Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy: Bản mệnh của tôi là phê bình

Thứ Ba, 12/04/2011, 08:14
Thâm trầm, lặng lẽ, không giỏi diễn giải và không biết cách "hâm nóng" cuộc đối thoại... là điều mà bất cứ ai gặp nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cũng nhận ra.

Đọc sách của Đỗ Lai Thúy , thấy rõ sức nặng của lý thuyết và thực tiễn của một người đọc nhiều, ngẫm nghĩ nhiều. Ông cho rằng, một nhà phê bình nhất thiết phải có hiểu biết lý thuyết. Biết nhưng không phải để thồ chữ, mà để kết hợp với kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ nhằm kiến tạo những mô hình nghiên cứu. Nhờ đó, khám phá và diễn giải tốt hơn các hiện tượng của văn học Việt Nam.

- Thưa nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, mấy năm vừa rồi, cái tên Đỗ Lai Thúy đã xuất hiện khá "ồn ào" trên mặt báo. Điều này xem ra có vẻ ngược với lối phê bình học thuật và tính cách lặng lẽ ẩn mình sau con chữ của ông. Vậy điều gì gây nên sự thay đổi căn bản này?

+ Có thể bây giờ phê bình học thuật được người đọc chú ý hơn. Đây là một hiện tượng đáng mừng. Bạn đọc quan tâm đến phê bình như một tồn tại tự thân chứ không phải là một công cụ. Vì thế, các cuốn phê bình, trong đó có sách của tôi được đọc và quan trọng hơn, được đàm luận trên mặt báo. Cũng có thể, trong năm 2009 vừa qua, cuốn sách "Bút pháp của ham muốn" của tôi được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải, còn đầu năm nay xuất hiện "Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy". Cuốn trước là phê bình phân tâm học, còn cuốn sau là phê bình sự phê bình. Những vấn đề đặt ra rất đáng được bạn đọc quan tâm…

- Đỗ Lai Thúy được đánh giá là một nhà phê bình có tính phát hiện và có nhiều dấu ấn để lại cho nền phê bình Việt Nam đương đại. Bản thân ông, ông tự nhận mình thuộc "kiểu" phê bình nào?

+ Phê bình, trong quan niệm của tôi, có 2 kiểu: phê bình báo chí và phê bình học thuật. Phê bình báo chí hướng dẫn cho người đọc chọn sách, định hướng thẩm mỹ cho họ, tạo nên dư luận và đời sống xã hội của văn học. Còn phê bình học thuật thì lặng lẽ vì thường nằm ở bề sâu, bề xa của các sự kiện nhưng nó lại góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thẩm mỹ mới, nhất là khi các giá trị thẩm mỹ cũ "có vấn đề". Tuy nghề "nhà nước" của tôi là làm báo, nhưng "nghề riêng" thì lại là phê bình văn học theo lối học thuật. Điều này do cái tạng tôi nó quy định như vậy, chứ tôi thấy phê bình nào cũng đáng trân trọng cả, miễn là người làm nghề trở thành một nhà nghề.

- Tôi cho rằng, sách phê bình của ông… đắt hàng trước hết là vì người đọc tò mò với những nhan đề tác phẩm. Nói chung, đặt tên sách sáng tác đã khó, sách phê bình hẳn còn khó hơn. Nhưng các 'tít" sách của ông quả thực đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc, như "Mắt thơ", "Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực", "Chân trời có người bay", "Bút pháp của ham muốn", "Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy"… Khi đặt cho sách của mình những cái tên lạ thường, chẳng giống ai như vậy, hẳn ông đã phải rất vất vả?

 + Tôi không thích đặt tên kiểu "thật thà" quen thuộc của các cụ trước đây như "phê bình và tiểu luận", hoặc "góp phần nghiên cứu...". Nhưng cũng không vì thế mà sa vào thói chuộng lạ, làm hàng. Những tên sách của tôi quả là gây bất ngờ cho người đọc ở cách nói, ở hình ảnh độc đáo, kích thích ham muốn đọc. Rồi khi đã đọc thì vẫn thấy bất ngờ vì tên ấy thể hiện đúng nội dung sâu xa của cuốn sách, tư tưởng chủ đạo của nó, hoặc quan niệm nghệ thuật hay học thuật của tác giả. Cái tên, bởi thế, là chìa khóa để bạn đọc mở vào tác phẩm hoặc chiếc la bàn cho một hành trình thám mã. Có điều tôi không đặt tên trước cho tác phẩm để rồi sự viết chỉ là việc chứng minh cái tên đó. Thường thì cái tên xuất hiện đột ngột trong quá trình viết và thôi thúc tôi phải làm giấy khai sinh cho nó. Đó là của trời cho nằm ngoài sự suy tính đầu óc.

- Ông có thể nói cụ thể hơn trong một vài trường hợp?

+ Chẳng hạn, nghiên cứu Hồ Xuân Hương thì ai cũng phải đối diện với cái dâm tục trong thơ bà. Ý kiến thì đại để có thể chia thành hai: hoặc là coi thơ Hồ Xuân Hương có dâm tục hoặc là không. Nhưng cả hai đều lúng túng. Tôi tìm một lối đi khác: Thơ Hồ Xuân Hương vừa là dâm tục vừa là không dâm tục. Để chứng minh được lối tư duy A vừa là A vừa là không A này tôi phải đẩy thơ bà ngược dòng lịch sử về với tín ngưỡng phồn thực qua một hệ pháp: Thơ Hồ Xuân Hương - văn hóa dâm tục (thời bà) - lễ hội phồn thực - tục thờ cúng sinh thực khí - tín ngưỡng phồn thực. Mà ở thời của tín ngưỡng phồn thực (thời Đá mới) thì thiêng tục là một, trong thiêng có tục, trong tục có thiêng. Nguồn gốc thơ Hồ Xuân Hương ở tín ngưỡng phồn thực nên thơ bà thanh tục cũng là một, trong thanh có tục, trong tục có thanh. Nhưng thời nữ sĩ, tín ngưỡng phồn thực chỉ còn lại là những dư sinh, ảnh xạ, nên thơ bà chỉ là sự hoài niệm: "Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực".

- Còn "Bút pháp của ham muốn" -  một cái tên sách rất gợi, thì sao thưa ông?

+ Ở "Bút pháp của ham muốn", tôi nghiên cứu 6 nhà thơ: 3 cổ điển là Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, 3 hiện đại là Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Xuân Diệu. Họ đều là những thi nhân có bút pháp độc đáo. Ngoài việc mô tả bút pháp đó như thế nào, tôi còn muốn đi tìm cái gì đã tạo nên bút pháp đó, tức tại sao? Qua việc phân tích ngôn ngữ văn bản, tôi đều thấy động lực sáng tạo của họ ở một ham muốn vô thức nào đó, như Hoàng Cầm là mặc cảm Oedipe, Chế Lan Viên là rối loạn đa nhân cách, Xuân Diệu là tình yêu đồng giới… Chính những ham muốn vô thức này, xét cho cùng, đã tạo nên bút pháp của họ, thế giới nghệ thuật của họ. Tôi lấy tên chung cho cả tập là "Bút pháp của ham muốn".

- Như vậy, phê bình của ông thiên về phân tâm học. Từ "Mắt thơ" (1992) đã thấy dấu vết, dù còn mờ nhạt, đến "Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực", rồi "Bút pháp của ham muốn" thì càng thấy đậm hơn, thậm chí thành phương pháp phê bình phân tâm học. Đây là phương pháp mới và có phần xa lạ với người đọc Việt Nam và không dễ được chấp nhận, nhất là trong khí quyển văn hóa Nho giáo. Xin ông hãy cho đôi điều giải thích?

+ Cũng có lý do của nó. Trước hết, phê bình phân tâm học không mới. Ở ta từ năm 1936, Nguyễn Văn Hanh và Trương Tửu đã sử dụng học thuyết Freud để nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương. Sau đó, nó bặt đi một thời gian dài. Tôi chỉ là người phục dựng lại và đẩy nó lên một bước cao hơn nhờ sự cập nhật phân - tâm - học - sau - Freud. Hơn nữa, phương pháp xã hội học mác xít khi nghiên cứu con người chỉ nghiên cứu mặt xã hội, hữu thức của nó, còn phân tâm học thì chuyên nghiên cứu mặt vô thức của con người, tức "con người trong con người", nên đó là một bổ sung cần thiết, làm đa dạng cái vốn phương pháp phê bình văn học của ta.

- Cuốn sách gần nhất của ông "Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy" cũng đã được dư luận quan tâm, nhất là sau cuộc tọa đàm trao đổi ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Nhưng tại sao cuốn sách này là "phê bình sự phê bình" hoặc tại sao phê bình lại là "con vật lưỡng thê"?

+ Sau 20 năm làm phê bình văn học với không ít niềm vui và nỗi buồn, tôi thấy đã đến lúc mình nên nhìn lại công việc phê bình của mình, của các đồng nghiệp đi trước cũng như đang đồng hành với mình, nhất là nhìn lại cái sự phê bình như là một đối tượng tự thân. Đó là phê bình sự phê bình. Nếu phê bình là sự tự ý thức của sáng tác, thì phê bình sự phê bình là sự tự ý thức của phê bình. Tôi viết cuốn sách này để mô tả sự tiến triển của phê bình văn học Việt Nam thông qua sự thay đổi các hệ hình phương pháp của nó: Từ tiền hiện đại - tiền văn bản đến hiện đại - văn bản sang hậu hiện đại - hậu văn bản. Tuy nhiên, đây không phải là cuốn lịch sử phê bình theo nghĩa thông thường, đúng hơn nó là cuốn lịch sử tư tưởng phê bình qua các lý thuyết và phương pháp của nó. Còn tại sao phê bình lại là "con vật lưỡng thê": Con vật lưỡng thê là một sinh vật - thực thể sống/tồn tại ở hai môi trường có khi đối nghịch nhau, như trên cạn - dưới nước. Vì thế, nó phải phong phú hơn (vừa có phổi lại vừa có mang), mềm dẻo hơn… Phê bình văn học, trong quan niệm của tôi, là một sinh thể như vậy. Nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là nghiên cứu vừa là sáng tạo, vừa là ngôn ngữ vừa là siêu ngôn ngữ…

- Trước đây, ông thường tự nhận mình là một trong những nhà phê bình thiểu số"thuận tay trái", hẳn hiện nay ông đã thuận cả hai tay?

+ Thuận tay trái là một hình ảnh tôi muốn nói rằng nghề chính, nghề tay phải của tôi là báo/ tạp chí đối ngoại rồi đối nội, còn phê bình chỉ là nghề phụ, nghề tay trái. Nhưng thực ra, khả năng tâm huyết và sự đóng góp của tôi cho xã hội chủ yếu là ở phê bình. Tôi nói thuận tay trái là vì vậy. Tuy nhiên, cũng còn một hàm ý nữa là phần đông thuận tay phải, chỉ ít người thuận tay trái. Vì thế mà số người thuận tay trái là thiểu số, số ít.

- Nhìn vào các đầu sách xuất bản, có thể thấy rằng, ông là một nhà phê bình năng sản. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, ông lấy đâu ra tâm sức để có thể làm việc được như thế?

+ Phê bình với tôi là cả một say mê, thậm chí trên cả say mê, nó gần như là bản mệnh của tôi. Tôi sống bằng - nhờ - qua cái bản mệnh phê bình ấy. Tuy nhiên, càng đam mê, càng "chân không chạm đất" bao nhiêu thì lại càng cần một "mặt đất" vững chắc bấy nhiêu. Nếu không có người phụ nữ sống cùng với tôi "cam tâm" làm mặt đất âm thầm và vững chắc như vậy thì tôi khó làm việc có hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.