Kỷ niệm 54 năm Ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954-10/10/2008):

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Không sợ thiếu danh nhân để đặt tên đường phố

Thứ Tư, 22/10/2008, 11:00
Hà Nội mở rộng địa giới, trở thành một trong những thủ đô có diện tích lớn trên thế giới. Cùng với việc phải sắp xếp lại các bộ máy tổ chức, chính quyền, việc giữ nguyên hay đổi tên các đường phố trùng nhau cũng đang là một vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo ước tính, Hà Nội cũ có khoảng 700 con phố đã được đặt tên, hai đô thị Hà Đông và Sơn Tây cũng có khoảng 300 tên đường phố. Tỉ lệ những tên đường tên phố trùng nhau là rất lớn, trong đó đặc biệt là Sơn Tây và Hà Đông có đến 70% tên phố trùng nhau. Xung quanh vấn đề này, VNCA đã có cuộc trao đổi với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

-Thưa nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, rất nhiều người đưa ra quan điểm cần phải đổi tên đường phố khi thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới, hợp nhất với tỉnh Hà Tây, riêng ý kiến của ông là không nên. Ông có thể lý giải về điều này?

+ Tôi đã từng nghiên cứu bản đồ của một số thành phố lớn trên thế giới như New York, Paris thì thấy rằng rất nhiều đường phố, đại lộ của họ cũng trùng tên. Chúng ta đều biết, mỗi thành phố đều có những lớp đô thị phát triển trong quá trình đô thị hóa lâu dài nên việc trùng tên đường, trùng tên phố là khó tránh khỏi.

Ở nước ta, thành phố Hồ Chí Minh cũng là một đô thị có rất nhiều tên đường, tên phố trùng nhau. Được hình thành trên 3 đô thị khác nhau là Sài Gòn, Gia Định và Phú Nhuận, nên khi cả 3 nhập vào để trở thành thành phố Hồ Chí Minh thì việc quận này có tên đường, tên phố trùng với quận khác là chuyện bình thường.

TP Hà Nội sau khi hợp nhất hiện không chỉ có một phố Ngô Quyền.

Những tên đường phố cũ ở từng đô thị vẫn được giữ lại. Tất nhiên ta không vin vào cớ đó để "bảo thủ" nói rằng không nên thay đổi các tên đường, tên phố của Hà Nội hôm nay.

Sở dĩ tôi đề xuất ý kiến không nên thay đổi tên phố vì 3 đô thị hiện nay là Hà Đông, Sơn Tây (sau này có thể sẽ trở thành địa danh cấp quận của Hà Nội) và Hà Nội (cũ) đều cách xa nhau và tên gọi của các tuyến đường, tuyến phố đã thành truyền thống rồi. Trong trường hợp thành phố quyết định đổi tên các tuyến phố trùng nhau thì cần phải nghiên cứu cho kỹ xem nên đổi ở đâu.

Ví dụ hai danh nhân Ngô Quyền, Phùng Hưng vốn là người Sơn Tây thì ta để tên hai vị này ở các phố thuộc Sơn Tây sẽ tốt hơn. Các danh nhân quê ở đâu thì ta nên để tên họ gắn với con phố ở đô thị ấy. Nếu bỏ đi, theo tôi, sẽ là không bình đẳng. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng việc đổi tên là không cần thiết, vì chỉ cần ghi thêm một chữ trên phong bì, thư tín, hay giấy tờ là mọi việc trở nên rành rọt ngay. Tên đường, phố luôn đi kèm với phường, quận, nên khó mà có thể nhầm lẫn.

- Nhưng mật độ các con phố trùng tên nhau trên địa bàn Hà Nội hiện nay là quá dày. Người ta lo ngại rằng nó có thể sẽ gây ra những phiền hà cho nhân dân trong các thủ tục hành chính, gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế, chính trị và giao lưu văn hóa...

+ Sự lo lắng ấy là có cơ sở. Nhưng tôi cho rằng, đổi tên các tuyến phố này cũng gây phiền hà không kém. Một khi tên phố, số nhà thay đổi, người dân sẽ phải đổi lại chứng minh thư, giấy tờ nhà, giấy phép kinh doanh... Nhiều loại giấy tờ hành chính khác cũng phải cấp lại. Như vậy sẽ rất tốn kém tiền của của nhân dân và hơn thế nữa còn ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân với các danh nhân văn hóa.  

- Mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc sắp tới sẽ có hàng loạt tuyến phố mới ra đời. Chúng ta xưa nay vẫn đặt tên đường phố theo tên các danh nhân. Ông có lo ngại rằng đến một lúc "quỹ" tên danh nhân sẽ không đủ để đặt cho các đường phố. Ông có sáng kiến gì trong vấn đề này?

+ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã làm một đề tài khoa học về việc đặt tên đường phố theo tên các danh nhân với các cấp độ khác nhau. Theo tôi, chúng ta không sợ thiếu tên danh nhân để đặt. Riêng quan điểm của tôi về việc đặt tên đường phố là nếu đường đó, phố đó chạy qua vùng nào ta lấy tên vùng đó để đặt (trường hợp cả vùng chỉ có một con đường, con phố duy nhất).

Như thế chúng ta sẽ lưu giữ được những cái tên địa danh cổ cho con cháu đời sau. Trong những trường hợp thật cần thiết ta mới lấy tên các danh nhân tiêu biểu đặt cho các đường phố. Hoặc là địa phương nào có danh nhân tiêu biểu thì đặt tên cho đường phố ở địa phương đó.

- Ông có cho rằng rất cần thiết phải có pháp lệnh về việc đặt tên đường phố hay không?

+ Thực ra từ lâu ngành văn hóa đã có hướng dẫn về việc đặt tên cho đường phố. Nhưng theo tôi, chúng ta cần phải hoàn thiện hơn để việc đặt tên phố có những nguyên tắc chung và phải mang tính khoa học

- Rõ ràng việc đặt tên đường phố của ta còn gặp phải nhiều vấn đề như, tên đường, tên phố không rõ lai lịch, không có ý nghĩa lịch sử, hoặc thiếu tính mỹ cảm. Nhân việc hợp nhất Hà Tây vào thủ đô Hà Nội, theo ông, chúng ta có nên chỉnh sửa lại các nhược điểm này?

+ Theo tôi, những tên phố không có ý nghĩa lịch sử hay về mặt mỹ cảm không tốt, như phố Lò Lợn chẳng hạn, thì chúng ta nên đổi.

- Những tên danh nhân nào cho đến nay chưa được đặt tên cho các đường phố Hà Nội khiến ông trăn trở?

+ Nhiều vị danh nhân lớn vẫn chưa được đặt tên cho các đường phố Hà Nội như Tôn Thất Thuyết, Huyền Trân Công Chúa, An Tư... Họ đều là những vị có công lớn với đất nước, dân tộc. Hay một nhân vật rất nổi tiếng trong hội họa Việt Nam là danh họa Bùi Xuân Phái cũng chưa có con phố nào mang tên ông, cho dù ông đã đi xa 20 năm rồi, và tên một số người bạn danh họa cùng thời với ông đã thành tên của những con đường ở Hà Nội.

Nhưng bây giờ tìm một con đường để đặt tên cho Bùi Xuân Phái cho hài hòa, tương xứng cũng không dễ. Tôi biết thành phố cũng đang trăn trở việc đặt tên một số danh nhân lớn, nhưng chưa tìm được những con đường, con phố phù hợp. Cần phải đợi những con phố lớn mới ở những khu đô thị mới để đặt tên các vị danh nhân này cho tương xứng.

- Để đặt tên một con đường, một dãy phố, thông thường ở ta phải trải qua một lộ trình như thế nào, thưa ông?

+ Nói chung mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có một Hội đồng tư vấn cho việc đặt tên đường phố. Mỗi con phố được mang một cái tên nào đó đều phải trải qua nhiều khâu. Khi một con đường mới ra đời, ngành giao thông có trách nhiệm báo cáo, đề xuất đặt tên đường với ngành văn hóa. Ngành văn hóa nghiên cứu vấn đề này rồi trình UBND cấp tỉnh, thành phố. Và quyết định cuối cùng đặt tên cho đường phố chính là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố đó. 

- Là người đi, đọc và quan sát nhiều, theo ông, việc đặt tên đường, tên phố ở đô thị nào trên thế giới được xem là kiểu mẫu mà chúng ta có thể học tập mô hình của họ?

+ Nghiên cứu kỹ tôi rút ra một điều rằng, gần như việc đặt tên đường, tên phố ở tất cả các đô thị cổ trên thế giới đều lộn xộn. Quá trình hình thành và phát triển, mở rộng ở các đô thị đã dẫn đến tình trạng nhiều tên đường, tên phố trùng nhau. Chỉ có những đô thị mới, hiện đại, có quy hoạch tốt thì việc đặt tên đường, tên phố mới khoa học và ít bị trùng lặp.

Về mô hình chúng ta nên tham khảo thì tôi có thể ví dụ một vài tỉnh, thành phố ở Trung Quốc. Chẳng hạn tôi đến thành phố Thượng Hải, ở đây cứ dãy phố dọc người ta đặt tên theo địa danh còn cứ dãy phố ngang người ta đặt tên theo tên của các danh nhân.

Nên chỉ cần đọc địa chỉ của một ai đó là ta có thể biết nhà họ ở dãy phố dọc, hay ngang. Các thành phố như Bắc Kinh, Tây An, Quảng Châu phần nhiều đặt tên phố theo các địa danh, các sự kiện và các khái niệm, chứ ít đặt theo tên danh nhân. Ở Bắc Kinh hình như chỉ có một đại lộ mang tên danh nhân duy nhất là đại lộ Tôn Trung Sơn.

- Thưa ông, về phương diện văn hóa, việc đặt tên đường phố có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với quần chúng nhân dân như thế nào?

+ Chúng ta thấy rằng việc đặt tên đường phố cho một đô thị ít nhiều khái quát được về văn hóa của vùng ấy, đô thị ấy. Nó phản ánh tư duy khoa học và tư duy văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Cụ thể, việc đặt tên đường phố góp phần thiết thực vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho nhân dân và cho các thế hệ con cháu đời sau. Nó cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào của nhân dân một vùng đất đối với cách danh nhân đã có nhiều công lao đối với đất nước.

- Xin cảm ơn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Vũ Quỳnh Trang(thực hiện)
.
.