Người viết châm ngôn thời hiện đại

Thứ Ba, 09/08/2011, 08:10
"Tiền nhân: Tú Mỡ, Tú Xương/ Còn mình: tầm thường tự nhận Tú Rau/ Người đời tích của làm giàu/ Riêng tôi tích chữ mai sau dùng dần" - Đó là lời tự bạch mà Thượng tá Phạm Minh - bút danh Trang Nam Anh - đã chia sẻ thay lời đề từ cho cuốn "Viết tiếp tiền nhân", cuốn sách tập hợp hơn 500 câu thơ châm hiện đại mà ông lấy ý từ những câu ca dao, tục ngữ của cha ông để nói láy, nói nhạo những thói hư tật xấu đáng phê phán trong cuộc sống hiện đại.

Vốn là một cán bộ Công an yêu thích thơ ca, ngoài những tập sách viết riêng, đến nay tác giả Trang Nam Anh đã góp tiếng thơ của mình vào các tập sách in chung như "Nghìn năm thơ trữ tình", "Thơ hái ở Long Thành", "Đến với Thăng Long", "Thi đàn thứ 7", "Thơ Hà Nội"...

Căn nhà của ông nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh trên phố Đào Tấn, Hà Nội. Khi tôi đến, Thượng tá Phạm Minh đang ngồi ở bàn làm việc, hí húi viết gì đó trong quyển sổ ghi chép đã nhuốm màu thời gian. Chốc chốc ông lại ngước lên xem một vở kịch đang chiếu trên truyền hình. Bên cạnh ông là những đĩa nhạc có những bài hát phổ thơ của ông đã được các nhạc sĩ thu thanh vào đĩa.

Khác với suy nghĩ của tôi trước khi đến gặp ông - một cán bộ Công an đã có trên 40 năm làm nhiệm vụ chống tội phạm, nhất là thời gian gần 30 năm làm việc tại Công an quận Hoàn Kiếm, địa bàn trung tâm của Thủ đô Hà Nội - Thượng tá Phạm Minh có sự cởi mở của một tâm hồn phóng khoáng, yêu đời và quan sát cuộc đời bằng lăng kính riêng, dưới nhiều góc độ khác nhau. Ông cầm trên tay mấy tập thơ nhỏ, lật giở từng trang và kể: "Hơn 40 năm công tác trong lực lượng Công an, tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều anh chị em ở các đơn vị. Điều này giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho trang viết của mình.

Có một câu chuyện mà tôi là người chứng kiến và sau này đã đưa vào vở kịch của mình: Một buổi trưa năm 1997, tôi đang đi cắt tóc trên gác 2 chợ Đồng Xuân, bỗng có tiếng ồn ào kêu khóc… Dù trên đầu đang dính đầy tóc nhưng "máu nghề nghiệp" trỗi dậy, tôi chạy qua xem thế nào. Tại quầy bán vải, một khách mua hàng thông báo là trước đó mình có để quên điện thoại di động ở sạp vải. Những người xung quanh đều khẳng định là không thấy. Mọi người còn mắng vị khách là ở đâu đến "ăn vạ"… Sự việc đã đến thế này, tôi phải xử lý. Tôi kéo người mất điện thoại ra hỏi nhỏ: "Số điện thoại của chị là bao nhiêu?". Khi chị ta đọc số điện thoại, đồng thời tôi cũng bấm máy và gọi xem máy còn đổ chuông không, trong đám người bỗng có một cô gái giật mình nhảy cẫng lên và tiếng nhạc điện thoại cũng reo lên bên trong người cô ta. Mọi người "ồ" lên bắt cô gái kia trả lại điện thoại. Hóa ra, cô ta thấy khách để quên điện thoại, thừa cơ đã lấy rồi cho vào túi quần nhưng không biết cách sử dụng nên đã bị để lộ tẩy".

Nói về cái "duyên thơ", đặc biệt là thơ châm, Thượng tá Phạm Minh cho biết: Ông là người yêu thơ văn, ham đọc sách nên cũng thường xuyên học "lỏm" để sáng tác. Năm 2002, biết ông có một tập thơ dày dặn nhưng chưa in, các đồng nghiệp của ông như Vũ Quý Đông, Hoàng Quốc Định đã giới thiệu để ông xuất bản tập thơ "Tiếng lòng" với sự hỗ trợ của Quỹ Văn học nghệ thuật Hà Nội. Tập thơ đã được Thư viện Hà Nội tổ chức giới thiệu với sự góp mặt của nhà thơ trào phúng Lê Khả Sĩ, các nghệ sĩ ngâm thơ Linh Nhâm, Hồng Ngát… Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã làm chương trình Văn học Nghệ thuật về ba tác giả thơ trào phúng: Yên Thao, Trang Nam Anh (tức Phạm Minh) và Ngô Thi với tiêu đề: "Những trang thơ để nhớ".

Thơ của Thượng tá Phạm Minh là những xúc cảm chân thành mà ông ghi lại trên chặng đường ông đã sống, đã làm việc. Nó xuất phát từ tâm hồn nhạy cảm của một con người vốn hay quan sát cuộc đời sau những thời khắc tất bật. Đó là một lời cảm thương tới những người vô gia cư sống ở công viên trong đêm đông lạnh giá mà ông đã bắt gặp khi tan ca trực đêm trở về: "Đêm đông nghe tiếng mưa rơi/ Nhói lòng thương kẻ không nơi náu mình/ Lang thang chẳng có gia đình/ Phong phanh áo rách, một mình co ro… Nỗi niềm ai có thấu chăng/ Tiếng mưa như mối tơ giăng, giăng đầy/ Xa cơ thất thế là đây/ Phải đâu số kiếp trời đày người ơi/ Đêm dài mưa vẫn cứ rơi/ Ta trong chăn ấm, mà người không chăn"…

Sau tập thơ "Tiếng lòng" được nhiều bạn bè, đồng đội hưởng ứng, Thượng tá Phạm Minh đã có cảm hứng viết thơ ngắn theo kiểu cách ngôn. Ông kể lại: "Tôi thấy ca dao tục ngữ của ông cha với lời lẽ ngắn gọn, súc tích mà dễ nhớ đã góp phần tích cực trong việc phê phán những thói hư tật xấu làm băng hoại đạo đức xã hội, đảo lộn luân thường đạo lý, vì thế, mạn phép các cụ, trong các cuộc liên hoan, tôi thường ứng khẩu thơ châm đọc cho anh em nghe để… cùng vui. Khi tôi đọc, thấy nhiều người thích và còn chép lại để làm kỷ niệm, vì thế tôi nghĩ, tại sao mình không tập hợp lại những câu thơ ngắn này để có cái cớ tặng bạn bè. Đến nay, đã có hai tập thơ châm của tôi ra đời".

Những câu có tính châm ngôn của Thượng tá Phạm Minh đọc lên nhiều khi cười ra… nước mắt. Nó phơi bày nhiều nghịch lý của đời sống: "Cây ngay không sợ chết đứng/ không ai làm chứng chết đứng cây ngay", hay "Chưa chắc "nhàn cư" đã "vi bất thiện", nhỡn tiền khối chuyện bất thiện mà chẳng "nhàn cư", hoặc: "Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ"/ Cười không đúng chỗ chuốc khổ vào thân", rồi "Con người một miệng hai tai/ Để nghe là chính, nói dai thì đừng", "Kẻ giàu tích của đầy nhà/ Người khôn tích đức để mà tu thân"…

Với thể loại thơ châm, đến nay Thượng tá Phạm Minh đã làm được ngót nghét 1.000 câu, in trong hai tập "Viết tiếp tiền nhân" (I và II) với ba phần kết cấu rất logic: "Lẽ đời", "Chuyện nhỡn tiền" và "Nhại thơ cổ nhân". Đó là những câu thơ, những câu châm ngôn mang nhiều suy ngẫm của tác giả. Thậm chí, có lúc những câu thơ của ông khiến người ta mỉm cười thú vị vì sự đối lập của ý tứ và ngôn ngữ. Đặc biệt là phần "Viết tiếp tiền nhân" được ông đưa đẩy với những từ ngữ dí dỏm và chua chát:  "Nhậu nhẹt bạn bè, bạc trăm xem nhẹ/ Giỗ cha, giỗ mẹ suy tính từng xu", "Có đức mặc sức mà ăn/ Thời buổi khó khăn đừng vì miếng ăn lại thất đức", "Con gái mà "gả chồng gần"/ Để lúc nó cần sang "đẽo" sớm hôm"…

Tác giả Phạm Minh cho biết: Thực ra, để làm được tới 1.000 câu thơ cách ngôn thời hiện đại, đối với ông là một việc không dễ dàng. Bản thân ông phải rất cân nhắc và thận trọng nắm bắt và thể hiện được bản chất vấn đề mà không nói cụ thể con người nào, đơn vị nào, địa phương nào. Mặc dù vậy, khi đọc lên thì có người lại thấy như đang nói hộ mình. Có một câu chuyện liên quan đến những câu thơ "ứng tác" mà cho đến nay ông vẫn còn nhớ: Một trưa hè năm 1990, một người bạn của ông công tác tại Bệnh viện Hòe Nhai mời ông đi ăn trưa, sau đó dẫn đến chơi nhà một người bạn gái đồng nghiệp. Khi người phụ nữ vào bếp pha nước mời khách, Phạm Minh quan sát phòng khách và thấy có một bức tranh khá đẹp vẽ con chim sẻ đậu trên bông lau trắng trong gió tuyết. Thấy có xúc cảm, ông giở cặp lấy tờ giấy ký họa lại bức tranh và viết sáu câu thơ lục bát: "Sẻ ơi sao sống một mình/ Phải chăng em đã dứt tình với ai/ Rồi đây tháng rộng năm dài/ Những khi gian khó lấy ai đỡ đần/ Thương em thương đến vạn lần/ Biết làm sao được ở gần giúp nhau".

Khi cô ra tiếp khách, ông đã tặng cô bài thơ. Cô đọc ngay tức thì và khóc ấm ức. Khi ra về, hỏi lại người bạn mới biết hóa ra, những lời thơ ngẫu nhiên đó lại trùng khớp với hoàn cảnh của người phụ nữ lúc bấy giờ: Hai vợ chồng đang ly thân. Người chồng ở nước ngoài, còn cô thì sống ở Việt Nam cùng cô con gái bị khuyết tật. Bẵng đi khoảng hai tháng, một hôm Phạm Minh nhận được điện thoại của cô gái kia, giọng phấn khởi thông báo chồng cô đã về nước và gia đình đoàn tụ. Cô khẳng định, có được sự đoàn tụ này một phần là nhờ sự góp sức rất lớn của ông thông qua bài thơ "Con chim sẻ" khi cô gửi bài thơ sang nước ngoài cho chồng.

Bây giờ, Thượng tá Phạm Minh đã nghỉ hưu. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn bận bịu với những công việc chung, riêng của gia đình, của bè bạn nhờ cậy. Ngoài niềm đam mê với thơ ca, ông còn viết những vở kịch bản sân khấu ngắn đã được sử dụng trong các hội diễn quần chúng của ngành như: "Dọn nhà", "Chuyện cái đầu tôi", "Nhà hai ngõ", hoạt cảnh chèo: "Đêm tuần tra"… Ông khẳng định: "Tôi là một chiến sĩ an ninh nhưng ngoài công việc thì điều mà bạn bè, đồng nghiệp thường nhớ đến tôi chính là vì tôi luôn mang lại tiếng cười cho đồng đội sau những giờ khắc mệt mỏi, vất vả của nghề. Nó như một món ăn tinh thần trong giây lát bận rộn của cuộc sống". Rồi ông đọc vang mấy câu thơ như nói hộ lòng mình: "Trời bao la, đất bao la/ Biết bao nhiêu chuyện chính, tà, đục, trong/ Cùng nhau góp một tiếng lòng/ Gọi là gạn đục khơi trong với đời"

Thiên Kim
.
.