Tích xưa - Lời nay

Nguyễn Trường Tộ chống tệ quan liêu

Thứ Tư, 24/10/2012, 08:00
Nguyễn Trường Tộ từng phê tệ quan liêu: "Tôi thấy các quan ở kinh thành bận rộn công việc không kể ngày đêm. Thế mà các quan ở phủ huyện thì nhàn rỗi đàn ca xướng vọng. Hễ đi đâu thì tờ trát đi trước, bắt dân chầu chực nghinh đón. Như thế thì làm sao đi vào trong dân gian để tìm hiểu những uẩn khúc của họ được?..."

Hơn 100 năm trước, Nguyễn Trường Tộ phê tệ quan liêu: "Tôi thấy các quan ở kinh thành bận rộn công việc không kể ngày đêm. Thế mà các quan ở phủ huyện thì nhàn rỗi đàn ca xướng vọng. Hễ đi đâu thì tờ trát đi trước, bắt dân chầu chực nghinh đón. Như thế thì làm sao đi vào trong dân gian để tìm hiểu những uẩn khúc của họ được? Làm quan có đức độ, biết khéo giáo hóa dân chúng, là phải đi vi hành trong dân gian, nhưng giản dị dễ dàng cho dân... Còn quan viên ta ngày nay ngồi giữa công đường, ngoài cái án thư bàn độc ra, không còn biết việc gì khác. Những công việc như phong tục dân gian tốt xấu thế nào, đất đai hoang phế ra sao, lúa thóc phải tích lũy thế nào, rừng rú ao đầm phải giới hạn đến đâu, tất cả phó mặc cho mây bay nước chảy, không cần biết đến".

Bây giờ, nhiều cán bộ cấp trên đi xuống địa phương, trống dong cờ mở.

Lại nhớ Bác Hồ, đi thì gọn nhẹ, đến thì tự thăm đồng bãi của nông dân, hoặc tự xem công trường, nhà ăn, thậm chí cả nhà vệ sinh của cán bộ, công nhân, viên chức. Có khi Người còn đem cơm nắm đi, ăn cùng cảnh vệ cho đỡ phiền địa phương.

Ông Tộ mất năm 1871, tức là trước khi Bác của chúng ta ra đời những 19 năm. Ông Tộ, tất nhiên là không biết Bác, thế mà nghĩ, viết và làm như thế. Hóa ra, dù cộng sản hay không, dù lương hay giáo, khi đã yêu dân, khi đã giản dị lão thực, thì đều nghĩ như nhau, hành động như nhau, vì đều lấy sự ích quốc, lợi dân làm trọng.

Ta đang chỉnh đốn, xây dựng Đảng, nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền mạnh, của dân, do dân, vì dân. Gần thì học Bác Hồ, xa nữa thì đừng quên học những người như ông Tộ. Làm quan (xưa), làm cán bộ lãnh đạo (nay), mà sa vào vòng quan liêu - xa dân - xa việc, thì trước hết là có hại cho dân, nước; sau nữa là có hại cho chính mình, vì đã như thế, tất là đã, đang và sẽ suy đồi, suy thoái đạo đức, mất cả phúc đức của con cháu sau này.

Ai cũng có gia đình, máu mủ, ruột rà, lo cho họ là lẽ trời sinh. Nhưng nếu cán bộ lãnh đạo lại dùng vị thế của mình chỉ để "vinh thân phì gia", thì tất hóa thành sâu mọt.

Gần dân, để "tìm hiểu những uẩn khúc của họ"; để biết việc, biết làm những việc có ích cho dân; như ông Tộ nói và làm trước kia, như Bác của chúng ta nói và làm sau này; chính là để dân lại tin yêu Đảng, tin yêu Nhà nước như xưa, đó là cái phúc của dân tộc, cũng là của Đảng vậy

Đỗ Trung Lai
.
.