Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo: Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp
Ông đặc biệt dành nhiều tâm huyết cho mảng văn học chiến tranh cách mạng bởi ông từng có thời gian sống gắn bó với một thế hệ những nhà văn mặc áo lính. Quãng thời gian hơn 20 năm làm việc tại ngôi nhà Văn Nghệ Quân đội ở số 4 Lý Nam Đế đã cho Ngô Thảo một gia tài dày dặn, quý giá về những tư liệu sống của các nhà văn nổi tiếng trong thời chiến. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn Nghệ Công An đã có cuộc trò chuyện với nhà LLPB Ngô Thảo về công việc của một thời dĩ vãng.
- Thưa nhà văn Ngô Thảo, trong một bài thơ ghép vần tên các chiến sĩ trong Trung đội (Quân ngũ gọi là B) có hai dòng về ông rất ngộ: "Nói ra ai cũng vui mừng /Nhà văn Ngô Thảo lẫy lừng trong B". Hồi ở trong B ông lẫy lừng gì vậy?
+ Những năm ở chiến trường Trị -Thiên, đói rét, đạn bom ác liệt, biết tôi học văn, nhiều chiến sĩ nói, mai sau thằng nào còn sống trở về, may ra có thằng Thảo. Nó có chữ, sau này về mà viết văn kể lại những chuyện xảy ra ở chiến trường. Hồi đó ám ảnh lắm những cái chết trẻ của đồng đội. Mấy chiến sĩ trong đó tôi cùng đơn vị đã tự tay khâm liệm, chôn cất, đọc điếu văn, hứa hẹn nhiều điều. Viết điếu văn cho đồng đội được đồng đội tín nhiệm nên mới cầu cho Ngô Thảo chết sau cùng để còn có người lo hậu sự cho bạn. Nhưng tôi không có tài viết văn, đã thấy mình còn nợ các liệt sĩ cũng như đồng đội một điều ký thác không hoàn thành. Những gì tôi làm cũng chỉ là gắng đền đáp trong muôn một điều thiếu khuyết đó.
- Nhìn bộ sưu tập tác phẩm của Ngô Thảo là thấy rõ một đời ông dành gần trọn niềm say mê cho văn học người lính. Những "Từ cuộc đời chiến sĩ", "Năm tháng chưa xa", "Chiến trường sống và viết", "Như cuộc đời", "Văn học về người lính", "Thao thức với phần đời chiến trận", "Văn học với đời sống, đời sống với văn học", "Đời người-Đời văn" và mới đây nhất là "Dĩ vãng phía trước", "Thư chiến trường" đều đau đáu một tấc lòng ấy?
+ Mặc dù học Tổng hợp Văn nhưng tất cả công việc tôi từng làm trong quân đội từ anh nuôi, tiếp phẩm, trinh sát, kế toán, trung đội phó, Trợ lý quân lực Trung đoàn, rồi Trung đội trưởng trinh sát, Chính trị viên phó Đại đội, Trợ lý Câu lạc bộ kiêm Đội trưởng Đội Tuyên Văn (Tuyên truyền văn hóa) Trung đoàn chẳng liên quan gì đến văn chương. Khi về VNQĐ, bắt đầu từ chân Tư liệu và giữ Thư viện. Vốn kiến thức hạn chế nên bước đầu tôi chỉ chú ý làm tư liệu về cuộc đời các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn đã sớm hy sinh mà cuộc đời riêng còn ít được biết đến. Trong những giới hạn về năng lực và trình độ của mình, tôi chỉ mới làm được một phần rất nhỏ về mảng văn học đặc biệt sản sinh trong mấy cuộc kháng chiến đã qua về những nhà văn tài năng, nhiều người đã ngã xuống trên các chiến trường. Họ đã viết về một phần đời tôi đã từng sống ấy.
+ Điều này là đúng. Thế hệ chúng tôi sống theo khẩu hiệu: Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Và hoàn thành bất cứ việc gì được giao. Tôi mãi mãi biết ơn những năm được làm người lính, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường. Môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi những phẩm chất, tính cách, kỹ năng và cả thói quen của một quân nhân đúng nghĩa với câu hát nằm lòng: "Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh".
- Và đó lại vừa là may mắn vừa là lợi thế của đời ông. Ở đó ông đã được sống giữa những cây đa cây đề trong làng văn để bây giờ ông có được những ghi chép tư liệu quý giá làm hàng độc như "Dĩ vãng phía trước?
+ Đây là một câu chuyện dài liên quan đến đặc điểm cuộc sống các nhà văn thời chiến. Thời điểm này văn học nghệ thuật được coi như một quân binh chủng có sức mạnh đặc biệt. 9 năm chống Pháp, những chiến thắng hào hùng, những hy sinh oanh liệt. Cuộc sống và chiến đấu với muôn vàn gian lao của nhân dân và quân đội- một đạo quân kiểu mới trong lịch sử, với quan hệ từ nhân dân mà ra, vì nhân mà chiến đấu - là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc. Một bộ phận tác giả là những người lính đang trực tiếp chiến đấu. Trong hòa bình, nhiều người trong số đó được điều về Phòng Văn nghệ QĐ thuộc Tổng cục Chính trị, rồi trong tòa soạn Tạp chí VNQĐ ở nhà số 4 Lý Nam Đế. Hồi đầu, hầu hết còn là những anh lính trẻ, độc thân, sống ở cơ quan như một doanh trại QĐ. Đến khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, đội hình nhà văn QĐ được san sẻ đi chiến trường trước sau có Thu Bồn, Liên Nam, Võ Trần Nhã, Thanh Giang, rồi Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành, Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh - Vũ Ngàn Chi, Triệu Bôn… Năm 1971, khi tôi về VNQĐ, các nhà văn ở vào thời điểm sáng tác sung sức nhất. Trong dàn đồng ca VNQĐ, đã xuất hiện những giọng đơn ca đặc sắc: Nguyễn Khải vào tuyến lửa Vĩnh Linh, ra sống ở đảo Cồn Cỏ những ngày chiến sự ác liệt nhất, rồi lên đường Trường Sơn để có "Ra đảo", "Họ sống và chiến đấu", "Đường trong mây", "Chiến sĩ". Nguyễn Minh Châu tham gia Chiến dịch ở Quảng Trị để có "Mảnh trăng cuối rừng", "Dấu chân người lính". Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Hải Hồ, Mai Ngữ... đều có tác phẩm được dư luận chú ý. Tác dụng động viên, cổ vũ của văn học nghệ thuật những năm tháng này thật là mạnh mẽ. Tôi sống gần các tác giả, được nghe những buổi các anh trò chuyện với nhau. Tổ lý luận phê bình chúng tôi do anh Nhị Ca làm tổ trưởng còn có cây bút sắc sảo Vương Trí Nhàn, và tôi - có nhiều tư liệu để làm cho bài viết sinh động hơn. Nhớ nhất là mấy đợt cơ quan sơ tán về làng Hương Ngải, thuộc huyện Thạch Thất. Tất cả đều xa gia đình, sống trong các nhà dân, ăn cơm tập thể, nên càng có nhiều cuộc trà dư tửu hậu, xoay quanh chuyện đời và chuyện văn chương. Vừa để nhớ, vừa là cách tự học, cũng không thật thường xuyên, tôi có ghi lại bằng trí nhớ, nhiều cuộc đàm đạo như thế. Sau này khi đọc lại tự nhiên thấy xúc động, vì đã có một thời như thế, được sống gần những con người như thế. Chính việc không cố ý làm văn, khi chỉnh sửa không thêm bớt, nên "Dĩ vãng phía trước" có cái chân thực của một tư liệu nguyên gốc.
- Đã đành sự quyến rũ tối thượng của văn chương nằm ở vẻ đẹp của sự thật, dù sự thật ấy có thô ráp, xù xì, thậm chí buồn đến đâu.
+ Điều gửi gắm trong cuốn sách không phải là những sự thật trần trụi, hay trả nợ những ân oán giang hồ, mà chỉ giữ lại những kỷ niệm vui buồn đã từng có của một thời. Tôi không tham gia đánh giá, định giá các ý kiến của từng nhà văn. Phải nói, trong đời sống, các ý kiến nhận xét là luôn thay đổi cả nội dung lẫn cách diễn đạt. Tôi cố gắng ghi lại cách diễn đạt khác nhau của từng người, trong từng văn cảnh. Có nhiều nhận xét quá khích, nhưng không ác ý. Mà cuộc đời là như vậy đó bạn ạ.
- Có phải dĩ vãng trong ông bao giờ cũng đẹp nên ông sống nhiều cho dĩ vãng ở phía trước. Đã từ lâu Ngô Thảo dường như thuộc về người của dĩ vãng phía trước rồi?
+ Một câu hỏi quá hay và đẹp, nhưng xin cho phép tôi không trả lời cho riêng tôi. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội, nhìn lại mảng văn học viết về chiến tranh và quân đội, đặc biệt trong 30 năm chiến tranh (1945-1975), và khoảng 15 năm sau đó, rồi đặt trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, trong lịch sử văn học, chúng ta sẽ thấy đây là những trang LỊCH SỬ ĐẶC SẮC VÀ ĐỘC ĐÁO CHƯA TỪNG CÓ VÀ CŨNG SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÓ TRONG TƯƠNG LAI. Đó là trong một thời gian ngắn, trong cách mạng và chiến tranh, mà đã sản sinh ra một ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN đông đảo, với một SỐ LƯỢNG TÁC PHẨM lớn thuộc nhiều thể loại văn học (và cả nghệ thuật), và đã có TÁC ĐỘNG XÃ HỘI rộng rãi. Trong văn học, lý tưởng xã hội và nhân vật là hai thước đo phổ quát. Cuộc cách mạng kết hợp với nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã cấp cho văn học nghệ thuật thời kỳ này một lý tưởng thật sự thiêng liêng và cao đẹp. Trong thời kỳ đó, đã xuất hiện một mẫu hình đẹp vùa lý tưởng vừa trần thế là ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ. Đây là nhân vật chưa từng xuất hiện với tư cách nhân vật tích cực trong lịch sử ngàn năm của văn học Việt Nam. Đặc biệt trong hình thái chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, nên có sự gắn bó đặc biệt của quân với dân, điều rất khó gặp lại trong các cuộc chiến tranh hiện đại.
- Vậy ông có gửi gắm gì với thế hệ làm văn chương hôm nay không?
+ Nêu một nhận xét nhỏ như thế, nhân dịp này là muốn nhắc những người có trách nhiệm nên dành chút tâm sức, kinh phí để tổ chức tổng kết một cách nghiêm túc, khoa học thực tiễn và những bài học kinh nghiệm của một thời kỳ chưa xa, thời kỳ mà một thế hệ không chỉ biết cầm súng chiến đấu, mà từ trong đội quân ấy, còn sản sinh ra những con người tài hoa sáng tạo ra được những tác phẩm văn học nghệ thuật, không chỉ động viên kịp thời những người tham gia chiến đấu của chúng ta mà nhiều tác phẩm còn tồn tại như những tượng đài làm bất tử chiến công của dân tộc, tên tuổi của các anh hùng. Mấy chục nhà văn là liệt sĩ hy sinh ở các mặt trận. Ba liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn -Nguyễn Thi, Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân, Trần Tiến -Chu Cẩm Phong được tuyên dương Anh hùng quân đội. Tôi tự hào và cảm thấy thật vinh dự đã có những năm tháng được sống, quen biết một số trong các nhà văn đó. Và tự thấy những gì mình đã làm được là quá ít ỏi. Hy vọng công việc này sẽ được các bạn trẻ hôm nay quan tâm và tiếp sức.