Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Giải thưởng nào mà chẳng bị ì xèo

Thứ Tư, 16/03/2011, 11:11
Tôi cho rằng, bất cứ một giải thưởng nào cũng có những ì xèo quanh nó. Một giải thưởng mà không có tiếng ì xèo nào mới là điều không bình thường. Bởi vì, xét đến cùng thì mỗi bộ phim đều có một bộ phận nào đó hy vọng vào nó mà.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc là tác giả của một số kịch bản phim truyện nhựa: "Hà Nội 12 ngày đêm", "Chiếc bình tiền kiếp" và có kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn" được chọn để làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng sau đó đã bị "giãn tiến độ" vì nhiều lý do. Ông tâm sự, dự án phim truyện nhựa "Thái tổ Lý Công Uẩn" thất bại đã vô tình tạo nên một "cú hích", đã khuấy động sự ra đời của một dòng phim lịch sử vốn rất nhạt nhòa ở nước ta. "Thái tổ Lý Công Uẩn" là "đứa con" ông thai nghén, ấp ủ và gửi gắm tinh thần trong nhiều năm, bởi vậy ông vẫn âm thầm theo đuổi dự án phim nhựa này, đồng thời tìm nhà sản xuất cho bộ phim truyền hình có độ dài 60 tập về công cuộc dời đô của Lý Công Uẩn nhưng được xây dựng theo kiểu dã sử...

- Thưa nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, năm nay là lần đầu tiên ông được mời làm thành viên Ban giám khảo ở hạng mục phim truyện nhựa của giải thưởng Cánh Diều Vàng. Ông có thấy mình phải đối diện với áp lực nào không?

+ Thực ra, tôi cũng không phải là "người xa lạ" của Cánh Diều Vàng đâu. Trước đây tôi đã hai lần được mời làm giám khảo cho giải thưởng này ở hạng mục phim truyền hình dài tập. Nhưng ở hạng mục phim truyện nhựa thì đây đúng là lần đầu tiên. Giải thưởng phim truyện nhựa luôn được nhiều người quan tâm hơn, nhưng tôi thấy rằng tôi không phải chịu áp lực gì. Bởi với tôi, cứ phim hay thì tôi cho điểm cao thôi.

- Có một thực tế là, giải thưởng Cánh Diều Vàng trong mấy năm trở lại đây thường xuyên xảy ra những ì xèo quanh giải thưởng ở hạng mục phim truyện nhựa. Điều này chẳng lẽ không ít nhiều tác động đến ông?

+ Tôi cho rằng, bất cứ một giải thưởng nào cũng có những ì xèo quanh nó. Một giải thưởng mà không có tiếng ì xèo nào mới là điều không bình thường. Bởi vì, xét đến cùng thì mỗi bộ phim đều có một bộ phận nào đó hy vọng vào nó mà.

- Trong số 11 bộ phim truyện nhựa tham dự giải thưởng Cánh Diều Vàng năm nay, ông đã xem những phim nào với tư cách một khán giả chứ không phải là với tư cách thành viên Ban giám khảo?

+ Đến thời điểm này, tôi mới chỉ xem một phim, đó là phim "Long Thành cầm giả ca" của đạo diễn Đào Bá Sơn và tôi cho rằng đó là một bộ phim lịch sử có chất lượng tốt. Tôi là người làm nghề, nên tôi luôn đi xem phim với con mắt nhà nghề chứ không đi xem với con mắt khán giả.

- Là người làm nghề như ông mà chỉ xem một bộ phim sản xuất trong nước trong một năm có lẽ là… quá ít. Điều đó phải chăng đã có thể giải thích vì sao khán giả Việt đến rạp xem phim Việt lại thưa vắng đến thế?

+ Thực ra năm qua tôi cũng hơi bận rộn nên tôi chưa kịp xem thôi. Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó, một bộ phim phải đang là "hiện tượng" thì tôi mới cất công đến rạp xem. Tôi vừa làm công việc biên kịch, vừa làm công tác giảng dạy trong Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi có nhiều cơ hội xem những bộ phim hay của thế giới. Vì thế, tôi không việc gì phải đến rạp để xem nhiều bộ phim đang được gọi là "dòng phim nhảm nhí" nhưng lại nhân danh nghệ thuật đang có ở Việt Nam.

- Nhưng nhiều bộ phim "nhảm nhí" mà ông đang nói đến hiện lại thu bộn tiền, còn những bộ phim làm nghiêm ngắn, có chiều sâu tư tưởng như "Trăng nơi đáy giếng" của một người bạn học của ông - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - lại rất thưa vắng khán giả. Ông nghĩ sao về "tuyên ngôn" của đạo diễn Lê Hoàng, đại ý: "Không có phim nghệ thuật và phim thị trường mà chỉ có phim có khán giả hay phim không có khán giả"?

+ Tôi không đồng ý với tuyên ngôn ấy của Lê Hoàng. Tôi cũng không đồng ý cách gọi phân biệt "phim thị trường" và "phim nghệ thuật". Với tôi, phim chỉ có hai loại, đó là phim hay và phim dở mà thôi. Tôi xin lấy ngay một mẫu kinh điển, đó là "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Đó là một tác phẩm tuyệt đỉnh nghệ thuật nhưng cũng tuyệt đỉnh thị trường, chỉ qua nhân vật một cô "gái điếm" mà thấy được thân phận của nhân loại.

- Thưa nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, vài năm nay thấy tên ông xuất hiện cùng nhiều dự án phim truyền hình dài tập. Vậy ông là người rất "ăn nhập" với thời cuộc, hay việc tìm đầu ra cho một phim truyện nhựa quá khó đã khiến ông phải… chuyển hướng?

+ Những người làm công việc sáng tạo như tôi luôn đeo đuổi cùng lúc vài ba dự án. Tôi cho rằng, viết kịch bản phim truyền hình bây giờ là chuyện rất thiết thực. Đó là công việc đem đến cho tôi thu nhập và niềm vui. Tôi là người đến với phim truyền hình sớm đấy chứ. Từ năm 1995, tôi đã vừa biên kịch vừa làm đạo diễn phim "Những người con của biển" rồi. Tôi cũng vừa đóng máy bộ phim dài 30 tập "Vàng trong cát". Nhiều bộ phim truyền hình của tôi đã phát sóng như "Trâu vàng như ý" (6 tập), "Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa" (35 tập), "Mỹ nhân Sài Gòn" (70 tập)… Hiện nay, dự án phim truyền hình "Thái tổ Lý Công Uẩn" dài 60 tập của tôi đã có công ty chấp nhận đầu tư. Nếu nhà sản xuất mời, tôi cũng sẽ tự làm đạo diễn bộ phim này. Bên cạnh đó tôi vẫn tiếp tục tìm "đầu ra" cho kịch bản phim nhựa cùng tên vốn là tâm huyết nhiều năm của tôi.

- Gần đây ông hay chọn cách tự làm đạo diễn các bộ phim do mình làm biên kịch. Có vẻ như ông không tin tưởng lắm vào "tay nghề" của các đạo diễn khác?

+ Theo tôi, một bộ phim có hay hay không, phần kịch bản chiếm đến 60%. Một đạo diễn giỏi là người biết tận dụng vai trò của người biên kịch, phải khiến kịch bản ấy thăng hoa. Tuy nhiên, tôi chỉ có được vài ba bộ phim khiến tôi hài lòng như "Hà Nội 12 ngày đêm" (đạo diễn Bùi Đình Hạc), "Lên giời" (đạo diễn Phạm Thanh Phong) hay phim hoạt hình "Ba chiếc ghế" (đạo diễn Nhân Lập). Còn lại một số phim khác tôi cho rằng một số đạo diễn đã không… "gãi đúng chỗ ngứa" trong kịch bản của tôi. Điều đó khiến tôi rất bực, dù tôi không bao giờ phủ nhận vai trò "tổng chỉ huy" của đạo diễn và tôi quyết định học theo cách làm của bậc đàn anh của mình, đó là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Có thể nhiều người không để ý, nhưng đúng là anh Đặng Nhật Minh chỉ có được những thành công rực rỡ khi anh ấy tự viết kịch bản cho mình mà thôi.

- Tôi đã nghe nhiều đạo diễn kêu ca là phim không hay bởi vì không có kịch bản xuất sắc. Giờ lại nghe ông nói rằng nhiều đạo diễn không làm cho kịch bản của ông thăng hoa được. Đây có phải là một căn bệnh "đá bóng sang sân" của điện ảnh Việt Nam không và việc ông nói rằng ông tự làm đạo diễn thì tốt hơn người khác có là "chủ quan, duy ý chí" quá không?

+ Tôi rất tự tin là tôi có thể làm đạo diễn phim của chính mình tốt hơn người khác. Bởi khi viết một kịch bản, có nghĩa là tôi đang làm một bộ phim trên giấy rồi. Vì thế, trong đầu tôi đã hình dung ra công tác đạo diễn, diễn viên, quay phim… Chính vì thế, tôi cho rằng khi họ tự làm đạo diễn sẽ có được nhiều ưu thế hơn người khác tiếp cận với nó.

- Sau "thất bại" của dự án phim truyện nhựa "Thái tổ Lý Công Uẩn" động lực nào khiến ông tiếp tục với đề tài lịch sử trong khi việc làm phim lịch sử ở Việt Nam khó khăn đến nỗi khiến nhiều người ví von đó là việc "húc đầu vào đá"?

+ Khi được mời viết kịch bản cho đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã rất mừng, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đến độ say mê. Tôi thấy chỉ riêng câu chuyện dời đô của Lý Công Uẩn đã có thể làm được nhiều phim bởi quyết định đó có thể coi như một cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh đất nước. Dự án ấy thất bại vì nhiều lý do là điều đáng tiếc không chỉ cho riêng tôi, song tôi mừng vì chính sự thất bại ấy đã tạo nên một cú hích, khuấy động một trào lưu làm phim lịch sử, trong đó có nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào. Phim lịch sử không thể làm theo kiểu "ăn xổi" mà phải được chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, vật lực thì mới có thể thành công. Đành rằng là làm phim lịch sử khó như "húc đầu vào đá" rồi, nhưng khó khăn thì làm theo kiểu của mình, phải dốc hết sức. Tôi thấy như phim "Long Thành cầm giả ca" làm trong điều kiện kinh phí, thời gian hạn hẹp nhưng vẫn là một phim rất đáng xem. Hay như phim "Lều chõng" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng là một phim xem rất được. Tôi xem hai bộ phim này như một bài học với chính mình trong việc làm phim lịch sử.

- Nếu được chọn làm đạo diễn của phim truyền hình "Thái tổ Lý Công Uẩn", lại có đủ kinh phí, ông có chọn cách sang Trung Quốc để thuê bối cảnh như một số đoàn làm phim đã làm gần đây không?

+ Quan niệm của tôi là: Một bộ phim lịch sử Việt Nam trước hết phải đảm bảo yếu tố thuần Việt. Tôi sẽ cố gắng tận dụng hết những gì của Việt Nam có được để đưa vào phim. Còn việc đi sang Trung Quốc thuê bối cảnh thì tôi sẽ không làm. Bởi vì tôi đã từng được sang trường quay Vô Tích để khảo sát cho việc làm phim "Thái tổ Lý Công Uẩn", tôi biết chắc một điều rằng nếu sang đó mình sẽ bị "át vía" ngay.

- Xin cảm ơn nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc!

Hà Anh (thực hiện)
.
.