Nhà hát chèo Hà Nội: Gánh nặng 9 tỷ đồng?
Câu hỏi đặt ra là, Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ thực hiện đề án này bằng những việc làm cụ thể như thế nào? Phóng viên VNCA đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội xung quanh việc này.
Thưa NSƯT Trần Thị Mai Hương, bà nghe được những phản hồi như thế nào từ phía bạn bè, đồng nghiệp và tâm trạng của tập thể cán bộ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội khi được tin đề án này được phê duyệt?
+ Nói chung, bạn bè đồng nghiệp đều mừng cho Nhà hát Chèo Hà Nội thôi. Họ nói rằng Chèo Hà Nội được quan tâm và vì thế có cơ hội thể hiện mình. Còn anh em trong đoàn thì phấn khởi lắm, vì đây là đề án chúng tôi đã ấp ủ từ lâu. Đề án này sẽ cho Nhà hát Chèo Hà Nội phục dựng những vở diễn đã làm nên tên tuổi của mình một thời, ngoài ra còn có các công việc như bảo tồn và lưu giữ các làn điệu chèo, các loại nhạc cụ dùng trong chèo, các loại phục trang, cách bài trí sân khấu... Chúng tôi hiểu rằng, mỗi thế hệ diễn viên qua đi, nghệ thuật chèo lại có những mất mát, rơi rụng. Cho nên, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống Hà Nội là việc làm cần thiết trong các hoạt động văn hóa hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mừng đấy, nhưng cũng rất lo. Hàng đống việc phải làm. Đấy là cả một "gánh nặng" đòi hỏi sự cố gắng của cả tập thể nhà hát. Ngoài việc đảm nhận thực hiện đề án này, chúng tôi vẫn phải dựng 2 vở mới/ mỗi năm và có những suất diễn định kỳ.
- Nhiệm vụ chủ yếu mà đề án đặt ra là bảo tồn 15 vở chèo mà Nhà hát Chèo từng dàn dựng. Có điều gì khác biệt giữa dựng vở "bảo tồn" và dựng vở theo "định kỳ" theo sự phân bổ của ngân sách không, thưa bà?
+ Thực ra chúng tôi đã bắt tay vào phục dựng các vở diễn này từ khi đề án chưa được phê duyệt cơ. Vừa qua, chúng tôi đã dựng lại "Quan âm Thị Kính" mà khán giả vừa được xem trực tiếp qua "Nhà hát truyền hình" và trích đoạn "Nàng Sita" trong đêm tưởng niệm kịch tác gia Lưu Quang Vũ ở Nhà hát Tuổi trẻ. Tất nhiên, những vở diễn nằm trong đề án được đầu tư tốt hơn nên có điều kiện làm chi tiết hơn, kỹ càng hơn trong đầu tư cho diễn viên, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, phục trang, sân khấu. Trong những năm tiếp theo, các vở diễn như "Lý Công Uẩn", "Tấm Cám", "Nàng Mai Vạn Lịch", "Ngọc Hân công chúa", "Lý Thường Kiệt", "Đêm hội Long Trì"... vẫn trên đường nét cũ nhưng chúng tôi sẽ tập trung đi sâu vào diễn xuất của diễn viên hơn.
- Có người nói rằng, Hà Nội đã dành nguồn kinh phí quá lớn cho Nhà hát Chèo Hà Nội chỉ để dựng lại những vở diễn đã có là việc làm có phần... lãng phí. Thậm chí họ còn nghi ngờ cách thực thi dự án sẽ được thực hiện với mục đích chính là để... "giải ngân". Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?
+ Nhà hát chúng tôi đã có những cuộc họp quán triệt tinh thần từ lãnh đạo đến cán bộ, diễn viên. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, sẽ làm đến tận cùng khả năng của mình chứ không thể làm qua loa, đại khái được đâu. Mỗi vở diễn hay những phần công việc bảo tồn cụ thể đều phải làm dự toán, sau đó qua các cấp duyệt rồi mới lấy được tiền về để chi chứ có phải thành phố đưa cho chúng tôi cả một cục 9 tỉ rồi làm gì thì làm đâu. Với lại, chúng tôi có lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Hơn nữa, chúng tôi còn phải bảo vệ tên tuổi của một Nhà hát có bề dày truyền thống 40 năm chứ. Việc có những nghi ngờ, những câu hỏi đặt ra là không thể tránh khỏi, nhưng tôi mong rằng những việc làm cụ thể của chúng tôi sẽ thuyết phục được khán giả.
- Đề án mang tên "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống Hà Nội" trong khi Hà Nội xưa nay vẫn không được coi là "cái nôi" của nghệ thuật chèo, không phải là chiếu chèo "gốc". Vậy giá trị chèo truyền thống Hà Nội đang bảo tồn và phát huy có gì khác với giá trị chèo truyền thống của Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình... không, thưa bà?
+ Thực ra xưa nay nhiều đoàn chèo nhận mình là "gốc".
- Một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là việc đào tạo đội ngũ kế cận cho các bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống đang rơi vào bế tắc vì không tìm được người theo học, và nếu có học cũng không tâm huyết. Vậy vấn đề đào tạo mà đề án đặt ra sẽ được Nhà hát giải quyết thế nào?
+ Đúng là ở Hà Nội thì không có ai theo học chèo nữa rồi, bởi kiếm sống bằng nghệ thuật chèo bây giờ quả là khó khăn. Chính vì thế, vấn đề đào tạo diễn viên, học viên càng trở nên cấp thiết. Chúng tôi sẽ áp dụng một biện pháp "cổ điển", đấy là về các địa phương để tuyển những em có năng khiếu rồi mở một lớp đào tạo riêng, mời các thầy cô chuyên gia về từng lĩnh vực đến giảng dạy. Sau đó những em thực sự có khả năng có thể được giữ lại làm việc ở Nhà hát theo kiểu vừa học vừa làm. Đây cũng là cách Nhà hát Chèo Việt
- Tỉnh Hà Tây vừa hợp nhất với Hà Nội và Hà Tây cũng có một đoàn chèo được nhiều khán giả nhớ tên. Trong thời gian tới, họ có tham gia cùng thực hiện đề án không?
+ Việc sáp nhập hai đoàn chèo với nhau vẫn chưa có gì cụ thể, việc này cũng cần có thời gian để ổn định, sắp xếp, làm quen... Tôi chỉ có thể nói rằng nhân tố chủ yếu thực hiện đề án sẽ vẫn là Nhà hát Chèo Hà Nội cũ, sau đó chắc chắn sẽ có sự phối hợp để thực hiện đề án này một cách tốt nhất.
- Xin cảm ơn NSƯT Mai Hương!