Nguyễn Khắc Xương: Nhà "Tản Đà học" xuất sắc

Thứ Ba, 04/03/2014, 08:00

Ngày 27/5/2012, tại Nhà hát lớn Tp Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ba văn nghệ sĩ là những người con của Phú Thọ đã vinh dự được nhận giải thưởng trên, đó là nhà văn Ngô Ngọc Bội, nhà văn Sao Mai và nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương.

Những cống hiến, thành tựu của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương được thể hiện trên ba lĩnh vực: Đó là các công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa dân gian vùng đất Tổ, các công trình nghiên cứu về Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu và nhiều bài viết về các văn nghệ sĩ tỉnh Phú Thọ, trong đó nổi bật là các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian.

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 92, mái tóc bạc trắng, sức khỏe giảm sút song trí tuệ của ông vẫn minh mẫn, sức viết của ông vẫn dồi dào.

Nói về hạnh phúc của cuộc đời mình, ông tâm sự với chúng tôi:

- Là con trai trưởng của cụ Tản Đà nên tôi đã quen biết, xây dựng được mối quan hệ tốt với các thế hệ văn nghệ sĩ khác nhau. Từ Á Nam Trần Tuấn Khải, Thùy Thiên Ngô Bằng Trực đến nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Tú Mỡ và thế hệ cùng thời với tôi như: nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phúc và các nhà thơ: Quang Dũng, Nông Quốc Chấn, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện v.v... Năm 1953, tôi được điều về công tác ở huyện Hạ Hòa, Phú Thọ và năm 1958 được chuyển về Ty Văn hóa Phú Thọ. Đây là hai bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Về Phú Thọ là về với vùng đất cổ Văn Lang, về với mảnh đất cội nguồn của đất nước Việt Nam, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa dân gian. Từ đó đến nay, tôi đã xác định được con đường đi của mình, đi vào con đường văn nghệ dân gian trên đất Tổ Hùng Vương.

Năm 1967, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ được thành lập. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Đặng Văn Đăng (tức nhà thơ Bút Tre), Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, Dương Văn Thâm... là những người có công sáng lập Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ và là những hội viên đầu tiên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông Đặng Văn Đăng là Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Khắc Xương được bầu làm Thư ký.

Công tác ở Ty Văn hóa và Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Nguyễn Khắc Xương đã được các đồng chí lãnh đạo quan tâm, tạo mọi điều kiện để đi về cơ sở. Với chiếc xe đạp tòng tọc, nhiều khi đi bộ, ông đã đặt chân đến gần hết các làng xã tỉnh Vĩnh Phú cũ, nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Để có tài liệu, ông đã tìm đến nghiên cứu tại 581 đền, miếu, đình nghè, trong đó có những nơi thờ tự Lạc Long Quân, bà Âu Cơ đến các vua Hùng, các tướng và bộ tướng; nghiên cứu hàng trăm thần tích ngọc phả, cùng với các di chỉ khảo cổ phản ánh về thời đại Hùng Vương.

Cuộc hành trình đi tìm cội nguồn văn hóa đất Tổ của Nguyễn Khắc Xương tuy gập ghềnh, gian khổ nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian có giá trị (Truyền thuyết Hùng Vương, Truyền thuyết Trưng Vương, Nữ tướng thời Trưng Vương, Tục ngữ ca dao dân ca Phú Thọ, Hát xoan hát ghẹo Phú Thọ....) được xuất bản.

Công trình, tác phẩm mới của ông là "Hát xoan Phú Thọ", xuất bản tháng 12 năm 2008. Đây là công trình nghiên cứu nằm trong hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Công trình nghiên cứu tổng hợp về hát xoan, trong đó có nhiều khía cạnh mới chưa ai khai thác như: ngôn ngữ hát xoan, tín ngưỡng hát xoan và phần chú thích công phu về hát xoan...

Ông còn viết nhiều bài báo, tham gia nhiều hội thảo khoa học, viết một số công trình nghiên cứu về văn hóa Việt - Mường, xuất bản 8 tập sách về Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu: "Tuyển tập Tản Đà" (NXB Văn học, 1989), "Chén rượu vĩnh biệt" (NXB Văn hóa, 1989), "Ông thần ngông" (NXB Văn học, 1990), "Tản Đà thơ và đời" (NXB Văn học, 1995), "Tản Đà một đời văn" (NXB Văn hóa, 1995), "Tản Đà trong lòng thời đại" (NXB Hội Nhà văn 1997), "Tản Đà - về tác gia và tác phẩm" (NXB Giáo dục, 2000), "Tản Đà toàn tập" (5 tập, NXB Văn học, 2002). Tập sách mới nhất của Nguyễn Khắc Xương: "Tản Đà trong văn học sử" gồm 2 tập, gần 800 trang đã được NXB Hội Nhà văn Việt Nam biên tập, xuất bản.

Viết, nghiên cứu về Tản Đà, thế mạnh của Nguyễn Khắc Xương là tư liệu, đó là những tư liệu không ai có thể có được về cuộc sống đời thường, về phong cách sống và đặc biệt là những bản thảo viết tay của Tản Đà chưa in trên sách báo, giúp ông có thể viết về cha mình một cách toàn diện và chuyên sâu, giúp bạn đọc và các nhà nghiên cứu thấy được một Tản Đà đích thực, mối quan hệ giữa tác phẩm và cuộc đời tác giả.

"Niên biểu Tản Đà" (1889-1939) là một tư liệu quý tóm tắt về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Tản Đà đã được Nguyễn Khắc Xương soạn, in trong cuốn "Tản Đà trong lòng thời đại" - NXB Hội Nhà văn 1997. Trên cơ sở đó, Trịnh Bá Dĩnh và Nguyễn Đức Mậu đã tham khảo, hiệu đính, giới thiệu trong "Tuyển tập Tản Đà - về tác giả và tác phẩm" NXB Giáo dục, 2000.

Trong số các tư liệu đó, có hai tư liệu quý, đó là hai quyển "Tản Đà văn tập", Tản Đà viết tay bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ, biên soạn năm 1913 và 1914.

Nhờ những tư liệu chính xác, Nguyễn Khắc Xương đã đính chính những nhầm lẫn, sai sót của các tác giả khác đăng trên sách báo:

Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 25/5/1889 (không phải như một số tư liệu chép là sinh năm 1888)

Nguyễn Thị Trang là con gái út của ông Kế nhưng là chị của Nguyễn Khắc Hiếu chứ không phải là em như một số người đã viết.

Viết về tiểu sử hoặc văn nghiệp Tản Đà, người ta thường nhắc đến mối tình của nhà thơ với cô gái họ Đỗ (Đỗ Thị Chính, còn có biệt danh là Kim Oanh) ở phố Hàng Bồ, Hà Nội.

Trong cuốn "Tản Đà - Thơ và đời" và "Tản Đà trong lòng thời đại", Nguyễn Khắc Xương còn cho chúng ta biết thêm ba mối tình khác của nho sinh Nguyễn Khắc Hiếu: Đó là mối tình với cô con gái út Tri phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); với cô nữ sinh ở thành phố Nam Định, kỷ niệm sâu sắc là kỷ niệm hái hoa đào có ghi trong bản "Tản Đà văn tập'' viết tay. Ba mối tình này diễn ra hầu như cùng một thời gian. Sau này, Tản Đà còn yêu cô đào Liên sắm vai Tây Thi trong vở ca kịch "Tây Thi" mà Tản Đà là soạn giả kiêm đạo diễn. Đây là mối tình thứ tư của Tản Đà - một mối tình nghệ sĩ.

Suốt cả một thời kỳ dài, từ cuối những năm 50 đến những năm 70 (thế kỷ trước), trên sách báo, Tản Đà được tập trung chú ý và tranh luận ở các mặt: giai cấp, thái độ chính trị, tư sản hay phong kiến, yêu nước hay không? Thái độ đối với thực dân Pháp như thế nào? Và cuối cùng tiêu điểm tranh luận dồn về bài thơ "Thề non nước" biểu hiện lòng yêu nước hay tình yêu lứa đôi?

Vấn đề giai cấp của Tản Đà đã được tranh luận sôi nổi trong những năm 60. Cuộc truy tìm thành phần giai cấp, ý thức hệ không chỉ nhằm xác nhận tư tưởng của đối tượng nghiên cứu, mà còn nhằm lý giải nơi bắt nguồn và góp phần định giá giá trị các bộ phận văn thơ Tản Đà. Với những lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục, Nguyễn Khắc Xương đã xếp Tản Đà vào tầng lớp nho sĩ.

Trên Tạp chí Văn học số 6/1975, Nguyễn Khắc Xương đã chứng minh một chủ nghĩa yêu nước của Tản Đà và xếp Tản Đà vào bộ phận của văn học yêu nước cùng với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Thông, Nguyễn Thiện Kế. Nguyễn Khắc Xương cũng đã chứng minh chủ đề yêu nước được thể hiện qua bài thơ "Thề non nước" của Tản Đà.

Với một tinh thần khoa học và thái độ khách quan, trung thực, Nguyễn Khắc Xương không né tránh những nhược điểm, hạn chế trong thơ Tản Đà. Trong bài "Tản Đà ngọn lửa cuối cùng của ý thức hệ phong kiến Việt Nam" (đăng trên Tạp chí Văn học số 3/1965, in lại trong "Tản Đà - Về tác gia và tác phẩm"), Nguyễn Khắc Xương viết: "Mặc dù đã cống hiến tất cả cuộc đời hoạt động kiên trì, tích cực của mình cho một sự nghiệp nhất định, có một mục tiêu nhất định, thơ ca Tản Đà về căn bản vẫn mang tính chất bi quan tiêu cực. Chính nội dung này đã tạo nên phong cách riêng của thơ Tản Đà: réo rắt lâm ly, thấm đượm một nỗi u uất".

Trong tác phẩm "Ông thần ngông", bài "Về mối quan hệ giữa Nguyễn Khắc Hiếu và Phạm Quỳnh", nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương đã trích đăng cả những lời lẽ khi mỉa mai khi cay độc về quyển "Giấc mộng con" của Tản Đà, lại có cả những lời dè bỉu của Phạm Quỳnh về văn nghiệp Tản Đà...

Trong bài "Tản Đà ngọn lửa cuối cùng của ý thức hệ phong kiến Việt Nam" (bài đã dẫn), Nguyễn Khắc Xương đã nhận định sâu sắc: "Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chính là ánh lửa rực rỡ cuối cùng của ý thức hệ phong kiến đã có hàng nghìn năm lịch sử trong xã hội ta được phản ánh vào văn học".

Trong lời bạt "Tản Đà tuyển tập", Nguyễn Khắc Xương đã có phát hiện quan trọng: "Cái mà Tản Đà đóng góp vào tiến trình văn học Việt Nam, đó là bản ngã Tản Đà. Bản ngã hiện diện, phô bày, xuyên suốt mọi tác phẩm, bản ngã sừng sững đứng, tự khẳng định, độc đáo, gai góc, sắc cạnh, một bản ngã lần đầu tự xưng danh, nói về mình, đặt mình làm nhân vật trung tâm của tác phẩm, lấy mình mà đối thoại với người đọc mình. Tản Đà đặt vào văn học một bản ngã hay nói cách khác như Xuân Diệu, một "cái tôi -individu" và bằng cách đó, cắm một cái mốc cho bước ngoặt tiến trình văn học... Cái tôi của Tản Đà là cái tôi ngông, cái tôi xê dịch và cái tôi đa tình, đó là ba chất liệu cơ bản cấu trúc thành một bản ngã có tự hiệu là Tản Đà".

Bên cạnh hai thành tựu nổi bật là các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng đất Tổ và các công trình nghiên cứu về cuộc đời - sự nghiệp thơ văn Tản Đà; Nguyễn Khắc Xương còn giới thiệu, viết nhiều bài nghiên cứu sâu sắc về các văn nghệ sĩ tỉnh Phú Thọ.

Với những thành tựu đã đạt được, Nguyễn Khắc Xương xứng đáng với các danh hiệu: Nhà "Folklore học", nhà "Phú Thọ học", nhà "Tản Đà học" xuất sắc...

Đoàn Hải Hưng
.
.