Nhà thơ Bàn Tài Đoàn dẫm phải... rắn độc

Thứ Năm, 02/10/2008, 10:00
Năm 1967, đang thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, khi đó 2 cơ quan Sở Văn hóa và Hội Văn nghệ Việt Bắc cùng sơ tán lên Bản Nhò, xã Cúc Đường thuộc huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên gần 40km. Địa điểm sơ tán nằm trong một khu rừng nguyên sinh, núi đá hiểm trở.

Nhà thơ người Dao Tiền Bàn Tài Đoàn (1913-2007) lúc này đã thôi giữ chức Phó giám đốc Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc để tập trung vào cương vị Chủ tịch Hội văn nghệ Việt Bắc, thay nhà thơ Nông Quốc Chấn đã chuyển về công tác ở Hà Nội.

Địa bàn nơi sơ tán khá rộng. Tại đây, ngoài nhà của lãnh đạo và nơi họp hành, mỗi cán bộ đều phải tự làm lấy lán riêng để ở và làm việc. Lán nọ cách lán kia cũng cả chục thước, đi lại hoàn toàn dưới tán lá rừng. Vào những ngày trời nắng hanh khô còn đỡ, vào mùa mưa thì ẩm thấp và lầy lội vô cùng.

Một tối sang làm việc với cán bộ xong, lúc trở về chỗ ở của mình thì nhà thơ Bàn Tài Đoàn không may dẫm phải rắn độc và bị nó cắn vào bắp chân. Nghe tin ông gặp nạn, tất cả cán bộ hai cơ quan đều lao đến chỗ ông. Đủ các kinh nghiệm chữa trị được mọi người nêu ra.

Nhà thơ người Tày Trương Lạc Dương, từ vị trí Tổng biên tập Báo Việt Nam độc lập chuyển sang giữ cương vị Thường vụ, Thường trực Hội Văn nghệ, đã đem cả lồng gà nuôi riêng của mình đến để chúng hút độc cho Bàn Tài Đoàn, hy vọng sẽ nhanh chóng có kết quả. Nhưng cũng không thành công.

Oái oăm ở chỗ, cơ quan phần lớn là người miền núi, dân tộc rất có kinh nghiệm trong việc chữa trị rắn cắn bằng mẹo và bằng các loại cây rừng. Vậy mà với trường hợp nhà thơ Bàn Tài Đoàn lại bất lực.

Mọi người phải tạm "garô" cầm máu ngăn nọc độc lan ra các bộ phận khác rồi thay nhau cáng nhà thơ già xuyên rừng lội suối ra bệnh viện khu sơ tán cách đó mấy cây số. Tại bệnh viện khu, tình hình cũng không khả quan. Ngay đêm sau có xe cấp cứu đưa ông về Bệnh viện Việt - Xô. Tôi được cơ quan cử đi theo xe cùng bác sĩ Long ở Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ khu.

Lúc này một bên chân bị rắn cắn của nhà thơ Bàn Tài Đoàn đã xưng to như cột nhà, máu đọng tím tái. Ông phải nằm bất động trên xe. Tôi ngồi cạnh ông, biết ông đau đớn lắm nhưng chỉ thấy ông nhắm mắt mỗi khi quá đau, chứ không kêu rên. Càng xót thương ông vì tính tình dung dị, chất phác thật thà như đếm ở ông.

Xe chạy rất chậm, phần vì để phòng máy bay địch nên không mở đèn, phần vì không dám phóng nhanh sợ xóc làm ông đau. Đến Phố Yên thì ông kêu buồn đi vệ sinh, xe dạt đỗ bên đường. Tôi và bác sĩ Long nói để giúp ông nhưng ông ngại phiền, có phần xấu hổ, nói thế nào ông cũng nhất định không chịu cho giúp. Ông bảo có thể tự lo.

Phải mất cả tiếng đồng hồ sau ông mới tiểu được vì bên chân xưng to khiến ông xê dịch thật khó khăn. Tính ông thế, việc gì có thể tự làm được thì dứt khoát không bao giờ ông phiền đến người khác.

Cho đến khi nhạc hiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam cất lên báo hiệu một ngày mới thì chiếc xe cấp cứu mới đưa nhà thơ Bàn Tài Đoàn về tới Hà Nội.

Thật xót xa, một bên chân bị rắn cắn do "garo" quá lâu nên bị hoại tử. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Xô dù đã tận tâm chạy chữa những cũng chỉ còn biện pháp duy nhất là cưa đi mất của ông một chân. Sau này Bàn Tài Đoàn đi lại bằng một chân giả.

Thương ông quá, giá không có chiến tranh, phải sơ tán rừng núi heo hút hiểm trở kia, ở thành phố từ trụ sở Hội Văn nghệ chỉ mấy bước chân là tới bệnh viện thì đâu đến nỗi.

Năm 1975 về hưu, ông sống tại quê nhà Nguyên Bình, Cao Bằng. Mấy năm cuối đời ông theo người con trai vào ở Đắk Lăkc và mất tại đây năm 2007

Huy Thắng
.
.