Nhà báo Khánh Vân: Bạn của những anh hùng

Thứ Hai, 11/08/2008, 16:00
Sự thật thì những nhà báo trẻ chúng tôi hôm nay rất khó để hình dung chính xác về thế hệ làm báo của ông. Không chỉ ông, mà rất nhiều đồng nghiệp của ông khi tôi có dịp được gặp gỡ, đều trưởng thành từ cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Chính thực tế khốc liệt ấy đã góp phần làm nên tên tuổi ông trong làng báo, cho dù cái sự học của ông chỉ dừng lại ở lớp 7.

Ông - nhà báo Khánh Vân, một trong những người làm báo quân đội luôn có mặt ở những điểm chốt nóng bỏng, những "cái rốn" của chiến tranh, đã để lại những tác phẩm: "Trên những nẻo đường chiến đấu", "Theo những đoàn xe ra trận", "Nữ anh hùng tình báo", "Mười năm trên đất Angkor", "Đường vào Sài Gòn"... và cả những bài học làm báo mà thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay rất cần phải suy ngẫm....

Sinh năm 1927, nhà báo Khánh Vân nay đã ở tuổi ngoại bát tuần. Nhưng tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn cùng với giọng nói hào sảng, trí tuệ minh mẫn của ông khiến cho khách phải nhạc nhiên. Nghỉ hưu mấy chục năm nay, ông và vợ sống trong một ngôi nhà rộng, có mảnh vườn nhiều cây cảnh và hoa nở bốn mùa. Hai ông bà tự chăm sóc nhau.

Ông tự hào nói: "Chúng tôi chưa cần đến ôsin, cũng như chưa cần nhờ cậy con cái kề cận ở bên". Vợ ông, bà Nguyễn Thị Phượng, hơn chồng hai tuổi, vào ra pha trà mời khách. Tôi để ý thấy không một câu nói nào bà không âu yếm gọi chồng là anh, xưng em, như thuở tuổi đôi mươi. Chỉ một chi tiết đó thôi đủ để biết rằng họ đã có một cuộc đời bên nhau thật hạnh phúc, cho dù có những năm tháng họ phải xa nhau biền biệt.

Nhà báo Khánh Vân vốn hài hước. Ông mở đầu câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình rất tếu: Tôi vào bộ đội năm 20 tuổi. Hai mươi tuổi tôi đã kịp có hai đứa con và một đứa đang nằm trong bụng mẹ. Có nghĩa là xong nghĩa vụ làm cha mới làm nghĩa vụ quân nhân. Tôi cứ buồn cười mãi cái ngày lấy vợ. Lúc đó tôi mới 15 tuổi, nào đã biết gì. Cha mẹ tôi ưng ý một cô thì hỏi cưới cho tôi. Trước ngày cưới tôi vẫn không biết mặt mũi cô dâu ra làm sao.

Sang nhà gái, bị đẩy vào giữa mấy cô đang têm trầu, thấy một cô bỗng dưng đỏ mặt, tôi nghĩ thầm trong bụng: "Có lẽ vợ mình đây". Thế mà đúng thật. Đêm tân hôn tôi cứ nằm ở nhà ngoài. Mấy đêm sau cũng vậy. Cho đến một hôm mệnh lệnh được phát ra: "Đêm hôm nay mình phải vào ngủ với tôi, không tôi sợ lắm".

Kể đến đây Khánh Vân phá lên cười. Thấm thoắt ông bà đã sống với nhau được hơn 60 năm, với biết bao buồn vui, thăng trầm. Không có cái nắm tay tỏ tình trước ngày cưới; chỉ là "cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy", thế mà họ đã gắn bó tình nghĩa bên nhau vô cùng bền chặt. Ba người con của ông bà đều thành đạt. Ông dí dỏm nói thêm: "17 tuổi tôi đã có con gái đầu lòng. Sau này nó còn về nghỉ hưu trước tôi. Nhìn cảnh con nghỉ hưu bố vẫn đi làm, cả nhà ai cũng buồn cười".

Quay trở lại câu chuyện cuộc đời làm báo của mình, Khánh Vân không giấu giếm niềm xúc động: "Đến năm 37 tuổi tôi mới chính thức là người của báo Quân đội nhân dân. Tôi làm nhiều việc trong quân đội trước khi làm báo. Đối với tôi, nghề báo là nghề tuyệt vời nhất. Nó khiến mình làm được nhiều việc có ý nghĩa. Nhiều khi tôi tự hỏi, làm cách nào mà một anh lính chỉ học hết lớp 7 như mình lại có thể có được niềm say mê viết như vậy? Hồi mới bước chân vào nghề, tôi viết "khủng khiếp" lắm. Gặp gì cũng viết được. Câu chữ, ý tứ ở đâu cứ tuôn ra ào ào".

Cho đến bây giờ nhà báo Khánh Vân không thể nhớ mình đã viết bao nhiêu bài báo. Nhưng những chuyến đi thì vẫn còn in hằn kỷ niệm trong ký ức của ông. Là phóng viên chiến trường, bàn chân ông đã in dấu trên khắp các vùng đất lửa như Vĩnh Linh, đường Trường Sơn, đường 9, Bình Định, Tây Ninh.

Ông quan niệm: "Nghề phóng viên phải năng đi vào thực tế cuộc sống, phải chịu khó quan sát. Quan sát không chỉ bằng mắt, bằng tai mà còn bằng sự cảm nhận trẻ thơ đến ngỡ ngàng trước tất cả những gì nhìn thấy, nghe thấy, để có thể biết đến cạn cùng những gì mình muốn biết về một sự việc, một con người nào đó. Phải làm sao để sự biết ấy in sâu vào trong trí nhớ của mình, trở thành tài sản của mình, cho đến khi ngồi vào bàn viết, nó đã trở thành một nỗi nhớ mà mình muốn kể lại cho bạn đọc".

Lần theo nỗi nhớ mà ông đang nhắc tới ấy, là câu chuyện về suốt mùa khô năm 1970 Khánh Vân bám trụ đường Trường Sơn, theo từng đoàn xe ra mặt trận để viết tập bút ký "Theo những đoàn xe ra trận".

Câu chuyện đi cùng đoàn quân tình nguyện sang đất bạn Campuchia để viết: "Trên những nẻo đường chiến đấu". Là những ngày đi trên vùng thảm sát, trái tim rưng rưng vì buồn đau khi chứng kiến những đống xương người trắng xóa một vùng đất. Bàn chân nhà báo phải đi những bước rón rén. Và chỉ cần nghe "cách" một tiếng, nghĩa là mình đã dẫm phải xương người. Rồi câu chuyện một mình vào cứ điểm quan trọng của ta để viết bài, bị bắt, bị tước súng và bị nghi là biệt kích, phải nhờ đến sự can thiệp của các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Ông nói: "Tôi không thể nào viết hết những gì tôi đã gặp trên đường làm báo, trong cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt mà quân và dân ta đã trải qua. Tôi đã đi "ba cùng" với bộ đội ở nhiều trận địa, và thực sự ý thức rằng mình cũng là một người lính sẵn sàng đón nhận những mất mát hy sinh.

Năm 1975, tôi được phân công lên đỉnh núi Bà Đen sống cùng bộ đội. Khi địch bắn vào trận địa, mấy anh lính cao xạ bảo tôi phải xuống hầm. Tôi nói, nếu vào hầm, tôi làm sao còn là một phóng viên chiến trường nữa. Và tôi ghi chép trong tiếng đạn rít xéo trên đầu. Nhưng thú thật, ngòi bút của nhà báo có những khi đã cảm thấy bất lực trước những mất mát, hy sinh quá lớn của đồng chí, đồng đội mình.

Tôi nhớ lần đến trọng điểm La Hạp, máy bay địch tàn phá cả một vùng, đất vùi lấp hai nữ thanh niên xung phong mà không thể nào bới lên được. Trong khi cần phải thông đường để xe đi qua. Thế là đành gạt nước mắt san đường. Tôi đã khóc, vì thấu hiểu rằng, để có được ngày chiến thắng của toàn dân tộc, biết bao người con gái con trai đang tuổi xuân đẹp đẽ, đã ra đi lặng lẽ như vậy".

Khánh Vân là nhà báo hết lòng vì sự thật. Trong tinh thần của ông, nhà báo phải thực sự vô tư với nghề. Nếu ngòi bút của nhà báo lụy bất cứ một điều gì thì có nghĩa là sự thật đã bị sai lệch đi ít nhiều rồi. Xây dựng các nhân vật điển hình là sở trường của Khánh Vân.

Những tác phẩm viết về các nhân vật điển hình như Anh hùng Lê Mã Lương, nhà tình báo Đinh Thị Vân của ông đã chiếm được cảm tình của nhiều độc giả. Khi phát hiện ra nhân vật, phong cách của Khánh Vân là "bám riết".

Ông kể: "Hồi tôi viết về Lê Mã Lương, tôi theo cậu ấy đến nỗi cậu ấy ốm tôi cũng theo vào bệnh viện, chờ đến khi nào cậu ấy tỉnh là hỏi chuyện. Rồi thấy vẫn chưa đủ, tôi còn về quê của cậu ấy nữa. Bài về Lê Mã Lương gây được tiếng vang ghê lắm, đến nỗi nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội đều mời tôi đến nói chuyện về nhân vật nổi tiếng với câu nói: "Cuộc đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù". Tôi nghĩ, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà báo là khái quát đời sống. Thiếu cặp mắt nhìn như vậy, anh không thể mang đến những thông điệp có gì trị cho độc giả được".

Viết về người anh hùng tình báo Đinh Thị Vân, Khánh Vân phải mất ròng rã  hàng năm trời. Ông tự thấy cuộc đời một nữ anh hùng với những chiến công hiển hách như vậy không thể chỉ lấy tư liệu trong vài ngày là xong được.

Trò chuyện với nhân vật đã mất mấy tháng trời, chưa đủ. Khánh Vân đi đến từng cơ sở mà nhà tình báo đã hoạt động để khai thác thông tin, rồi vào thành phố Hồ Chí Minh, lộn ra Đà Nẵng... tìm kiếm đầy đủ những thông tin quan trọng đủ để dựng lên cuộc đời một nhà tình báo. Hăm hở và háo hức với nhân vật của mình, Khánh Vân là một mẫu mực về kiểu nhà báo không bao giờ bị cái vỏ bọc của sự kiện đánh lừa.

Ông bao giờ cũng kỳ vọng nhìn sâu vào bản chất của một con người, một vấn đề mà mình tiếp cận. Kinh nghiệm quan trọng nhất của ông trong nghề báo là khả năng quan sát. "Có những nhân vật không nói từ ruột gan ra mà chỉ nói từ cổ họng ra thôi, mình phải cảnh giác với thông tin của họ". Đối với ông, cần phải có giác quan thứ 6 để "ngửi" ra đâu là mùi của sự thành thật. Nhà báo bị lừa dối bởi các thông tin của nhân vật cung cấp, cũng đồng nghĩa với độc giả bị lừa dối.

Đại tá, nhà báo Khánh Vân quả thực đã có một cuộc đời cống hiến vô tư và sôi nổi. Con đường trở thành nhà báo của ông là con đường của sự khổ luyện, sự lăn xả vào thực tế cuộc sống, trong điều kiện đất nước chiến tranh.

Trước khi cầm bút, ông không được đến trường để học nhiều. Nhưng trên đường đi về phía trước, ông đã học từ các sự kiện và các nhân vật của mình những bài học quý giá. Nhờ vậy, những trang viết của ông luôn thấm đẫm tình yêu và trách nhiệm đối với con người, đối với Sự Thật

Vũ Quỳnh Trang
.
.