Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ viết nhiều ca khúc về đề tài phụ nữ

Thứ Năm, 06/02/2020, 08:53
Nhạc của Nguyễn Văn Tý mượt mà, trữ tình, đậm màu sắc dân ca, mang bản sắc dân tộc rõ nét. Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ đầu tiên nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952 về âm nhạc với bài hát "Vượt trùng dương" ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, vượt sóng gió làm cách mạng tháng Tám thành công...


Đề tài về phụ nữ cũng như đề tài về đất nước, mùa xuân, tình yêu là nguồn cảm hứng muôn thuở và vô tận của văn nghệ sĩ. Nhà văn Goóc-ky nói đại ý: "Không có phụ nữ đâu có anh hùng, thi nhân...". Ở nước ta trong lĩnh vực âm nhạc, không có một nhạc sĩ nào không có bài hát về phụ nữ, người ít nhất là một đôi bài, còn bình thường cũng dăm bài. Nhưng số ca khúc viết nhiều về phụ nữ nhất là Nguyễn Văn Tý. Ngay từ sáng tác đầu tay ca khúc "Dư âm" viết năm 1949 khi mới ngoài 20 tuổi cũng viết về em thật lãng mạn trước vẻ đẹp hình thể và âm thanh:

"Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ..."

Cho đến nay đã hơn 60 năm "dư âm" vẫn còn vang vọng...

Trong một lần gặp gỡ giao lưu với thính giả Hưng Yên dịp đầu xuân 1998, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói: "Người ta bảo tôi là nhạc sĩ của chị em". Thật vậy, có đến hàng chục bài hát của ông viết về đề tài phụ nữ không chỉ ca ngợi phụ nữ trong nước mà cả phụ nữ nước ngoài như bài "Tiếng hát Dôi-a" ca ngợi về người nữ anh hùng Liên Xô (cũ). Còn ở trong nước thì chỉ nghe, đọc tên các bài hát sau đây của ông sáng tác cũng đủ cơ sở để nói rằng ông viết nhiều về "chị em" rồi. Xin nêu: "Mẹ yêu con", "Tiễn anh lên đường", "Em đi làm tín dụng", "Bài ca cô nuôi dạy trẻ", "Tiễn anh lên đường", "Em đi làm tín dụng", "Bài ca cô nuôi dạy trẻ", "Nữ du kích Hoàng Ngân", "Bài ca năm Tấn", "Tấm áo mẹ vá năm xưa", "Bài ca người phụ nữ Việt Nam", Tiếng hát bản Mèo", "Bà mẹ Tây Ninh", Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" chưa kể ông còn phổ hai bài thơ "Tự hát", "Sóng" của Xuân Quỳnh cũng đề tài tình yêu của phái yếu. Từ năm 1961 đến 1967, ông về thâm nhập thực tế ở Hưng Yên. Trong 7 năm ấy ông viết đến năm ca khúc về chị, về mẹ, về em. Sau đó ông lại trở về Hà Nội làm việc ở Hội nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, ông vào công tác ở Viện Nghiên cứu âm nhạc (cơ sở II) tại thành phố Hồ Chí Minh rồi nghỉ hưu.

Tại đây, ông lại có điều kiện đến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để sáng tác. Sau năm năm đi, về thực tế (1975-1985) tìm hiểu phong trào Đồng Khởi 1968 của Phụ nữ Bến Tre, ông đã viết thành công bài hát "Dáng đứng Bến Tre" giàu chất dân ca Nam Bộ ngợi ca truyền thống bất khuất kiên cường của phụ nữ Bến Tre nói riêng và phụ nữ miền Nam nói chung trong thời kỳ chống Mỹ Ngụy.

Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Phùng Quốc Thụy đã có những đánh giá xác đáng về ông: "Nguyễn Văn Tý thành công nhất khi công viết về quê hương, về những bà mẹ và những người phụ nữ là những đối tượng dễ gây cảm xúc mạnh cho ông. Nhưng cũng có những trường hợp sáng tác theo đơn đặt hàng mà tác giả vẫn đạt được giá trị nhất định do có sự đầu tư công sức và chất xám như các bài "Đường về ngân hàng", "Em đi làm tín dụng", "Cô đi nuôi dạy trẻ", "Người giỏi chăn nuôi", "Tiễn anh lên đường" ...

Mạnh nhất của Nguyễn Văn Tý là ca khúc trữ tình nhưng ông ít tự hát lên nỗi lòng của mình mà thường thông qua hình ảnh những con người ông yêu mến, cảm phục: Tâm tình người mẹ đối với con (Mẹ yêu con) tâm tình người chiến sĩ đối với bà mẹ nuôi (Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa), tâm tình người vợ khi tiễn đưa chồng lên đường nhập ngũ (Tiễn anh lên đường), Tâm tình người dân Hà Tĩnh đối với mảnh đất quê hương anh Hùng, bất khuất (một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh)...".

Nhạc của Nguyễn Văn Tý mượt mà, trữ tình, đậm màu sắc dân ca, mang bản sắc dân tộc rõ nét. Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ đầu tiên nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952 về âm nhạc với bài hát "Vượt trùng dương" ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, vượt sóng gió làm cách mạng tháng Tám thành công. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1924 ở xóm chợ Tràng Thi, thành phố Vinh, Nghệ An, nhưng quê gốc là xã Phù Cường, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đọc ngày sinh của ông trên đây ta thấy ông sinh trước 8-3 ba ngày, có phải thế mà thêm một lý do ông viết nhiều, viết hay về phụ nữ về "chị em" và đậm đà tâm huyết đến thế chăng?

Năm 2000, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt hai. Phần lớn công lao này thuộc về những bài hát viết về phụ nữ của ông. Ông mất ngày 26-12-2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Hồng Thiện
.
.