Người suốt đời chỉ "vị" thơ hay

Thứ Hai, 12/06/2006, 14:00

Từ mấy chục năm nay, anh em làng văn vẫn xì xầm, “sang tai nhau” một bài thơ khá là hiểm ác, nghe đồn của nhà thơ XS, với nội dung bỉ báng sự “xu thời” của tác giả “Thi nhân Việt Nam”. Và rồi, bài thơ ấy đã bất thần xuất hiện trên một bài báo với lời đề dẫn.

Nội dung bài thơ như sau (xin được viết tắt tên nhân vật chính):

“Với tác giả Thi nhân Việt Nam, XS viết hơi “ác” thế này:

Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/ Thi nhân còn một chút duyên/ Lại vò cho nát, lại lèn cho đau/ Bình thơ tới thuở bạc đầu/ Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình/ Giật mình mình lại thương mình/ Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.

Viết xong, XS đọc cho hai người con của Hoài Thanh là Từ Sơn và Phan Hồng Giang nghe. Vốn là bạn bè, họ đều ái ngại cho XS, không ai dám đọc lại cho cha mình vì sợ cụ giận. Nhưng rồi bài thơ ấy vẫn đến tai Hoài Thanh. XS biết là ông cụ bực lắm, nên anh cũng hoảng, không dám gặp mặt. Ngày Hoài Thanh ốm nặng nằm viện sắp mất, XS đắn đo mãi, rồi nhờ một người con dâu của cụ Hoài Thanh xin phép cụ được vào thăm. Hoài Thanh nhận lời ngay. Lúc chỉ còn hai người bên giường bệnh, nhà văn Hoài Thanh đã nói lời cảm ơn, rồi khen XS là người sống có tình. Cụ nói với XS: Về cái chân dung ấy mà... anh viết thế tôi đau lắm, nhưng mà cũng không sai. Tôi chỉ xin anh sau này có in thì chữa lại một chữ ở câu thứ hai: Nửa đời sau lại vị người ngồi trên thành Nửa đời sau phải vị người ngồi trên.

XS thừa nhận: Cho dù cụ Hoài Thanh chấp nhận, nhưng từ đó ông luôn cảm thấy mình đã làm điều không phải với tác giả Thi nhân Việt Nam”.

Bài báo in ra, ngay lập tức phải hứng chịu phản ứng của dư luận, đặc biệt từ phía gia đình tác giả “Thi nhân Việt Nam”.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Từ Sơn, con trưởng của cụ Hoài Thanh.

Phóng viên (PV): Ông được nhà thơ XS đọc cho nghe bài thơ ấy tự khi nào? Và phản ứng ban đầu của ông?

Nhà phê bình văn học Từ Sơn (TS): Tôi gặp XS  lần đầu là tại Vũng Tàu năm 1985, trong khi cha tôi mất từ năm 1982. Nên nói trước đấy tôi được ông XS đọc cho nghe bài thơ và tôi “ái ngại” cho ông ấy, thay vì phẫn nộ cho cha mình, là điều hoàn toàn bịa tạc!

PV: Việc ông XS vào thăm cụ nhà và chuyện cụ đề nghị sửa một chữ trong bài thơ, ông có nghe người nhà nói tới bao giờ không?

TS: Không! Đây là lần đầu tôi nghe có chuyện ấy. Ngày cha tôi ốm, tôi túc trực thường xuyên bên giường bệnh, ông XS vào tôi phải biết chứ. Tôi đã cẩn thận xem lại tất cả những ảnh gia đình chụp trong những ngày ấy, nhưng không thấy ông S đâu cả. Cũng có người bảo tôi, có thể ông ấy lẻn vào với cụ lúc nào mà gia đình không biết. Điều này, bạn có thể hỏi Minh Tâm, vợ cũ của Phan Hồng Giang, em trai tôi. Khi cụ ốm, cô ấy cũng thường xuyên chăm nom, hầu hạ bên giường bệnh. Nhưng tôi thì cho rằng không có chuyện ấy. Ông XS “láu cá”, nói chỉ có ông ta với cụ, là có ý để những gì ông ta tung ra không ai phản bác được, vì chuyện chỉ hai người biết, mà cha tôi thì mất rồi...

PV: Giả dụ chuyện ông XS và cụ Hoài gặp nhau là thật, liệu theo ông, có thể xảy ra khả năng cụ Hoài đề nghị ông XS sửa câu thơ như bài báo trên đã nói không?

TS: Không bao giờ! Tôi sống nhiều năm với cha tôi, tôi hiểu cụ là người khảng khái, trung thực, suốt đời chỉ “vị” thơ hay. Vả chăng, nói cụ nửa đời sau lại vị người ngồi trên thì nhân cách cụ đã kém rồi, bảo cụ đề nghị chữa thành phải vị người ngồi trên thì nhân cách cụ càng kém nữa. Nói thế chẳng hóa cụ đổ tội cho lãnh đạo, “tội” càng nặng thêm. Sự thật, ai bắt cụ phải “vị” người ngồi trên? Và ai bắt được cụ? Về quan điểm của cha tôi đối với mấy câu vè này, tôi đã đề cập trong bài “Lời cuối sách” in ở cuốn “Thi nhân Việt Nam” tái bản mươi năm trở lại đây. Bạn có thể tìm đọc, tham khảo. Cũng nên gọi điện hỏi thêm Minh Tâm. Cô con dâu mà ông XS nhắc đến trong bài là cô ấy đấy.

Theo chỉ dẫn của nhà văn Từ Sơn, tôi bấm máy liên hệ với bà Minh Tâm, hiện làm việc ở báo Người cao tuổi. Mặc dù không còn là dâu con trong nhà nhưng nhắc đến cụ Hoài, bà vẫn nguyên một niềm yêu kính.

Bà Minh Tâm (MT) khẳng định: Việc anh XS vào thăm cụ Hoài khi cụ ốm nặng là có thật. Không phải anh ấy “lẻn” đi một mình, mà đi đàng hoàng, với tư cách thủ trưởng của con dâu cụ. Khi ấy anh XS là Phó giám đốc nhà xuất bản, còn tôi là biên tập viên. Tuy nhiên, việc anh XS nói chỉ mình anh và cụ là bịa. Anh nói chuyện với cụ thế nào, tôi chứng kiến hết. Cũng chỉ là việc thăm hỏi sức khỏe, rồi chuyện nghề. Cụ Hoài tế nhị không đả động đến bài thơ kia. Buổi gặp ấy đã khiến anh XS xúc động và có những nhận định khác về cụ. Vì gặp Hoài Thanh, anh ấy tưởng thế nào, không ngờ hoàn cảnh sống của cụ tội nghiệp quá. Cả nhà 7 người chen chúc trong một căn buồng vẻn vẹn 30m2. Nói đây để anh biết, người ta vẫn nghĩ cụ chơi thân với nhiều ông “cốp”, hẳn cuộc sống phải khác. Mấy ai biết, khi ông Tố Hữu, bấy giờ là Phó thủ tướng tới thăm cụ, gói quà cũng chỉ là hai hộp sữa bò và một cân đường trắng. Nhắc lại thế để thấy thời bao cấp mọi người sống khổ quá. Và nếu cụ có “vị” ai cũng là “vị”... thơ thôi.--PageBreak--

PV: Như vậy, chuyện cụ Hoài đề nghị ông XS sửa một chữ trong bài thơ là do ông XS “tưởng tượng” ra? 

MT: Tôi có thể khẳng định một nghìn phần nghìn là anh XS bịa. Đấy là “dị bản” của anh XS. Tôi nhớ, sau hôm đến thăm cụ, anh ấy có bảo với tôi là nhìn cụ sống tội quá, anh ấy sẽ sửa câu thơ về cụ. Nhưng không hiểu sao sau này công bố bài thơ, vẫn thấy anh ấy giữ nguyên. Còn cụ Hoài, đúng như anh Dũng (tức Từ Sơn) đã thuật lại ở phần lời bạt cuốn “Thi nhân Việt Nam”, cụ cũng chỉ bình phẩm về bài thơ của anh XS là: “Tay này nó biết mình mê Kiều nên nó dùng lối lẩy Kiều để vẽ chân dung mình thì khéo thật. Tuy vậy câu thứ hai nói oan và nói ác quá”. Không có chuyện cụ cảm ơn và xin sửa thơ như anh XS kể đâu.

Tìm đọc bài viết của nhà phê bình Từ Sơn, chúng tôi nhận thấy, trong những năm tháng cuối đời, cụ Hoài Thanh rất phiền lòng về những điều tiếng người đời quàng buộc cho mình. Đây là những lời gan ruột cụ thổ lộ với người con trưởng, cũng là đồng nghiệp của cụ: “Một đời làm nhà văn, cha chỉ muốn tìm cái hay cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của cha. Vậy mà cha đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu, người ghét. Thậm chí cha còn bị vu cáo, bị người ta nói oan. Cha biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình” (“Thi nhân Việt Nam”-NXB Văn học, 2001).

Là người từng có lúc mon men tới địa hạt phê bình, thực lòng tôi rất muốn tìm hiểu lý do nào đã khiến nhà phê bình lỗi lạc của chúng ta phải gánh chịu “nỗi oan” như cụ đã thổ lộ ở trên. Phải chăng vì cụ “nặng” về ca ngợi các “vị quan làm thơ”? Nhưng còn hàng loạt bài cụ khám phá, phát hiện về các cây bút trẻ như Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy... thì sao? Tôi đem chuyện này trao đổi với một người con trai khác của cụ - Tiến sĩ, dịch giả Phan Hồng Giang (PHG).

PV: Vấn đề không phải viết về ai mà là viết như thế nào. Đọc những bài cụ Hoài viết về thơ Sóng Hồng, thơ Xuân Thủy, tôi thấy cách đánh giá của cụ cũng chừng mực. Thậm chí, có chỗ cụ phê thơ Sóng Hồng như “chính luận, chưa phải là thơ”, có chỗ câu thơ còn “cứng”. Cụ Xuân Thủy cũng có chỗ bị phê là dùng chữ “dễ dãi”. Ông Nguyễn Đình Thi đường đường là Tổng thư ký Hội Nhà văn, cụ vẫn nhận xét rằng “Thơ hay của Nguyễn Đình Thi không nhiều”. Vậy ý kiến cho rằng cụ “xu thời” xuất phát từ đâu?

PHG: Tôi cho rằng ý kiến này xuất phát từ mấy vị thời tiền chiến. Các vị này trong những năm kháng chiến vẫn ra sách đều, song hiếm khi được cụ viết bài khen. Trong khi cụ có cả chùm bài viết về tất cả các tập thơ của Tố Hữu. Điều này rất có thể làm một số vị cay cú, gán tiếng xấu cho cụ là nịnh cấp trên, trong khi sòng phẳng mà nói, thơ ca kháng chiến thì Tố Hữu vẫn là “đầu bảng” chứ. Cụ Hoài viết nhiều về thơ Tố Hữu vì thực lòng cụ thấy thơ Tố Hữu hay. Cũng cần nhắc thêm là cụ Hoài với ông Tố Hữu rất thân nhau. Đã có lần trong một bữa cơm, Tố Hữu đã phải thốt lên với bà Thanh, vợ ông: “Lạ thật, trong đời anh, ba người thân nhất đều tên là Thanh”. Ý ông muốn nói tới bà Nguyễn Thị Thanh - bạn đời của ông; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - bạn chiến đấu của ông; và Hoài Thanh - bạn đồng nghiệp của ông.

PV: Viết nhiều, và phân tích say sưa về thơ Tố Hữu, song cụ Hoài lại không phải là người thích dùng những từ ngữ to tát như “thiên tài”, “vĩ đại” để suy tôn nhà thơ này, như một số nhà phê bình “ít điều tiếng” khác từng làm?

PHG: Đúng vậy. Tất cả chỉ vì một số người không chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn, soi vào từng con chữ văn bản, mà chỉ thích nghe hóng hớt rồi cứ thể đồn thổi. Thử hỏi, bảo cụ là nhà phê bình “nô bộc” của các vị quyền chức, vậy giải thích sao việc cụ phát hiện, nâng đỡ biết bao cây bút trẻ. Như trường hợp Lưu Quang Vũ, mới 19 tuổi đã được cụ giới thiệu cả trang trên báo Văn Nghệ. Hiện ở nhà tôi còn giữ một tập thơ Xuân Diệu tặng cụ với dòng lưu bút “Đòi được có bài phê bình hay”. Song cụ có viết đâu?

PV: Trở lại một chút với mấy chữ trong bài thơ XS. Theo tôi, nói cụ Hoài “Bình thơ tới thuở bạc đầu/ Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình” là không thấu tình, đạt lý, bởi trong nhiều bài viết về cụ, các nhà phê bình đều thống nhất nhận xét cụ là người bình thơ “đôn hậu”, “thể tất nhân tình”, bởi tạng của cụ là thích bình cái hay, chứ ít phê, đặc biệt không có kiểu phê cay nghiệt như một số người?

PHG: Rõ ràng là như vậy. Cho nên anh XS mới nói anh ân hận, cảm thấy mình làm điều không phải với cụ. Chỉ tiếc là anh nói thế song sau này vẫn đưa bài thơ vào trong tập và vẫn công bố trên báo chí

.
.