Nhà thơ Bằng Việt: Tin vào hạnh phúc

Thứ Tư, 13/06/2012, 08:00

Nói một cách chính xác thì nhà thơ Bằng Việt đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm". Nhưng nhìn tác phong nhanh nhẹn của ông thật khó đoán ông bao nhiêu tuổi. Không quá ồn ào sôi nổi chốn đông người, song Bằng Việt vẫn còn dư sức khỏe và năng lượng để ngồi nhậu với bạn bè từ trưa sang chiều, lan man đủ thứ chuyện đông tây kim cổ. Ông bảo, sướng nhất là đời có nhiều bạn và ngày nào cũng được ngồi "con cà con kê" với bạn...

Nhiều bạn thì đúng là sướng thật. Nhưng Bằng Việt còn sướng hơn ở chỗ ông không bao giờ bị vợ gọi về nửa chừng cuộc nhậu với bạn để chăm con. Ông bố bà mẹ nào nuôi con thơ chả bận bịu. Nghe nói vậy Bằng Việt cười rất tươi. Giọng ông pha chút tự hào: "Đúng là Phượng nhà tôi rất tâm lý. Nhiều người có vợ trẻ thường phàn nàn là hay bị vợ kiểm soát, ngồi đâu cũng bị vợ gọi. Nhưng vợ tôi thì không vậy. Cô ấy không bao giờ kiểm tra điện thoại, tin nhắn hay lục túi, lục ví của chồng. Việc tôi giao dịch với ai và ngồi với bạn hàng ngày, cô ấy đủ thông minh để hiểu rằng đó là một nhu cầu của ông chồng làm văn chương nghệ thuật và không bao giờ phàn nàn, kêu ca. Có lần thấy tôi đưa vợ đi dự đám cưới, nhà thơ Hữu Thỉnh bảo: "Ông giỏi thật đấy, có hai con nhỏ mà vẫn đủ thời gian bia rượu dài dài. Nên rủ bà ấy đi chơi nhiều hơn và ghi công cho bà ấy". Ngẫm ra thấy đúng thật, tôi vẫn thầm biết ơn vợ đã "lỏng tay" và thông cảm với mình".

Bà xã của nhà thơ Bằng Việt thua ông tới ba chục tuổi. Đó là người phụ nữ có gương mặt thanh thoát và cá tính mà ông cảm tình ngay từ lần gặp đầu tiên. Năm ngoái, Bằng Việt thêm một lần được làm bố. Vợ ông sinh con trai thứ hai. "Kể ra đã ở tuổi lên… ông, có đầy đủ cháu nội cháu ngoại rồi, lại có thêm một cậu con trai nữa cũng là điều thú vị bất ngờ đối với tôi" - ông chia sẻ.

Nói về con, Bằng Việt khoe một tập ảnh gia đình ông lưu trên máy điện thoại. Hỏi ông, ở tuổi này mà vẫn phải à ơi ru con, bận bịu áo quần, sữa bột cho con nhỏ có ngại không, ông bảo ai mà chả ngại. Nhưng được cái vợ ông là người đảm đang tháo vát, biết lo liệu việc nhà, không đùn đẩy việc cho ông. "Cô ấy không đặt vấn đề tôi phải ở nhà chăm con. Cô ấy bảo ai giỏi và quen việc gì thì làm việc nấy, không câu nệ. Vả lại, tôi nghiệm ra rằng, trẻ con tuy cũng có lúc làm phiền mình, làm mình căng thẳng, nhưng niềm vui và sự nhẹ nhõm chúng mang đến cho mình còn cao hơn và rộng hơn nhiều. Đi đâu về nghe tiếng trẻ nhỏ bi bô trong nhà, lòng tôi vô tư và thấy đời ý nghĩa hơn, thực chất hơn. Có trẻ con, mình cũng phải lựa để dạy dỗ và ứng xử theo tâm lý của chúng, thành ra mình cũng trẻ lại".

Nhà thơ Bằng Việt cùng vợ và các con trai, gái, dâu, rể.

Hơn 10 năm trước, Bằng Việt quyết định tái hôn, sau khi người vợ đầu của ông mất được 8 năm. Đó là một quyết định mà nhiều bạn bè của ông không tán thưởng, đồng tình. Rất nhiều người lo lắng, hồi hộp theo dõi cuộc hôn nhân này. Có người còn tiên đoán nó sẽ không thể lâu bền, vì cô dâu còn rất trẻ, lại chưa kết hôn lần nào. Thậm chí có người bạn còn can ngăn Bằng Việt, bảo ông dại gì lại "đâm đầu" vào một cái mớ bòng bong hôn nhân và gia đình ấy nữa! Đường con cái, ông có đủ cả trai lẫn gái rồi. Ông thích yêu ai thì cứ "vui vẻ" thôi, chứ kết hôn lại phải lo thêm bao nhiêu chuyện thì mệt mỏi lắm. Nhưng Bằng Việt muốn có một cuộc sống gia đình cân bằng, ổn định. Ông tin vào hạnh phúc, tin vào tình yêu của người phụ nữ trẻ tên Phượng tự nguyện gắn bó với ông. Thấm thoắt họ đã sống cùng nhau hơn 10 năm. Mười năm ấy, cuộc sống thật sự êm đềm, chưa một lần họ to tiếng. Người vợ trẻ hết lòng chăm lo cho gia đình, giữ cho tổ ấm luôn chan hòa tình yêu thương và tiếng cười.

Con trai đầu của Bằng Việt với người vợ thứ hai nay cũng đã 9 tuổi. Ông kể: "Khi vợ nói muốn sinh thêm con thứ hai nữa, tôi cũng nghĩ ngợi nhiều lắm. Mình tuổi cao rồi, theo quy luật cuộc đời, mình "ra đi" trước là lẽ đương nhiên, vậy là phải để hai mẹ con cô ấy lóc cóc trên đời, nghĩ cũng tội nghiệp. Nhưng con cái là lộc của trời, là phúc phận của mỗi người, biết thế nào mà tính. Lúc vợ mang thai đứa con thứ hai, tôi cũng lo lo, sợ mình nhiều tuổi không biết con sinh ra có được bình thường khỏe mạnh không. Nhưng trộm vía, đứa con sau lại rất bụ bẫm, láu lỉnh và hiếu động".

Ở tuổi 70, làm cha của hai cậu con trai còn rất nhỏ, liệu Bằng Việt có chịu áp lực phải kiếm nhiều tiền lo cho tương lai của con, phòng sau này mình không thể ở bên con đến lúc chúng trưởng thành? Bằng Việt bảo ông hy vọng mình sẽ đủ sự minh mẫn và sức khỏe để nuôi nấng con đến ngày chúng khôn lớn. Còn nếu không thì hai vợ chồng cũng đã bình tĩnh thỏa thuận phân công và tiên liệu với nhau trước về mọi chuyện, khi dám quyết định sinh thêm đứa con sau rồi.

Hỏi Bằng Việt, ông có tự thấy mình là người thành đạt không, Bằng Việt trầm ngâm suy nghĩ. Ông chia sẻ: "Tôi cũng không xem mình là người thành đạt lắm. Vì ngẫm ra mình có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa ở đời. Thành đạt theo quan niệm của riêng tôi, đầu tiên là mình làm được việc mà mình tâm đắc, thích thú nhất, và được ghi nhận. Tiếp theo là mình không để phí thời gian vô ích. Tôi tự thấy mình là người biết "tiêu dùng" thời gian hợp lý. Một điều nữa là sống sao để tạo ra các mối quan hệ ứng xử của mình với mọi người xung quanh cho thanh thoát, nhẹ nhõm, không phải cay cú hay tranh giành, đấu đá. Ngoài ra phải tạo ra được một hậu phương yên ổn, vững chắc làm bệ phóng cho mình. Đó chính là gia đình, con cái. Tôi có mất mát lớn là người vợ đầu mất sớm. Nhưng bù lại cuộc đời đã cho tôi một tổ ấm bình yên sau này, đủ để hóa giải hết mọi nỗi lo toan, mệt mỏi, thậm chí mọi nỗi thất vọng, thua thiệt khác ở đời".

Chiếu theo những tiêu chí ấy thì Bằng Việt đúng là người đàn ông thành đạt. Có thể nói không hề quá, là Bằng Việt là nhà thơ "được" rất nhiều bề. Ông làm thơ, dịch thơ đều có thành tựu. Con đường quan lộ của ông cũng "xuôi chèo mát mái". Và trong đời riêng, ông cũng đủ sáng suốt để nắm lấy cơ hội tạo dựng được hạnh phúc. Đời người, được thế cũng đã là nhiều rồi. Với tư duy của một người học Luật, ông dường như luôn có một sự nhạy cảm đặc biệt để lựa chọn lối đi trong mỗi bước ngoặt, từng phân khúc của công việc và cuộc đời. Bằng Việt cười, xác nhận ý kiến này. "Hình như trong con người tôi luôn có một tiên cảm nào đó. Thời điểm nào cần phải quyết định ra sao, và phải chuẩn bị gì, tôi hầu như đều mường tượng rõ ràng trong đầu. Chẳng hạn khi tôi đang làm ở Hội Văn nghệ Hà Nội, có ý kiến chuyển tôi sang Hội đồng nhân dân thành phố. Nhiều người ngăn tôi là không nên đi, vì mình là dân văn nghệ, sang đó thì còn thơ phú gì nữa. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, lâu nay mình làm văn nghệ thuần túy, sang vị trí mới, với các va chạm liên quan đến ngành Luật của mình, mình sẽ có thêm thực tế và cái nhìn sắc bén hơn về đời sống thực tiễn. Quả nhiên, điều đó đã được chứng thực và 10 năm sau quay lại làm văn học nghệ thuật, tôi thấy mình năng động, từng trải, giàu sáng kiến hơn".

Một nguyên tắc nữa của Bằng Việt là "công khai và dân chủ hóa" mọi việc trong gia đình. Khi quyết định tái hôn, ông thẳng thắn mang vấn đề của mình ra bàn bạc với các con. Nhờ sự thẳng thắn của ông, cùng với sự cảm thông, hiểu biết của các con mà câu chuyện đã được các thành viên trong gia đình "thông qua" một cách ổn thỏa. Các con ông rất vui vẻ chào đón người vợ mới của bố. Vợ ông thậm chí còn trở thành một người bạn cùng lứa tuổi rất thân thiết của con gái ông. Bằng Việt đùa, gia đình ông là một tập thể toàn người trẻ tuổi, dễ gần nhau, duy chỉ mỗi ông là già, phải cố mà trẻ lại!

Chủ động, dấn thân, dám thay đổi để lựa chọn hạnh phúc cho mình, nhà thơ Bằng Việt trước đó đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người cha với các con. Ông bán nhà, chia cho con gái lớn 1/3 số tiền để con mua nhà, lấy chồng ở riêng, 1/3 số tiền còn lại ông dành dụm để lo cho người con trai đi du học nước ngoài, theo nguyện vọng của người vợ đầu trước khi mất. Còn lại 1/3, ông mua một căn nhà nhỏ cho mình.

Bằng Việt kết luận, trong đời ông có ba bước ngoặt là: chuyển đổi nghề, chuyển đổi nhà, chuyển đổi gia đình mới, để rồi cố gắng thích nghi được với những thay đổi đó. Ông đã cân nhắc chu đáo theo phương pháp "Trình Tử rắc đậu" một cách có căn cứ và mọi việc sau đó đều tốt lên. Còn bí quyết giữ được sức làm việc và tập rèn trí tuệ của ông là luôn phải năng nổ nghĩ ra việc để làm, để trí não không bị già nua. Ông cũng nói thêm: "Bây giờ tôi bắt đầu học Thiền. Suốt thời trẻ tôi đọc sách triết học và văn học phương Tây là chính. Bây giờ, nhân viết cuốn biên khảo về "Kẻ sĩ Thăng Long", tôi đọc lại các nhà tư tưởng và văn hóa phương Đông và học Thiền theo phương pháp của tôi. Đời sống mỗi người sẽ trở nên ý nghĩa và cao sang hơn nếu mỗi ngày qua, mình thực sự được sống hữu ích, hài hòa trong bình yên và thanh thản"

Bình Nguyên Trang
.
.