Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán:

Người tìm về ngọn nguồn văn hóa truyền thống

Thứ Sáu, 30/01/2015, 08:00
Sinh năm 1915 tại Hà Nội, trong một gia đình có nhiều đời làm nghề dạy học, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán đã được bồi đắp tinh hoa cổ học từ nhỏ. Lớn lên, ông lại theo học luật ở trường Tây. Vì thế, ông tinh thông cả tiếng Hán, tiếng Nôm lẫn tiếng Pháp và đó là cơ sở để ông nghiên cứu đủ các loại sách ta, sách Tây. Với phông kiến thức văn hóa hiếm có, ông trở thành người đi đầu trong nhiều công trình nghiên cứu biên khảo về Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, bằng tâm huyết của một nhà trí thức lớn, ông đã làm rõ và chỉnh sửa nhiều vấn đề quan trọng về địa lý- văn hóa Hà Nội. Ông còn nổi tiếng là một dịch giả thơ Hán Nôm từ hơn nửa thế kỷ trước với bút danh Tảo Trang.

Khiêm nhường và nho nhã, tinh tế và uyên thâm, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán mang phẩm hạnh của bậc trí giả lớn trọn đời tận hiến lặng thầm cho văn hóa dân tộc. Ông là nhà Hán Nôm học, nhà Hà Nội học được giới chuyên môn kính nể và là một trong những trí thức tiêu biểu. Chính sự khiêm nhường đúng cốt cách của một nhà nho đất kinh kỳ đã khiến không thật nhiều người biết đến ông.

Gần trọn một thế kỷ nay, Vũ Tuân Sán vẫn sống giản dị trong một con ngõ sâu hun hút của làng Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Không gian làng quê truyền thống Hà Nội đậm đặc ở đây nâng niu và gìn giữ sự thanh khiết của một tâm hồn trí thức tiêu biểu. Cuối con ngõ bé xíu, sau chiếc cổng nhỏ rủ những sợi tơ hồng nhiều màu và những hàng cây xanh mát bao bọc, là nơi ở của ông. Đúng như mong muốn của bậc tiền bối trong dòng họ Vũ hơn một thế kỷ trước khi xây chiếc cổng đã  đắp nổi chữ "Đường Viên" bằng Hán tự, với mong muốn cháu con luôn đoàn kết, yêu thương, giờ đây, cả 8 gia đình của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán vẫn quây quần, chen giữa những mảnh vườn nhỏ trồng đủ lan, quất, đào, mai. Ông bảo, Hà Nội càng đô thị hóa, càng cần gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp, giá trị nhất của người Hà Nội và đó là một vấn đề lớn của hôm nay.

Ở tuổi 100, nhưng nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán vẫn rất minh mẫn và hóm hỉnh. Ông ngược thời gian, kể về những năm tháng đã xa xưa trong cuộc đời mình. Học Luật trường Tây và đã có một thời gian làm ở Tòa án, nhưng rồi, do hoàn cảnh ông lại chuyển sang công tác ở Sở Văn hóa Hà Nội, làm công tác bảo tồn bảo tàng. Hoàn cảnh chỉ là cái cớ, quan trọng là bản thân ông có ý thức về cổ học, nên ông đã có một nền tảng văn hóa sâu rộng, đáng nể trọng. Từng được bồi đắp vốn văn hóa truyền thống, ông hiểu rằng việc mình làm rất có ích cho mai sau, nên rất đam mê công việc mới mẻ này. Ông thường đạp xe đi khắp nơi, tìm hiểu và thu thập những tư liệu quý, những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Và nhiều vấn đề lịch sử đã được làm rõ trong những chuyến đi như thế. Có chuyến điền giã dân gian, ông tình cờ gặp một người biết tích về truyền thuyết 13 trại ở Hà Nội. Vậy là ông lập tức tìm hiểu cả trong dân gian lẫn trong sử sách, để làm sáng rõ một huyền tích bấy lâu nay. Vốn tiếng Hán và văn học cổ uyên thâm đã tiếp sức cho ông trong công việc còn nhiều bí ẩn về văn hóa và lịch sử Hà Nội này, để ông cho ra đời nhiều công trình quý: "Hà Nội xưa và nay", "Thơ chữ Hán Nguyễn Du", "Hà Nội nghìn xưa" (đồng tác giả), "Danh nhân Hà Nội" (đồng tác giả). Tên tuổi ông xuất hiện rất nhiều trên các tạp chí khoa học uy tín, khi là tác giả của hàng chục báo cáo khoa học, luận văn, nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán.

Với tinh thần làm việc nghiêm cẩn, ông dành mấy chục năm để tra cứu điển tích, tìm hiểu sâu về lịch sử văn hóa Thăng Long qua nhiều thời kỳ và có những nghiên cứu mới về việc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long  thời Lý - Trần. Bằng các tư liệu mà ông dày công thu thập được, ông đủ bằng chứng để khẳng định, Hoàng cung thời Lý-Trần nằm ở vị trí mà phát lộ khảo cổ học gần đây tìm thấy. Cho đến khi những nghiên cứu của ông được công bố, mọi người mới biết rằng, lâu nay, chúng ta đều tưởng núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo, nhưng thực ra đó là núi Sưa, còn núi Nùng nằm trong hoàng thành Thăng Long, là nền điện Kính Thiên xưa và đã bị Pháp phá dỡ năm 1886.

Ông còn là tác giả của một loạt công trình nghiên cứu về các sự kiện, như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung, hay các nhân vật lịch sử như Phạm Tu, Phùng Hưng, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Quý Ðức, Bùi Huy Bích, Phạm Ðình Hổ... Mỗi công trình của ông đều là kết quả của một tình yêu thẳm sâu với Hà Nội, được thể hiện qua phong cách nghiên cứu khoa học, tỉ mỉ, đầy tinh thần trách nhiệm của một nhà trí thức lớn. Từ những công trình của ông, nhiều tư liệu, di sản quý đã được kịp thời phát hiện, để lưu giữ, "giành giật" với thời gian, thiên nhiên và ý thức con người.

Những năm 1960, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán đã cùnng với các cụ Hoàng Tạo, Hoa Bằng dịch, phiên âm và chú thích cuốn "Thơ Đường" gồm 600 bài của NXB Văn hóa và đó chính là bản dịch thơ Đường rất uy tín. Ở công trình hiệu đính "Thơ chữ Hán" của Nguyễn Du, ông chú thích rất cặn kẽ, giúp người đọc hình dung được rõ hơn cả về lịch sử lẫn những địa danh trong quá khứ: "Rất tiếc Đại Nam nhất thống chí và cả Đồng Khánh địa dư chí chỉ ghi tên Nông giang, không có tên Phú Nông giang. Nhưng sự hiện diện của "cổ lũy" trong thơ cho biết nơi đây từng là chiến địa và nơi nhà thơ từng sống nhiều năm (1789-1795) tại nhà vợ ở huyện Quỳnh Côi có sông Luộc chảy qua, cho phép tin rằng Phú Nông Giang trong thơ với Nông giang trong Đại Nam nhất thống chí là một".

Với một tình yêu lớn với văn hóa Hà Nội, từ năm 1970, ông đã cùng các nhà nghiên cứu Chu Hà, Phạm Hòa sưu tầm và biên soạn cuốn "Ca dao, ngạn ngữ Hà Nội", cùng giáo sư Bùi Văn Nguyên viết "Truyền thuyết ven Hồ Tây"... Không thể không nhắc đến công trình"Hà Nội xưa và nay" dày gần 1.000 trang của ông, bởi đây là một công trình tổng hợp về văn hóa và con người Hà Nội rất phong phú, ra đời từ sự nghiên cứu công phu, khoa học, sự tìm tòi, khám phá, đã được giới chuyên ngành thừa nhận. Ông cũng có công rất lớn góp sức vào sự phát triển của Viện Hán Nôm từ những ngày đầu thành lập. Nhắc về ông, nhà thơ Đỗ Trung Lai, một người có nghiên cứu về cổ văn trầm trồ: "Vũ Tuân Sán là một trong những người nghiên cứu cổ văn hay nhất của Việt Nam, một nhà nghiên cứu Hán học tử tế".

Đã bao năm, ông vẫn sống với những pho sách của cổ nhân và của nhiều nền văn hóa, không ngừng cho ra đời những công trình khảo cứu thâm sâu đặc biệt có giá trị. Ở tuổi 100, ông không còn có thể đi lại dễ dàng như trước, nhưng lòng đam mê với vốn cổ vẫn là động lực để ông miệt mài nghiên cứu. Khi tới thăm ông, chúng tôi đã ngạc nhiên khi vẫn thấy ông ngồi đọc sách. Người ông bé nhỏ lọt thỏm giữa những chồng sách cổ, đôi mắt không còn tinh anh nên đã phải dùng kính lúp và đèn pin để rọi những chữ Hán trên những trang giấy rất mờ một cách cẩn trọng. Thì ra, ông đã dành cả tháng trời chỉ để viết một bài giải thích 4 chữ Hán đắp trên cổng đền Hùng "Cao Sơn cảnh hành" đang gây tranh cãi trên báo chí, để mọi người hiểu rằng, cần phải dịch đúng là "thực hiện sự tri ân ngưỡng mộ nền đạo đức cao vời của các vị thờ trên đền bằng cách trau dồi phẩm hạnh sáng ngời trong cuộc sống", chứ không phải dịch là "Núi cao phẩm hạnh sáng đẹp".

Chợt nghĩ đến cách làm báo với tốc độ quá nhanh của hôm nay, mà thêm ngưỡng mộ ông -một trí thức lớn vẫn luôn trân trọng từng con chữ của cổ nhân và của chính mình. Giờ đây, ông vẫn như con ong lặng lẽ hút mật dâng đời mà quên cả ngơi nghỉ. Càng thêm hiểu về điều mà nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội nói về ông: "Năm nay 100 tuổi, cụ như ánh vàng son còn lại của một thế hệ kết hợp được trong mình cả phần tinh túy của văn hóa phương Đông và phương Tây". Với những đóng góp lớn cho đời, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán đã được trao Giải thưởng Lớn Giải Bùi Xuân Phái vào tháng 8/2014 -món quà dành cho ông, một trong những trí thức tiêu biểu của nước ta.

Xin được kết bài viết bằng lời đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi mừng thọ ông 100 tuổi vào đầu năm 2014: "Là cử nhân Tây học, nhưng cụ say sưa, kiên trì, đi về với ngọn nguồn văn hóa dân tộc, trở thành một trong những nhà Hán Nôm học - Hà Nội học kỳ cựu, có nhiều đóng góp bằng các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật có giá trị. Cụ đã nêu một tấm gương sáng trong việc cổ vũ thế hệ trẻ kế thừa khí phách và những giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha ta".

Dạ Miên
.
.