Nhà thơ Bằng Việt: Người ham…giải thích

Thứ Sáu, 01/08/2008, 15:45
Một lần tôi đến thăm nhà thơ Bằng Việt tại trụ sở Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo (khi ấy ông đang là Tổng biên tập). Nhận thấy thời gian quấy quả ông hơi lâu, tôi xin phép ra về.

Nhà thơ tiễn tôi ra tận chỗ để xe. Nhìn thấy chiếc xe máy mới khựng của ông dựng ở một góc sân, tôi buột miệng hỏi: "Bác mới thay xe à?" (trước tôi vẫn thấy ông đi chiếc xe máy nhỏ, hình như mang hiệu Java thì phải). Thế là Bằng Việt lại quay sang giải thích một thôi một hồi, rằng ông đi xe này cho tiện, khi cần tạt ngang tạt ngửa cũng dễ.

Còn thì đi đâu xa, ông có thể sử dụng xe con của Thành phố (khi ấy nhà thơ Bằng Việt kiêm thêm chức danh Thư ký Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội). Và ông cho biết, ông phải sắp xếp thế nào mới có thể "xẻ thân" ra 2 nơi, làm 2 công việc rất đỗi khác nhau như vậy.

Thấy nhà thơ xem chừng hào hứng với đề tài này, tôi lại một lần nữa bắt tay ông: "Thôi, em xin tạm biệt bác. Tào lao thế mà làm mất đứt của đồng chí Tổng biên tập tới mấy tiếng đồng hồ rồi".  Nghe tôi nói vậy, Bằng Việt xua tay: "Bận bịu gì thì cũng phải có lúc thư giãn chứ".

Rồi ông thủng thẳng bước lại bên tôi, giải thích về lịch công tác trong tuần của ông, rằng ngày nào thì ông phải họp ở đâu, ngày nào anh em tạp chí đưa bài cho ông duyệt. Nói chung là bận, rất bận, song không phải vì thế mà không có những phút dành riêng cho thơ, dành riêng cho bè bạn…

Bằng Việt không thuộc típ nhà thơ "ăn to nói lớn". Giọng ông rủ rỉ, thiên về tâm sự hơn là tranh biện. Và thường là ít khi ta đoán định được sẽ kết thúc ở chỗ nào. Tôi nhớ, lần ấy, mặc dù đã bước ra sân rồi, nhưng chỉ nội việc tôi và ông nói thêm "đôi câu" trước khi chia tay, thời gian kéo dài cũng tới gần… nửa tiếng.

Rất hiểu tính nết của ông anh rể mình, chị Tố Hoa, cán bộ Văn phòng Hội Văn nghệ Hà Nội đã có lần phải tủm tỉm cười nói với vị khách đang chờ gặp Bằng Việt khi ông này nhấp nhổm toan bước ra vì thấy ông Chủ tịch hội Văn nghệ Hà Nội Bằng Việt đã ra ngoài hành lang đứng bắt tay chào tạm biệt một vị khách đến trước đó: "Bác cứ bình tĩnh đã. Trông thế, cũng phải mươi phút nữa may ra… mới xong".

Không chỉ là người ham… giải thích trong đời, Bằng Việt còn ham giải thích trong… thơ. Tất nhiên, không ai cấm các thi nhân không được làm điều này, nhất là khi sự giải thích ấy giúp người đọc thêm hiểu nội dung của bài thơ và thêm đồng cảm với nỗi niềm của tác giả.

Bằng Việt sáng tác bài thơ trứ danh "Bêtôven và âm vang hai thế kỷ" năm ông 23 tuổi, khi ông đang du học tại Nga. Bài thơ có tới 5 chỗ phải chú thích, trong đó có chú thích dài tới gần trăm chữ, song ai đọc cũng thấy những chú thích này là cần thiết, khó có thể lược bỏ.

Dẫu vậy, cũng không hiếm chỗ tác giả tỏ ra hơi… kỹ, như trong bài thơ "Giao hưởng số Chín", sau khi hạ bút viết hai câu: Trước chiến tranh, một lần em thảng thốt/ Khi bất ngờ nghe "Giao hưởng của Niềm Vui", ông đã ghi chú thích "Giao hưởng số Chín - giao hưởng của Niềm Vui - do Bêtôven sáng tác những năm 1822-1824, một trong những tác phẩm cách mạng nhất của âm nhạc thế giới".

Kể thì chú thích thế là đủ, song tác giả không dừng ở đấy, ông còn viết thêm: "Rômanh Rôlăng đã coi nó là "Một bằng chứng bất tử về niềm mơ ước vĩ đại bao giờ cũng ẩn náu trong trái tim nhân loại". Có lẽ, nhà thơ muốn cung cấp cho bạn đọc càng nhiều thông tin về bản giao hưởng này càng tốt.

Ở một số chú thích ảnh in trong tập "Thơ Bằng Việt" (NXB Văn học, 2003), Bằng Việt cũng có sự cặn kẽ như vậy. Thậm chí, với cái tên đặt cho tập thơ mới nhất của mình "Nheo mắt nhìn thế giới", Bằng Việt cũng phải có đôi lời bộc bạch, tưởng như ông không giải thích thêm thì độc giả sẽ có cách nhìn sai lệch về ông: "Đầu đề tập thơ nghe có vẻ hơi kênh kiệu, thậm chí có phần hơi xấc xược!

Nhưng đọc kỹ các bạn sẽ thấy, thực ra đó là một thái độ, một tâm trạng khá kìm nén, đến mức có phần nhẫn nhịn, lặng lẽ chiêm nghiệm, đôi khi chua chát, ngậm ngùi, nhưng rất ít ồn ào!".

Nếu tôi nhớ không nhầm thì với cái tiêu đề "Ném câu thơ vào gió" in ra trước đó, Bằng Việt cũng từng phải lên tiếng giải thích, rằng mình đặt tên sách như thế không có nghĩa là coi thường… thơ. Có lẽ với ông, thà chịu tiếng "nói dài", "nói trước", còn hơn là để người đời có những cách hiểu không đúng...

Âu cũng là nét đáng yêu của một thi sĩ

.
.