Lão nghệ sĩ Hữu Độ:

“Người tử tế không chỉ trên phim”

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:00
Nghệ sĩ Hữu Độ là một gương mặt quen thuộc với khán giả yêu sân khấu và truyền hình cả nước. Với lợi thế ngoại hình, ông thường được các đạo diễn giao cho những vai như giám đốc, viện trưởng, bí thư, thủ trưởng trong Công an, Bộ đội...

Lên sân khấu từ khi 17, 18 tuổi, giờ đây, ngoài 80 tuổi, khán giả vẫn thường xuyên được gặp ông trong các phim truyền hình. Bền bỉ làm nghề với một tình yêu không so đo, toan tính, nghệ sĩ Hữu Độ đã nhận được hạnh phúc lớn nhất ấy là tình yêu của khán giả và sự tôn trọng của các đồng nghiệp.

Nhìn Hữu Độ trên màn ảnh và gặp ở ngoài đời, ít ai nghĩ rằng người nghệ sĩ với gương mặt cương nghị, nụ cười hiền hậu ấy đã ở tuổi ngoài 80. Ông trẻ hơn nhiều so với tuổi có lẽ bởi vóc dáng khỏe khoắn, nhanh nhẹn và cách nói chuyện dí dỏm, hài hước. Trong căn nhà riêng yên tĩnh gần sông Hồng, được cùng ông xem từng bức ảnh, từng trang báo... mới thấy người nghệ sĩ ấy nâng niu từng kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Dường như với ông, tất cả những điều ấy đã trở thành tài sản vô giá, thành niềm tự hào, động viên ông cần mẫn làm nghề.

Giở cho chúng tôi xem một tờ giới thiệu chương trình từ năm 1954, Hữu Độ khi ấy đang là học sinh của Trường Nguyễn Trãi đã vinh dự vào vai Cả Khiết trong vở kịch "Cái tủ chè" công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình kết hợp của 5 trường nổi tiếng Hà Nội là Trưng Vương, Chu Văn An, Alberl Saraut, Nguyễn Trãi và Văn Lang.

Ông bảo, ngày ấy, diễn xuất hoàn toàn bằng bản năng nhưng may mắn có sự hướng dẫn của giáo sư Vũ Khắc Khoan và ông Phan Toại. Gương mặt sáng láng, vóc dáng cao ráo, thư sinh cộng thêm khả năng diễn xuất thiên bẩm, Hữu Độ thường xuyên có mặt trong các hoạt động phong trào văn nghệ của trường, của địa phương. Sau khi hoạt động ở một số đoàn kịch bán chuyên nghiệp của Hà Nội như Sông Hồng kịch xã, đoàn kịch Mùa thu, đoàn kịch Đông Phương… cùng những bạn diễn đã thành danh như Ngô Cừ, Chu Xuân Hoan, Dương Quảng… từ năm 1960, ông về Đoàn kịch nói Hà Nội, đảm nhận nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở như  "Cái máy chém", "Những người du kích", kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa"…

Trước khi trở thành diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, Hữu Độ có tới 12 năm công tác và là Trưởng đoàn nghệ thuật Tổng cục Đường sắt từ khi còn khá trẻ, phụ trách một đoàn ca múa và một đoàn kịch mang phong cách chuyên nghiệp. Có một điều mà nghệ sĩ Hữu Độ luôn tự hào là dù thay đổi nhiều đơn vị nhưng suốt hơn 50 năm qua ông đã luôn được sống với tình yêu của mình.

Một thời gian, thấy nghệ sĩ Hữu Độ ít xuất hiện hơn trên màn ảnh. Mang thắc mắc ấy tới hỏi ông, ông chia sẻ thành thực, sau bộ phim "Nếp nhà", ông chủ động từ chối một số lời mời của đạo diễn. Bên cạnh việc "Nếp nhà" lấy đi của ông khá nhiều sức khỏe vì thời gian làm phim dài trong điều kiện khí hậu nóng bức thì một trong những lý do khiến ông ít mặn mà với phim truyền hình vì cách làm phim "nhanh - nhiều - rẻ" hiện nay. Ông cho rằng: Bên cạnh những hãng phim đầu tư nghiêm chỉnh, đạo diễn tâm huyết, diễn viên yêu nghề, nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản, thông minh thì chúng ta đang có một guồng máy làm phim ẩu dẫn đến sự ra đời của nhiều phim nhạt.

Là một trong những nghệ sĩ góp mặt từ những bộ phim truyền hình đầu tiên của thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi nhận thấy có một sự thay đổi khá đáng buồn. Ngày xưa, làm phim không cẩu thả như bây giờ. Đạo diễn say sưa sáng tạo, trăn trở tìm cho bằng được diễn viên hợp vai. Diễn viên thì chịu khó nghiền ngẫm kịch bản để xây dựng nhân vật ấn tượng.

Giờ đây, nhiều đạo diễn sẵn sàng chọn diễn viên nhàng nhàng vì quen biết hoặc giảm tiền cát sê. Tôi không phủ nhận vì yêu cầu phát sóng, nhưng không vì thế mà các nhà biên kịch cho ra đời những kịch bản viết vội, những đạo diễn cho phép mình làm những tập phim sơ sài, nhân vật ngô nghê, mờ nhạt. Những diễn viên trẻ được tuyển ngay tại trường quay nên lời thoại còn chưa thuộc, nói gì tới hiểu kịch bản.

Có lần, quay xong một cảnh, thấy áy náy vì chưa thật sự ưng ý lắm, tôi đề xuất được quay lại thì đạo diễn xua tay: Thôi, thôi, thế là được rồi, không phải quay lại đâu, mất thời gian lắm. Đạo diễn cũng qua loa như vậy, thế có buồn không. Để ''hòa nhập mà không hòa tan'', giữ tự trọng nghề nghiệp, dù bất kỳ vai ngắn hay dài, tôi đều yêu cầu đạo diễn cho xem trước kịch bản. Tôi cũng thường chọn những đạo diễn say nghề, tôn trọng nghề nghiệp và hạn chế tối đa việc chạy sô đóng phim".

Nghệ sĩ Hữu Độ tự nhận mình là người may mắn khi được làm nghề cả ở sân khấu lẫn truyền hình vào những giai đoạn sôi động nhất. Ông vẫn nhớ những ngày tháng còn công tác ở Nhà hát kịch Việt Nam, có những thời điểm vở "Nhân danh công lý" diễn tới 4 suất/ ngày. Diễn viên không tẩy trang, để nguyên trang phục tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi giữa những suất diễn. Khi sân khấu rơi vào tình trạng đìu hiu, buồn tẻ thì cũng là lúc ông về hưu.

Thực ra, với nghệ sĩ thì việc nghỉ hưu hay không chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính, là chuyện trên giấy tờ, sổ sách, còn nghiệp diễn thì không phải cứ nói dứt là dứt được. Sự xuất hiện của dòng phim truyền hình thực sự là một cứu cánh cho những nghệ sĩ đam mê nghiệp diễn như ông. Khả năng diễn xuất tự nhiên, có điều kiện về mặt thời gian, nghệ sĩ Hữu Độ xuất hiện ngay từ những bộ phim đầu tiên và ghi dấu ấn trong lòng khán giả của dòng phim này như "Ngọt ngào và man trá", "Những ngọn nến trong đêm", "Luật đời"…

Khuôn mặt vuông vức, ánh nhìn cương trực và nụ cười hiền hậu, Hữu Độ thường được các đạo diễn giao cho những vai thuộc típ "người tử tế". Nào là vai giám đốc trong "Ngọt ngào và man trá", "Lẽ nào anh đã quên em", "Tổ ấm"; rồi thì vai giáo viên, viện trưởng trong "Sự huyền diệu của tình yêu", "Ảo ảnh trắng"; Cán bộ tỉnh ủy trong "Chuyện tình người lính"; vai Công an, Bộ đội trong "Thức tỉnh", "Ông tướng tình báo và hai bà vợ"…

Nghệ sỹ Hữu Độ (giữa) vai Giám đốc Công an trong phim ''Thức tỉnh''.

Xem nghệ sĩ Hữu Độ nhập vai, khán giả có cảm giác không phải ông đang đóng phim mà mọi hành động, cử chỉ đều tự nhiên như đời vậy. Ông bảo, đó cũng là tiêu chí mà ông luôn tâm niệm khi tham gia bất cứ một phim nào. "Dẫu toàn đóng vai người tốt nhưng với mỗi kịch bản, mỗi nhân vật tôi đều phải cố gắng tìm ra sự khác biệt.

Mỗi con người, trong hoàn cảnh sống khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Chịu khó tìm hiểu đời sống nội tâm nhân vật sẽ cho ra đời những cá tính khác nhau". Đóng nhiều vai "người tốt" quá, đôi khi ông cũng "thèm" được các đạo diễn giao cho các vai phản diện, nhưng hình như vì ngoại hình nên số lượng nhân vật phản diện ông đóng cũng hạn chế, như vai giám đốc hám tiền Trần Đại Hoạch trong phim truyện nhựa "Trò đùa của thiên lôi" - một ông viện trưởng thất bại trong cuộc đấu đá ở cơ quan và gặp nhiều bi kịch trong cuộc sống riêng trong - "Phía sau cái chết", hay vai bí thư hẹp hòi, thành kiến với người có tài trong "Luật đời"…

Trong gia tài phim khá đồ sộ của mình mà bản thân Hữu Độ "không thể nhớ đã đóng bao nhiêu phim", ông cũng tham gia vào không ít những bộ phim có đề tài Công an như Đại tá trong phim "Kẻ gieo mầm ác" và phần 2 của phim "Cảnh sát hình sự" có tên "Cảnh sát đặc nhiệm"…

Dù hơn chục năm trôi qua nhưng nghệ sĩ Hữu Độ vẫn còn nhớ khi vào vai Giám đốc Công an tỉnh trong "Thức tỉnh". Đó là vị giám đốc cương trực, thẳng thắn và tâm huyết với nghề. Không chỉ họp bàn chỉ đạo anh em đánh án, ông còn trực tiếp tới gặp gia đình, người thân của thủ phạm trong một vụ trọng án để cùng động viên, kêu gọi đầu hàng…

Nghệ sĩ Hữu Độ chân thành: "Vào những vai lãnh đạo trong ngành Công an, tôi không gặp khó khăn, vất vả nhiều về hành động. Nhưng cái khó là làm sao diễn cho ra cái uy, cái chất riêng của một thủ trưởng ngành rất đặc biệt này. Cũng may mắn tôi có nhiều anh em bạn bè là Công an nên thường xuyên quan sát để mang vào vai diễn sao cho gần gũi và đời nhất".

Nghệ sĩ Hữu Độ chân tình, hơn 50 năm làm nghề, ông luôn giữ cho mình tâm thế chưa bao giờ làm nghề vì miếng cơm manh áo, ngay cả những giai đoạn khó khăn nhất của đời sống. Lăn lộn, vất vả, thậm chí cả bầm dập vì nghệ thuật nhưng ông vẫn bảo toàn cho mình một tình yêu nghề nguyên sơ và bền bỉ. Miệt mài làm nghề hơn nửa thế kỷ, nghệ sĩ Hữu Độ vẫn chưa được trao tặng danh hiệu gì mà ông thường gọi đùa là "bạch đinh".

Nhưng dường như, điều ấy không khiến ông quá bận tâm. Ông vẫn luôn tự nhủ cái được lớn nhất của người nghệ sĩ là sự yêu quý của khán giả, sự tôn trọng của đồng nghiệp. Có lẽ chỉ tình yêu ấy thôi, đủ để người nghệ sĩ tóc bạc trắng ấy lại chuẩn bị cho sự quay lại ở một dự án phim mới "Những ngọn nến trong đêm", sẽ khởi quay trong thời gian không xa.

Thảo Duyên
.
.