận ngắn ngủi