Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ: 25 năm “chăn gà”

Thứ Sáu, 13/01/2017, 16:02
Tôi biết đến Tô Hoàng Vũ hồi năm 1991, tại Liên hoan Phim Tài liệu Truyền hình toàn quốc ở Huế. Bộ phim về NSƯT chèo Hoàng Lan của anh ngày đó đoạt Huy chương Bạc, và được khán giả rất yêu thích. Sau 25 năm, tôi mới có dịp gặp lại anh, vẫn phong thái năng động, hồ hởi với bạn bè. Giờ đây nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ đã là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng... Anh cầm tinh con gà (sinh năm Đinh Dậu 1957).


1-Đàn gà của Tô Hoàng Vũ

Ngoài những chuyện biên soạn sách và mấy dự án sắp làm trong công việc chính của một vị Chủ tịch Hội, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ còn có một thú chơi khá độc đáo mà tôi đã nghe từ lâu. Đó là chuyện anh thích chơi… gà. 

Thoáng nghe ngỡ tưởng anh là người ham mê trò đá gà trong sới cờ bạc, đỏ đen. Nhưng không hề, hàng chục năm qua, anh là người cần mẫn sưu tầm những con gà được làm với các chất liệu khác nhau, để bày chơi.

Anh “chăn” gà la liệt ở nhà,  rồi còn mang ra trưng một tủ đầy những chú gà ở ngay tại phòng làm việc. Nhiều vị khách đến làm việc cũng thích thú trò chơi này của anh. Có người còn gửi thêm cho anh những chú gà mới, bằng vải hay bằng gỗ nom rất ngộ. 

Mới bước vào phòng gặp anh, tôi ngạc nhiên vì từ trên bàn đến góc phòng, chỗ nào cũng thấy những chú gà xinh xinh đáng yêu. Ngỡ như chúng đang ríu rít bên gà mẹ và đùa nghịch với những cọng rơm còn thơm phức hương lúa.

Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ với chú gà làm bằng ốc biển.

Một không khí bình yên, mang âm hưởng đồng quê rất thi vị. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên: “Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa/ Nhớ chao ôi nhớ/ Trời xanh thế/ Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa”.

Tò mò hỏi, tôi mới hay chuyện anh đi sưu tầm những con gà được làm bằng hàng chục chất liệu khác nhau, bởi những nguyên cớ rất đặc biệt trong cuộc đời mình. Hình như ông trời đã cố ý sắp đặt một cuộc hội ngộ đến kỳ lạ trong gia đình anh; tập trung những người thân thiết nhất đều tuổi con “Gà”. Ngoài Tô Hoàng Vũ, vợ anh cũng tuổi “gà”, bố vợ anh cũng tuổi “gà”.

Chưa hết, không những em vợ tuổi “gà”, mà đến con gái đầu lòng của Tô Hoàng Vũ cũng nhập tuổi “gà” nốt. Đúng là một “đàn gà” không sai. Chính vì thế, không ngờ quà tặng của bạn bè đầu tiên là một đàn gà bằng vải, anh vẫn còn giữ cho đến nay. Đó là một “gia đình gà” đúng như anh, có gà bố, gà mẹ và gà con.

Đàn gà bằng vải ấy đã gợi ý cho Tô Hoàng Vũ bắt đầu cuộc săn tìm những chú gà để bày tủ kính. Vậy là đã 25 năm qua, Tô Hoàng Vũ luôn luôn trở về với thiên nhiên và sống cùng với những cảm xúc quê hương bên lũy tre làng. Anh bồi hồi kể lại những ký ức, cùng những câu chuyện mà con gà đã đem lại cho anh, với những kỷ niệm khó quên…

Đó là câu chuyện của bố anh kể lại một thuở ấu thơ, ký ức về hình ảnh con gà thành Gô Loa bên Pháp. Chúng là biểu tượng của dân tộc Pháp, luôn được gắn lên tất cả các gác chuông nhà thờ. Cùng với đó “Chú gà thể thao” được ra đời từ biểu tượng chú gà trống Gô Loa của Pháp, đã đồng hành cùng nhiều sự kiện thể thao nổi tiếng như World Cup và Tuor De France - Giải đua xe đạp danh giá nhất thế giới…

Tô Hoàng Vũ bắt đầu đắm chìm vào cảm xúc mà anh đã từng học hỏi và nhận biết từ những ngày sưu tầm gà. Anh nói, tiếng gà gáy vào mỗi sáng được xem là biểu tượng chiến thắng hàng ngày của ánh sáng trước bóng tối và sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Triết lý nhân sinh ấy, Tô Hoàng Vũ đã từng đưa vào những tác phẩm của mình. Những bộ phim có tính đối thoại với những vấn đề nóng bỏng của xã hội và có tính giáo dục tự nhiên về lẽ sống.

Tô Hoàng Vũ đưa cho chúng tôi xem một bức tranh dân gian Đông Hồ. Đó là hình gà mẹ với những chú gà tơ đang quây quần tìm mồi. Bên cạnh đó còn có một bức vẽ chú gà trống nom rất oai phong với đôi cánh gồng lên mạnh mẽ. Đó là hình con gà Hồ.

Anh nói, đây là một chú gà trống với hai chữ nho là “Đại kê”, cùng với nghĩa tiếng Hán và gần với âm chữ Đại Cát. Đó chính là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hay tương lai của con người. Nên bức tranh Gà được làm quà tặng ngày Tết chính là lời chúc tốt lành gửi cho nhau, cầu mong một tương lai tươi đẹp.

Bộ sưu tập Gà của Tô Hoàng Vũ.

Nói rồi, anh đọc cho tôi nghe một câu đố trong dân gian về con gà: “Chân đạp miền thánh địa/ Đầu đội mũ bình thiên/ Mình mặc áo mã tiên/ Ban ngày đôi ba vợ/ Tối một mình nằm riêng”. Nghe vậy ai cũng cười rộ vì đã đoán được đó là hình tượng con gà trống với khí phách của một biểu tượng về sức mạnh. Đúng như anh nói, trong dân gian quan niệm, gà mang đủ năm đức tính tốt của người quân tử Văn-Võ-Dũng-Nhân-Tín…

2-Tiếng gáy đón bình minh

Đúng là miên man khó dứt, Tô Hoàng Vũ đưa ra mỗi con gà một chuyện đông tây kim cổ, khó biết khi nào mới hết. Hàng trăm con gà rực rỡ sắc màu. Nào đá, nào sắt, nào giấy, nào gỗ, nào sừng… đủ mọi chất liệu, được sưu tầm từ nhiều nước. Có người còn nói, đàn gà của Tô Hoàng Vũ là “đàn gà quốc tế” cũng chẳng ngoa.

 Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ dự định cho xuất bản một cuốn sách về gà. Không phải chuyện “Gà đẻ trứng vàng” trong làm ăn kinh tế, mà là những tác phẩm văn học và chuyện lạ xưa nay về gà. Có thể là những bài thơ, những chuyện ngụ ngôn, hay ca dao tục ngữ về gà, với những triết lý nhân bản.

Bên cạnh đó còn có những bức tranh cổ khó tìm vẽ con gà, với những góc nhìn khác nhau trong kho tàng dân gian Việt Nam… Đây sẽ là tập sách thứ ba của anh, sau những cuốn thơ chuyên đề về hoa phượng và nhà văn Nguyên Hồng mà anh đã xuất bản. Lần giở tập sách mới về gà của anh, tôi chợt dừng lại ở trang thơ của Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên cùng những câu thơ hay của Huy Cận và Xuân Quỳnh về hình ảnh con gà lấp lánh, làm ám ảnh lòng người. Còn đó là chùm tranh gà Đông Hồ cùng bộ tứ bình Hàng Trống, nói về nét đẹp bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông. Những hình tượng con gà được lồng trong hình ảnh con công, con phượng…

Bộ sưu tập gà của Tô Hoàng Vũ hiện đã lên tới con số 500. Với đủ vóc dáng chất liệu, những chú gà sinh động với những con mắt khi thì ngộ nghĩnh hồn nhiên trong chất liệu tơ lụa; khi lại là những chú gà mái với đôi mắt hiền hậu ngồi ấp con trong đêm đông lạnh giá. Bất ngờ Tô Hoàng Vũ đưa cho tôi xem một chú gà trống làm bằng hàng trăm con ốc biển nhỏ xíu nhiều mầu sắc. Anh nâng trên tay rồi đưa nó lên cao, nói, đây là một biểu tượng sức mạnh của đấng nam nhi.

Tiếng gáy vang một vùng lan tỏa cùng ánh bình minh để khẳng định chủ quyền một vùng lãnh thổ không để kẻ nào xâm phạm. Bỗng anh nhớ lại một bộ phim mình đã làm về đời sống của những người lính trẻ trên một hòn đào ngoài biển khơi. Xử lý tiếng gà gáy sáng dưới năm cánh sao trên lá cờ là một chi tiết đắt, như một sự khẳng định và nhắc nhở nghĩa vụ công dân của người nghệ sĩ, cần lên tiếng về lòng tự hào dân tộc và sự chiến đấu quật cường của những người lính bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng. Tôi chợt nghe tiếng gà chiêm chiếp vang lên từ một bản nhạc. Lời hát rộn ràng trong một giai điệu đồng quê đẹp như mơ vậy.

Trung Tử
.
.