Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm:

Người “say” cuộc sống đời thường

Thứ Năm, 01/10/2015, 10:34
Sinh năm 1948, quê gốc ở Hải Hậu, Nam Định, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm là cái tên quen thuộc trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Người anh trai, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển là người đi tiên phong trong lĩnh vực ảnh thời công nghệ số (photoshop) ở Hà Nội. Hai anh em say chụp ảnh từ những năm 60 của thế kỷ trước, với chiếc máy ảnh Feetd giản đơn của Liên Xô cũ. Và cho tới hôm nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm vẫn ngầm tự hào khi mình đã chọn đúng con đường đến với nhiếp ảnh nghệ thuật.

Cuộc đời mỗi người để đi đến thành công nào cho dù là nhỏ, cũng đều phải trải qua nhiều thử thách, sóng gió cuộc đời. Trước khi cầm máy, Lại Diễn Đàm học hội họa ở Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội, nay là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; lại say học đàn violon cũng tới 4,5 năm; rồi về công tác ở Sở Văn hóa Hà Nội, làm anh họa sĩ vẽ panô, ápphích.

Chán vẽ những thứ treo trên đường phố, Lại Diễn Đàm nhảy sang vẽ phông màn cho sân khấu tuồng của Đoàn Tuồng Liên khu 5 khoảng hơn một năm. Sau đó về công tác lâu nhất ở Bộ Nội thương (1973-1992), làm anh cán bộ tuyên truyền. Trải vài nơi công tác cho dù nhiều khi hoàn cảnh không mấy thuận lợi, nhưng niềm ham thích chụp ảnh không bao giờ nguôi trong tâm hồn chàng trai Lại Diễn Đàm. Về Bộ Nội thương, từ ham thích chuyển sang đam mê nhiếp ảnh từ lúc nào trong con người Lại Diễn Đàm không hay, bởi anh được chính danh cầm máy chụp ảnh tuyên truyền cho cơ quan.

Thích thú và chịu ảnh hưởng của những nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng lớp trước, Lại Diễn Đàm say mê tìm tòi, khám phá thế giới nghệ thuật nhiếp ảnh. Vừa công tác vừa lao vào học hỏi và sáng tác ảnh, Lại Diễn Đàm đã có những bước tiến nhanh trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh.

Năm 1982, Lại Diễn Đàm đã là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đến nay anh đã đạt được những tước hiệu cao trong nhiếp ảnh: E. FIAP (Nhà nhiếp ảnh xuất sắc của tổ chức Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế), E. VAPA-G (Nhà nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam). Về giải thưởng, ngay bản thân anh cũng không nhớ hết, khoảng hơn trăm giải thưởng vàng, bạc, đồng quốc tế và trong nước. Giới nhiếp ảnh Thủ đô thường nói vui: Lại Diễn Đàm không tham gia cuộc thi thì thôi, tham gia chắc chắn sẽ có giải; còn ảnh được treo là chuyện đương nhiên.

Theo quan niệm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm, nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như các ngành nghệ thuật khác là đi tìm và hướng tới cái đẹp. Tuy nhiên, nhiếp ảnh có cái riêng, đó là sự sáng tạo phải thông qua công cụ hết sức tinh vi là chiếc máy ảnh. Thời đại công nghệ hiện nay, máy ảnh kỹ thuật số ngày càng hiện đại hơn, cho phép người cầm máy dễ dàng thực hiện những thao tác mà ngày trước học mãi chưa chắc đã thuần thục...

Thế nhưng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là người cầm máy với "cái đầu" của mình. Trước khi bấm máy, trong đầu anh phải có cái gì! Phải hình thành những ý tưởng gì!...Từ đó anh mới vận dụng các yếu tố góc độ, ánh sáng, bố cục...Và trong bất cứ hình ảnh nào thì "cái thần" của sự việc, con người, cuộc sống... mới là điều quan trọng. Mà, muốn chộp bắt được cái thần nhiều khi chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, người nghệ sĩ phải là người có sự đồng cảm, rung cảm trước cuộc sống.

Chính lẽ đó nên Lại Diễn Đàm là người "say" cuộc sống với muôn vẻ đời thường của nó. Anh luôn luôn trăn trở và đi tìm vẻ đẹp dung dị, đời thường từ những diễn biến hàng ngày của cuộc đời. Chỉ riêng từ ban công tầng 3 ngôi nhà số 4 phố Đinh Liệt, Lại Diễn Đàm thường ngồi lì hàng vài tiếng để cho ra đời nhiều tác phẩm ảnh đặc sắc về cuộc sống người Hà Nội. Nếu như một người cầm máy không có những cảm quan, rung động, ý tưởng trong đầu thì ban công cũng chỉ là chỗ thi thoảng ngắm phố xá mà thôi.

Nói đến Lại Diễn Đàm là nói đến một nghệ sĩ nhiếp ảnh có rất nhiều ảnh đẹp, đặc sắc về Hồ Gươm. Anh thuận lợi hơn nhiều người bởi từ nhà anh ra Hồ Gươm có hơn trăm mét. Mọi sắc thái, diễn biến của Hồ Gươm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều được Lại Diễn Đàm thu vào ống kính theo cách cảm, cách nghĩ riêng của một nghệ sĩ trân trọng trước cuộc sống, trước báu vật trời ban cho Hà Nội. Say cuộc sống, thế nên Lại Diễn Đàm đã đặt chân đến hầu khắp mọi miền đất nước, những địa danh không thể bỏ qua như: Ruộng bậc thang Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái; Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn, với muôn vẻ sắc thái sinh hoạt của đồng bào vùng cao; rồi các vùng biển, đồng bằng ngút ngàn, mênh mông mùa lúa chín; các sinh hoạt làng nghề, lễ hội khắp các vùng miền...Một số tác phẩm ảnh nổi tiếng của anh được nhiều người biết và thích như: "Ra thăm đồng", "Thung lũng Tả wan", "Tình mẫu tử", "Đi chợ sớm", "Nghệ sĩ đẽo tượng Tây Nguyên"...

"Tôi rất thích đi chụp đời thường con người và cuộc sống" - Nghệ sĩ Lại Diễn Đàm tâm sự - "Tuy nhiên, dù đã đạt được một phần nào thành quả trong nhiếp ảnh, tôi vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn; bởi chưa phản ánh, lột tả được thật sâu nữa, đẹp nữa, hay nữa những vẻ đẹp của cuộc sống và con người Việt Nam ta thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh".

Nhiếp ảnh cũng như âm nhạc, hội họa là  nghệ thuật không biên giới. Cái đẹp đi thẳng vào lòng người dù anh ở đâu trên trái đất. Điều này được minh chứng qua Gallery ảnh Lại Diễn Đàm, số 4 Đinh Liệt.

Tác phẩm “Một cuộc đời” của nghệ sĩ Lại Diễn Đàm.

Năm 1992, Lại Diễn Đàm xin nghỉ mất sức và từ đó anh càng chuyên tâm cho những sáng tạo nhiếp ảnh. Thế nhưng cuộc sống là những chuỗi ngày mưu sinh và tồn tại. Sẵn nhà mặt phố cổ lại rất gần Hồ Gươm, Lại Diễn Đàm mở cửa hàng dịch vụ về ảnh, nhiều năm nay trở thành Gallery ảnh nổi tiếng; nơi cung cấp ảnh nghệ thuật đẹp về đất nước, con người Việt Nam cho mọi đối tượng cần. Khách hàng của Lại Diễn Đàm đủ cả Tây, Tàu, Á, Phi và người Việt Nam. Họ trầm trồ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam qua cách thể hiện tinh tế, giàu cảm xúc của người nghệ sĩ Lại Diễn Đàm, và đã bỏ tiền mua để được sở hữu.

Ảnh Lại Diễn Đàm đã phần nào mang phong cách, dấu ấn riêng của một nghệ sĩ trải đời và giỏi nghề. Cũng bởi từng học hội họa nên bố cục ảnh Lại Diễn Đàm thường hết sức chặt mà thoáng mở, nhiều bố cục lạ và khá độc đáo. Cũng hướng những rung động, cảm xúc vào cuộc sống đời thường nhưng ảnh của anh luôn có những phát hiện, bất ngờ, không trùng lắp, không là sự sao chép thuần túy; nhiều ảnh mang những triết lý, ý tưởng khá sâu sắc và gửi vào đấy một tâm hồn người nghệ sĩ có lòng vị tha, nhân ái... Cho dù hướng ống kính cùng vui, buồn, sẻ chia với cuộc sống đời thường hay ngợi ca, tôn vinh những vẻ đẹp thuần khiết, những vẻ đẹp ảo diệu thiên nhiên đất trời Việt Nam; ảnh Lại Diễn Đàm ngoài cái đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh còn hàm chứa một dung lượng thông tin thẩm mỹ với những ý tưởng nhân sinh được chuyển tải một cách đầy ngẫu hứng và tài hoa...

Vì vậy nên, nhiều người xem ảnh Lại Diễn Đàm đã nói: "Thấy nhớ quê hương da diết qua từng con phố nhỏ, ngõ xóm, từng con đường, bờ đê, gốc rạ hay một vài gương mặt hồn nhiên ai đó...". Và, người nghệ sĩ Lại Diễn Đàm cũng tự hào khi khẳng định một chân lý nghệ thuật: "Nghệ thuật không phải là thứ gì cao sang mà chính là những cái đẹp quanh ta nếu phát hiện ra, nhìn ra...".

"Sáng tạo nhiếp ảnh là một thứ cực nhọc, mất rất nhiều công sức và cả kinh tế. Các ngành nghệ thuật khác anh có thể ung dung ngồi nhà có máy điều hòa để thỏa sức cho tâm hồn bay bổng cùng những ý tưởng, những nhân vật, ý thơ...Nhà nhiếp ảnh không vác máy ra khỏi nhà, không "lăn" vào cuộc sống thì không thể có tác phẩm.

Muốn chụp được phong cảnh thì phải ra đi từ khoảng 3h sáng, rồi nào trèo núi băng đèo, rồi nào lỉnh kỉnh các dụng cụ hỗ trợ...nhiều khi như bộ đội ém quân chờ giờ nổ súng... Chụp đời thường cũng không đơn giản đâu, muốn bắt được cái thần của một điều gì đấy nhiều khi phải rình, chờ, tạo cơ hội, tạo sự ngẫu nhiên làm sao ảnh đạt mức chân thật nhất mà không sa vào gượng gạo hay bố trí...

Nói chung, đã đam mê thì mọi cái cũng thành quen cả thôi...". Người nghệ sĩ dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn Lại Diễn Đàm chân tình chia sẻ cùng tôi. Vâng, hẳn thế, không có sự sáng tạo nào đơn giản hay dễ dàng cả. Nhưng có chung một định đề, đó là sự đam mê. Không có đam mê không có sáng tạo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm gật gù tâm đắc cùng tôi.                                 

Hà Nội, 18/9/2015

Cao Minh
.
.