Người nông dân đang vắng bóng trong văn chương Việt

Thứ Bảy, 08/06/2019, 07:57
Mặc dù trong thực tại, nông thôn Việt Nam đang có nhiều biến động, sự phát triển, đổi thay đi kèm với nhiều vấn đề xã hội, tốt có mà tiêu cực cũng có. Nhiều vụ việc phức tạp ở nông thôn đã được phản ánh trên truyền thông, báo chí, nhưng riêng trong văn học, đề tài này đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành vùng... “đất trắng”.


Đây là một điều phi lý, bởi lẽ ra với một đất nước đa phần dân số gắn bó với nông nghiệp như nước ta, thì nông thôn phải là vùng đất màu mỡ cho ngòi bút nhà văn cày xới, gieo trồng.

Đi đến khắp các vùng nông thôn trên dải đất hình chữ S hôm nay, ở đâu chúng ta cũng có thể cảm nhận một sự thay đổi mạnh mẽ. Những ngôi làng đã khác xưa, khang trang hơn, sạch đẹp văn minh hơn. Người nông dân cũng đã khác xưa nhiều do sự dịch chuyển về cơ cấu sản xuất. Cảnh quan thiên nhiên khác, tâm lý người nông dân khác, quan hệ dòng họ, xóm làng cũng khác. Những thay đổi đó là hiển nhiên của thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa. Bao nhiêu cái khác đó đang đợi ngòi bút của nhà văn đến khai phá, tìm hiểu, phản ánh, sáng tạo.

Nhưng tiếc là điểm lại những đầu sách văn học viết về đề tài nông dân, nông thôn trong hơn chục năm trở lại đây, số lượng quá ít. Không chỉ số lượng ít, mà những tác phẩm thực sự vẽ cho ra chân dung của người nông dân hôm nay cũng hiếm hoi vô cùng. Hình ảnh người nông dân điển hình của xã hội nông thôn Việt thời kỳ mới, thời kỳ công nghệ dường như vẫn đang còn là bí mật, và độc giả còn phải chờ đợi.

Cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận” được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư.

Còn nhớ, trên một diễn đàn văn học mạng, trong một chủ đề bàn luận về văn học nông thôn, một độc giả có nick Thảo Dân chia sẻ: “Các nhà văn thử nghĩ xem, những người nông dân hôm nay như Đoàn Văn Vươn có phải là đang biểu hiện cho sự day dứt về nông thôn mới hay không?

Rồi những ngôi làng người dân mắc ung thư rất nhiều do ô nhiễm nguồn nước, do hóa chất, rác thải từ những khu công nghiệp đổ ra. Những con sông làm cá tôm, sinh vật bị tiêu diệt vì ô nhiễm. Những ngôi làng mưu sinh bằng nghề nhặt túi bóng trên các ụ rác thải thành phố đổ về. Những người nông dân không còn cánh đồng, phải bươn chải ra phố sống với nghề bán sức lao động, hay chật vật kiếm đồng lương ít ỏi trong những khu công nghiệp được xây dựng ngay trên chính cánh đồng họ gặt hái ngày xưa. Trong khi đó, lại có những người giàu bỏ phố về nông thôn xây biệt thự tập làm nông dân… Tất cả các vấn đề đó, báo chí viết nhiều, nhưng sao chưa thấy nhà văn đụng bút. Đó không phải là vấn đề của văn học hay sao, hay nhà văn không đủ tài?”.

Câu hỏi đó của độc giả là một câu hỏi ám ảnh người viết hôm nay, nếu họ thực sự ngẫm nghĩ, tư duy về đề tài nông thôn, nông nghiệp, và hình ảnh người nông dân. Dĩ nhiên, báo chí là phản ánh trực diện các vấn đề thời sự của cuộc sống đang diễn ra, bao giờ cũng nhanh hơn văn học. Văn học cần một độ lùi thời gian cần thiết. Nhưng ngay cả khi có độ lùi thời gian rồi, thì độc giả vẫn phải chờ đợi thêm nữa, vì nhà văn vẫn còn đang ngẫm nghĩ, hoặc là họ đã ngủ quên.

Nghĩ cho thật nghiêm túc thì chúng ta không phải thiếu nhà văn có tài như bạn đọc kia lo ngại. Vấn đề không nằm ở tài của nhà văn. Vấn đề đang nằm ở chỗ, liệu nhà văn có còn thực sự quan tâm đến đề tài nông thôn, đến người nông dân hay không?

Hiện nay, số lượng nhà văn trẻ theo dõi, đau đáu, viết về mảng đề tài này rất hiếm. Cả thập kỷ qua, điểm mặt điểm tên vẫn chỉ có những cây bút trẻ như Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Lưu Sơn Minh… gần đây có thêm Nguyễn Văn Học là người có tác phẩm viết về đề tài nông thôn được chú ý. Trong khi đó, số lượng người viết trẻ cầm bút khá đông đảo, và phần lớn họ cũng được sinh ra, lớn lên ở nông thôn.

Lý do là những người viết trẻ đó đa phần đều dịch chuyển về sống, làm việc tại các thành phố. Họ trở thành những người ngụ cư đô thị, gắn đời sống với đô thị. Nông thôn ngày càng lùi xa trong ký ức họ và trở thành hoài niệm, ký ức thì đúng hơn. Không mấy người quay về quan tâm tới nông thôn, hình ảnh người nông dân.

Viết về nông dân ngày càng trở nên khó khăn đối với họ. Bởi muốn viết được về người nông dân, phải sống cùng, phải trải nghiệm đời sống nông thôn thì mới có vốn để viết. Trong các thể loại văn xuôi như truyện ngắn, đặc biệt là tiểu thuyết, thì nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, không có vốn sống dày dặn về một vùng đất nhà văn rất khó có thể xây dựng tác phẩm hay, thuyết phục.

Có thể thấy, nhà văn trẻ không viết tác phẩm về nông thôn vì họ không có đời sống nông thôn. Họ trở thành những “nhà văn thị dân”.

Trong quá khứ chúng ta đã có rất nhiều nhà văn viết hay về nông thôn. Tác phẩm của họ đã tạo nên bộ mặt của văn chương Việt thời hiện đại. Những “Làng” của Kim Lân, “Chí Phèo” của Nam Cao, “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp, “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh…

Cảnh trong phim “Làng vũ đại ngày ấy” chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao.

Chính những tác phẩm về người nông dân đã làm nên tên tuổi của những nhà văn này. Tuy nhiên, phải thành thật mà nói, những nhà văn đó, trừ những người đã qua đời, còn lại dù có thể vẫn viết về nông thôn, nhưng với hạn chế về tuổi tác, tư duy, nếu tiếp tục, chưa chắc họ đã phản ánh được hình ảnh người nông dân hôm nay xuất sắc như họ đã từng. Đơn giản là nông thôn trong những năm đầu thế kỷ 21 đã trải qua quá nhiều biến động.

Nếu ở thế kỷ trước, hình ảnh người nông dân khá ổn định, dễ hình dung, thì trong hai thập kỷ số hóa đã qua, trong cơn bão công nghệ toàn cầu, nông thôn và người nông dân đã thay đổi nhanh chóng. Những thay đổi về ngoại cảnh nông thôn tác động đến những thay đổi về tâm lý của người nông dân trong các mối quan hệ láng giềng, họ hàng, dòng tộc.

Người nông dân hôm nay phức tạp hơn người nông dân thế kỷ trước. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn và vấn đề họ đối mặt cũng gai góc, quyết liệt hơn, trong đó nổi bật là vấn đề đất đai. Nhiều câu chuyện, nhiều vụ án liên quan đến vấn đề đất đai là nỗi nhức nhối trong xã hội nông thôn đã được báo chí phản ánh. Số phận của người nông dân hôm nay và những vấn đề của họ cần được giải mã trong các tác phẩm văn chương với sự nhanh nhạy, hiểu biết, thấu suốt của nhà văn, đặc biệt là nhà văn trẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Báo Nông thôn ngày nay phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”, như một cách để khuyến khích các nhà văn hướng ngòi bút của mình vào một đề tài lâu nay đang bị bỏ trống.

Người nông dân của hôm nay cần phải được hiện diện trong văn học đúng như vị trí của họ trong đời sống xã hội Việt và trong văn học Việt. Một đất nước hơn 80 triệu dân  với 80% dân số làm nông nghiệp mà văn học chỉ loanh quanh phản ánh chuyện phố phường, thành thị, những đề tài thời thượng thì xem chừng bức tranh văn học có phần bị méo mó.

Cố nhà văn Ngô Ngọc Bội từng nói: “Không phải ngày xưa mà đến tận bây giờ nông dân luôn là người đóng góp nhiều, song công lao được ghi nhận thì quá ít. Giờ ít người viết về nông thôn lắm. Cũng từ thực tế thôi vì có mấy ai gắn bó với nông thôn nữa đâu. Dần dần những tác phẩm viết hay về nông thôn sẽ hiếm và nhà văn sẽ bị hổng, hổng ghê gớm về nguồn cội của mình”.

Những cuộc thi sáng tác về đề tài nông nghiệp, nông thôn như vừa rồi cũng chính là một cách để kéo nhà văn quay về quan tâm đến quê hương, làng mạc của mình. Họ đang đi quá xa đến mức cảm giác như lãng quên dần nguồn cội. Nguy cơ hình ảnh người nông dân đang mất dần trong văn học là  có thật. Tuy nhiên, một vài cuộc thi như vậy chưa đủ để “vực” dậy một đề tài lớn như nó phải đương nhiên hiện hữu trong đời sống văn học.

Cần nữa một sự quan tâm đầu tư của Hội Nhà văn, qua các đợt đi thực tế sáng tác, những trại viết dành cho nhà văn quan tâm đến nông thôn. Giải thưởng văn học chuyên về đề tài nông thôn được trao hàng năm cũng là một gợi ý không tồi. Các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản cần chăm lo nhiều hơn cho các xuất bản phẩm văn chương về đề tài nông thôn, chứ không chỉ chăm chăm đuổi theo các đề tài thời thượng câu khách như bấy lâu nay.

Nhưng cao hơn tất cả, phải là cái Tâm, cái Tình của nhà văn dành cho nông thôn, cho người nông dân một cách thực sự. Làm sao để tự thân mỗi người cầm bút phải nhận ra trách nhiệm, tình yêu của mình với nông thôn nguồn cội. Chỉ có cái đáy là tình yêu đó mới thúc đẩy họ tích cực tìm hiểu, trải nghiệm, gắn bó với nông thôn và nông dân. Những tác phẩm hay về đề tài này cũng vì thế mà có thể hy vọng. Bởi xét cho cùng, không ai có thể bắt buộc nhà văn viết về đề tài này hay đề tài kia, nếu như họ không thực sự thấy yêu, đam mê và trách nhiệm với đề tài đó.

Bình Nguyên Trang
.
.