Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo và chuyện "Khai giác"

Thứ Năm, 12/06/2008, 16:30
Ngày 16/5 vừa qua, bản Giao hưởng - Hợp xướng "Khai Giác" đồ sộ đã chính thức vang lên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008.

"Khai Giác" đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam bởi lần đầu tiên có một tác phẩm quy mô được khai thác âm hưởng truyền thống dân tộc, và được thể hiện với sự tham gia của 150 nhạc công cùng 350 nghệ sĩ trong dàn hợp xướng.

Xuất phát từ mong muốn được chia sẻ niềm vui về tác phẩm ý nghĩa này với nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo, tình cờ chúng tôi còn được biết thêm những thông tin thú vị trong quá trình ông sáng tác tác phẩm này.

Đã từ lâu lắm rồi, năm nào nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cũng dành khoảng thời gian ít nhất là một tháng để trở về Hà Nội, nơi luôn làm cho cảm xúc sáng tác của ông dạt dào. Nơi ông chọn trú chân mỗi lần trở về là một khách sạn dành cho Việt kiều xa quê hương nằm trên phố Bà Triệu, ở đó rất gần với Hồ Gươm và phố Tràng Tiền - nơi gắn nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của nhà soạn nhạc.

Nhưng bây giờ thì ông đã mua được ngôi nhà cho riêng mình rồi. Ngôi nhà nhỏ, khoảng chừng 30m2 nhưng vị trí đẹp, ngay mặt đường, băng qua đường là gặp những hàng liễu rủ xuống mặt nước hồ.

Chút ký ức xa xưa hiện về trong ông: "Nhà tôi trước đây ở số 19 phố Tràng Tiền. Năm 1953 bố mẹ tôi đã cống hiến cho Nhà nước, cho cách mạng. 53 năm, kể từ khi xa quê hương tôi luôn ao ước có một ngày tôi lại có được một ngôi nhà ở Hà Nội để thường xuyên trở về. Để có được cảm giác thực sự đó là nhà mình".

Điều thật thú vị là cũng chỉ được vài ngày chuyển tới ngôi nhà này, nhà soạn nhạc được đón tiếp một vị khách chưa hề quen biết. Một người phụ nữ có tên là Ngô Minh Thơm biết tiếng ông từ lâu đã tìm tới ông, tặng ông bài thơ dài 7 trang mang tên "ẩn hiện hư vô tính linh khai giác" và ngỏ ý muốn ông phổ nhạc cho bài thơ này.

Đã thành thói quen, khi nhận được những bài thơ với nhã ý muốn ông phổ nhạc như trường hợp này thì trước tiên nhà soạn nhạc phải "nhìn" vào con người của chính tác giả. Ông đã dành cả một buổi để trò chuyện cùng tác giả và cảm nhận được từ con người Ngô Minh Thơm "có gì đó rất lạ".

Lúc ấy nhà soạn nhạc mới đọc lướt qua bài thơ nhưng ông đã "bắt" được "hồn" của nó. Bài thơ có gì đó gắn liền ý thức hệ vua Trần Thái Tông thể hiện trong "Khóa thực hư". Vậy là ông nhận lời viết bản giao hưởng - hợp xướng dựa trên ý tưởng của bài thơ.

Theo nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo, chưa bao giờ ông lại quan tâm, lo lắng và bỏ nhiều công tìm tòi trăn trở, thậm chí hầu như không ngủ khi sáng tác "Khai Giác". Tác phẩm này ông đã viết liên tục trong 8 tháng liền.

Điều trăn trở, và cũng là cái khó đến với Nguyễn Thiện Đạo khi triển khai tác phẩm là với những bài thơ về đề tài Phật giáo vốn đặc trưng âm vần đều đặn như một bài kinh, xét về âm nhạc sẽ thiếu sự xung đột kịch tính - một yếu tố quan trọng cho một tác phẩm giao hưởng.

Nhưng cuối cùng ông đã tìm ra "kịch tính" để xây dựng thành tác phẩm, khi lấy bài thơ lồng vào cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni - Giáo tổ khai sáng đạo Phật. Trong quá trình viết, nhà soạn nhạc đã hình dung tới giọng nam trầm Quốc Hưng kiêm cả đọc thơ.

Giọng nam cao thì vốn là một lợi thế của thanh nhạc Việt Nam, nhưng làm sao để tìm được một giọng nữ cao và một giọng đọc kinh thật hay, ấn tượng mà phải phát ra được cái "thần" là một điều không hề đơn giản.

Lúc bắt đầu luyện tập với GS. Ngô Văn Thành cùng dàn nhạc giao hưởng hợp xướng Nhạc viện Hà Nội, nhà soạn nhạc như trút được gánh nặng khi đã bất ngờ chọn được giọng nữ cực cao Bích Thủy. Một điều may mắn là Bích Thủy - giọng hát từng đoạt giải Nhất cuộc thi hát Nhạc kịch quốc tế tổ chức tại Thái Lan năm 2002 - sau vài năm vắng bóng để tập trung cho khóa học cao học Thanh nhạc tại Hàn Quốc trở về.

Và cũng thật tình cờ, trong lần tới chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) để bàn bạc kế hoạch luyện tập dàn dựng tác phẩm với sư trụ trì chùa là Đại đức Thích Đức Thiện, trong lúc chờ đợi, bất chợt ông được nghe giọng đọc kinh đầy mê dụ của Đại đức Thích Đức Thiện, sau đó nhà soạn nhạc đã mạnh dạn đề nghị đại đức tham gia phần solo đọc kinh trong tác phẩm. Không ngờ Đại đức đã đồng ý.

Khi tác phẩm  hoàn thành, Nguyễn Thiện Đạo chia sẻ niềm vui với một vài người bạn. Khoảng đầu tháng 3 nhà soạn nhạc bất ngờ nhận được tin phải về nước gấp đưa tổng phổ tác phẩm "Khai Giác" để các cấp có thẩm quyền thẩm định. Và kết quả là tác phẩm đã được chọn biểu diễn trong lễ bế mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam

Võ Thị Thúy
.
.