Người tiếp tục vinh danh trận chiến Stalingrad

Thứ Hai, 30/05/2005, 08:01

“Nghiêm túc mà nói thì đề tài chiến tranh không rời khỏi tôi trong suốt những năm hậu chiến. Nó đã sống và luôn luôn sống trong tôi có dễ đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Bởi lẽ bản thân nó là một phần của đời tôi mà lại là phần đáng kể nhất.”, nhà văn lão thành Nga Mikhail Nikolaevich Alekseev, tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ dài 2 tập “Stalingrad của tôi” nói.

Nhà văn Mikhail Nikolaevich Alekseev, Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, giải thưởng quốc gia Liên Xô, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như “Những người lính”, “Bánh mì là một danh từ”, “Vực anh đào”, “Liễu chẳng khóc buồn” (đã được in ở Việt Nam)… Ông đã tham gia chiến tranh vệ quốc từ ngày đầu khói lửa cho đến khi toàn thắng, đã dũng cảm chiến đấu tại mặt trận Stalingrad và được gắn huân chương ngay trên chiến trường này.

Nhà văn tâm sự: Khi tôi vừa bắt tay vào viết cuốn truyện này thì tôi bỗng sực nhớ ra rằng thành phố Stalingrad đã dần dần biến khỏi bản đồ và các pho Bách khoa toàn thư. Thay vào đó là một cái tên: VOLGOGRAD. Một số người đã gọi trận đánh ở Stalingrad là trận Volgograd. Điều đó khiến tôi khó chịu và cảm thấy mình bị xúc phạm sâu sắc. Một số người khác đa mưu túc kế đã bịa ra một cái tên khác: “Trận đánh trên bờ sông Volga”. Nhưng trên bờ sông Volga có nhiều trận đánh, chẳng hạn trận Kalinin, tuy không có quy mô đồ sộ như trận Stalingrad, song cũng rất ác liệt và cướp đi nhiều sinh mạng. Còn trận Stalingrad thì chiếm lĩnh sông Volga từ Astrakhan tới gần Saratov.

Lại nữa, điều này còn quá đáng hơn: Người ta đã khẳng định một cách xuyên tạc rằng trận đánh chủ yếu của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 hoàn toàn không phải diễn ra trên bờ sông Volga mà ở Novorosisk, ở vùng Đất nhỏ. Các sự kiện lịch sử được lý giải méo mó, xuất phát từ ý đồ muốn chiều lòng một vài cá nhân có quyền lực. Trong những điều kiện phức tạp ấy, tôi đành gác lại cuốn sách đã bắt đầu viết và chờ đợi, và chính tôi đã làm như vậy trong suốt 30 năm qua. Song không thể cứ im lặng mãi được khi mà công việc đã khởi sự không để cho ta yên, khi mà công việc đó ta thấy vô cùng quan trọng. Và mới đây, tôi càng tin rằng nó hết sức quan trọng”.

Đầu tháng 2 năm 1993, Alekseev hoàn toàn bất ngờ khi nhận được lời mời của một số vị thị trưởng các thành phố bên Pháp. Họ mời ông không chỉ với tư cách là một nhà văn mà chủ yếu với tư cách là người tham dự trận đánh Stalingrad nhân dịp nó tròn 50 năm (1943-1993). Và nhà văn đã phát hiện ra rằng cả nước Pháp đã long trọng kỷ niệm ngày lịch sử đó. ở tất cả những nơi mà ông đến thăm, mọi người đều đồng thanh nói: “ở đó, trên bờ sông Volga, các bạn không chỉ cứu bản thân mình mà còn cứu cả những người Pháp chúng tôi nữa. Giá như các bạn được nhìn thấy bọn Đức đã trở nên ỉu xìu như thế nào khi chúng được biết tin về sự đại bại của tập đoàn quân thứ 6 ở Stalingrad do thống chế Paoluyt chỉ huy”.

Stalingrad của tôi” là tác phẩm mang tính chất tự thuật, trong đó không có các nhân vật hư cấu. Khi có người hỏi Alekseev: “Có bao nhiêu chiến sĩ của ta nằm lại ở nơi đây?”. ông đã trả lời: “Chẳng lẽ có thể đếm được những con sóng vỗ vào bờ hay sao? Tôi cho rằng mỗi một người lính tham dự trận đánh này, từng có mặt trên bãi chiến trường một chốc lát, một giờ hay một ngày đều có quyền coi mình là người bảo vệ Tổ quốc và tự hào nói rằng “STALINGRAD của tôi”. Có thể nói rằng nếu bố mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất vào năm 1918 thì tôi đã được tái sinh lần thứ hai tại mặt trận ác liệt này, vào tháng giêng năm 1943, khi quân ta chiến thắng ở Stalingrad”.

Chính chuyến đi thăm nước Pháp đó của Alekseev, chính tình yêu mãnh liệt và lòng khâm phục vô bờ của những người châu Âu đối với cái thành phố đã đi vào huyền thoại và trở thành niềm tự hào chung của cả loài người, đã tiếp lửa cho nhà văn, đã khơi dậy nguồn cảm hứng mãnh liệt để ông viết tiếp và hoàn thành xuất sắc bộ tiểu thuyết sử thi ca ngợi chiến công bất tử của quân dân Liên Xô tại mặt trận Stalingrad anh hùng 

Lê Sơn
.
.