Người "soán ngôi" của danh họa Picasso

Thứ Bảy, 17/03/2012, 08:00
Họa sĩ Trung Quốc Trương Đại Thiên đã vượt vị trí của danh họa Picasso, trở thành người có tranh bán chạy nhất thế giới trong năm 2011.

Chúng ta đều biết, danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso là người lập nhiều kỷ lục: Có tranh bị đánh cắp nhiều nhất; tranh bán chạy nhất và nhiều tranh lọt vào tốp cao giá nhất. Tuy nhiên, theo một thông tin do Công ty Art Price  - một công ty thông tin thị trường nghệ thuật hàng đầu thế giới - đưa ra mới đây thì trong năm 2011 vừa qua, người đứng đầu vị trí có tranh bán chạy nhất thế giới không phải là Picasso (Picasso từng dẫn đầu mười mấy năm liên tiếp, từ 1997 đến 2010), mà là một họa sĩ Trung Quốc có tên Trương Đại Thiên. 

Trương Đại Thiên sinh năm 1899, mất năm 1983. Tên tuổi ông chưa được biết đến nhiều trên thị trường tranh quốc tế, nhưng ông rất nổi tiếng ở Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay. Tranh của ông kết hợp hài hòa giữa các yếu tố phương Đông và phương Tây. Không chỉ nổi tiếng về tranh, Trương Đại Thiên còn nổi tiếng về thư pháp, khắc triện và thi từ.

Trong năm 2011, đã có 1371 tác phẩm của họa sĩ Trương Đại Thiên được bán ra với doanh thu lên tới 506,7 triệu đôla. Đứng vị trí thứ hai cũng là một tác giả Trung Quốc: Họa sĩ Tề Bạch Thạch (1864-1957), với doanh thu từ tranh là 445,1 triệu đôla. 6 trong số 10 họa sĩ có tranh bán chạy nhất trong năm là người Trung Quốc. Họa sĩ Mỹ Andy Warhol, với doanh thu từ tranh là 325 triệu đôla đứng ở vị trí thứ ba. Đứng ở vị trí thứ tư là danh họa Pablo Picasso (với tiền bán tranh thu về là 311,6 triệu đôla).

Điều đáng ghi nhận là giá tranh của các họa sĩ Trung Quốc ngày càng có những cú bứt phá ngoạn mục. Tất nhiên nó được hỗ trợ bởi Trung Quốc là một thị trường tranh tiềm tàng, với dân số đông và ở Trung Quốc đang ngày càng xuất hiện nhiều tỉ phú đôla (hiện nước này đang là thị trường nghệ thuật trọng điểm của thế giới, chỉ sau Anh và Mỹ). Nếu như trước năm 2009, vị trí cao nhất mà một họa sĩ Trung Quốc đạt được (về mặt doanh thu so với thế giới) chỉ ở hạng 22, thì đến những năm sau, tình hình đã được cải thiện nhiều. Năm 2009, Công ty Art Price đã có thể ra thông báo: Họa sĩ Trung Quốc Tề Bạch Thạch đứng ở vị trí thứ 3 trong số các họa sĩ có tranh bán chạy nhất tại các nhà đấu giá nghệ thuật trên toàn thế giới. Thậm chí, ở thời điểm các nhà đấu giá tranh thế giới tại New York và London đều rơi vào cảnh làm ăn ảm đạm, "sa sút" phong độ thì tại thị trường nghệ thuật Trung Quốc, việc mua bán các họa phẩm của Tề Bạch Thạch vẫn diễn ra sôi động.

Theo nhận định của giới chuyên môn thì tranh của Tề Bạch Thạch thu hút người yêu nghệ thuật bởi bút pháp phóng túng, chủ đề đa dạng, từ cuộc sống đời thường của người lao động đến cỏ cây, muông thú… Ngoài ra, nguồn cung tranh của Tề Bạch Thạch cũng khá dồi dào do lúc sinh thời, ông vẽ nhiều và luôn giữ được phong độ sáng tạo. Chỉ tính trong năm 2009, lượng tranh được tiêu thụ của ông đã cao gần gấp đôi so với năm 2008. Riêng loạt tranh về hoa và côn trùng của ông đã đem về doanh thu hàng mấy chục triệu đôla.

Không chỉ người Trung Quốc mua tranh của các họa sĩ Trung Quốc, hiện các nhà sưu tập Âu, Mỹ cũng rất quan tâm tới các họa sĩ (cả cổ điển lẫn đương đại) Trung Quốc. Patti Wong - Chủ tịch Hãng đấu giá Sothebys tại Châu Á cho hay: Nếu như 20 năm trước, những người Mỹ làm việc tại Trung Quốc mới tìm mua tranh Tề Bạch Thạch thì hiện nay, tranh của Tề Bạch Thạch đã trở thành một phần không thể thiếu trong bất cứ bộ sưu tập lớn nào về nghệ thuật Trung Hoa.

Rõ ràng, điều đó cho thấy một xu hướng mới trong chuyện sưu tập tranh hiện nay…

Nguyễn Cẩn
.
.