Nhà chức trách Mỹ với việc xử lý tác giả bộ phim phỉ báng người Hồi giáo: Dễ đâu "rút củi đáy nồi"?

Thứ Năm, 18/10/2012, 08:06
Suốt mấy tuần qua, chắc chắn không một bộ phim nào lại được nhắc nhiều như "Sự ngây thơ của người Hồi giáo" - bộ phim được sản xuất tại Mỹ có nội dung phỉ báng nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi và làm dấy lên phong trào biểu tình, phản đối của nhiều tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới. Hậu quả mà nó để lại thật tàn khốc. Con số các nạn nhân bị chết bởi các vụ bạo động hiện đã lên tới hơn ba chục người, trong đó có cả Đại sứ Mỹ tại Libya...

Mặc dù theo hiến pháp Mỹ thì nhà chức trách không thể cấm các đoạn video của bộ phim được quyền phát tán, cũng như không thể có bất kỳ hình thức nào xử lý tác giả của nó, song trước áp lực quá lớn của làn sóng chống Mỹ trong cộng đồng Hồi giáo, các cơ quan hành pháp Mỹ đang cố tìm ra kẽ hở trong điều luật nào đó để đưa Nakoula Baseley Nakoula - "cha đẻ" của bộ phim, người hiện đang chịu án tù treo vì một vụ việc khác trong quá khứ - quay trở lại... nhà tù.

1.Trước khi người biểu tình và những kẻ quá khích có vũ trang ồ ạt tấn công vào tòa lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, một thành phố thuộc miền Đông Libya, giết hại đại sứ Mỹ Christopher Stevens và ba nhân viên khác, các nhà làm phim ở Mỹ không hề có thông tin gì về bộ phim nói trên. Chỉ đến khi tin xấu dội về, họ mới tá hỏa tìm hiểu xem bộ phim có nội dung bài bác đạo Hồi ra sao và được sản xuất theo qui trình nào. Cuối cùng, tất cả những gì họ có được từ bộ phim cũng chỉ là 13 phút đăng tải trên Youtube, bằng cả tiếng Anh và tiếng Arab.

Thật ra, không phải đến tháng 9/2012 này, bộ phim "Sự ngây thơ của người Hồi giáo" mới bắt đầu ra mắt khán giả. Nó được sản xuất từ mùa hè 2011 và suốt một thời gian, không hiểu do cách thức giới thiệu, quảng bá thế nào mà bộ phim không hề gây bất kỳ một sự "chú ý" nào từ phía các tín đồ Hồi giáo. Sự thể chỉ trở nên nghiêm trọng khi Gamel Girgis (phóng viên chuyên đưa tin về các tín đồ Cơ đốc di cư cho tờ báo Ngày thứ Bảy có trụ sở đóng ở Cairo, Ai Cập) viết bài giới thiệu tóm lược nội dung của một số đoạn phim và cảnh báo nó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột phe phái giữa người Hồi giáo và người Ai Cập theo đạo Cơ đốc. Girgis cho công bố bài viết của mình trên báo vào ngày 6/9/2012 thì chỉ một ngày sau, một diễn đàn Hồi giáo đã đăng lại bài viết này của anh. Cứ thế, như vết dầu loang, tới ngày 9/9, một trích đoạn của bộ phim đã được tải trên Đài truyền hình al-Nas, kèm lời bình luận đầy tính kích động. Ngày 11/9, Đại sứ quán Mỹ ở Cairo đã bị hàng nghìn người Ai Cập tấn công. Những kẻ quá khích đã đốt cờ Mỹ. Cùng thời gian ấy, Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya cũng bị tấn công và kết cục thế nào đã được nhắc ở phần trên. Không dừng ở đó, các cuộc biểu tình chống Mỹ ngày càng loang rộng. Đến nay, nó đã cướp đi sinh mệnh của hơn ba chục con người.

Người dân Ai Cập xuống đường biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng người Hồi giáo được sản xuất tại Mỹ.

Tâm sự với các đồng nghiệp, Girgis nói anh rất hối hận vì từ bài báo của mình, tình hình ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu và làm náo loạn thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, là một nhà báo, anh cũng ý thức được rằng, đó chỉ là vấn đề thông tin. Nếu anh không viết và cho đăng bài báo ấy thì trước sau cũng sẽ có người làm như anh.  

2. Về việc ai là tác giả bộ phim - "thủ phạm" dẫn tới cơn thịnh nộ của người Hồi giáo suốt mấy tuần qua - thoạt đầu có một người đàn ông gọi điện cho phóng viên Hãng AP, xưng tên là Sam Bacile, người Do Thái và nhận mình chính là người đã làm ra bộ phim phỉ báng nhà tiên tri của đạo Hồi. Tuy nhiên, qua thẩm tra, giới chức Israel cho hay, họ không hề có trong tay hồ sơ của công dân nào có tên Bacile cả. Bacile nói mình 56 tuổi, nhưng trên Youtube ông ta lại giới thiệu mình đã ở tuổi 74. Cũng theo thông tin mà Bacile cung cấp (qua cuộc trò chuyện trên điện thoại) thì bộ phim được sản xuất trong ba tháng hè của năm 2011, với sự tham gia của 59 diễn viên, 45 người thuộc ê kíp sản xuất. Chi phí cho bộ phim là 5 triệu đô la với sự tài trợ của 100 người Do Thái. 

Với những biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau ít ngày, các nhân viên điều tra Mỹ đã xác định được đâu là sự thực về tác giả bộ phim nói trên. Lần theo số điện thoại cầm tay của nhân vật lấy tên là Sam Bacile, các nhân viên điều tra đã tới nhà của  một người đàn ông hiện đã 55 tuổi, có tên thực là Nakaula Baseley Nakoula. Đây chính là tác giả của bộ phim gây nhiều sóng gió cho nước Mỹ những ngày qua.

Nhà sản xuất phim Nakoula Baseley Nakoula và nữ diễn viên Anna Gurji.

Có điều tra, tìm hiểu mới thấy, so với những thông tin ban đầu mà người lấy tên là Bacile (tức Nakoula sau này) đưa ra thì sự thật khác xa nhiều lắm. Như về kinh phí, bộ phim thực chất chỉ chi phí hết 100.000 đô la, với sự hợp tác của tổ chức phi lợi nhuận Media for Christ của Joseph Nasrallah Abdelamsih. Cách đây ít ngày, tác giả bộ phim còn nhận được đơn kiện của Cindy Lee Garcia, một trong những nữ diễn viên chính của "Sự ngây thơ của người Hồi giáo". Cindy Lee Garcia "tố", khi tham gia bộ phim, cô không hề biết ý định của Nakoula là làm để đả kích, bôi bác nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Ông ta đã giấu nhẹm đi điều này. Và lời thoại của cô trong phim là lời "lồng" từ đâu đó chứ hoàn toàn không phải là lời của cô. Nói trắng ra là nó đã bị đánh tráo để phục vụ cho một "mưu đồ xấu".

Đơn khiếu kiện của Cindy Lee Garcia dài tới 17 trang, hiện đã được gửi đến Tòa án Los Angeles. "Chúng tôi bị sốc bởi những lời dối trá của nhà sản xuất. Và cuối cùng, chúng tôi vô cùng đau buồn bởi những bi kịch đã và đang xảy ra" - Cindy Lee Garcia bức xúc.

3. Không chỉ các thường dân mà ngay cả những nhà lãnh đạo cao cấp ở một số quốc gia theo đạo Hồi cũng quyết thể hiện thái độ không dung thứ đối với tác giả của bộ phim nói trên. Ngày 21/9, Paskitan đã cho triệu đại sứ Mỹ tại nước này tới Bộ Ngoại giao Paskitan để phản đối bộ phim xúc phạm nhà tiên tri Mohammed. Bộ trưởng Ghulam Ahmad Bilour của Paskitan thậm chí còn đề xuất treo thưởng 100.000 USD cho bất kỳ ai giết được Nakoula - tác giả bộ phim.

Trong một phiên họp của chính phủ, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran - ông Mohammad Reza Rahimi đã tuyên bố sẽ trừng trị đích đáng kẻ đã xúc phạm đấng tiên tri Mohammed: "Chính phủ Iran lên án mạnh mẽ hành động xúc phạm đạo Hồi này. Chúng tôi sẽ tìm kiếm, truy lùng kẻ đã sỉ nhục 1,5 tỉ người Hồi giáo trên thế giới…".

Ngày 25/9, nhân nhắc đến những vụ việc liên quan tới bộ phim trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có lời chia sẻ với những người theo đạo Hồi: "Chúng tôi hiểu tại sao họ cảm thấy bị xúc phạm khi xem bộ phim. Vì rằng, có hàng triệu công dân của chúng tôi cũng cảm thấy như thế". Tuy nhiên, ông Obama cũng cho biết, Chính phủ Mỹ không thể cấm các đoạn video kiểu đó được, bởi hiến pháp Mỹ qui định rất rõ về quyền tự do ngôn luận của công dân. Quả thực, nghiên cứu Hiến pháp Mỹ, chúng ta thấy nước này bảo vệ rất chặt chẽ quyền tự do ngôn luận của mọi công dân, kể cả những quan điểm biện minh cho hành vi bạo lực. Vì vậy, họ khó lòng "xử lý" tác giả bộ phim theo yêu cầu của chính phủ một số nước, mặc dù thâm tâm họ rất muốn rút củi đáy nồi. Vậy là, họ đang cố gắng lần tìm ra một hướng xử lý khác đối với Nakoula Basseley Nakoula.

Theo một số nguồn tin chính thống thì năm 2010, nhà sản xuất phim Nakoula Basseley Nakoula đã bị tuyên phạt 21 tháng tù vì tội lừa đảo ngân hàng. Sau đó ông được cho tại ngoại với một số điều kiện nhất định. Ngày 26/9 vừa qua, các nhà điều tra liên bang đã tiến hành thẩm vấn xem ông Nakoula Basseley Nakoula có vi phạm các điều khoản trong bản cam kết tại ngoại có điều kiện khi tải một đoạn phim dài 14 phút lên trang Youtube không? Bởi, chỉ cần Nakoula tải đoạn phim đó lên mạng mà không được sự cho phép của người giám hộ thì có nghĩa ông ta đã phạm luật và đó đủ là lý do để người ta đưa ông trở lại… nhà tù

Thanh Tùng
.
.