Nhà phê bình văn học Hoài Thanh: Nỗi oan không khó gỡ

Thứ Năm, 23/07/2009, 16:00
Không ai phủ nhận tài năng của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Thậm chí, đây đó đã có người suy tôn ông là thiên tài. Cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của ông được nhiều người xếp vào hàng kiệt tác. Tuy nhiên, về mặt tư cách làm nghề, không phải không còn những ý kiến, nhận xét chưa được thỏa đáng về ông.

Nhà văn Từ Sơn, con trai trưởng của Hoài Thanh, trong bài "Lời cuối sách" in ở phần cuối cuốn "Thi nhân Việt Nam" (NXB Văn học, 1988) đã thuật lại: "Cha tôi khe khẽ đọc lại mấy câu "thơ chân dung" nói về ông mà ai đó đã đọc cho ông: Vị nghệ thuật một nửa đời/ Nửa đời còn lại vị người cấp trên/ "Thi nhân" còn một chút duyên/ Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau... Đọc xong, cha tôi bình: "Tay này nó biết mình mê Kiều nên nó dùng lối lẩy Kiều để vẽ chân dung thì khéo thật. Tuy vậy câu thứ hai nói oan và nói ác quá. Cha biết có không ít người nghĩ như thế về cha". 

Ngày 15 tháng 7 này là vừa chẵn 100 năm ngày sinh Hoài Thanh. Chắc chắn Hội Nhà văn sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để vinh danh ông, song cứ theo thiển nghĩ của tôi, một trong những hành động có ý nghĩa nhất, là làm sao góp phần giải tỏa những "điều tiếng" về ông (có thể gọi là một "nỗi oan") hiện vẫn còn vương vất. Theo tôi, làm điều này không khó, bởi những gì Hoài Thanh viết vẫn còn rành rành trên giấy trắng mực đen...

Thật ra, nói Hoài Thanh "Nửa đời còn lại vị người cấp trên" là ai đó muốn xoáy vào việc ông có những bài phê bình, giới thiệu thơ của các tác giả giữ cương vị cao trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời kỳ sau Cách mạng. Tuy nhiên, để thật sòng phẳng, thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại là: Ngoài những tác giả có vị thế chính trị, Hoài Thanh còn dành nhiều thời gian, tâm sức để viết bài giới thiệu, phẩm bình thơ của cán bộ chiến sĩ, của các cây bút trẻ (như Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Cảnh Trà, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ...).

Nói vậy để thấy, việc Hoài Thanh có viết về ai chăng nữa cũng không phải là điều đáng xét nét. Vấn đề là ông viết như thế nào, những ý kiến đánh giá của ông có xác đáng hay không, có nặng mùi "xu phụ", như thể một thứ "nô lệ trong văn chương" hay không?

Với những hiểu biết chắc chắn còn nhiều hạn chế của mình, tôi xin mạnh dạn có đôi lời bàn thêm về vấn đề này. Trong suy nghĩ của tôi, nếu vấn đề không được mổ xẻ một cách nghiêm túc thì chẳng những tên tuổi của Hoài Thanh ít nhiều bị ảnh hưởng, mà ngay cả tư chất của những tác giả giữ cương vị lãnh đạo có tác phẩm được Hoài Thanh đề cập cũng bị hiểu sai. Bởi như vậy có nghĩa là các vị chỉ thích nghe lời xu nịnh, không ưng lời nói thẳng. Mà theo tôi biết, ít nhất trong trường hợp này, sự thật không phải thế...

Tác giả đầu tiên mà tôi muốn đề cập là nhà thơ Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh, người từng giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng). Trong "Hoài Thanh toàn tập" (NXB Văn học ấn hành năm 1999), có hai bài Hoài Thanh viết riêng về thơ Sóng Hồng, đó là bài "Thơ Sóng Hồng" và bài "Đi họp: Một bài thơ hay" (cả hai bài đều được in ra vào đầu năm 1969). Tôi đã đọc kỹ hai bài viết này của Hoài Thanh và thấy những nhận xét của ông không có gì là "quá đáng", là "xu nịnh" cả.

Ngoài việc ca ngợi phẩm chất tâm hồn của một lãnh tụ cộng sản hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc (tức là về mặt nội dung) thì về mặt nghệ thuật, lời lẽ của Hoài Thanh cũng tỏ ra chừng mực, khách quan. Như khi ông cất lời khen ngợi hai câu thơ mở đầu bài "Thăm Inđônêxia" của Sóng Hồng: "Hàng ngàn bích ngọc tuôn rơi/ Vương trên thảm lụa, ai người bỏ quên?" là "hai câu thơ rất bay bướm, rất duyên dáng" thì liền ngay đó, với hai câu "Ấy không, quần đảo thần tiên/ Nhấp nhô mặt biển ở bên chân trời", Hoài Thanh đã cho rằng "câu thơ của anh hơi thật thà" và ông đặt câu hỏi: "Có nhất thiết phải trả lời như vậy không". Nếu so với chất lượng một số câu thơ lục bát từng được chọn để thả lên trời trong Ngày thơ Việt Nam vừa qua, ta thấy lời nhận xét trên của Hoài Thanh thậm chí còn hơi... khe khắc là khác.

Cũng vẫn liên quan đến thơ Sóng Hồng, trong bài viết nói trên, Hoài Thanh còn trích một đoạn trong bài "Ngọn lửa Morixơn": "Hãy nghe đây:/ Trên cánh đồng bất mãn của nhân dân nước Mỹ/ Mỗi tia lửa đấu tranh đều đáng quý/ Chớ ngông cuồng xúc phạm tinh thần Morixơn" và cho rằng: "đó vẫn là chính luận, chưa phải là thơ". Từ đó, ông nhận xét chung về thơ Sóng Hồng: "về chữ dùng, câu thơ của anh cũng có khi hơi cứng".

Với nhà thơ Xuân Thủy, người từng giữ cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hoài Thanh cũng có bài viết riêng ("Thơ Xuân Thủy"- Báo Văn nghệ số ra ngày 15/11/1974). Trong bài viết này, với những câu thơ mà mình tâm đắc, Hoài Thanh thường đưa ra nhận xét, đại thể: "thơ anh luôn ngọt ngào, đầm ấm, vui tươi". Đấy là ông nói về đặc điểm nội dung chứ đâu phải nói về đặc điểm nghệ thuật.

Còn khi bàn vào những câu thơ cụ thể, Hoài Thanh đã có những chỗ khen, nhưng cũng có chỗ ông buông lời... chê. Như khi Xuân Thủy viết: "Sông núi ôi xương máu/ Nhân dân ôi ngựa trâu" và "Ôi Lênin! Bộ óc thiên tài/ Im lặng tôi xin cáo biệt Người", Hoài Thanh đã không ngần ngại đưa ra nhận xét: "Những câu ấy, theo tôi, chưa nói hết được những điều nhà thơ muốn nói, chưa nói được cái đau xót, cái tủi cực ngày xưa, cũng chưa nói được tấm lòng kính phục không bờ bến đối với Lênin vĩ đại". Từ đó, Hoài Thanh có một nhận xét mang tính khái quát về ưu và khuyết của thơ Xuân Thủy: "Lời thơ Xuân Thủy thường dễ dàng. Đó là một ưu điểm. Nhưng cũng có khi quá dễ dàng thành dễ dãi". Phải nói, đây là một nhận xét rất thẳng thắn mà chỉ những người trung thực và trân trọng người đối thoại mới có được.

Một tác giả thơ từng giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (có thể xếp vào hàng "cấp trên" của Hoài Thanh) là nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng được Hoài Thanh viết bài phân tích, bình luận tác phẩm ("Thơ Nguyễn Đình Thi" - Báo Văn nghệ số ra ngày 3/1/1976). Có thể thấy ngay là Hoài Thanh không thuộc fan hâm mộ thơ Nguyễn Đình Thi. Sau khi trích dẫn những câu mà ông tâm đắc, Hoài Thanh nhận xét: "Đọc thơ Nguyễn Đình Thi, có gặp nhưng rất ít cái lưu loát, cái hùng hồn, cái chất gợi sáng từng lúc trong một số bài lý luận phê bình, bài phát biểu của anh. Cũng ít gặp cái sức lôi cuốn say sưa trong những bài hát của anh từ lâu nổi tiếng. Người đọc thơ anh thường có cảm giác như nghe giọng nói từ từ của một người vừa trầm ngâm suy nghĩ vừa nói. Trước hết là nói với mình, nói cho mình. Cái hay là thật, nhưng cũng nhiều khi tuy thật mà chưa hay". Chắc không ai đọc những dòng này lại nghĩ Hoài Thanh viết vậy để "vị người cấp trên".  

Hẳn đọc đến đây, sẽ có bạn cho rằng tôi còn để thiếu một mảng bài, đó là mảng bài Hoài Thanh viết ca ngợi thơ Tố Hữu (người từng giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ). Sự thật, với thơ Tố Hữu, Hoài Thanh có một tình cảm đặc biệt. Ông từng ghi lại trong sổ tay: "Tôi biết nhiều khi anh Tố Hữu không muốn tôi viết về thơ anh. Nhưng tôi cứ viết vì tôi viết đâu có phải vì anh...". Ông ý thức được rằng việc làm này của mình dễ bị những người thiếu thiện chí xem là "muốn nịnh hót gì đây. Nhưng tôi không ngại, tôi cứ bình theo đúng nhận thức và cảm xúc của tôi" (xem "Di bút và di cảo"- NXB Văn học, 1993). Chính vì vậy mà với tất cả các tập thơ Tố Hữu, Hoài Thanh đều có bài viết riêng. Hoài Thanh lấy làm tự hào là thời đại ta đã "may mắn có được nhà thơ Tố Hữu".

Các bài viết của Hoài Thanh về thơ Tố Hữu chủ yếu để phân tích, bình luận cái hay, cái xúc động... cho nên âm hưởng chính là ngợi ca, đó là chuyện đương nhiên. Vả chăng, việc ca ngợi thơ Tố Hữu là thuộc quan niệm thẩm mỹ của Hoài Thanh và quan niệm ấy cũng là quan niệm chung của đông đảo bạn đọc một thời nên không thể từ đó đặt vấn đề ông "vị người cấp trên" được.

Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học có giọng văn điềm đạm, nho nhã. Cách chê của ông bao giờ cũng tinh tế chứ không sỗ sàng. Và trong quan điểm của ông, ông thiên về bình cái hay hơn là tìm cái dở. Trong lời "Nhỏ to" in ở cuối cuốn "Thi nhân Việt Nam", ông chẳng đã viết: "nếu trong quyển này ít khi tôi nói đến cái dở, bạn hãy tin rằng không phải vì tôi không thấy cái dở. Nhưng tôi nghĩ rằng đã dở thì không tiêu biểu gì hết. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài thơ hay". Nói vậy để ta hiểu quan điểm nghệ thuật xuyên suốt của ông, từ đó bớt đi những đòi hỏi phi lý và cũng là để có cách nhìn chân xác về tư cách phê bình của ông.

Trên đây là một số suy nghĩ, nhận xét mà tôi đúc rút được sau khi đọc lại bộ "Hoài Thanh toàn tập" (gồm cả thảy 4 tập, dày hơn 4000 trang do NXB Văn học ấn hành cách đây đúng 10 năm). Có thể còn những tài liệu khác, thể hiện một tư chất khác của Hoài Thanh mà tôi chưa được biết, rất mong được bạn đọc chỉ giáo.

Riêng tôi, đến giờ phút này, căn cứ vào những gì tôi được biết thì Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học trung thực, đúng như điều ông từng thổ lộ với người con trai trưởng: "Một đời làm văn cha chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của cha. Vậy mà cha đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu, người ghét. Thậm chí cha còn bị vu cáo, bị nói oan. Cha biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình. Điều mà cha có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là cha đã sống và viết hoàn toàn trung thực"

Phạm Khải
.
.